NSƯT Chí Trung nhận giải đạo diễn tại Liên hoan sân khấu Lưu Quang Vũ

(Dân trí) - 12 vở diễn tham gia Liên hoan Sân khấu kịch Lưu Quang Vũ đã nhận giải Vàng, giải Bạc vào sáng 16/9 tại rạp Công Nhân.

Sáng 16/9 đã diễn ra lễ bế mạc liên hoan các vở diễn của tác giả Lưu Quang Vũ tại rạp Công Nhân- Tràng Tiền- Hà Nội.
Lưu Quang Vũ là một hiện tượng của sân khấu. Để tưởng nhớ nghệ sĩ tài năng này, từ ngày 9-16/9 các vở diễn của tác giả Lưu Quang Vũ được tái hiện lại trên sân khấu Kịch Hà Nội, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân.

Lưu Quang Vũ sinh ra tại xã Thiệu Cơ, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ nhưng quê gốc lại ở phường Hải Châu, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng, là con trai nhà viết kịch Lưu Quang Thuận và bà Vũ Thị Khánh, và tuổi thơ sống tại Phú Thọ cùng cha mẹ. Khi hoà bình lập lại (1954) gia đình ông chuyển về sống tại Hà Nội. Thiên hướng và năng khiếu nghệ thuật của ông đã sớm bộc lộ từ nhỏ và vùng quê trung du Bắc Bộ đó đã in dấu trong các sáng tác của ông sau này.

Chí Trung nhận giải đạo diễn xuất sắc


Người nghệ sĩ tài năng này đã từng sống những năm tháng tuổi trẻ trong chiến tranh, vào bộ đội chiến đấu và trở về sống trong một thời kỳ khó khăn của nước nhà: thời hậu chiến, kinh tế bao cấp với chồng chất khó khăn, cơ cực. Các vở kịch, truyện ngắn, thơ của Lưu Quang Vũ giàu tính hiện thực và nhân văn cũng như in đậm dấu ấn của từng giai đoạn trong cuộc sống của ông. Với tuổi đời còn khá trẻ, 40 tuổi ông đã là tác giả của gần 50 vở kịch và hầu hết các vở kịch của ông đều được các đoàn kịch, chèo gây dựng thành công dưới sự chỉ đạo của nhiều đạo diễn nổi tiếng. Rất nhiều các tác phẩm của ông đã làm sôi động sân khấu Việt nam thời kỳ đó như: Hồn Trương Ba da hàng thịt, Lời thề thứ 9, Bệnh sĩ, Khoảnh khắc và vô tận, Ông không phải bố tôi, Tôi và chúng ta, Tin ở hoa hồng, Nàng Sita, v.v. Vở kịch đầu tay "Sống mãi tuổi 17" được trao tặng Huy chương vàng Hội diễn sân khấu. Lưu Quang Vũ được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 2 (năm 2000) về nghệ thuật sân khấu.

Đang ở đỉnh cao của nghệ thuật, Lưu Quang Vũ bị tai nạn giao thông bất ngờ và mất. Anh ra đi để lại trong chúng ta sự tiếc thương vô hạn. Để tưởng nhớ Lưu Quang Vũ, từ ngày 9-16/9 các vở diễn của tác giả Lưu Quang Vũ được tái hiện lại trên sân khấu Kịch Hà Nội. Những vở diễn được dàn dựng lại vẫn thu hút được đông đảo người xem, đặc biệt là một bộ phận lớn thanh thiếu niên, đã khẳng định tài năng của Lưu Quang Vũ và giá trị nghệ thuật các tác phẩm của anh.

