NSND Lan Hương hơn 4 thập kỷ vẫn gây "ám ảnh", thổn thức với "Em bé Hà Nội"

(Dân trí) - 47 năm kể từ ngày công chiếu, đôi mắt thổn thức của "Em bé Hà Nội" vẫn rung động triệu trái tim. Cô bé với cây đàn violin sau lưng đi tìm gia đình thất lạc sau trận bom B52 lịch sử mùa đông năm 1972.

Cảnh phim xúc động Ngọc Hà khóc xin cô bán gạo không gạch tên mẹ

Nhắc tới bộ phim Em bé Hà Nội, khó ai có thể quên hình ảnh cô bé Ngọc Hà với đôi mắt tròn to, đen láy rất đặc biệt.

Cô bé với cây đàn violin sau lưng lọt thỏm giữa bối cảnh hoang tàn đổ nát của Hà Nội trong hành trình tìm gia đình thất lạc sau trận bom B52 lịch sử mùa đông năm 1972.

NSND Lan Hương hơn 4 thập kỷ vẫn gây ám ảnh, thổn thức với Em bé Hà Nội - 1

Đôi mắt với những giọt nước mắt thổn thức, ám ảnh của "Em bé Hà Nội".

Em bé Hà Nội đã trở thành bộ phim thuộc hàng kinh điển của nền điện ảnh Việt. Vai diễn của NSND Lan Hương trong phim là kí ức khó quên với những người con Hà Nội từng trải qua những năm tháng chiến tranh khốc liệt.

Có thể nói, Em bé Hà Nội là một trong những bộ phim tái hiện thành công và xúc động nhất hình ảnh Thủ đô Hà Nội sau cuộc chiến 12 ngày đêm lịch sử.

47 năm đã trôi qua kể từ ngày công chiếu, nhưng khán giả vẫn gọi Lan Hương bằng cái tên thanh xuân cũng chính là tên vai diễn đầu đời mở ra sự nghiệp diễn xuất phong phú của cô: Em bé Hà Nội.

NSND Lan Hương hơn 4 thập kỷ vẫn gây ám ảnh, thổn thức với Em bé Hà Nội - 2

Phim được đạo diễn Hải Ninh thực hiện.

NSND Lan Hương đóng Em bé Hà Nội từ năm chị chỉ mới 10 tuổi. Cục điện ảnh khi ấy mong muốn có một bộ phim thật chân thật và xúc động để cổ vũ tinh thần của bà con nhân dân Thủ đô, chống chọi lại sự tàn phá của quân địch.

Em bé Hà Nội xoay quanh câu chuyện của cô bé Ngọc Hà. Sinh ra trong một gia đình trí thức thanh lịch, thuần hậu gốc Hà Nội.

Ngọc Hà là một em học sinh ngoan ngoãn, giàu cảm xúc và có sở thích chơi đàn violon. Sau một trận ném bom ác liệt mùa đông năm 1972, Ngọc Hà bị thất lạc gia đình. Từ đó, hành trình tìm lại gia đình bé nhỏ của cô bé bắt đầu.

NSND Lan Hương hơn 4 thập kỷ vẫn gây ám ảnh, thổn thức với Em bé Hà Nội - 3

Ngọc Hà được người lính tốt bụng giúp đỡ. Đây là bức ảnh trở nên nổi tiếng trong phim "Em bé Hà Nội".

Cô bé đã được những người lính tốt bụng giúp đỡ và sau đó Ngọc Hà đã gặp lại em gái của mình nhưng mẹ em đã mất trong khi cứu những đứa trẻ khác.

Em bé Hà Nội đã tái hiện được sự tàn khốc của chiến tranh, những đau thương do bom đạn gây ra cho quân, dân Hà Nội. Bộ phim cũng cho thấy một Hà Nội với những con người nồng hậu, đoàn kết yêu thương trong những thời khắc khó khăn nhất.

NSND Lan Hương hơn 4 thập kỷ vẫn gây ám ảnh, thổn thức với Em bé Hà Nội - 4

Hình ảnh cây đàn mà Ngọc Hà gắn bó là một ẩn dụ về hòa bình, là khát khao được đi học trở lại, được đến trường của trẻ em Hà Nội.

Đạo diễn Hải Ninh thời đó đã đi tìm rất lâu một diễn viên nhí có thể vào vai Em bé Hà Nội.

Lan Hương khi ấy còn là một cô bé nhút nhát. Đạo diễn Hải Ninh trong một lần đi qua khu Hoàng Hoa Thám, gặp cô bé và nhận xét, Lan Hương có đôi mắt rất đặc biệt. Lan Hương nhìn ai cũng nhìn chằm chằm, không chớp mắt, người ta đi rồi quay lại vẫn thấy cô bé còn đang nhìn.

