NSND Thu Hiền bị "mạo danh" lập kênh trên YouTube, nhiều nhạc sĩ "kêu cứu"

Nguyễn Hằng

(Dân trí) - NSND Thu Hiền bức xúc khi gần đây mới biết đến sự tồn tại của... kênh "NSND Thu Hiền - nhạc tuyển chọn" tồn tại đã 6 năm trên YouTube, được giới thiệu là kênh chính thức của NSND Thu Hiền...

NSND Thu Hiền: "Tôi rất bức xúc"

Chia sẻ với PV Dân trí, NSND Thu Hiền thể hiện nỗi bức xúc khi kênh "NSND Thu Hiền - nhạc tuyển chọn" đã tồn tại 6 năm trên YouTube, được giới thiệu là kênh chính thức của NSND Thu Hiền, chuyên giới thiệu những album do bà hát. Nhưng mãi mới đây, bà mới biết tới sự tồn tại của kênh này.

"Từ xưa đến nay tôi sống có cần mạng đâu. Tôi chỉ có một cục gạch (điện thoại) này thôi. Tôi làm gì có kênh YouTube riêng.

Ngày xưa, thế hệ chúng tôi được hát, được phục vụ là điều vinh dự của nghệ sĩ, nhưng bây giờ khác. Sang thế kỷ này rồi, sức lao động của con người cần được coi trọng. Chúng ta sống trong một chế độ có pháp luật, tại sao bây giờ cứ lấy bài của tôi? Lấy bài hát của chúng tôi rồi… bán cho người nghe, phản cảm lắm.

Con cháu đưa bài của tôi lên thì bị cấm, bảo là vi phạm bản quyền. Tôi rất bức xúc", NSND Thu Hiền nói.

NSND Thu Hiền bị mạo danh lập kênh trên YouTube, nhiều nhạc sĩ kêu cứu - 1

NSND Thu Hiền muốn làm rõ ràng mọi chuyện liên quan đến kênh YouTube đang tồn tại trên mạng xã hội (Ảnh chụp màn hình).

Theo NSND Thu Hiền, điều nữa khiến bà bức xúc là kênh YouTube nọ đã "mạo danh" bà để trả lời người hâm mộ.

Mặc dù là thành viên của APPA (Hội Bảo vệ quyền của Nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam) nhưng NSND Thu Hiền nói, bà đã ủy quyền cho con gái - chị Hoàng Thanh Phương giải quyết các vấn đề pháp lý liên quan đến những bản ghi bị khai thác không xin phép.

Theo thông tin từ con gái NSND Thu Hiền thì, khi tìm hiểu chị Phương được BH Media cho biết, đơn vị này đã mua lại quyền khai thác, quản lý các băng đĩa NSND Thu Hiền biểu diễn từ các hãng băng đĩa, trong đó có Hãng phim Trẻ nên đơn vị này được quyền quản lý, khai thác các bản ghi âm này trên YouTube.

BH Media giải thích, việc lập kênh mang tên NSND Thu Hiền chỉ là thông tin giới thiệu với khán giả đây là bài hát của NSND Thu Hiền.

Khi bị phía NSND Thu Hiền phản đối, kênh YouTube nói trên hiện đã đổi tên, thay ảnh đại diện nhưng nội dung vẫn như cũ.

Thêm nhiều nhạc sĩ, ca sĩ "kêu cứu"

Trước NSND Thu Hiền, Ngày 15/10, nhạc sĩ Giáng Son đã gửi đơn kiến nghị lên Trung tâm Bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) để ủy quyền cho trung tâm này thay mặt nữ nhạc sĩ thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của chị trong vụ việc mà chị cho rằng mình bị "đánh bản quyền" với ca khúc Giấc mơ trưa.

Ngoài nhạc sĩ Giáng Son, NSND Thu Hiền, nhiều nhạc sĩ là thành viên Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc (VCPMC) cũng lên tiếng vì bị BH Media xác nhận quyền sở hữu tác phẩm mà không xin phép.

Tại buổi làm việc với các nhạc sĩ ngày 9/11, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Giám đốc VCPMC công bố 76 album tương ứng 865 tác phẩm do Hội Nhạc sĩ Việt Nam đầu tư sản xuất cho các thành viên cũng đang bị BH Media sử dụng để xác nhận chủ sở hữu bản quyền trên YouTube. VCPMC khẳng định 100% quyền tác giả và quyền liên quan của loạt album này thuộc về các tác giả.

NSND Thu Hiền bị mạo danh lập kênh trên YouTube, nhiều nhạc sĩ kêu cứu - 2

Hình ảnh tại buổi làm việc với VCPMC ngày 9/11 để làm rõ các vấn đề liên quan đến đơn kiến nghị của một số nhạc sĩ về việc các sản phẩm âm nhạc của họ bị BH Media xác nhận chủ sở hữu bản quyền trên chính kênh YouTube của tác giả (Ảnh: N.M.H).

VCPMC đã tiếp nhận kiến nghị của nhạc sĩ Ngọc Khuê về việc nhiều tác phẩm của nhạc sĩ tự sáng tác và đầu tư sản xuất (Hà Nội mùa thu vắng em) hoặc do Hội Nhạc sĩ đầu tư sản xuất (Hạt nắng hạt mưa) và thuê Dihavina thu âm nhưng bị BH Media xác nhận chủ sở hữu bản quyền khi đưa lên chính kênh YouTube của mình.

Liên quan tới bản ghi Giấc mơ trưa của Giáng Son, VCPMC vừa khẳng định việc nghệ sĩ đàn nhị Dương Thùy Anh sử dụng tác phẩm và bản phối của Giáng Son chưa xin phép cũng là xâm phạm quyền tác giả và quyền liên quan.

Với tư cách tác giả phần lời của Giấc mơ trưa, Nguyễn Vĩnh Tiến cũng bị ảnh hưởng trong lùm xùm tác quyền quanh bài hát. Ngoài ra, anh còn bị xâm phạm quyền ở nhiều sáng tác khác. Cụ thể là 21 bài hát trong 2 album Giọt sương bay lênNgồi trên vách nắng cùng 6 bài nữa trong các album chung với nhóm nhạc sĩ M6.

"Tôi muốn đăng tải video Liveshow Tiền duyên nhưng vì có hai tác phẩm Giấc mơ dai dẳng, Giọt sương bay lên do chính tôi sáng tác và sản xuất nhưng bị BH Media xác nhận chủ sở hữu bản quyền nên không thể đăng tải được", nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến viết trong đơn kiến nghị.

Nhạc sĩ Ngô Tự Lập, trưởng nhóm M6 (gồm các thành viên: Giáng Son, Ngô Tự Lập, Nguyễn Vĩnh Tiến, Nguyễn Lê Tâm, Nguyễn Thắng, Trần Đức Minh) cũng viết đơn kiến nghị và ủy quyền VCPMC giải quyết vụ việc xâm phạm bản quyền của nhóm. Cụ thể khi các thành viên M6 đăng tải lên YouTube các ca khúc trong 3 album nhóm tự bỏ tiền sản xuất, Hồ Gươm phát hành thì đều bị BH Media nhận là chủ sở hữu bản quyền…

Tại buổi làm việc, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn khẳng định: "Toàn bộ kho dữ liệu của Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã bị BH Media xác nhận quyền. Chúng tôi cần hành động khẩn cấp chấm dứt ngay hành vi này!"