NSƯT Đức Trung chia sẻ kỷ niệm xúc động về Lưu Quang Vũ
(Dân trí)- Một cảm xúc thật kỳ lạ, cứ như chuyện đang xảy ra hôm qua ở đâu đó, khi tấm màn nhung đêm diễn đầu tiên:“Lời thề thứ 9” của Đoàn kịch 2 Nhà hát Tuổi trẻ vừa khép lại.
Trước tiên xin chúc mừng một quyết định sáng suốt của lãnh đạo và Đoàn kịch 2 Nhà hát Tuổi trẻ đã phục dựng:“Lời thề thứ 9” vở kịch mà ai đã từng sống với nó trong các vai diễn 24 năm về trước không thể nào quên. Một vở diễn hay, vui, xúc động và nóng hổi tính thời sự.
Thành công này của Đoàn Kịch 2, sống dậy trong tôi những kỷ niệm tuyệt vời của 24 năm trước. Đúng là một chuyến đi lịch sử, hai tiếng “lịch sử” ở đây, không phải chuyện gì to tát, nhưng với Nhà hát Tuổi trẻ, cuộc hành trình xuyên Việt với chương trình nghệ thuật đặc biệt mang nhiều ý nghĩa và ấn tượng sâu sắc, để lại trong lòng khán giả những tình cảm quý báu, một đợt diễn gặt hái thành công ngoài sự mong đợi.
Trung tuần tháng 10 năm 1988 Đoàn kịch Nhà hát Tuổi trẻ, (Năm 1998 mới chia 2 đoàn, Đoàn Kịch 1, Đoàn Kịch 2) đợt biểu diễn bắt đầu từ thành phố biển Nha Trang rồi tiến quân vào thành phố Hồ Chí Minh, lên Tây Nguyên, xuống Bình Định, ra Quảng Nam, Đà Nẵng, TP Huế, rồi mới trở về Hà Nội ăn tết Nguyên đán.
Năm 1988 là năm tác giả Lưu Quang Vũ cùng người vợ, nhà thơ Xuân Quỳnh và đứa con út thân yêu ra đi, “Lời thề thứ 9” đã được hai đoàn: Đoàn kịch Quân đội và Nhà hát Tuổi trẻ dựng đầu tiên, cách nhau chưa đầy một tháng, công diễn song song hai rạp khác nhau tại Hà Nội mà khách vẫn đông nườm nượp.
Hành trình phương nam đợt ấy, chúng tôi mang theo tình yêu tác phẩm và hương hồn một tài năng quá cố, được sự phù hộ của trời đất, đến TP Nha trang sau cuộc hành quân thần tốc, triển khai diễn tại rạp Tân Tân trong mưa bão, mỗi ngày hai, ba xuất.
Tại thành phố Hồ Chí Minh, một lần nữa hai đoàn: Kịch Quân đội và Nhà hát Tuổi trẻ lại đụng đầu song song biểu diễn.
Chúng tôi lại nhận được từ khán giả sự khích lệ vô giá. Có những khán giả từ các tỉnh, thành phố lân cận, nghe tin vở hay cũng đổ về thành phố Hồ Chí Minh để xem, Chính vì thế ăn tết Nguyên Đán xong, chúng tôi lại khăn gói lên đường. mời đạo diễn Phạm Thị Thành mang vở kịch: “Điều không thể mất” cũng của TG Lưu Quang Vũ, vào khởi công tại Đà Nẵng, vừa lưu diễn vừa dựng vở, để “Hành trang” kịch mục thêm phong phú, tận dụng thời tiết mùa mưa chưa tới, diễn được nhiều hơn, mang chương trình tới tận các tỉnh thành thuộc đồng bằng sông Cửu Long, Tây nguyên, miền Trung để diễn.
Sức sống lâu bền của vở diễn là đầu năm 2000 chúng tôi đã diễn lại vở đó cũng tại Hà Nội, TP Hồ Chi Minh và các tỉnh phía Nam vẫn “ăn khách”.
Phải chăng Tài năng của Nhà Viết Kịch Lưu Quang Vũ chính là tính dự báo cao và chất trẻ trung mang nhịp sống thời đại. Một vở kịch có sức hút như ma lực, từ người diễn cho đến người xem
Trong thời điểm hiện tại, trước cuộc vận động thực hiện nghị quyết Trung ương 4, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên, đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng thì vở kịch “ Lời thề thứ 9 ” chưa thể đi vào dĩ vãng.
Sau đúng 24 năm, Đoàn kịch 2 Nhà hát Tuổi trẻ dựng lại, vẫn theo bản diễn của Đạo diễn Xuân Huyền, vẫn sắc sảo và hóm hỉnh, tôi tin rằng sẽ vẫn chinh phục được đông đảo khán giả, một lớp khán giả mới thông minh luôn trăn trở, khát khao về một xã hội công bằng, bức xúc với những bất công vô lý tràn lan đó đây, sẽ tìm được sự đồng cảm, qua những nhân vật trong “ Lời thề thứ 9 ”, đặng thêm dũng khí trong cuộc chiến chống lại những bất công, tham nhũng vì sự tiến bộ trong sạch xã hội.