1. Dòng sự kiện:
  2. phim "Đào, phở và piano" gây sốt, cháy vé
  3. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

NSND Lê Khanh tiết lộ điều đặc biệt về vai diễn của bố - NSND Trần Tiến

Hương Hồ Ninh Phương

(Dân trí) - "Bố tôi được trời phú, tổ nghề cho biệt tài có thể diễn tất cả thể loại bi kịch lẫn hài kịch... Ông diễn bình dị nhưng thâm thúy, sâu sắc chứ không ồn ào, phô trương", NSND Lê Khanh chia sẻ.

NSND Trần Tiến là gương mặt gạo cội của sân khấu kịch Việt Nam với những vai diễn nổi tiếng như Đại Cát trong "Quẫn" hay Đế Thích trong "Hồn Trương Ba, da hàng thịt"...

Con đường đến với nghệ thuật "kì lạ"

NSND Trần Tiến (SN 1937) được biết đến là bố của ba nữ diễn viên xinh đẹp: NSƯT Lê Vân, NSND Lê Khanh và NSƯT Lê Vi. Anh trai của ông là NSƯT Trần Văn Nghĩa từng là Giám đốc Nhà hát múa rối Trung ương.

Sinh ra trong một gia đình trí thức tại Hà Nội, khi xưa, NSND Trần Tiến là một người con ngoan ngoãn, hiền lành, chăm chỉ học hành, đặc biệt học giỏi môn Toán và các môn khoa học tự nhiên. Vì thế, bố mẹ ông muốn định hướng cho con trai theo ngành khoa học kĩ thuật.

Năm 1954, với sự kết nối của anh trai, Trần Tiến đi theo các đoàn nghệ thuật phục vụ bộ đội. Dần dà, ông cũng làm quen với không khí của sân khấu kịch. Những vai diễn ban đầu của Trần Tiến đơn giản chỉ là hát đồng ca hoặc vai nhỏ trong dàn múa tập thể. 

Tuy nhiên, đôi lúc, trong lòng ông vẫn có suy nghĩ muốn trở về đi học lại. NSND Thế Lữ và NSND Đào Mộng Long vừa là đàn anh vừa là thần tượng của ông đã động viên Trần Tiến đến với kịch nói và sau này là điện ảnh. 

NSND Lê Khanh tiết lộ điều đặc biệt về vai diễn của bố - NSND Trần Tiến - 1

NSND Trần Tiến chụp ảnh cùng ba cô con gái Lê Vân, Lê Khanh và Lê Vi (Ảnh: FBNV).

Những vai diễn tâm đắc

Năm 1955, cố nghệ sĩ được giao những vai diễn hài đầu tiên. Năm 1961, ông đăng kí học khóa diễn viên Trường Nghệ thuật Sân khấu cùng Thế Anh, Ngọc Hiền, Cao Khương, Đoàn Dũng, Trọng Khôi… 

Ông rất tâm đắc với hai vai chính của mình trong vở "Âm mưu và hậu quả" công diễn năm 1971 và "Nguyễn Trãi ở Đông Quan" diễn năm 1980 của cố NSND Nguyễn Đình Nghi. NSND Trần Tiến gắn bó với Đoàn kịch nói Trung ương (nay là Nhà hát Kịch Việt Nam). Đến năm 2012, ông chính thức nghỉ hưu.

Ở sân khấu kịch, ông ghi tên mình với những vai diễn như Đại Cát trong "Quẫn", Đế Thích của "Hồn Trương Ba, da hàng thịt", Cố vấn tình ái trong "Kén rể"... Chính nhờ sự hóa thân xuất sắc này mà đôi khi khán giả "quên" không gọi ông là Trần Tiến mà kêu tên bằng Đại Cát hay Cố vấn tình ái.

Năm 1997, ông nhận được Huy chương Lao động hạng Nhất.

Tuy NSND Trần Tiến được khán giả nhớ tới thông qua những vai hài nhưng ông thực lòng lại thích hóa thân vào những vai chính kịch. Là một nghệ sĩ có tâm, ông không ngại góp ý với những nhà viết kịch nổi tiếng như Lưu Quang Vũ hay Nguyễn Đình Nghi để vai diễn được khai thác nội tâm nhiều hơn.

