NSND Đào Bá Sơn đề nghị lập bia tưởng niệm 2 hãng phim vừa bị “khai tử”

(Dân trí) - "Tôi xin đề nghị Cục Điện ảnh (Bộ VHTT&DL), Bộ Tài chính hãy dành cho mỗi hãng phim 10m2 đất, đừng bán hay ở 10m2 này mà hãy cho dựng một tấm bia đá lớn tưởng nhớ công lao và vai trò lịch sử của 2 hãng phim này. Cả 2 hãng phim này xứng đáng được khắc vào bia đá để sau này lịch sử sẽ không lãng quên họ...", đạo diễn Đào Bá Sơn nói.

Sáng ngày 21/4, sau khi hoàn tất lễ trao giải Cánh diều 2015, Hội Điện ảnh Việt Nam đã tổ chức buổi toạ đàm “Nhìn lại sáng tác điện ảnh, phim truyền hình việt nam 2015”. Sự kiện này đã thu hút đông đảo các nhà quản lý, nhà làm phim, đạo diễn, biên kịch, nhà lý luận – phê bình… Trong khuôn khổ của buổi toạ đàm, rất nhiều ý kiến đã được đưa ra nhằm mổ sẻ, phân tích những mặt được và chưa được của Điện ảnh Việt Nam trong nhiều năm qua. Thông qua đó, nhiều khách mời cũng đưa ra những hướng ý kiến mang tính gợi mở để thúc đẩy sự phát triển của Điện ảnh Việt Nam nói chung và các hãng phim nói riêng trong thời kỳ hội nhập.

Trong số đó, xúc động nhất là những nỗi niềm, trăn trở và đóng góp của NSND, đạo diễn Đào Bá Sơn trước việc 2 hãng phim nhà nước vừa bị “khai tử”.


NSND, đạo diễn Đào Bá Sơn tâm huyết với 2 hãng phim nhà nước vừa bị khai tử. (Ảnh: TL)

NSND, đạo diễn Đào Bá Sơn tâm huyết với 2 hãng phim nhà nước vừa bị "khai tử". (Ảnh: TL)

NSND Đào Bá Sơn cho rằng, những người làm điện ảnh vừa chứng kiến lễ trao giải Cánh diều năm 2015 vào tối qua. Và cách đây vài tháng, những người làm điện ảnh cũng đã được chứng kiến lễ trao giải LHP Quốc gia lần thứ 19. Đây có lẽ là những lễ trao giải cuối cùng mà người dẫn chương trình còn xướng tên của 2 hãng phim sản xuất phim truyện lớn nhất nước đó là Hãng phim Truyện Việt Nam và Hãng phim Giải phóng.

Theo NSND Đào Bá Sơn thì đây là 2 hãng phim đã làm nền diện mạo của nền Điện ảnh cánh mạng Việt Nam, làm nên lịch sử điện ảnh nước nhà từ chiến tranh chống Pháp tới chiến tranh chống Mỹ rồi từ khi thống nhất đất nước đến nay.

Hàng nghìn bộ phim trong đó có hàng trăm tác phẩm xuất sắc đoạt hàng trăm giải thưởng của các liên hoan phim quốc tế và quốc gia. Các tác phẩm điện ảnh đó được làm bởi hàng nghìn các nghệ sĩ tên tuổi bằng tài năng, tình yêu, tâm huyết và cả xương máu. Những tác phẩm đó đã khiến cho thế giới hiểu và biết thêm về Việt Nam, biết đến tính cách bất khuất và anh hùng của một dân tộc trong chiến tranh và hòa bình, biết đến tâm hồn và văn hóa Việt.


Hãng phim Truyện Việt Nam vừa tiến hành cổ phần hoá vào đầu tháng 4/2016. (Ảnh: TL)

Hãng phim Truyện Việt Nam vừa tiến hành cổ phần hoá vào đầu tháng 4/2016. (Ảnh: TL)

“Thưa quý vị, sắp tới đây, 2 hãng phim này sẽ có những ông chủ mới, những người bỏ tiền mua nó. Nó sẽ được thay tên, đổi chủ. Đây là một việc tất nhiên trong lộ trình hội nhập và phát triển điện ảnh thị trường. Nhân đây tôi cũng xin đề nghị Cục Điện ảnh (Bộ VH,TT&DL), Bộ Tài chính hãy dành cho mỗi hãng phim 10m2 đất, đừng bán hay ở 10m2 này mà hãy cho dựng một tấm bia đá lớn tưởng nhớ công lao và vai trò lịch sử của 2 hãng phim này. Cả 2 hãng phim này xứng đáng được khắc vào bia đá để sau này lịch sử sẽ không lãng quên họ. Ở Hãng phim Giải phóng chúng tôi có 31 liệt sỹ. Hãng được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cùng với Hãng phim Truyện Việt Nam. Nó làm biết bao kỳ tích…”, NSND Đào Bá Sơn xúc động nói.

