NSND Khải Hưng: "Tôi thấy đau xót khi Táo quân bị chê"
(Dân trí) - NSND Khải Hưng - "cha đẻ" Táo quân cảm thấy "đau xót" khi chứng kiến các nghệ sĩ, thành viên ê-kip làm việc vất vả nhưng vẫn nhận về tranh cãi không đáng có.
Để làm vừa lòng hết khán giả là rất khó
Chia sẻ với Dân trí, NSND Khải Hưng - "cha đẻ" Táo quân cho biết, dù đã về hưu nhưng năm nào ông cũng dành thời gian theo dõi chương trình. Mỗi năm, Táo quân đều đã có sự thay đổi, bước tiến mới.
Dù vậy mỗi khán giả đều có ý kiến riêng của mình "9 người, 10 ý" khác nhau, theo NSND Khải Hưng khó có chương trình nào làm hài lòng tất cả.
Trước những ý kiến trái chiều về chương trình thời gian qua, vị đạo diễn này cho rằng có một phần nguyên nhân từ mạng xã hội.
"Trước đây, khi chưa có mạng xã hội thì ít tranh cãi hơn. Bây giờ các nick thật, nick ảo lẫn lộn, có người còn chưa xem chương trình nhưng cũng nhận xét như đúng rồi thậm chí sai hoàn toàn, làm cho những người thực hiện Táo quân buồn chán, không muốn làm nữa", NSND Khải Hưng thẳng thắn.
Đạo diễn, NSND Khải Hưng cho biết thêm, Táo quân là chương trình của Đài truyền hình Việt Nam nên sẽ không mất đi mà sẽ phải thay đổi. 20 năm với một chương trình là "khá già" nên sẽ phải có cách làm khác.
"Tôi cảm nhận công bằng rằng, họ đã thay đổi rất nhiều nhưng việc thay đổi này không thể kịp được với sự thay đổi của xã hội.
Táo đã già thì phải… rụng. Phải có một Format khác, có một lối trình bày khác để tốt hơn, hài lòng khán giả hơn. Có thể, 20 năm vừa qua đã có một số khán giả yêu thích chương trình, nhưng 20 năm tới sẽ có lớp khán giả mới chưa chắc họ đã thích. Táo quân phải thay đổi để phục vụ tốt hơn nhu cầu khán giả", NSND Khải Hưng nêu ý kiến.
Vị đạo diễn này cũng chia sẻ ông thấy "đau xót" khi chứng kiến các nghệ sĩ, thành viên ê-kip làm việc vất vả.
Thực tế, nhiều người lầm tưởng rằng nhà sản xuất, diễn viên được nhiều quyền lợi khi tham gia Táo quân nhưng cát-xê của họ chỉ bằng... "mấy bát phở". Vì thế, theo NSND Khải Hưng nên động viên nghệ sĩ làm tốt hơn thay vì dành những lời chê trách.
"Chương trình Táo quân thời gian tới sẽ cần một "cuộc cách mạng", có thể sẽ do khán giả "thổi lửa" để ê-kip, mọi người hứng khởi hơn", NSND Khải Hưng nói.
Vì sao Táo quân không có sự tham gia của nghệ sĩ miền Nam?
Trước câu hỏi "Vì sao Táo quân không có sự tham gia của nghệ sĩ miền Nam mà hầu như năm nào cũng là dàn nghệ sĩ quen mặt miền Bắc?", vị đạo diễn này cho biết, do kịch bản, nghệ sĩ nào hợp vai thì thực hiện.
Trước đây thời gian đầu khi ông thực hiện Táo quân cũng không có nghệ sĩ miền Nam tham gia.
Ban đầu, Ngọc Hoàng không phải do Quốc Khánh mà là nghệ sĩ khác đảm nhiệm. Dù vậy, dàn nghệ sĩ Táo bây giờ hầu như được giữ nguyên như những ngày đầu.
"Là do kịch bản, nghệ sĩ nào hợp thì làm. Đây là Táo quân của VTV, không nhất thiết phải mời bằng được nghệ sĩ trong Nam khi không có vai hợp với họ.
Hơn nữa, các nghệ sĩ trong Nam khi ra Hà Nội diễn rất mệt, vì toàn tập đêm, liệu họ có chịu được không? Cuối năm, diễn viên cũng nhiều show, sự kiện liệu các nghệ sĩ có sắp xếp được thời gian để tham gia không?", NSND Khải Hưng nói.
NSND Khải Hưng nguyên là Giám đốc đầu tiên của Trung tâm Sản xuất phim Truyền hình (VFC) - Đài Truyền hình Việt Nam. Ông được biết đến là người đặt nền móng cho chương trình Táo quân - Gặp nhau cuối năm trên VTV.
Về việc liệu chương trình Táo quân có tiếp tục lên sóng sau những tranh cãi trái chiều, PV liên hệ với đạo diễn Đỗ Thanh Hải - Phó Tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam, ông từ chối trả lời.