NSND Lê Khanh: “Từ giờ đỡ… khóc một mình!”
Lê Khanh đợt này đến là lắm việc: Vừa ra mắt vở mới do chị đạo diễn, lại tham dự chuyến đi Nhật tham quan một vòng nhà hát của bạn, rồi lại cùng Chí Trung “kéo quân Nam tiến” với đặc sản kịch Bắc.
Lúc này rất cần những người như Thị Hến
Thị Hến” - vở kịch đánh dấu sự quay lại của chị trong vai trò đạo diễn nhưng lại không có mặt chị hôm ra mắt. “Tội” này có thể gọi là “đem con bỏ chợ” không nhỉ?
Ừ, kể ra, cũng thật không phải với anh em… Chỉ là, hôm ấy, vừa đi Nhật về thì lại phải theo đoàn vào Nam (nữ phó giám đốc nhà hát cũng đồng thời gánh một vai quan trọng trong vở “Lời thề thứ 9” là hành trang lưu diễn của đoàn - P.V). Mà vở diễn, thì đến ngày đến tháng cũng phải chào đời.
Còn nhớ, hôm ấy, đứng tại Nhà hát TPHCM mà ruột gan tôi bồn chồn kỳ lạ, có mỗi một cuộc điện thoại gọi ra hỏi thăm tình hình “đứa con” của mình có đầu xuôi đuôi lọt không mà cũng phải cân lên cân xuống mãi. Đấy, tận đến giờ, vẫn cứ hồi hộp thế…
Chị từng đặt tên con gái đầu lòng của mình là Hến. Chẳng nhẽ nào chị đã từng phải lòng “Thị Hến” từ ngày đó?
Thị Hến chẳng phải chính là một trong những người đàn bà đáng yêu nhất sao? Xinh đẹp, đáo để, đến nỗi có thể dùng chính sắc đẹp của mình bóc mẽ mọi chân tướng ở đời mà vẫn quyết không để mình bị “trầy da tróc vảy” chút nào, đáng nể quá đi chứ! Dựng “Thị Hến”, từ tích chuyện cũ “Nghêu Sò Ốc Hến”, vì thế mà cũng có người khuyên tôi sao không đi tìm một câu chuyện mới hơn, khó đoán hơn.
Nhưng tôi lại nghĩ, càng lúc này, lại càng cần đến những con mắt, bàn tay biết cất đặt mọi sự như Thị Hến. Chưa kể, cứ từ kinh nghiệm bản thân suy ra thì biết, mỗi lần được sống lại cùng những kịch bản hay, những nhân vật mẫu mực, điển hình…, các em diễn viên trẻ sẽ trưởng thành lên rất nhanh, hơn là chỉ chạy theo những kịch bản mua vui tầm phào, hời hợt…
Không thể không chạnh lòng
8 năm mới trở lại TPHCM, thước đo cảm tình khán giả phía Nam đối với kịch Bắc có đủ giúp chị cảm thấy nhà hát của mình vẫn còn chỗ đứng trong họ, như từng có?
Trong 4 đêm diễn hai vở kịch Lưu Quang Vũ tại Nhà hát thành phố, vì có cả sự đồng hành của các nhà tài trợ (có những suất là gần như được mua trọn gói từ trước) và vì thế mà một số khán giả đã không mua được vé lẻ, nên để đong đếm sức lan tỏa, e là chưa thật chính xác.
Nhưng tới khi chuyển qua Nhà hát Quân Đội, một nhà hát rất đẹp, rất hoành tráng nhưng ở một địa điểm xa hơn hẳn, mà khán giả vẫn nhiệt tình tìm đến mua vé thì chúng tôi mới thực sự thở phào về cái điều mình từng kỳ vọng.
Tri ân khán giả nhân tuổi 35 của nhà hát là một nhẽ, nhưng khán giả có mở lòng đón nhận món quà đó không, lại còn cần phải có duyên, có tình với nhau nữa. Đến giờ này còn phải tăng suất diễn và lịch trình phải dãn ra tới tận 15.1, lại còn cử thêm một đoàn nữa vào (đoàn kịch thể nghiệm của Lan Hương) thì là đủ biết…
Đủ cho một tiếng thở phào, ít nhiều là thế? Ngược lại, chuyến tham quan một loạt nhà hát tại Nhật vừa qua có khiến chị thở dài, vì cái gọi là “một trời, một vực”?
