NSND Đặng Nhật Minh nói về vở diễn xiếc “Làng tôi”

(Dân trí) - Vỏn vẹn chỉ có 14 diễn viên cùng 6 nhạc công, với đạo cụ chính là những cây tre dài, ngắn biến hóa khôn lường thành những hoạt cảnh tái hiện cuộc sống yên ả, thanh bình của một làng quê đồng bằng Bắc Bộ… Xiếc “Làng tôi” thêm một lần nữa tôn vinh thứ cây quốc hồn quốc túy.

Tôi được xem vở diễn xiếc “Làng tôi” lần đầu ra mắt ở Hà nội tại rạp Kim Mã sau một đợt lưu diễn ở Pháp cách đây 5 năm. Tối qua (19/10), tôi vừa được xem lại vở diễn trên tại Rạp Hồng Hà.

5 năm qua với hàng nghìn buổi biểu diễn trước hàng vạn khán giả trong và ngoài nước nó đã được điều chỉnh, bổ sung… Nhưng đối với tôi, buổi biểu diễn được xem cách đây 5 năm vẫn để lại cho tôi nhiều ấn tượng hơn cả. Sau buổi buổi diễn đó tôi có ghi lại những cảm xúc của mình.

NSND Đặng Nhật Minh cùng các nghệ sĩ tham gia vở diễn Làng tôi.
NSND Đặng Nhật Minh cùng các nghệ sĩ tham gia vở diễn "Làng tôi".

***

Tôi chưa bao giờ đi xem xiếc mà lại thấy cảm động, lòng trào dâng một cảm giác xao xuyến hệt như khi tiếp xúc với những truyện ngắn của Thạch Lam, thơ Nguyễn Bính hay những tùy bút của Vũ Bằng.

Cái cảm xúc đó đã đến với tôi vào tối 21 tháng 12 năm 2013 khi lần đầu được xem vở kịch xiếc “Làng tôi” tại Nhà hát Kim Mã ở Hà Nội.

Trải nghiệm đó thật khó tả, nó làm tôi bàng hoàng như vừa khám phá ra một điều gì đó hệ trọng cho chính mình. Bởi khi tôi bước vào nghề điện ảnh những năm 70 của thế kỷ trước, điện ảnh không có khái niệm giải trí. Những ngày đó muốn giải trí người ta đi xem xiếc hoặc nghe hòa nhạc. Thật vậy, từ lâu đối với tôi, xiếc là một thứ nghệ thuật chủ yếu phục vụ cho nhu cầu giải trí của con người, nhất là trẻ em.

Nhưng sau cái đêm ở nhà hát Kim Mã hôm ấy thì quan niệm đó trong tôi đã thay đổi hẳn. Thì ra với ngôn ngữ của cơ thể con người, của chuyển động, của tiết tấu, của ánh sáng, của âm nhạc , tiếng động… xiếc có thể nói lên một cách dung dị mà sâu sắc rất nhiều điều vốn dĩ là sở trường của văn học, của hội họa, âm nhạc và cả điện ảnh nữa. Đó là điều mà trước đây tôi không bao giờ ngờ tới.

Cách đây 3 năm, một chị bạn Việt kiều ở Pháp gửi cho tôi một lá thư email cho biết, chị vừa xem kịch xiếc “Làng tôi” (Mon village) tại Viện Bảo tàng Branly ở Paris. Chị cho biết, vở kịch đã thành công ngoài mọi sự mong đợi.

Khán giả sau khi xem xong đã đứng cả dậy vỗ tay không dứt cho đến khi các diễn viên phải ra cúi chào đến lần thứ 7 mới thôi. Chị khuyên tôi nhất định phải đón xem vở xiếc này bởi như chị nói: “Một người đã từng làm những phim như “Bao giờ cho đến tháng 10”, “Thương nhớ đồng quê”… hẳn sẽ tìm thấy sự đồng điệu trong vở diễn này”. Bởi vậy tôi háo hức chờ đợi cuộc hội ngộ này và đêm vừa qua tôi đã được toại nguyện.

