NSND Trà Giang: Vẫn thương nhớ nghề diễn

Cả tháng Tư, Trà Giang bận bịu sửa căn phòng 45m2 ở chung cư trên đường Phạm Ngọc Thạch, nơi hơn chục năm nay chị vẽ tranh mỗi ngày: “Con gái Bích Trà sắp về làm việc ở nhà một thời gian, sửa phòng tranh lấy chỗ cho Trà tập đàn. Không có cảnh “điền viên” con đàn, mẹ vẽ đâu vì khi Trà đàn, không gian phải hoàn toàn im lặng”.

Túc tắc làm họa sĩ

Sau hơn 10 năm, Trà Giang với sự giúp đỡ nhiệt tình của bạn bè mới tổ chức triển lãm cá nhân lần hai vào ngày 10.1.2016 ở Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM. “Vui khôn xiết! Bạn bè, đồng nghiệp cũ, người thân tới xem tranh, chia vui. Đặc biệt vui là triển lãm 30 bức, sau triển lãm, bán gần hết tranh. Có bán được tranh mới có tiền để vẽ tiếp - nói vui là tái sản xuất, chứ lương hưu của mình sao đủ cho… thú vui nghệ thuật - chị cười - Tôi có cảm hứng với cái gì thì vẽ cái đó. Chủ yếu là phong cảnh và hoa. Thích nhất là hoa violet. Sài Gòn không có hoa này. Chỉ gần Tết, có người từ Hà Nội mang vào mới có hoa đẹp để trưng, và vẽ. Tôi cũng hay vẽ hoa ly. Hoa ly thường cũng là hoa mình hay trưng”. Đầu tháng 3 vừa rồi, nhân lễ hội áo dài ở Văn Miếu, Hà Nội, nhà thiết kế Minh Hạnh lựa tranh hoa ly của Trà Giang, làm ra những mẫu áo dài đẹp cho người lớn, và cho trẻ em. Trà Giang, cũng như những người đẹp của điện ảnh Việt một thời Thanh Tú, Như Quỳnh, Minh Châu, Thanh Loan, Ngọc Lan… lần đầu được mời lên sàn catwalk làm người mẫu, vừa ngượng nghịu lại cũng vừa… sáng trưng một niềm vui…

NSND Trà Giang: Vẫn thương nhớ nghề diễn - 1

“Cuộc sống của tôi bây giờ an nhàn lắm, trước, cứ đúng 5 giờ dậy, thể dục, ăn sáng, đúng 8 giờ vẽ. Không có chuyện giờ caosu. Nay thì túc tắc vẽ, thích thì vẽ, thường vẽ vào buổi sáng thôi”, Trà Giang bảo.

Ký ức về o Thảo

Lần ra Hà Nội gần đây nhất với Trà Giang, tất nhiên là hôm trao giải Cánh diều, 20.4 vừa rồi. Chị nói, “Cứ mỗi lần ra Bắc, dự sự kiện hay được bạn bè mời là vui khôn xiết đấy! Tôi sống 35 năm ở đất Bắc, bạn bè nhiều, chờ mình ra, đưa đi chơi, có khi đơn giản chỉ là dùng bữa cơm nơi lưng chừng núi Ba Vì. Tôi nhiều kỷ niệm ở miền Bắc lắm vì cứ nghĩ, chỉ người miền Nam tập kết với nhau mới hiểu hết niềm vui vỡ òa trong ngày 30.4.1975. Hôm đó tôi đang làm phim “Ngày lễ thánh” và nhớ trước đó, sau liên hoan phim lần thứ 3 ở Hải Phòng, tháng 3.1975, nhiều nghệ sĩ giỏi nghề - lực lượng chính của Xưởng phim truyện Việt Nam (số 4 Thụy Khê, Hà Nội) chuẩn bị lên đường vào Nam, các anh Hải Ninh, Trần Vũ, Hoàng Tích Chỉ, Khánh Dư, Đặng Nhật Minh, Trần Trung Nhàn… Buổi tiễn đưa bịn rịn và nhiều lo lắng…