Khi làm phim Em bé Hà Nội, bỗng dưng đạo diễn Hải Ninh nhớ đến cô bé có đôi mắt to tròn ấy. Lúc đó Lan Hương không còn ở khu tập thể xưởng phim mà chuyển về sống tại khu tập thể Kim Liên cùng bố mẹ.

Đạo diễn Hải Ninh đã tìm đến mời cô bé đóng phim và cái duyên nghệ thuật cũng đến với Lan Hương từ thuở ấy. Sau này, nghệ sĩ Lan Hương được phong danh hiệu NSND ở tuổi 44.

Sức thu hút từ những nét đẹp trẻ thơ và diễn xuất tự nhiên, tuyệt vời của Lan Hương đã góp một phần không nhỏ cho sự thành công của bộ phim thời bấy giờ.

"Tuổi trẻ cứ nghĩ mình phải vượt hơn, vượt lên nữa đi khỏi vai diễn trước đó nhưng khoảng độ 10 năm trở lại đây, Lan Hương chỉ mong muốn mọi người gọi mình là Em bé Hà Nội thôi vì vai diễn gắn bó với tôi ở đầu đời.

Những gì đầu tiên trong cuộc đời sẽ gây được ấn tượng nhiều nhất và cũng làm cho mình cảm giác hạnh phúc nhất", NSND Lan Hương từng chia sẻ trong chương trình Bữa trưa vui vẻ của VTV6.

NSND Lan Hương hơn 4 thập kỷ vẫn gây ám ảnh, thổn thức với Em bé Hà Nội - 5

"Em bé Hà Nội" có nhiều cảnh phim xúc động.

Lan Hương hay hoài niệm, thỉnh thoảng chị lại mở những thước phim xưa cũ ra xem và những niềm xúc động vẫn trào dâng như ngày đầu và ghi lại những cảm xúc: "Xem lại cảnh xưa, những người diễn cùng ngày xưa, xem lại và ngẫm nghĩ cuộc đời thật là thú vị".

Chị không sao quên được phân đoạn cô bán gạo nhìn cuốn sổ gạo cháy nham nhở, lặng người hỏi Ngọc Hà: "Nhà cháu đong mấy người? Đong hết hả cháu?".

Ngọc Hà khóc và nói với cô cửa hàng thực phẩm: "Cô đừng gạch tên mẹ cháu, em cháu". Gạch tên có nghĩa mẹ đã chết, em đã chết. Còn tên ở đó nghĩa là mẹ và em chỉ đi đâu đó, lạc đâu đó thôi, và sẽ sớm trở về.

"Trường đoạn đó, tôi thấy cô Tuệ Minh (cô bán gạo trong Em bé Hà Nội) khóc ghê lắm. Tôi thấy cô khóc nức nở thì tôi cũng khóc. Cô đã nâng cảm xúc cho tôi...

Tôi là một đứa trẻ sống trong một gia đình cũng được nuông chiều, chưa biết khổ bao giờ. Đóng cảnh đó, bác Hải Ninh nói gì tôi làm theo. Thú thực mọi người cứ bảo chắc lúc đó Lan Hương có cảm nhận gì nhưng thực tình tôi chỉ biết chiến tranh là một nỗi sợ hãi trong thời điểm ấy. 

Bình thường tôi rất bướng nhưng khi đi làm phim, cứ đứng trước ống kính tôi lại khác hẳn. Ai bảo gì cũng làm, đạo diễn và phó đạo diễn nói gì cũng bắt nhịp được nhanh", NSND Lan Hương kể trong Bữa trưa vui vẻ.

NSND Lan Hương hơn 4 thập kỷ vẫn gây ám ảnh, thổn thức với Em bé Hà Nội - 6

Bộ phim đã giành được nhiều giải thưởng cao quý.

Phim còn được ghi nhận bởi hàng loạt giải thưởng cao quý như Bông Sen Vàng cho "Phim hay nhất" tại Liên hoan phim Việt Nam lần ba năm 1975, giải đặc biệt của ban giám khảo liên hoan phim quốc tế Moskva năm 1975...

Bộ phim đã từng cùng đạo diễn Hải Ninh "chu du" nhiều nước trên thế giới kể cả Mỹ. Có lần, khán giả xúc động hỏi đoàn làm phim tại sao người Việt Nam lại có thể bình tĩnh đến thế trong hoàn cảnh ngặt nghèo đến thế.

Nhà phê bình điện ảnh Mỹ Jonathan Rosenbaum của Chicago Reader từng nhận xét về bộ phim Em bé Hà Nội như sau: "Bộ phim xuất sắc không chỉ bởi sự chân thực, thẳng thắn, gợi cảm xúc mà còn bởi phong cách điện ảnh hoàn mỹ".