NSƯT Kiều Hưng: Sáu năm vật lộn với bệnh tai biến để tìm lại giọng hát

Trải qua một cơn tai biến “thập tử nhất sinh”, sức khỏe của NSƯT Kiều Hưng bị suy giảm đi rất nhiều. Thế nên, kể từ năm 2011 trở lại đây, dù vẫn đi về giữa Việt Nam và Đức nhưng ông không tham gia bất kỳ một chương trình âm nhạc nào đúng nghĩa.

Bỗng một ngày, Kiều Hưng làm khán giả hết sức bất ngờ khi xuất hiện trong chương trình “Giai điệu tự hào” và liveshow của Trọng Tấn với những bản tình ca quen thuộc...
NSƯT Kiều Hưng: Sáu năm vật lộn với bệnh tai biến để tìm lại giọng hát

NSƯT Kiều Hưng và ca sỹ Trọng Tấn trong liveshow vừa diễn ra vào tối 20/9 ở Hà Nội. Ảnh: Hà Tùng Long

Sáu năm “bất hạnh”

NSƯT Kiều Hưng kể, năm 1995 gia đình ông qua CHLB Đức định cư. Thời gian đầu, ông vẫn tham gia đều đặn các chương trình âm nhạc cộng đồng phục vụ bà con người Việt xa xứ ở Đức, Pháp, Tiệp và Mỹ. Dù xa Tổ quốc nhưng đi đến nơi đâu tiếng hát của ông cũng làm thổn thức trái tim của những người yêu nhạc Việt. Vì lẽ đó, rất nhiều du học sinh người Việt ở Đức đã tìm đến nhờ ông dạy nhạc. Thế rồi, vào một đêm của năm 2008, nghe ông gọi ú ớ bên cạnh, vợ ông cứ nghĩ chồng mình ngủ mê nên không để ý. Đến sáng hôm sau, không thấy ông dậy cùng như thường lệ, bà gọi thì người ông đã lạnh ngắt, tay chân liệt, miệng cứng không nói được dù vẫn còn tỉnh táo. Con trai ông là nhạc sỹ Kiều Hải vội vàng gọi xe cấp cứu đến đưa ông vào bệnh viện.

Lúc đầu, bác sỹ chẩn đoán ông bị vỡ mạch máu não nên có thể sẽ phải phẫu thuật để hút máu tụ trong não. Nhưng sau đó, kiểm tra lại bác sỹ phát hiện không phải vỡ mạch máu mà là tắc một mạch máu ở phía sau gáy bên trái. Khi vào bệnh viện ông đã bị liệt hoàn toàn tay và chân bên phải, mất hoàn toàn trí nhớ. Phải hơn 10 ngày sau, nhờ sự tích cực chữa trị của các bác sỹ, ông đã dần hồi phục nhưng trí nhớ không thể trở lại như xưa.

Nhớ lại khoảng thời gian gần 6 năm cùng chồng vật lộn với căn bệnh tai biến mạch máu não, bà Việt Bắc (vợ NSƯT Kiều Hưng) không khỏi rơm rớm nước mắt. Trước đó, ông đã từng nói với bà, bất hạnh lớn nhất của người nghệ sỹ là không còn hát được nữa vì thế nỗi lo lớn nhất của bà lúc đấy là sợ ông không thể nào hát trở lại được nữa. Để ông sớm phục hồi sức khỏe, bà lên hẳn kế hoạch tập luyện rất chi tiết. Hàng ngày, ông phải tập đi lại nhiều lần trong khuôn viên nhà, tập đánh đàn piano cho tay dẻo lại, rồi đọc thật to các bài báo hoặc những mẩu truyện trong sách để giọng nói được rõ trở lại. Ngoài ra, hàng ngày bà còn “bắt” ông phải trò chuyện thường xuyên để trí não hoạt động liên tục.

“Nhiều khi nhìn thấy ông ấy rất vất vả và đau đớn vì phải tập luyện mà tôi chảy nước mắt, nhưng quan điểm của tôi là hướng dẫn cho ông làm rồi đứng bên cạnh quan sát chứ không làm thay. Như thế ông mới nhanh phục hồi được”, bà Việt Bắc tâm sự.