Thật may, không ai hy sinh, và sau đó điện ảnh nước nhà có nhiều thước phim, bộ phim quý giá về những ngày tháng Tư lịch sử. Tháng 3.1975, ba tôi - đạo diễn, NSƯT Nguyễn Văn Khánh đang ở chiến trường miền Trung. Ông tham gia đoàn quân giải phóng, tiếp quản Đà Nẵng. Ông đi chiến trận đợt đầu 1965 - 1968, tham gia dàn dựng nhiều chương trình sân khấu, đào tạo nghệ sĩ trẻ. Tháng Tư 1975, như nhiều gia đình tập kết, nhà tôi chờ đón ngày về quê. Tháng 10.1975, mẹ và 3 em về miền Nam, riêng tôi bận làm phim, chưa về được, sốt ruột lắm. Tết 1975 sang 1976 - Tết đoàn viên, tôi mới về quê nội ở Quảng Ngãi, quê ngoại ở Phan Thiết - nơi tôi sinh ra, về Nha Trang thăm mẹ. Ba mẹ tôi chọn sống ở Nha Trang vì là điểm giữa Quảng Ngãi và Phan Thiết - đi về hai quê cho tiện, để họ hàng hai bên đều thấy hài lòng. Về thăm quê, nhiều người nhận ra mình là chị Dịu, gặp ai, cũng rưng rưng niềm vui đoàn tụ.

Một tác phẩm của Trà Giang.
Một tác phẩm của Trà Giang.

Lại nhớ năm 1970, chuẩn bị làm phim “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, Xưởng phim tổ chức đoàn đi thực tế ở Quảng Trị. Tôi ghi nhật ký nên giữ được nhiều ký ức về những cuộc gặp với người dân Quảng Trị, sống dưới địa đạo, gặp các chiến sĩ ở bờ Nam, bến đò sông Tùng Luật (Vĩnh Linh), với o Hoàng Thị Thảo ở làng Cát (Triệu Phong) - một trong những nhân vật - người mẫu của nhân vật Dịu trong phim “Sự hy sinh của gia đình o Thảo” làm tôi rất xúc động. Nhờ chuyến đi nhiều kỷ niệm, tôi như sống trọn vẹn cảm xúc với nhân vật chị Dịu. O Thảo hy sinh năm 1971, phim hoàn thành 1972. Năm 1999, tôi về Quảng Trị, cầm theo tấm ảnh chụp chung với o Thảo, tìm nhà o. Cảnh vật thay đổi nhiều. May mắn, ô tô đậu trước cửa Huyện ủy Gio Linh, đồng đội cũ của o Thảo nhìn ảnh, nhận ra, đưa mình về thăm nhà o. Năm 2012, kỷ niệm 40 năm Giải phóng Quảng Trị, và 40 năm phim “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, đoàn làm phim được mời về thăm Quảng Trị, chỉ có tôi và anh Đoàn Dũng (vai Vệ) về, các anh Hoàng Tích Chỉ, Hải Ninh không đi được vì sức khỏe yếu. Năm 2014, về Quảng Trị, tôi cũng ghé thăm gia đình o Thảo. Đứng bên cầu Hiền Lương chụp bức hình, rưng rưng quá…”.

NSND Trà Giang (phải) vai Nhân trong phim Ngày lễ Thánh.
NSND Trà Giang (phải) vai Nhân trong phim "Ngày lễ Thánh".

Nhớ nghề

Kể từ vai diễn đầu tiên trong phim “Một ngày đầu thu” của đạo diễn Huy Vân năm 1962, khi tròn 20 tuổi, tới 1989 với vai diễn trong phim “Dòng sông hoa trắng” của đạo diễn Trần Phương, qua 27 năm, Trà Giang có 15 vai, phần lớn là phim đề tài chiến tranh. “Chị có nhận lời đóng phim nữa không? Một bộ phim về chiến tranh như thế nào mới đủ sự hấp dẫn để chị nhận lời tham gia?”, tôi hỏi chị. Trà Giang cười nhẹ, “Nếu còn sức khỏe, với nhân vật thấy rằng không thể không đóng. Nhân vật, kịch bản đó phải là nơi mình gửi gắm tình cảm của mình. Nói thật, tôi vẫn nhớ nghề lắm. Đi làm phim tài liệu với các bạn trẻ, đứng trước ống kính làm nhân vật của họ, mình mới thương và cảm phục họ…”.

Theo Thùy Ân

Lao Động