Vị đạo diễn “Long thành cầm giả ca” nhận định, đã hơn 20 năm qua, từ khi đất nước đổi mới với nền kinh tế nhiều thành phần rồi chuyển sang nền kinh tế thị trường, xóa bỏ bao cấp, điện ảnh đã được xã hội hóa. Hàng trăm hãng phim tư nhân đã ra đời, họ sản xuất hàng trăm phim. Các bộ phim đủ các thể loại từ hành động, hài, kinh dị, đến tâm lý xã hội… Rất nhiều bộ phim có doanh thu phòng vé cao, trong đó một số phim thu gần 100 tỷ như “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” hay “Em là bà nội của anh”… hoặc có nhiều phim doanh thu không cao nhưng được nhiều người ghi nhận về sự tìm tòi, sáng tạo trong nghệ thuật như: “Quyên”, “Đường Đua”, “Mùa hè lạnh” hay “Đập cánh giữa không trung”…

“Chúng ta phải ghi nhận công lao của những hãng phim tư nhân đã lôi kéo khán giả Việt Nam đến với phim Việt Nam. Họ đã giành lại được nguồn vốn thu lớn, thị phần lớn tại các hệ thống rạp. Khi mà điện ảnh Mỹ, Hàn Quốc hay Hồng Kông chiếm lĩnh và bá chủ thị phần. Khi khán giả đang quay lưng với phim Việt thì đây là điều đáng trân trọng. Trong đó, có nhiều phim đoạt những giải thưởng cao tại LHP Quốc gia và Cánh diều khiến chúng ta hy vọng và tin tưởng. Chúng ta đang mất một cái gì đấy và chúng ta cũng đang được một cái gì đấy.


Hãng phim Giải Phóng cũng có số phận tương tự Hãng phim Truyện Việt Nam. (Ảnh: TL)

Hãng phim Giải Phóng cũng có số phận tương tự Hãng phim Truyện Việt Nam. (Ảnh: TL)

Gần đây “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, một bộ phim của nhà nước đặt hàng thắng lớn về doanh thu gần 100 tỷ và thắng lớn về nghệ thuật (Bông sen vàng Quốc gia 19) là sự hợp tác thành công giữa nhà nước và tư nhân. Nó trở thành một hiện tượng mà “hộp đen” của nó cần được giải mã cho sự thành công. Bởi ngay tại Mỹ, sau 88 lần trao giải Oscar thì chỉ có 5 phim được xem là ăn khách nhất, tỷ lệ 17%.

Điện ảnh đã sang một trang mới một cách lặng lẽ sau những ầm ĩ ở bề mặt. Cái cũ đã được xếp lại, cái mới đã và đang tiếp tục mở ra, “tre già, măng mọc. Nhà nước tiếp tục đặt hàng các bộ phim của nhà nước nhưng sắp tới chỉ là các hãng tư nhân. Và rồi một câu hỏi từ lâu sẽ vẫn tiếp tục trong tương lai. Tại sao phim nhà nước đạt doanh thu ít? Tại sao các hãng phim tự sản xuất có doanh thu cao?”, đạo diễn Đào Bá Sơn nhấn mạnh.

Theo ông, rồi đây nhà nước sẽ đặt hàng phim của mình nhân các sự kiện lớn, các lễ kỷ niệm lớn của dân tộc… vì đây là nhiệm vụ chính trị cũng như duy trì bản sắc Việt trong nghệ thuật. Và đương nhiên các hãng phim sẽ làm bằng mọi giá để bán vé và bán nhiều vé. Kể cả bất chấp các phim rất nhố nhăng như “Mỹ nhân ngư” của Châu Tinh Trì đóng hay trên truyền hình như “Cô dâu 8 tuổi” đã chiếu hơn 2 năm nay với hơn 1.000 tập.

Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh được vị đạo diễn họ Đào nhắc tới như một minh chứng cho sự thành công vang dội của việc hợp tác giữa nhà nước và tư nhân. Ảnh: TL.
"Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" được vị đạo diễn họ Đào nhắc tới như một minh chứng cho sự thành công vang dội của việc hợp tác giữa nhà nước và tư nhân. Ảnh: TL.

Đây là phim bán được nhiều quảng cáo nhất cho nhà sản xuất và kênh phát sóng. Cũng thật đáng lo ngại khi tiêu chí đánh giá giá trị của một bộ phim được tính bằng số lượng vé bán ra và số tiền thu được từ rạp chiếu. Báo chí nhiều lần lên án các bộ phim gọi là “thảm hoạ điện ảnh Việt” nhưng rất nhiều phim trong số này lại không phải là thảm họa phòng vé. Những mâu thuẫn này, vấn đề này chắc sẽ tồn tại rất lâu trong điện ảnh Việt.

“Có lần tôi hỏi mấy anh bạn soát vé ở rạp câu hỏi đó, họ nói: “Hãy làm những phim bọn trẻ thích”. Chúng ta đừng quên khán giả đến rạp tuổi trung bình từ 15 đến 29. May mắn thay “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” một bộ phim đi sâu vào tâm hồn Việt qua tuổi thơ và vẻ đẹp của nhân vật lại chính là bộ phim mà bọn trẻ thích”, đạo diễn Đào Bá Sơn chia sẻ.

Hà Tùng Long