NSND Khải Hưng: “Cài cắm chân dài, lạm dụng hở hang… trong hài tết là ấu trĩ”
(Dân trí) - “Tôi cho rằng, ai làm hài tết mà cứ cố cài cắm chân dài, lạm dụng cảnh hở hang là rất ấu trĩ và lạc hậu”, NSND Khải Hưng bày tỏ.
Thời gian qua ông dường như không hề đả động gì đến phim ảnh nhưng mới đây trở lại với dự án hài tết. Điều gì khiến ông quyết định trở lại khi đã “gác kiếm” một thời gian dài?
Thời gian qua tôi rất buồn vì không có việc gì để làm. Buồn là một hiện tượng “ngứa âm ỉ” và khi có người “gãi ngứa” hộ thì tôi trở lại làm thôi. Làm hài tết vừa được tiền, vừa được gặp bạn bè, vừa được vui vẻ… vậy tại sao mình lại không làm?
Tuổi của tôi mà để đi kiếm tiền hoặc đi săn tiền bằng những công việc này thì đã qua rồi. Vì thế, tôi làm hài tết với mục đích chủ yếu để tìm niềm vui, không bị lão hoá… chứ không “nghỉ đông”, “ngủ dài” như một hai năm vừa rồi nữa.
Theo ông, vì sao hiện nay có rất nhiều đạo diễn, nhà làm phim mới nhưng người ta vẫn “săn đón” và tìm đến ông?
Cái này cũng rất khó nói lắm. Chắc gì phim hài tôi làm ra mấy người trẻ đã thích xem. Có thể phim của tôi chỉ toàn người đứng tuổi xem thôi. Những nhà sản xuất như Vượng “râu” thích làm hài theo lối cũ mới mời tôi chứ những người trẻ bây giờ chưa chắc đã thích.
Những người trẻ bây giờ làm hài rất nhanh và cái sự hài hước trong phim của họ cũng rất chi là lạ. Tôi không cười được cái kiểu làm hài tết của một số người trẻ hiện nay.
Ngày nay người ta chạy theo những thể loại hài nhảm, hài lố, hài rẻ tiền… đã khiến cho “đặc sản” hài tết không còn được xem trọng như trước. Vậy việc ông trở lại làm hài tết có sợ sẽ bị đánh đồng với những định kiến đó?
Không, tôi không sợ. Trước đây tôi phản đối hài thị trường một cách kinh khủng. Nhưng bây giờ tôi nhận ra thị trường có những điều đáng yêu của nó. Những người cổ cày vai bừa, những người đạp xích lô, người bán hàng rong… rất thích xem những thể loại hài tết dễ hiểu, dễ cười.
Vậy tại sao chúng ta lại không làm hài tết phục vụ những người như thế mà cứ phải chạy theo các thể loại hài thâm thúy để phục vụ các ông bà trí thức. Đó là nhận thức mới của tôi sau khi đã về nghỉ hưu. Tuy nhiên, nói gì thì nói, hài cho người bình dân xem không có nghĩa là cứ sa đà vào nhảm nhí, lố lăng, kệch cỡm…
Mới đây, tôi được mời làm cố vấn cho một kênh truyền hình và tôi đã bác bỏ khoảng vài chục kịch bản mà theo tôi là rất nhảm. Ông giám đốc của kênh truyền hình đó cũng rất đồng tình với tôi trong việc này. Những kịch bản này không có nội dung, không có thẩm mỹ, không nghệ thuật…
Vậy những kịch bản ông loại bỏ đó có đặc điểm chung là gì, thưa ông?
Tôi thấy các bạn trẻ bây giờ làm hài rất dễ dãi và hời hợt. Có người bảo với tôi “Chú ơi, không cần kịch bản đâu, chỉ cần vài cái gạch đầu dòng là chúng cháu có thể phịa ra cho người ta cười thôi”. Tôi bảo “Phịa mãi làm sao được. Nội dung gì thì cũng phải chứa đựng ý nghĩa hoặc thông điệp chứ”. Tôi cực lực phản đối cái kiểu “ăn xổi ở thì” như thế.
NSND Khải Hưng cùng các nghệ sĩ, diễn viên tham gia hài tết "Cưới đi kẻo ế 3".
Hiện có rất nhiều phim hài tết cứ cố tình cài cắm các hotgirl - chân dài vào phim để thu hút sự tò mò của người xem. Ý kiến của ông thế nào về việc này?
