NSND Lê Khanh: “Tôi sống được đến giờ này là một kỳ tích”
(Dân trí) - “Tôi sống được đến giờ này là một kỳ tích của ông bà, cha mẹ, chồng con và người thân xung quanh. Những gì tôi có được trong cuộc đời đều không dễ dàng như mọi người tưởng”, Lê Khanh tâm sự.
Mối duyên kỳ lạ với đạo diễn Trần Anh Hùng
Đã gần 20 năm rồi NSND Lê Khanh không đóng phim. Bộ phim cuối cùng chị tham gia là “Mùa hè chiều thẳng đứng” của đạo diễn Trần Anh Hùng. Đây là bộ phim đã để lại trong Lê Khanh rất nhiều kỷ niệm đặc biệt và không thể quên trong suốt những năm tháng làm nghề.
Lê Khanh kể, trước đó, đạo diễn Trần Anh Hùng mời chị tham gia một vai trong phim “Xích lô”. Vai diễn này đã mang lại cho chị rất nhiều hứng thú và chị nhận lời không cần suy nghĩ sau khi đọc kịch bản. Tuy nhiên, khi phim chuẩn bị quay thì chị biết mình mang bầu con gái đầu lòng Lam Khê. Cuối cùng, chị đành phải lỗi hẹn với vai diễn chị rất yêu và lỗi hẹn với người bạn đạo diễn chị rất quý mến.
Năm 1997, Trần Anh Hùng tiếp tục bắt tay thực hiện dự án “Mùa hè chiều thẳng đứng”. Nhân vật nữ chính trong phim được nam đạo diễm nhắm luôn là Lê Khanh. Anh thậm chí còn cho chị tự đặt tên nhân vật của mình. Lê Khanh đã lấy tên mình để đặt tên cho nhân vật đó nhằm lưu lại kỷ niệm đẹp nhất trong nghiệp phim ảnh và để nhân vật không còn khoảng cách với mình ở ngoài đời.
Tiếc thay, khi phim chuẩn bị quay, chị lại biết mình có bầu con trai thứ hai Gia Khanh. May thay, thời gian đó, kịch bản có vấn đề và việc quay phim phải dừng lại để sửa kịch bản. Trong một năm đó, Lê Khanh sinh con trai đủ năm đủ tháng và lúc quyết định trở lại làm nghề cũng là lúc kịch bản hoàn thiện.
Được đóng kịch từ khi còn nằm trong bụng mẹ
Lê Khanh kể rằng, chị được đóng kịch từ khi còn nằm trong bụng mẹ - NSƯT Lê Mai. Những vai diễn và những trải nghiệm sân khấu của mẹ đã giúp chị hình thành nên thế giới quan nghệ thuật từ rất sớm. Đến năm 7 tuổi, chị được đóng vai đầu tiên.
Đó là vai một em bé không có tên đón người cha từ chiến trường trở về. Và đến 9 tuổi, chị chính thức được đóng vai có tên là vai em bé Bun-mi trong phim “Hai bà mẹ”. Em bé này là con của bà mẹ Lào nhưng được bà mẹ Việt nuôi nấng.
“Gia đình tôi bây giờ đã là đời thứ 4 làm nghệ thuật rồi. Cả 3 chị em tôi đều từng hoạt động song song phim ảnh và diễn kịch. Từ bé, tôi không có ước mơ nào khác ngoài làm nghệ thuật. Những năm tháng chiến tranh ác liệt, lúc theo bố hoặc theo mẹ đi sơ tán thì hàng ngày vẫn được sống trong bầu không khí của nghệ thuật.
Tôi không thể quên được những buổi chiều ngắm dãy núi xa xa hoặc đứng trước cánh đồng mênh mông thì luôn tưởng tượng có hoàng tử xuất hiện, mình lạc vào chốn thần tiên, gặp bà phù thuỷ… Tức là đời sống lúc đó không còn thật với đứa trẻ như mình nữa, luôn sống trong tưởng tượng. Sự tưởng tượng đó chính là tố chất để tạo nên đời sống cảm xúc và sự sáng tạo nghệ thuật”, Lê Khanh nói.
Tuy nhiên, so với chị gái Lê Vân và em gái Lê Vi, Lê Khanh lại là người hoạt động nghệ thuật bền bỉ hơn cả. Theo nữ nghệ sĩ, sở dĩ chị gái và em gái của mình chấm dứt con đường nghệ thuật từ sớm là vì cả hai đều lấy chồng người nước ngoài.