Không thể không có lúc chạnh lòng, khi chứng kiến sân khấu của người ta được chăm bẵm, tưới tắm đến thế. Những sào đèn rợn ngợp lên tới hàng trăm chiếc, những sảnh chờ sang trọng, những tầng hầm phô diễn sức mạnh công nghệ, những sàn diễn thông minh có thể co duỗi, nâng lên hạ xuống ở biên độ 15m, những sân khấu tiểu - trung - đại hết sức linh hoạt và phong phú…
Rồi thì cái cách khán giả đến đó, trong những bộ đồ thật đẹp, bằng những tấm vé được mua từ trước đó hàng tháng và yên lặng dán mắt lên sân khấu đúng điệu những người thưởng thức. Có những vở kabuki truyền thống của Nhật thậm chí kéo dài tới tận 8 tiếng, vé bán trước cả năm, giá vé lên tới 14 triệu đồng (tiền Việt), và cứ 2 tiếng một, khán giả lại được giải lao, ăn cơm hộp tại chỗ (trong những cái hộp sơn mài tuyệt đẹp được nhân viên nhà hát bê đến tận nơi), vậy mà tuyệt nhiên không thấy ai bỏ về.
Có những sân khấu lại chỉ chừng đâu có hơn 100 chỗ, nằm lọt thỏm giữa một tòa chung cư cũ, nếu không quen còn có thể cảm thấy ngột ngạt, vậy mà khán giả vẫn nhiệt tình tìm đến và ở lại hết buổi.
Rồi thì cái cách mỗi nhân viên nhà hát tỏ ra tận tụy, say mê với công việc được giao của mình, dù đó là những nhân viên hậu đài với dáng vẻ kiêu hãnh như thể chỉ có họ mới có thể điều khiển được những thiết bị hiện đại đó, hay những người lao công với những cây chổi lau nhà, những chiếc xẻng xúc rác được cất đặt không thể quy củ, ngay ngắn hơn…
Tất cả, ngay từ mỗi góc khuất nhỏ nhất đều cho thấy một guồng máy được vận hành bài bản và tinh tế nhất, không chỉ bằng những thiết bị hiện đại mà còn bằng chính thái độ trách nhiệm của mỗi một thành viên trong nhà hát. Hiếm ở đâu mà thái độ tôn trọng đồng tiền kiếm ra của cả khán giả lẫn những người làm nghệ thuật lại đáng trân trọng đến thế. Có những điều đúng là có nằm mơ cũng không tưởng tưởng nổi. Trông người lại ngẫm đến ta, tránh sao khỏi chạnh lòng…
Đi một ngày đàng, sàng khôn thu được lẽ nào chỉ đủ để chạnh lòng?
Chuyến đi không phải tự dưng mà có. Nó nằm trong một dự án tài trợ văn hóa của Chính phủ Nhật Bản mà Nhà hát Tuổi Trẻ có cơ may được thụ hưởng, mà cụ thể là vào tháng 3 tới đây, sẽ có một gói thiết bị, đào tạo được triển khai nhằm nâng cao chất lượng biểu diễn và thu hút khán giả. Đi để biết thế nào là khác và cả thế nào là giống.
Vì cũng như ở ta, các nghệ sĩ sân khấu của bạn sau những phút giây thăng hoa trên thánh đường sân khấu, cũng phải loay hoay chạy sô kiếm sống với đủ nghề: đóng phim, lồng tiếng…, cũng phải tìm cách tiếp cận khán giả bằng cách ra tận ngã ba đường, có khi cách nhà hát cả mấy cây số, diễn trò hát múa… để kéo khán giả đến rạp. Thế là, bèn mừng mừng tủi tủi bảo nhau: “Thôi nhé, từ giờ không phải… khóc một mình nữa nhé!” (cười buồn)