Ngoài sân khấu kịch, NSND Trần Tiến cũng để lại dấu ấn mạnh mẽ trong điện ảnh. Trong "gia tài" nghệ thuật của mình, ông đã tham gia vào 20 bộ phim với nhiều chủ đề khác nhau như "Thằng Bờm", "5 ngày làm Thượng đế", "Chuyện làng Nhô", "Hà Nội 12 ngày đêm", "Những người săn lùng cái đẹp", "Bi ơi, đừng sợ"…

NSND Lê Khanh tiết lộ điều đặc biệt về vai diễn của bố - NSND Trần Tiến - 2

Một phân cảnh của NSND Trần Tiến trong bộ phim "Bi ơi, đừng sợ" (Ảnh chụp màn hình).

Trong lòng khán giả, NSND Trần Tiến được đánh giá là một diễn viên điện ảnh tài năng và có cuộc sống với những tháng ngày gió mưa phiêu bồng của một tâm hồn nghệ sĩ đa mang, đa cảm.

Còn đối với NSND Lê Khanh - con gái NSND Trần Tiến, vai diễn nào của bố chị cũng để lại ấn tượng đặc biệt. Nữ diễn viên gạo cội bày tỏ với PV Dân trí: "Bố tôi được trời phú, tổ nghề cho biệt tài có thể diễn tất cả thể loại bi kịch lẫn hài kịch. Ông đóng hài kịch mọi người cười nghiêng ngả, diễn tinh tế nhưng tiết chế, bình dị nhưng thâm thúy sâu sắc chứ không ồn ào, phô trương. Lối diễn trong phim của ông cũng thế, rất nhàn nhã nhưng ấn tượng. 

Mọi người biết đến bố tôi qua những vai hài nhưng những vai bi mới là sở trường của ông. Ông được tín nhiệm, giao nhiều vai diễn lớn trong đời. Ông dành thời gian tìm tòi, nghiên cứu để ra được những chi tiết khác biệt cho nhân vật khiến ai nấy đều thán phục.

Vai Đế Thích, bố tôi ưu ái tính nữ nhiều hơn, đi cao gót, tô son đỏ, cử chỉ y hệt như phụ nữ. Ngoài ra, tôi vẫn nhớ mãi vai Thầy Nghêu trong vở "Nghêu, sò, ốc, hến" của bố".

Chiều ngày 22/1 (tức mùng 1 Tết), theo thông tin từ NSND Lê Khanh, NSND Trần Tiến đã qua đời tại nhà riêng, hưởng thọ 86 tuổi.

Ở tuổi xế chiều, NSND Trần Tiến sức khỏe không còn như trước, chân bước đi chậm, tay lẩy bẩy run. Nhưng ông may mắn có một người phụ nữ gắn bó 20 năm chăm sóc, chia sẻ niềm vui nỗi buồn...

NSND Lê Khanh từng lên truyền hình gửi lời cảm ơn đến bạn gái lâu năm của bố. "Tôi trân trọng và xúc động vô cùng với người bạn gái ấy của bố mặc dù ông không còn cường tráng, phong độ nhưng những gì đẹp của ông vẫn luôn đọng lại trong cô ấy. Nhờ có cô ấy mà những lúc tôi đi xa sẽ yên tâm hơn về bố. Cho nên những người con, người cháu phải hãnh diện vì mình có phúc thì cha mẹ mới còn có người thương khi ở tuổi xế bóng. Những điều quý giá ấy dẫu có tiền cũng không thể mua được.

Chắc chắn là cô Hạnh sẽ xem và nếu cô nghe được lời cháu nói thì chúng cháu muốn gửi lời cảm ơn đến cô. Cô đã ở bên cạnh bố cháu khi tuổi cao, sức yếu, đem đến cho bố cháu những niềm vui và hạnh phúc của tuổi già. Cô coi chúng cháu như người nhà và chúng cháu cũng coi cô như thành viên trong gia đình. Xin cảm ơn cô và chúc cho những người lớn tuổi có được tình yêu", NSND Lê Khanh tâm sự.