NSƯT Chiều Xuân mong ngôi nhà 65 Nguyễn Thái Học sớm trở thành địa chỉ văn hóa
(Dân trí) - Mặc dù đám cháy ở tầng 1 khu nhà 65 Nguyễn Thái Học (Hà Nội), nơi sinh sống của hàng chục hộ dân trong đó có gia đình NSƯT Chiều Xuân đã cơ bản được dập tắt. Tuy nhiên, cho đến bây giờ NSƯT Chiều Xuân vẫn chưa hết bàng hoàng và lo lắng.
NSƯT Chiều Xuân cho biết, sự cố hoả hoạn xảy ra vào chiều qua (23/10) là biến cố đặc biệt của gia đình chị nói riêng, khu nhà 65 Nguyễn Thái Học nói chung. May mắn là đám cháy đã được dập tắt, không gây tổn thất nhiều về người và của cải nhưng sự lo âu, hoang mang vẫn còn nguyên vẹn.
Theo NSƯT Chiều Xuân thì đã hơn 7 năm qua, 20 hộ dân toàn văn nghệ sĩ, trí thức sống tại số nhà 65 Nguyễn Thái Học đã phải sống trong nỗi sợ hãi cháy nổ, sập nhà… Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do sự lấn chiếm, đập phá tường chịu lực, hạ nền móng của toàn bộ khu nhà, đấu nối điện không an toàn của các hộ kinh doanh tranh tại tầng 1. Không những thế, không gian chung, lối đi… cũng bị chiếm dụng làm nơi chứa khung tranh.
“Đến tấm bảng ghi tên các danh nhân của nền văn học nghệ thuật Cách mạng Việt Nam như: nhạc sỹ Đỗ Nhuận, hoạ sỹ Nguyễn Phan Chánh, Trần Đông Lương, Văn Giáo, Nguyễn Sáng, Mai Văn Hiến, nhà văn Vũ Tú Nam, nhà văn Thanh Hương... cũng bị che lấp bởi những đồ trang trí rẻ tiền. Tấm bảng là tấm bảng nhưng nó còn là cả một niềm tự hào của các thế hệ văn nghệ sĩ đáng kính. Nhưng họ sẵn sàng "ngồi lên" tất cả”, Chiều Xuân đau lòng nói.
NSƯT Chiều Xuân cho biết thêm, gia đình chị cùng 20 hộ dân sống tại ngôi nhà này đã từng gửi đơn đi nhiều cơ quan nhưng vẫn chưa được giải quyết. Điều này khiến các hộ dân sống ở đây với tâm lý vô cùng lo sợ và căng thẳng.
“Ai là người cứu lấy chúng tôi, những người dân lương thiện nhỏ bé. Ai cứu lấy một địa chỉ văn hoá và lịch sử của Hà Nội hay để đến khi nó sập xuống như nhà ở Trần Hưng Đạo mới "vào cuộc", "rút kinh nghiệm" và lại chìm như biết bao vụ việc khác…”, NSƯT Chiều Xuân kêu cứu.
“Cả gia đình tôi cùng 20 hộ dân ở đây sẽ tiếp tục bảo vệ khu nhà văn nghệ sĩ này, nơi gìn giữ ký ức và niềm tự hào của Hà Nội. Biết đâu một ngày, nơi đây sẽ được trở thành một bảo tàng danh nhân, một không gian nghệ thuật và triển lãm đích thực để không còn những thứ "tranh nhái" hàng ngày vẫn nhanh nhản giữa lối đi của những người làm nghệ thuật đích thực”, bà xã nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nói thêm.
Được biết, khu nhà 65 Nguyễn Thái Học hiện nay vốn là ngôi biệt thự của cụ Cự Lĩnh, một chủ thầu khoán lớn của Hà Nội thời thuộc Pháp. Ngôi biệt thự được xây dựng theo kiến trúc Pháp với kết cấu 3 tầng, mỗi tầng có 4 phòng riêng biệt. Sau giải phóng Thủ Đô, biệt thự trở thành cơ quan của Hội Mỹ thuật Việt Nam, sau là chỗ ở của các anh em văn nghệ sỹ.
Cư dân của ngôi biệt thự này là các hoạ sỹ Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Trần Đông Lương, Mai Văn Hiến, Văn Giáo, nhà điêu khắc Song Văn, Huỳnh Văn Gấm, Nguyễn Văn Lý, nhạc sỹ Đỗ Nhuận, nhà văn Nguyễn Đình Thi, Vũ Tú Nam... ngoài ra còn có những người từng đến rồi đi như nhà điêu khắc Diệp Minh Châu, hoạ sỹ Dương Bích Liên, nhà văn Nguyễn Văn Bổng....
Năm 1994, TS Đào Ngọc Nghiêm - nguyên KTS trưởng TP Hà Nội là người trực tiếp tham gia xây dựng đề án "Quản lý quỹ nhà biệt thự TP Hà Nội" trình UBND Thành phố đã kiến nghị phải giữ lại trên 500 biệt thự có giá trị, trong đó có ngôi biệt thự 65 Nguyễn Thái Học, nơi từng được gọi là "Nhà danh nhân". Hiện tại, có khoảng 100 nhân khẩu đang sống tại ngôi biệt thự cổ này.
Hà Tùng Long