Tôi thấy đó là một sự ngu xuẩn. Xem chân dài - hotgirl hở hang thì tội gì người ta xem hài Việt Nam. Chỉ cần mở mạng ra gõ một phát đã cho hàng đống kết quả với đủ các thể loại phim hài có các chân dài xinh đẹp tham gia rồi. Cần gì phải xem chân dài Việt Nam, ngắn tun tủn, đen xì xì… Tôi cho rằng, ai làm hài tết mà cứ cố cài cắm chân dài, lạm dụng cảnh hở hang là rất ấu trĩ và lạc hậu.
Cách đây vài chục năm, khi internet chưa có ở Việt Nam thì làm thế còn ăn khách chứ bây giờ mạng xã hội phát triển như vũ bão mà làm thế thì cổ hũ lắm. Có thể, những người không biết dùng điện thoại thông minh hoặc máy tính mới xem những thể loại đó chứ những người suốt ngày tiếp xúc với công nghệ ít ai xem thể loại đó lắm. Mà khổ nỗi, số người rành công nghệ bây giờ lại rất nhiều mà người không rành công nghệ lại rất ít.
Hài hay chính kịch thì cũng đòi hỏi phải có thông điệp gì đó. Nay người ta xem nhưng sang năm người ta vẫn nhớ. Còn những thứ tầm phào thì xem xong người ta quên ngay.
Thời gian gần đây, chương trình “Táo Quân” cũng bị một số khán giả cho là tạo tiếng cười hơi khô khan và gượng gạo. Ông nghĩ sao về ý kiến này?
Hiện có 2 loại hài. Táo Quân là một chương trình hài tết phát trên truyền hình do Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC) mỗi năm mới làm một lần. Chương trình này tập trung bao nhiêu trí lực, thời gian, công sức… để tạo ra một tiếng cười bác học.
Chương trình tổng kết lại những vấn đề của đời sống – xã hội trong một năm vừa qua. Còn hài tết do các nhà sản xuất tự bỏ tiền ra sản xuất rồi phát hành dưới dạng đĩa hoặc trên mạng internet để kiếm tiền lại tạo ra nhiều tiếng cười khác nhau.
Thể loại hài tết này không giống với Táo Quân của VFC . Tôi gọi đó là hài dân dã vì nó phục vụ cho giới bình dân là chính. Hài bác học không phải lúc nào cũng sản xuất được mà có khi cả năm mới làm được một lần.
Là “cha đẻ” của Táo Quân, ông nghĩ gì về các ý kiến cho rằng chương trình đã đến lúc phải dừng lại sau hành trình 15 năm?
Mấy ông bảo chương trình nên dừng lại là “chém gió” thế thôi chứ không có Táo Quân chắc gì đã có các ông đó. Tôi vẫn thừa nhận là Táo Quân làm nhiều quá mà chỉ một mình anh Đỗ Thanh Hải cầm trịch thì sẽ rất mệt mỏi, hao dần năng lượng… và mất dần sự sáng tạo.
"Cha đẻ" của Táo Quân chụp ảnh cùng các nghệ sĩ tham gia chương trình trong hậu trường.
Từ lúc tôi về nghỉ hưu đến nay, một mình anh Đỗ Thanh Hải cầm trịch chương trình đó 10 năm nay. Tôi phải đánh giá là họ rất mệt mỏi, lao tâm khổ tứ vì chương trình và thường xuyên bị rơi vào trạng thái “làm xong không muốn làm nữa”.
Nhưng rồi họ vẫn phải làm bởi đó là chương trình được mong đợi nhất năm… không làm không được. Càng làm thì lại càng hao tổn trí tuệ, sức lực, sự sáng tạo…
Táo Quân ở thời điểm hiện tại là đang đứng im một chỗ, không đi lên mà cũng không đi xuống. Tôi nghĩ là nếu muốn có sự bùng nổ thì phải có một người tài trí và đẳng cấp hơn anh Đỗ Thanh Hải may ra. Người đó phải tạo ra được một format (hình thức) mới.
Nếu Táo Quân dừng lại và đổi sang một format mới thì ông có buồn không?
Tôi vui chứ sao lại phải buồn vì Táo Quân đã trải qua ngần đó năm, nếu thay đổi được để có sự mới mẻ hơn thì quá tuyệt vời. Nhưng tôi nghĩ khó ai có thể làm được hay hơn ê-kíp hiện tại đâu.
Một chương trình mà cả ê-kíp phải chỉn chu từ việc viết kịch bản cho đến luyện tập quên ngày quên đêm rồi còn sân khấu, trang phục, đạo cụ…phải luôn thay đổi. Ghi hình 3 hôm liền mới chắt lọc để có được 1 chương trình hoàn thiện phát sóng trong đêm giao thừa. Không ai có thể làm được tốt hơn đâu.
Cảm ơn ông đã chia sẻ thông tin.
Hà Tùng Long