Nỗi lo phía sau tên gọi “thần đồng tiểu thuyết” Nguyễn Bình

(Dân trí) Trong vòng 8 tháng, cậu bé 11 tuổi đã hoàn thành 3 tập tiểu thuyết “Cuộc chiến với hành tinh Fantom” dày hơn 1.000 trang. Khi tên tuổi của Nguyễn Bình xuất hiện với những từ vinh danh như “thần đồng”, “tài năng kiệt xuất”…, nhiều người lại ngại cho tương lai của cậu bé này.

Cuốn tiểu thuyết Cuộc chiến với hành tinh Fantom là câu chuyện giả tưởng mang hơi hướng dự báo một cuộc chiến hành tinh ở Mỹ vào những năm 2015. Tác phẩm bộc lộ kiến thức và cách quan sát tinh tế, phong cách kể chuyện gợi mở.

Cuốn tiểu thuyết được NXB Trẻ ấn hành trở thành “hiện tượng” của văn học Việt thời kỳ hiện đại. Trong vòng 8 tháng, cậu bé 11 tuổi đang học lớp 6 trường THCS Lê Quý Đôn đã hoàn thành 3 tập tiểu thuyết dày hơn 1.000 trang. Và theo dự kiến, bộ tiểu thuyết bao gồm 8 cuốn sẽ hoàn thành trước năm 2015, trước thời điểm mà cậu dự báo diễn ra các sự kiện.

Hiện nay, Nguyễn Bình đã xong bản thảo tập 4 và tập 5, đang hoàn thành tiếp tập 6 và 7.
 
Nỗi lo phía sau tên gọi “thần đồng tiểu thuyết” Nguyễn Bình

Nguyễn Bình được coi là "tài năng kiệt xuất" khi ra mắt bộ sách giả tưởng Cuộc chiến với hành tinh Fantom

Ngay sau khi ra mắt tập đầu tiên bộ sách Cuộc chiến với hành tinh Fantom, và sau 8 tháng cho ra đời trơn tru 3 tập tiểu thuyết, Nguyễn Bình trở nên nổi tiếng với những tính từ đề cao như: “Thần đồng”, “tài năng kiệt xuất”…

Nhiều cuộc hội thảo, họp báo, bài viết “mổ xẻ” về hiện tượng văn xuôi Nguyễn Bình và phóng khoáng dành cho cậu bé này nhiều lời có cánh. Câu chuyện về cậu bé biết đọc từ thuở lên 3, 10 tuổi đã được coi là “thần đồng tiểu thuyết” cho đến giờ vẫn khiến độc giả sửng sốt…

“Lâu lắm rồi mới có một sự kiện giới thiệu sách của một tác giả trẻ như vậy. Cậu bé 11 tuổi Nguyễn Bình là một trường hợp đặc biệt, mang lại nhiều điều ý nghĩa. Trong khi những đứa trẻ ngày nay đang dần lãng quên thế giới của trí tưởng tượng thì Nguyễn Bình xuất hiện với tiểu thuyết giả tưởng này.Cậu đã làm thay việc của người lớn dành cho trẻ em, khiến người lớn chúng ta phải suy nghĩ”, nhà văn Nguyễn Quang Thiều nói tại buổi giới thiệu bộ sách Cuộc chiến với hành tinh Fantom của tác giả Nguyễn Bình sáng ngày 15/8 tại Hà Nội.

Ông Phạm Sĩ Sáu, đại diện NXB Trẻ - người chuyên đi “săn” những gương mặt mới và các hiện tượng văn học chia sẻ: “Với con mắt của nhà làm kinh doanh văn học, tôi chỉ cần mất 30 phút đọc bản thảo và đưa ra quyết định phát hành tác phẩm này”…

Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui, tự hào về khả năng của Nguyễn Bình, không ít người (trong đó có người thân, nhà trường)… lại tỏ ý lo ngại cho bước đường sau này của cậu bé, lo ngại những lời khen có cánh khiến cậu “hỏng”,  dễ đẩy cậu vào sự ảo tưởng.
 
Hội thảo giới thiệu bộ sách gây nhiều sự chú ý của Nguyễn Bình diễn ra sáng ngày 15/8 tại Hà Nội

Hội thảo giới thiệu bộ sách gây nhiều sự chú ý của Nguyễn Bình diễn ra sáng ngày 15/8 tại Hà Nội

Tại buổi giới thiệu bộ sách Cuộc chiến với hành tinh Fantom của tác giả Nguyễn Bình sáng nay, nhà văn Hữu Thỉnh cho rằng: “Chúng ta ghi nhận thành quả của Nguyễn Bình. Tôi cũng đề nghị Hội Liên hiệp văn học tặng Bằng khen cho tác phẩm xuất sắc này. Tuy nhiên, xã hội không nên dành cho cậu quá nhiều tính từ đề cao. Đánh giá Nguyễn Bình có phải là nhà văn tài năng hay không là còn quá sớm. Bởi vì, để trở thành một nhà văn, cậu bé còn phải trải qua cả quãng đường gian truân nữa…”

Bản thân nhà phê bình văn học Nguyễn Hòa, bố của Nguyễn Bình cũng luôn dăn dạy con trai rằng đừng quá tự hào về thành quả của mình đạt được mà bỏ bẵng việc học. Chia sẻ tại sự kiện này, nhà phê bình văn học Nguyễn Hòa cũng cho biết ông sẽ dành nhiều thời gian để chỉ bảo, hướng dẫn cho con những bài học ở lớp, giúp cậu có một môi trường sống và cách làm việc như một đứa trẻ bình thường.

Nguyễn Hằng
Ảnh: Lê Thoa