Toàn bộ vở kịch diễn ra trong một ngày, bắt đầu từ buổi sáng tinh mơ với tiếng gà gáy văng vẳng trong thôn cho đến khi ngọn đèn dầu cuối cùng được thổi tắt. Tấm lưng trần lực lưỡng của người nông dân gieo hạt trong sáng sớm tinh mơ, những người đàn ông, đàn bà thôn quê sửa soạn thúng mủng dần sàng, tay cày tay cuốc ra đồng chuẩn bị cho một ngày lao động.

Những động tác quen thuộc của xiếc như nhào lộn, đánh đu, uốn dẻo, tung hứng bỗng như được thổi hồn.
Những động tác quen thuộc của xiếc như nhào lộn, đánh đu, uốn dẻo, tung hứng bỗng như được thổi hồn.

Khi màn đêm buông xuống, sau một ngày lao động mệt nhọc, người mẹ nằm bên võng ru con, cô gái thêu thùa, chàng trai ngồi gẩy đàn bầu bên người yêu ngân nga câu hát ca dao… Thấp thoáng bóng cô gái múc nước tắm gội, một bà mẹ ngồi khấn vái trước bàn thờ và trên chòi cao một thanh niên ngồi nhìn bầu trời đêm tư lự…

Những động tác quen thuộc của xiếc như nhào lộn, đánh đu, uốn dẻo, tung hứng bỗng như được thổi hồn, trở nên lung linh huyền ảo và quyến rũ một cách lạ thường.

Phải nói đến công lao của phần âm thanh gồm âm nhạc và tiếng động đã tạo cho vở diễn một tiết tấu lúc nhặt lúc khoan đầy cuốn hút sinh động.

NSND Đặng Nhật Minh nói về vở diễn xiếc “Làng tôi” - 3

Những cảnh sinh hoạt bình dị từ bao đời nay như mò cua bắt ốc, đi cấy, buôn thúng bán bưng, chợ phiên, tụng kinh gõ mõ, những đêm ả đào, gái trai hẹn hò tình tứ, cho đến dựng nhà, lấy vợ gả chồng, những lúc nông nhàn với những âm thanh quen thuộc như những tiếng rao hàng, tiếng người lao xao ngoài chợ, tiếng chổi tre, tiếng mưa rào, tiếng sấm sét trước một cơn going... tất cả đều trở nên quá đỗi thân thuộc.

Mà tất cả vỏn vẹn chỉ có 14 diễn viên cùng 6 nhạc công, với đạo cụ chính là những cây tre dài, ngắn biến hóa khôn lường trước mắt chúng ta thành những hoạt cảnh tái hiện cuộc sống yên ả thanh bình của một làng quê đồng bằng Bắc Bộ.

Tôi đã từng xem bộ phim “Cây tre Việt Nam” của nữ đạo diễn Ba Lan với lời bình của nhà văn Thép Mới. Đây có lẽ là một tác phẩm nghệ thuật đầu tiên vinh danh cây tre Việt Nam. Trong lời thuyết minh của mình Thép Mới đã đúc kết: “Suốt một đời người, từ thuở lọt lòng trong chiếc nôi tre, đến khi nhắm mắt xuôi tay nằm trên chiếc giường tre, tre với người, sống có nhau, chết có nhau, chung thủy”. Xiếc “Làng tôi” thêm một lần nữa tôn vinh thứ cây quốc hồn quốc túy này.

NSND Đặng Nhật Minh nói về vở diễn xiếc “Làng tôi” - 4

Chỉ với 14 thân cây tre trong tay 14 diễn viên khi là xà ngang, xà dọc, để diễn viên xiếc đu bám, đùa vui nghịch ngợm. Hàng chục thân tre đủ mọi kích cỡ, liên tục được dàn xếp, sắp đặt biến hóa trên sân khấu, khi thì thành cầu tre lắt lẻo, khi lại hóa thành một con mảng đang trôi trên sóng nước dập dềnh, khi thành sườn nhà, khi thành vách tường che chở cho con người. Diễn viên tung hứng, đu mình trên những thân tre, đu dây trên rừng cọc tre khi xòe ra, khi khép lại như ôm ấp.

Vở diễn xây dựng lên mối liên hệ mật thiết giữa đời sống cây tre với đời sống con người. Tre là người bạn, là công cụ lao động, tham gia vào cuộc sống của người dân quê, sống chết có nhau, thủy chung như Thép Mới đã từng nói.

