NSND Kim Cương: “Tôi từng trở nên điên dại khi con trai bị bắt cóc”
(Dân trí) - “Những ngày sau đó, tôi trở nên điên dại. Nhìn đâu tôi cũng chỉ thấy mịt mù bóng đêm”, NSND Kim Cương nhớ lại chuyện cũ.
Những ngày qua, vụ bé trai 2 tuổi bị bắt cóc ở Bắc Ninh gây rúng động dư luận. Là người mẹ từng có con bị bắt cóc, cảm xúc của bà như thế nào khi nghe thông tin này?
Mấy ngày nay tôi có theo dõi vụ bé trai 2 tuổi ở Bắc Ninh bị bắt cóc khi đang ngồi chơi trong công viên. Thực tình là tôi đã từng ở vào hoàn cảnh này nên khi nghe tin, tim tôi nhói đau. Tôi vừa thương cảm, vừa lo lắng cho bé, bố mẹ của bé lắm.
Không ai có thể chịu đựng được chuyện này đâu. Mất của có thể không xót nhưng mất con thì đau đớn lắm. Bản thân tôi ngày xưa khi con trai bị bắt cóc gần một tháng trời cũng trở nên điên dại, không thể kiểm soát được mình. Ơn trời, may mắn là hơn 1 ngày, công an Bắc Ninh đã tìm được bé và đưa bé trở về an toàn với gia đình.
Nhắc đến chuyện ngày xưa con trai bị bắt cóc, hẳn bà có nhiều nỗi niềm lắm?
Chuyện đã qua 43 năm rồi nhưng mỗi lần nhắc đến, tim tôi vẫn đập thình thịch. Nhiều khi tôi cũng không muốn nhắc đến chuyện này bởi nó là một trong những nỗi khiếp đảm lớn nhất cuộc đời.
Năm 1977, lúc đó con trai tôi là Toro (tên đầy đủ là Trần Trọng Gia Vinh) mới lên 5 tuổi. Một buổi sáng, khi con tôi đang được gửi ở nhà trẻ Vườn Hồng thì có một người đàn ông lạ mặt đến tìm gặp cô giáo của cháu bảo là người quen của gia đình muốn đưa cháu ra ngoài mua kẹo. Cô giáo nghi ngờ, không muốn cho người đàn ông này đón cháu đi thì họ rút súng hăm dọa, rồi bồng cháu lên đi thẳng ra cổng trường lên xe chạy mất.
Sau đó, bọn chúng nhét thư vào cây cột điện trên đường và ghế đá tại một vườn hoa rồi gọi điện báo cho gia đình chúng tôi ra lấy thư và làm theo yêu cầu. Chúng yêu cầu tôi phải nghỉ hát và gia đình tôi phải giao nộp 20 lượng vàng mới được chuộc con.
Cả cái ngày con trai bị bắt có, tôi hoảng loạn vô cùng, không ăn uống gì được, đứng ngồi không yên và cũng không khóc được. Má tôi nghe tin cũng hoảng loạn không kém, cả gia đình tôi lúc đó hoang mang tột độ.
Những ngày sau đó, tôi trở nên điên dại. Bao nhiêu công việc đều bỏ bê hết bởi tôi không còn tâm trí nào để làm. Nhìn đâu tôi cũng chỉ thấy mịt mù bóng đêm. Tôi không thiết tha gì đến những thứ xung quanh ngoài hình bóng con trai luôn lởn vởn trong đầu. Không một lời động viên nào đủ làm tôi bình tĩnh trở lại.
Cháu bé ở Bắc Ninh là còn may mắn vì hơn 1 ngày đã được công an tìm thấy, còn con trai tôi hồi đó đến nửa tháng sau là không còn tin tức gì nữa hết. Lúc chưa lấy được tiền, chúng còn gọi điện để trả giá, mặc cả, đe doạ... và gia đình ai cũng nghĩ con mình còn sống. Nhưng khi lấy xong tiền rồi chúng im re và mất tích nên ai cũng lo sợ chúng đã sát hại con tôi để bịt đầu mối.
Trong quãng thời gian đó, bên công an họ rất khổ sở lần manh mối và tìm đủ cách để phá án. Tôi thì gần như kiệt quệ sức lực và tinh thần. Tôi còn nhớ, mỗi lần tôi đi ra ngoài, phía công an lại cho người lẳng lặng theo sau vì sợ bọn bắt cóc đi theo để gây áp lực với tôi tiếp. Nhưng vì lúc đó tôi không còn đủ tỉnh táo nên cứ thấy công an ở đâu là tôi trốn biệt tích hoặc tôi la lên: “Tại sao cứ theo tôi hoài vậy?”.