“Chị Lê Vân có quan điểm khác tôi một chút. Đó là chị ấy dừng lại ở thời điểm đẹp nhất, đỉnh cao long lanh nhất, không nhìn thấy độ thoái trào của những hình tượng nhân vật do mình đảm nhận trên sân khấu ballet và điện ảnh và chị ấy dừng được luôn.
Khi chị ấy lập gia đình, sinh được con đầu long là chị ấy dừng lại, tính đến nay cũng đã 22 năm. Em gái Lê Vi cũng thế, lấy chồng người Pháp, sau khi có con trai thứ 2 thì theo chồng về Pháp và buộc lòng phải chia tay sớm. Vi thì day dứt nhiều vì việc dừng lại này hơi đột ngột nhưng chị Vân thì có chủ ý hẳn hoi nên rất thanh thản và cắt là cắt luôn, không giao du, giao lưu gì hết. Tôi thì chắc được tổ nghiệp chọn nên con đường dài rộng hơn”, Lê Khanh tâm sự.
Lí do 20 năm đoạn tuyệt với phim ảnh
Chia sẻ lí do vì sao 20 năm qua “đoạn tuyệt” với phim ảnh, Lê Khanh bộc bạch, chị luôn đi ngược với mọi giá trị tích cực. Chẳng hạn, chị siêu chậm và rất lạc hậu với tốc độ sống siêu nhanh của thời điểm hiệ tại.
Chị cũng không phải là người khoẻ khoắn, dai sức… so với điều cần có của người làm nghệ thuật. “Tôi sống được đến giờ này đã là một kỳ tích của ông bà, cha mẹ, chồng con và người thân xung quanh. Tóm lại tôi có được những gì trong cuộc đời, từ sự sống đến sự nghiệp và tất cả mọi thứ đều không dễ dàng như mọi người tưởng.
Không ít lần mẹ kể, mẹ sinh tôi thiếu tháng nên sự sống rất mong manh. Sức đề kháng kém và đi đến đâu cũng dễ nhiễm bệnh. Đã có lần mẹ định gửi tôi cho bà ngoại ở Hải Phòng nhưng bà không nhận vì lỡ tôi mất trên tay bà thì bà lại ân hận. Những lần đưa tôi đi diễn cùng đoàn kịch, mọi người cứ lo hộ: “Con bé này không qua khỏi lần này đâu”.
Thậm chí, khi tôi bị ghẻ lở, mẹ phải ngâm tôi dưới nước biển để sát trùng thì có người truyền tai bảo “Hình như bà Mai bà ấy chán quá rồi, nuôi con bé này chán quá nên muốn dìm nó chết”. Ranh giới giữa sự sống và cái chết đối với tôi rất khủng khiếp. Đến bây giờ tôi vẫn rất sợ cảm giác uống thuốc, chắc do ngày xưa tôi uống nhiều quá. Nhưng mỗi lần uống thuốc không trôi xuống được mà cứ bị trào ngược ra ngoài.
Đến một ngày, mẹ tôi bó tay thật sự. Bà cứ khóc, nghĩ chắc số của con chỉ đến thế thôi, không làm gì được nữa. Một trong những người cứu tôi lúc đó là bác ruột, chị gái của mẹ. Lúc bà ở Hải Phòng lên Hà Nội thăm em, thấy tôi đau ốm quặt quẹo quá nên cho 5000 đồng hay 5 đồng gì đó để mua thuốc. Nhờ số thuốc đó mà tôi được tái sinh. Tôi không ốm đau gì nữa mà khoẻ lại và lớn lên bình thường.
Sau này, tôi cũng không biết bao nhiêu lần xém chết ngạt vì mẹ cứ để ở cánh gà chạy ra diễn, các cô các chú lại vào thay phục trang lại phủ quần áo lên cái làn mây. Diễn xong mẹ cứ đi tìm con hoá ra bị quần áo phủ hết cả lên người. Tôi bé quá nên mỗi khi lên tàu điện đi diễn mẹ lại cho vào giỏ mây, vừa đi, vừa đan, không ai biết có một Lê Khanh bé tí nằm trong làn. Tôi cứ sống mong manh như thế và lớn dần nhờ viên thuốc của bác tôi. Nó khiến cho tôi sau này không ngại khó, không sợ khổ. Càng khó tôi càng xông pha, không sá gì cả.
Cảng thử thách tôi càng mê nhưng trong cuộc sống thì ngược hoàn toàn. Mình đã hoá thân vào quá nhiều nhân vật, quá nhiều màu sắc cho nên mình phải trở về với những gì bình yên nhất có thể. Những ngày tháng qua, tôi chọn cho mình những khoảng lặng bình yên để sống với gia đình, với góc riêng”, Lê Khanh chia sẻ.
Hà Tùng Long