Như một tờ báo đã nhận xét rất tinh tế: “Vở diễn "Làng tôi" là sự kết hợp hài hòa và điêu luyện của những tương phản: cái rắn rỏi của tre - cái mềm mại của chuyển động con người trên nền tre trúc, cái tĩnh của phông nền là bối cảnh làng quê Bắc Bộ đối lập với cái động của xiếc, cái vô thanh của âm nhạc tôn lên cái hữu thanh của những thanh âm đời sống làng quê: tiếng gà gáy, tiếng ru con, tiếng chão chuộc đêm, tiếng tụng kinh gõ mõ, tiếng hò lao động”. Về phương diện này “Làng tôi” đã đạt tới sự diệu nghệ của ngôn ngữ điện ảnh trong việc khai thác sự tương phản, kết hợp giữa hình ảnh và âm thanh”.

“Vở diễn Làng tôi là sự kết hợp hài hòa và điêu luyện của những tương phản: cái rắn rỏi của tre - cái mềm mại của chuyển động con người trên nền tre trúc.
“Vở diễn "Làng tôi" là sự kết hợp hài hòa và điêu luyện của những tương phản: cái rắn rỏi của tre - cái mềm mại của chuyển động con người trên nền tre trúc".

Đạo diễn Nhất Lý cho biết, khi dàn dựng ở Hà Nội, vở diễn mới đầu gồm hơn 100 nghệ sĩ nhưng sau này khi lưu diễn nước ngoài chỉ còn 14 nghệ sĩ . Vở diễn "Làng tôi" đã chu du Tây Ban Nha, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Hongkong, Hungary…

Khi biểu diễn ở nước ngoài, hầu hết khán giả quốc tế xem đều hiểu và cảm nhận những ý đồ của vở diễn chứng tỏ "Làng tôi" đã đi tới tâm hồn của họ không cần qua ngôn ngữ.

Đạo diễn Tuấn Lê thì chia sẻ, khi diễn ở nước ngoài, có khán giả xem xong nói không hiểu gì cụ thể, nhưng họ khóc vì những hình ảnh trên sân khấu đã chạm được vào cảm xúc của họ.

Cách đây không lâu trong một buổi giao lưu với sinh viên trường Đại học Hoa sen tại TP Hồ Chí Minh một em sinh viên hỏi tôi: “Thưa thầy , làm sao chúng em phân biệt được đâu là phim nghệ thuật và đâu là phim không phải nghệ thuật? Tôi đã trả lời: Những phim nào làm các em cảm động thì đó là những phim nghệ thuật. Những phim nào xem xong các em dửng dưng không mảy may xúc động thì đó không phải là nghệ thuật. Bởi vì chỉ có nghệ thuật mới có khả năng làm cho người ta cảm động”. Hồi đó tôi chưa được xem “Làng tôi”, chưa được biết rằng tận bên trời Âu mặc dù khác biệt về văn hóa có người đã khóc khi tiếp xúc với vở diễn này.

Thật vậy, chỉ có nghệ thuật đích thực mới có khả năng làm xúc động trái tim con người. Xiếc “Làng tôi” (và trước đây là vở múa “Hạn hán và cơn mưa” của El Sola) đã làm được điều đó. Chúng đã minh chứng cho câu nói của Nhà văn Nguyễn Minh Châu: “Hãy đi đến tận cùng cái của ta, ta sẽ gặp nhân loại”.

Xem xong vở diễn ra về lòng tôi vui buồn lẫn lộn. Vui vì được gặp lại những gì thân thuộc nhất của mình từ lâu đã trở thành quá khứ , hoài niệm… Và buồn vì nhân ra rằng những cái đó vĩnh viễn không bao giờ còn thấy trong cuộc sống đầy xáo động ngày nay ở nông thôn. Vẫn biết rằng tất cả đều phải đổi thay, phải chuyển động… nhưng tôi vẫn là người “Thương nhớ đồng quê”, tiếc cho những giá trị ngàn đời đang bị mai một dần. Dầu sao vẫn còn một niềm an ủi: Những giá trị đó đang được lưu giữ trong vở diễn xiếc “Làng tôi”.

NSND Đặng Nhật Minh