Vậy sau đó khoảng bao lâu thì gia đình bà tìm lại được con trai?
Những ngày đó, bọn bắt cóc hành hạ chúng tôi dữ lắm. Chúng gọi điện, gửi thư tay và đưa ra rất nhiều yêu cầu. Mỗi lần tiếp nhận yêu cầu của bọn chúng là chúng tôi tôi lại thêm bội phần hoảng loạn. Nhất là khi nghe tiếng con khóc trong điện thoại, tim tôi quặn thắt lại, tôi gào khóc theo con rồi mê man không biết gì nữa.
Phải đến 20 ngày sau, chúng tôi bất ngờ nhận được điện thoại của bọn bắt cóc kêu đến trước nhà thờ Đức Bà để đón con. Trước khi đi, gia đình tôi có bàn với nhau, dù có lo lắng cỡ nào cũng tuyệt đối không được cho con biết là bé bị bắt cóc để tránh cú sốc tâm lý cho con. Trẻ con mà biết mình bị bắt cóc hoặc vừa sa vào ổ cướp là chúng dễ bị sang chấn tâm lý lắm.
Lúc chúng tôi ra đến nhà thờ Đức Bà thì nhìn không thấy bóng dáng Toro đâu. Chúng tôi đi vòng quanh nhiều vòng để tìm kiếm những vẫn không thấy con mình. Hy vọng vừa loé lên rồi tắt dần. Chồng tôi phải động viên tôi rất nhiều còn tôi thì dù không thở nổi nhưng vẫn cố đưa mắt ngó nghiêng khắp mọi nơi. Mãi sau, phía trước cổng Bưu điện Thành phố xuất hiện bóng một thằng bé ăn mặc rách rưới như một đứa trẻ ăn xin đang đứng khóc. Chồng tôi tiến về phía thằng bé, còn tim tôi loạn nhịp theo từng bước chân của anh. Đến khi thấy anh cúi xuống bồng thằng nhỏ lên thì tôi muốn xỉu đi.
Lúc đón con, tôi mới giả vờ la rầy con: “Sao con đi chơi mà không cho mẹ hay?”, thằng nhỏ ngây thơ trả lời “Con đi Hà Nội chơi”. Cho đến năm 12 tuổi, Toro mới biết mình bị bắt cóc. Sở dĩ thằng nhỏ nó biết là vì đi ra ngoài ai cũng hỏi “Có phải thằng nhỏ này ngày xưa bị bắt cóc đây không?” và thế là nó về hỏi tôi, tôi mới kể cho con nghe.
Có nỗi ám ảnh nào theo bà từ những ngày xảy ra biến cố đó cho đến bây giờ?
Bao nhiêu năm qua, tôi sợ nhất là tiếng chuông điện thoại. Có lẽ trên đời này, tôi không sợ gì bằng sợ tiếng chuông điện thoại reo. Là vì hồi đó, suốt ngày đêm tôi chỉ ngồi bên điện thoại để chờ bọn bắt cóc gọi đến. Lúc đó, đó là đầu mối duy nhất mà tôi có thể hy vọng và tin rằng con mình còn sống. Cứ mỗi lần nghe chuông điện thoại reo là tim tôi nhói lên, tôi phải ôm lấy ngực nếu không sẽ ngất xỉu. Tỉnh tôi cũng sống với điện thoại mà mơ tôi cũng mơ thấy tiếng chuông điện thoại reo. Có lúc tôi nghe nó reo nhưng khi chạy đến gần thì nó im lặng vì thật ra đó chỉ là ảo giác.
Cho đến bây giờ tôi vẫn không thể hiểu được là hồi đó bọn chúng bắt cóc con tôi để tống tiền, để buộc tôi nghỉ hát hay gây áp lực gì?...
Sau này, khi công an bắt được nhóm đối tượng xấu này, có hỏi ý tôi thế nào. Nhưng tôi nói, với tôi, vụ án đã kết thúc từ lúc con trai tôi trở về nhà, còn chuyện phán xử bây giờ thế nào là chuyện của các cơ quan chức năng.
Cảm ơn bà đã chia sẻ thông tin.