NSND Đặng Thái Sơn kể về người mẹ đã bước sang tuổi 102
(Dân trí) - Quanh năm đi biểu diễn và giảng dạy khắp thế giới, là cái tên vinh danh Việt Nam, NSND Đặng Thái Sơn bồi hồi xúc động kể về người mẹ, người thầy nay đã bước sang tuổi 102.
Gắn với những ký ức về tuổi thơ và gia đình, đồng thời cũng là người đồng hành cùng con trai trên chặng đường ra thế giới, xin được hỏi về mẹ ông - bà Thái Thị Liên. Sau buổi hoà nhạc “Trăm mùa thu vàng” diễn ra hồi tháng 11/2017 - sự kiện vinh danh những cống hiến của nghệ sĩ, nhà giáo Thái Thị Liên, hiện nay lịch sinh hoạt hàng ngày của nghệ sĩ - nhà giáo tròn 100 tuổi Thái Thị Liên như thế nào?
Má tôi vừa thổi nến mừng sinh nhật tròn 101 tuổi (102 tuổi ta) hôm 4 tháng 8 vừa rồi.
Hàng ngày ngoài đọc báo, coi TV, chơi bài, tập đàn, lên thực đơn cho chị giúp việc đi chợ (bà vẫn “tay hòm chìa khoá” nhé).
Bà thích đi dạo gần nhà: vòng quanh hồ Tây, vườn Bách Thảo, siêu thị, lâu lâu đi nhà hàng, nghe biểu diễn, trời đẹp thì cùng con cháu đi Đồ Sơn, Tam Đảo, Ba Vì… ngồi xe hơi không mệt mỏi.
Xin ông kể thêm về “Quà tặng mẹ tặng thầy” - phần biểu diễn riêng mà ông đã dành tặng mẫu thân, đồng thời cũng là người thầy trên những chặng đường nghệ thuật?
Mỗi tác phẩm diễn hôm đó đều có một lý do: Bản Polonaise cung sol thứ của F.Chopin - bài nhạc Chopin đầu tiên tôi học với má hồi 9 tuổi trên nơi sơ tán ở Hà Bắc, hai tác phẩm của M. Ravel theo “đặt hàng” của má: Jeux d’eau và Alborada del Gracioso.
Má tôi là "sản phẩm" của trường phái piano Pháp nên chắc là không ít bùi ngùi khi nghe nó, cao trào của chương trình là bản opera “Norma” của V.Bellini, bản Anh hùng ca do F.Liszt soạn lại cho piano như phảng phất chân dung nghệ thuật của bà.
Hình ảnh gia đình chụp năm 2019 của NSND Thái Sơn.
Lúc còn nhỏ, tập luyện dưới sự giám sát nghiêm khắc của mẹ, ông sợ nhất điều gì?
Chiến tranh!
Thế hệ đi trước dù trải qua những tháng ngày thiếu thốn, gian khó, mọi điều kiện tài chính, học tập, tổ chức biểu diễn đều chỉ ở mức tối thiểu nhưng lại được trực tiếp học hỏi và làm việc với những người thầy lớn như nhà giáo - nghệ sĩ Thái Thị Liên, theo ông có phải là sự may mắn? Trong khi ngày nay, xã hội hình ảnh người thầy nhiều khi bị méo mó đến tội nghiệp khi vật chất lên ngôi?
Vâng, đúng là số phận, với thời gian thời thế thay đổi, cái mất lại thành được, được mà là mất.
Bà Thái Thị Liên biểu diễn trong chương trình vinh danh và mừng thọ tròn 100 tuổi năm 2017.
Mẹ của ông, nghệ sĩ Thái Thị Liên là người có công lao lớn đối với nền giáo dục âm nhạc Việt Nam. Bà là một trong những người sáng lập Học viện Âm nhạc Quốc gia, đào tạo nhiều giảng viên, nghệ sĩ thành danh, chủ nhiệm khoa Piano suốt 20 năm liền. Con gái của bà sau đó trở thành Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia (GS.TS Trần Thu Hà) còn con trai trở thành nghệ sĩ piano nổi tiếng thế giới. Nhìn lại hành trình của mình, ông đánh giá thế nào về yếu tố nền tảng gia đình đối với sự nghiệp của mình?
Vâng, gia đình là yếu tố quyết định, vai trò của cả bố lẫn mẹ: mẹ trao cho tay nghề, bố định hướng phần hồn. Bố tôi - ông Đặng Đình Hưng là nhà thơ dòng tiên phong nhưng không gặp thời.
Xin được hỏi về cảm xúc của ông trong lần trở lại quê hương biểu diễn đêm 25/8 tới?
Mấy cái “lần đầu” làm thấy lòng rạo rực: lần đầu đàn nhạc Beethoven ở TPHCM, lần đầu trình diễn cùng Dàn nhạc giao hưởng của Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TPHCM, lần đầu tham dự Liên hoan nghệ thuật Giai điệu mùa thu, không kể thành phố lại là quê ngoại của tôi.
NSND Đặng Thái Sơn.
Khổ luyện và tài năng, mỗi thành phần giữ bao nhiêu phần trăm trên cán cân dẫn đến thành công thưa nghệ sĩ?
Nghệ thuật khó cân đong chính xác kiểu toán học, nôm na là: tài năng mà thiếu khổ luyện thì giỏi lắm leo được nửa con dốc, chưa kể mối hoạ của tính nghiệp dư, khổ luyện nhiều mà không tài năng thì… vô vọng .
Sự trở lại Việt Nam trong mùa diễn Giai điệu mùa thu 2019 lần này, được biết là Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TPHCM đã phải trao đổi trước với ông từ mấy năm nay do đã kín lịch biểu diễn? Xin nghệ sĩ cho biết thêm về lịch diễn của ông trong thời gian tới?
Tôi kiêm nhiều lịch, biểu diễn mùa tới đáng kể có tour ở Nhật Bản, Trung Quốc với 3 Dàn nhạc top của họ: Bắc kinh, Thượng Hải, Quảng châu, recital tại Matxcova, Nga, Rio de Janeiro, Brazil, Hà nội cùng Dàn nhạc Sun Symphony SSO…).
Ngoài ra tôi còn dạy học thường kỳ tại hai trường: Đại học Montreal (Canada) và Nhac viện Oberlin (Mỹ), dạy ngắn hạn nhiều trường, nhiều trại âm nhạc, huấn luyện đặc biệt chuẩn bị các cuộc thi quốc tế ; lịch làm giám khảo các cuộc thi quốc tế, lịch thu băng đĩa …
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Hoà Bình
Ảnh: Hirotoshi Sato, NVCC