Cuối năm 2009, gia đình muốn đưa ông về Việt Nam để châm cứu và điều trị bằng thuốc nam nhưng vì sức khỏe của ông còn yếu, lo ngại đường xa đi máy bay không an toàn nên lại thôi. Đến năm 2011, thấy sức khỏe của ông tạm thời ổn định nên gia đình quyết định đưa ông về nước chữa trị bằng vật lý trị liệu. Ông được đích thân GS Nguyễn Tài Thu châm cứu và bốc cho 100 thang thuốc.

Cũng trong dịp này, Nhà hát Ca múa nhạc Trung ương tổ chức kỷ niệm 60 năm ngày thành lập và mời ông đến dự (NSƯT Kiều Hưng là một trong những thế hệ đầu của nhà hát). Hôm đó, lần đầu tiên ông trở lại với sân khấu sau 6 năm ngã bệnh.

Người bạn đời thầm lặng

Nhắc đến NSƯT Kiều Hưng, không thể không nhắc tới bà Việt Bắc. Ông và bà đến với nhau khi ông đã 48 tuổi, còn bà đã 31 tuổi. Bà chia sẻ, lúc đầu bà chỉ cảm mến ông bởi ông có giọng hát trong trẻo, truyền cảm. Nhưng khi tiếp xúc, thấy ông là một người hiền lành, đôn hậu, chất phác… bà đã đem lòng yêu ông. Mối tình giữa hai người sớm nảy nở và đơm hoa kết trái bằng hai người con, một trai, một gái. Con trai Kiều Hải tốt nghiệp Sư phạm âm nhạc Onsavich (Đức), hiện vừa dạy học, vừa mở trường dạy nhạc jazz. Con gái Mỹ Hương học Quản trị kinh doanh ở Mỹ và đã có gia đình riêng. Ngày bé, ông hay chở con gái đi học piano và cũng muốn con theo nghệ thuật nhưng Mỹ Hương từ chối: “Thôi bố đi hát, anh đánh đàn, còn con sẽ bán vé thu tiền”. Hiện tại, ông bà sống cùng con trai cả ở thành phố Beclin (Đức). Nhà của ông bà cách khu DongXuan Center không xa và có rất nhiều người Việt sinh sống. Ông bảo, ông là người sống đơn giản, chân chất, không khéo ăn khéo nói… nên nếu không có bà đồng hành cùng ông trong cuộc sống đôi lúc ông không biết phải xoay xở ra sao. Với ông, bà không chỉ là người nhóm lửa hạnh phúc hôn nhân mà còn là một tri kỷ theo đúng cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

Chia sẻ về gia tài âm nhạc của mình, NSƯT Kiều Hưng cho biết, ngoài những ca khúc đã làm nên tên tuổi của ông, còn có khoảng 30 bài hát do ông sáng tác. Những ca khúc này thường được ông viết trong những lúc nhớ nhà hoặc về những kỷ niệm cũ hiện về trong ký ức. Đặc biệt, khi đọc “Mãi mãi tuổi 20” của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, ông rất xúc động trước những vần thơ của anh. Vì thế, ông đã phổ nhạc cho bài thơ của liệt sĩ thành 3 bài hát. Năm 2012, trong dịp về nước, ông đã tặng 3 bài hát này cho anh trai liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc và được anh trai liệt sỹ tặng lại một cuốn sách.

NSƯT Kiều Hưng tâm sự rằng, ông đã từng biểu diễn rất nhiều nơi nhưng không nơi nào cho ông nhiều cảm xúc bằng quê nhà. Mới đây, khi đi du lịch ở Nha Trang, ông vừa bước ra bãi biển đã có nhiều người nhận ra ông nên lại gần bày tỏ lòng hâm mộ. Nhiều người yêu cầu ông hát tặng họ một đoạn và ông liền đứng ngay bên bờ biển cất tiếng hát một cách rất tự nhiên. Được hát cho mọi người, lòng ông cũng phơi phơi niềm vui, suốt cả đêm ấy ông cứ lâng lâng không ngủ. Đó cũng là lý do ông muốn trở về quê hương, nơi ông sinh ra và lớn lên, nơi ông có những khán giả hết mực yêu thương, cho ông nhiều kỷ niệm… để sống cho những tháng ngày còn lại của cuộc đời.

Theo Hà Tùng Long
Gia đình & Xã hội