Nỗi khổ của nghệ sĩ khi đóng cảnh “ngặt nghèo” trên phim ảnh

(Dân trí) - Phía sau những cảnh ăn uống, cảnh tang ma thương tâm… trên phim là những câu chuyện hậu trường “cười ra nước mắt”.

Khiếp sợ đồ ăn đạo cụ

Cho đến bây giờ, trong ký ức của nhiều khán giả yêu mến phim Việt vẫn còn nhớ như in cảnh ăn cá sống của nhân vật do NSƯT Hồ Kiểng đảm nhận trong phim “Những nẻo đường phù sa” - một bộ phim của đạo diễn Châu Huế, được phát sóng vào năm 1997.

Nỗi khổ của nghệ sĩ khi đóng cảnh “ngặt nghèo” trên phim ảnh - 1

Hình ảnh nghệ sĩ Hồ Kiểng đóng vai lão nông bị địa chủ ép ăn cá sống trong "Những nẻo đường phù sa" từng khiến nhiều người ám ảnh.

Ở cảnh này, lão nông nghèo khổ bị tên địa chủ phát hiện đang bắt trộm cá trong vựa của hắn nên đã ép ông phải ăn chính những con cá vừa bắt được. Hình ảnh người nông dân lam lũ tay cầm con cá sống dính đầy bùn, vẫn còn giãy giụa cho vào miệng khiến nhiều người vừa xót thương, vừa cảm phục sự cống hiến của nam nghệ sĩ cho nghệ thuật.

Theo thành viên ê-kíp phim, cảnh quay đó hoàn toàn thật và nam nghệ sĩ đã phải rất cố gắng để diễn “một phát ăn luôn”. Tuy nhiên, sau đó ông có cảm giác bị nôn ói và phải dùng nước để xúc miệng nhiều lần. Nhiều tháng liền sau đó ông không hề đụng đũa đến món nào làm từ cá.

NSND Lan Hương cũng kể rằng, chuyện diễn viên ăn đồ ăn đạo cụ xong bị đau bụng là chuyện hết sức bình thường. Chị vẫn còn nhớ, khi quay cảnh vợ mang cơm cho chồng rồi cùng ngồi ăn vui vẻ trong phim “Đời người và những chuyến đi”, chị đã suýt bị nôn ói mấy lần vì đồ ăn quá kinh khủng.

Theo đó, đồ ăn này được tổ đạo cụ lấy lại trong bữa ăn còn thừa của diễn viên. Trong cặp lồng đạo cụ, họ bỏ một ít thịt kho tàu nhưng toàn mỡ lên trên. Lúc diễn, cả chị và nghệ sĩ Bùi Bài Bình phải ngồi ăn rất vui vẻ nhưng thực tế lúc đó nữ nghệ sĩ phải chọc xuống tận đáy cặp lòng mới moi được một tí cơm nguội cho vào miệng để làm động tác vừa nhai, vừa tâm sự. Khi đạo diễn vừa hô “cắt”, chị phải bụm mồm bụm miệng chạy vội ra phía sau nhổ vội.

Nỗi khổ của nghệ sĩ khi đóng cảnh “ngặt nghèo” trên phim ảnh - 2

Diễn viên Khánh Linh (áo hoa) thừa nhận gặp không ít tai nạn nghề nghiệp vì đồ ăn đạo cụ.

Diễn viên Khánh Linh cũng chia sẻ, đối với các cảnh ăn uống, đạo cụ đa phần là đồ ăn đã được chuẩn bị sẵn. Và đã là đạo cụ thì không thể bổ sung, thay mới liên tục được. Vì thế, có nhiều lần quay cảnh mâm cao cỗ đầy, vô cùng sang trọng nhưng mâm cỗ đó đã để ngoài trời cả ngày, bị ruồi muỗi, côn trùng “hỏi thăm” không biết bao nhiêu lần.

Lúc ngồi vào mâm, buộc phải ăn thật để quay, anh em phải “phím” chỉ được gắp ở đĩa này, tránh đĩa kia vì đĩa đó rất nhiều ruồi. Chính vì “đồ ăn đạo cụ” mà diễn viên thỉnh thoảng vẫn gặp phải những “tai nạn nghề nghiệp” rất khó nói. Ví như vừa đưa lên miệng đã bị buồn nôn hoặc đưa vào miệng ăn là bị đau bụng quằn quại.

 Ám ảnh những cảnh bên quan tài, xác chết

NSND Hoàng Dũng kể, ông vẫn nhớ mãi hôm quay đại cảnh sập mỏ đá ở những tập đầu của phim “Sinh tử”. Hôm đó, để có được cảnh quay chân thực, ê-kíp đã liên hệ với một đơn vị sở hữu mỏ đá và được đồng ý để quay cảnh sập mỏ đá thật.

Nỗi khổ của nghệ sĩ khi đóng cảnh “ngặt nghèo” trên phim ảnh - 3

Cảnh Chủ tịch tỉnh Trần Nghĩa nói lời chia buồn với gia đình nạn nhân bị sập mỏ đá trong "Sinh tử".

Và khi quay cảnh Chủ tịch tỉnh Trần Nghĩa mồ hôi nhễ nhại, tóc tai bết bát, mặt mày tã tượi... đứng trước 9 chiếc quan tài khói hương nghi ngút để thay mặt chính quyền gửi lời chia buồn đến gia đình các nạn nhân, NSND Hoàng Dũng đã không ít lần “gai người vì ớn”. Trước đó, đạo diễn định với 9 xác người dính máu, quần áo xác xơ… nhưng vì thấy hình ảnh thảm khốc quá nên thay bằng 9 chiếc quan tài.

“Thật sự, lúc đó tôi cố gắng kìm mình để không khóc theo nhưng khoé mắt vẫn cay xè. Nếu ai đã từng đóng những cảnh như thế này sẽ thấy một cảm giác “ớn lạnh” chạy dọc sống lưng. Thực tế, những diễn viên “yếu vía” mỗi lần đóng những cảnh như thế này về bị ám ảnh rất sâu và rất lâu. Bởi lẽ đó mà diễn viên rất sợ mỗi khi quay cảnh trong nhà xác, nhà tang lễ hay ngoài bãi tha ma”, NSND Hoàng Dũng nói.

Diễn viên Mi Du cũng từng ám ảnh hàng tháng trời và “tuyên bố” không bao giờ nhận lời quay phim bên cạnh xác chết như trong “Mùa hè lạnh”. Theo đó, trong bộ phim này, nữ diễn viên phải thực hiện cảnh quay ngay tại thư viện của Đại học Y (cơ sở Lê Thánh Tông - Hà Nội).

Midu trong vai Nhâm - một sinh viên trường y, cô phải dùng dao kéo để giải phẫu phần não của tử thi để nghiên cứu về căn bệnh Norodom thần kinh. Tuy nhiên, do chưa quen với việc tiếp xúc với các xác chết nên Nhâm đã bị ngất xỉu rất nhiều lần.

“Đây là cảnh quay khó nhất của tôi từ trước tới nay. Cảnh quay này đòi hỏi phải diễn thật với các xác chết trong một cực li rất gần, mà không chỉ quay một lần là xong. Dù thực tế thì tôi không bị ngất nhưng cái mùi xú uế từ tử thi quả là rất kinh khủng. Tôi đã phải bôi dầu gió lên mũi liên tục để tránh mùi tử thi xông vào mũi mình. Sau cảnh này, tôi tuyên bố không bao giờ nhận kịch bản phim nào tương tự”, Midu chia sẻ.

Hà Tùng Long