Chí Trung nhận giải đạo diễn xuất sắc


Sáng ngày 16/9 nhân Lễ Tổ sân khấu (12/8 âm lịch), các anh chị em nghệ sĩ hội họp lại, bàn về những gì đã làm được và những gì chưa làm được trong năm qua, khích lệ, động viên tinh thần cho nhau, đề ra mục tiêu phấn đấu trong năm nay. Nhân ngày sân khấu Việt Nam, Ban tổ chức trao bằng khen ghi nhận sự đóng góp của các tập thể, cá nhân cho các loại hình sân khấu: Kịch, chèo, múa rối, xiếc, cải lương…

Riêng Liên hoan các vở diễn của tác giả Lưu Quang Vũ Ban tổ chức đã trao 16 giải vàng, 34 giải bạc cho diễn viên tham dự và một giải đạo diễn cho NSƯT Chí Trung với vở “Mùa hạ cuối cùng”. Nhà hát Tuổi Trẻ "bộ thu" với 4 giải Vàng dành cho các cá nhân như diễn viên Minh Phương (Lời thề thứ 9), NSƯT Đức Khuê (Mùa hạ cuối cùng), Tùng Linh (Mùa hạ cuối cùng), Duy Nam (Lời thề thứ 9) và 9 giải bạc.

Lưu Quang Vũ có một kho tàng đồ sộ khoảng 50 kịch bản, đã được dàn dựng và biểu diễn trong nhiều năm qua. Nhưng trong liên hoan lần này chỉ khiêm tốn có 12 vở, trong đó có 7 vở kịch nói, 2 vở chèo, 1 vở cải lương, 1 vở dân ca Cung đình Huế và một vở kịch hình thể.

Chí Trung nhận giải đạo diễn xuất sắc


Tại lễ trao giải, nhà lý luận phê bình sân khấu Hồ Thi, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo đã chia sẻ cảm nghĩ và nêu lên những đánh giá của mình: “12 vở diễn tham dự Liên hoan không hoàn toàn là những vở tiêu biểu, xuất sắc nhất của tác giả Lưu Quang Vũ mà phần lớn là những vở đã được dàn dựng từ lâu ở các đơn vị nghệ thuật, nay được làm mới lại để tham gia liên hoan. Qua 12 vở diễn chúng ta có thể thấy được diện mạo sân khấu của Lưu Quang Vu là vô cùng phong phú và đa dạng cả về mặt nội dung lẫn hình thức, cả về mặt đề tài lẫn thể tài. Do đó đáp ứng được hầu hết các hình thức sân khấu Việt Nam từ Bắc vào Nam là điều không phải tác giả nào cũng có thể làm được.”

Làm nghề thuật đòi hỏi người nghệ sĩ phải sáng tạo không ngừng. Để dựng lại những vở diễn của Lưu Quang Vũ không phải dễ, bởi những vở đó đã từng có tiếng vang lớn. Một số vở diễn còn nhiều yếu kém, điển hình như ở vở kịch “Hồn Trương Ba da hàng thịt” của Nhà hát Kịch Việt Nam do quá bám sát kịch bản, thiếu những tìm tòi thể hiện mới, dẫn đến thiếu những lớp cao trào để tạo ra những phút thăng hoa cho diễn viên. Cách lý giải chủ đề không mới, thông điệp khán giả tiếp thu được chưa tinh tế. Do đó, dù nghệ sĩ có nhiều cố gắng cũng không đem lại những hiệu quả nghệ thuật cần thiết.
 

Chí Trung nhận giải đạo diễn xuất sắc

Những ngày diễn ra liên hoan một lượng khán giả lớn đến xem và ủng hộ kịch Lưu Quang Vũ thực sự là hiếm thấy trong các kỳ liên hoan khác. Điều này đã thêm phần khích lệ tinh thần của các nghệ sĩ.

Một điểm sáng nữa trong liên hoan, đó là dàn diễn viên trẻ tài năng, yêu nghề, nhiệt tình và sáng tạo, đã giúp mang lại hơi thở mới cho mỗi vở diễn, thoát khỏi lối mòn xưa cũ. Liên hoan lần này làm dậy lên một làn sóng, đưa khán giả trở lại với sân khấu ngày một nhiều hơn.

 
 
Trúc Diệp