Nobel Văn học trao cho nữ văn sĩ “danh tiếng không xứng tầm tài năng”

(Dân trí) - Nữ nhà văn người Belarus - Svetlana Alexievich - thường được biết đến trong giới văn chương là một cây bút mà “danh tiếng không xứng tầm tài năng”. Giờ đây, khi đã là chủ nhân của giải Nobel, “định mệnh” này của bà ngay lập tức tan biến.

Vào 1h chiều ngày 8/10 (theo giờ Thụy Điển, tức 6 giờ tối cùng ngày tại Việt Nam), giải thưởng danh giá Nobel Văn học đã được trao cho nữ nhà văn người Belarus - bà Svetlana Alexandrovna Alexievich (67 tuổi).

Viện Hàn lâm Thụy Điển đã ca ngợi nữ nhà văn Alexievich một cách rất ngắn gọn, là nhà văn của những “ngôn từ phức điệu, một tượng đài của sự đau khổ và lòng quả cảm trong thời đại của chúng ta”.

Nobel Văn học trao cho nữ văn sĩ “danh tiếng không xứng tầm tài năng” - 1

Nữ nhà văn Alexievich sinh ngày 31/5/1948 tại thị trấn Ivano-Frankivsk của Ukraina, cha bà là người Belarus, mẹ là người Ukraina. Khi cha bà hoàn tất nghĩa vụ quân sự ở Ukraina, cả gia đình đã quay trở về Belarus sống. Kể từ đó, hai người làm giáo viên. Sau khi hoàn tất việc học, bản thân bà Alexievich cũng nối nghiệp cha mẹ và có thời gian làm nhà giáo.

Tuy vậy, người ta chủ yếu biết tới Alexievich với vai trò nhà văn - nhà báo. Bã từng học chuyên ngành báo chí ở trường Đại học Minsk (Belarus) từ năm 1967-1972. Sau khi tốt nghiệp, bà làm việc cho một tờ báo địa phương ở thành phố Brest (Belarus), gần biên giới Ba Lan.

Lý do bà không tìm việc làm ở thủ đô Minsk mà đi đến một thành phố vùng biên lập nghiệp là bởi ngay từ buổi đầu, cô phóng viên trẻ đã có những quan điểm chính trị rất rõ ràng, dứt khoát, không thỏa hiệp và không khoan nhượng.

Về sau, Alexievich có quay trở lại thủ đô Minsk và làm việc cho tờ Sel’skaja Gazeta. Trong nhiều năm làm báo, bà đã tích cực thu thập tư liệu để âm thầm chuẩn bị cho cuốn sách đầu tay “War’s Unwomanly Face” (tạm dịch: Gương mặt không kiều mị của chiến tranh - 1985).

Tác phẩm được thực hiện dựa trên những cuộc phỏng vấn của bà với hàng trăm phụ nữ từng tham gia Thế chiến II. Đây là tác phẩm đầu tay mở màn cho nhiều tác phẩm quan trọng khác sau này của Alexievich.

Nobel Văn học trao cho nữ văn sĩ “danh tiếng không xứng tầm tài năng” - 2

Bằng một phương pháp “phi thường”, tận dụng thế mạnh của nghề báo, bà Alexievich đã tập hợp cẩn thận những câu chuyện có thật của những cá nhân, để làm sâu sắc cho tác phẩm của mình, để độc giả có thêm hiểu biết chân thực về cả một thời đại.

Hai người có ảnh hưởng quan trọng đối với sự nghiệp viết văn của bà Alexievich, thứ nhất, là những ghi chép của nữ y tá kiêm nhà văn Sofia Fedorchenko (1888-1959) về trải nghiệm của những người lính tham gia Thế chiến I. Ngoài ra còn phải kể tới những ghi chép thực tế của nhà văn người Belarus - Ales Adamovich (1927-1994) về Thế chiến II.

Một điều đã được đề cập khái quát trong lời bình luận của ủy ban trao giải Nobel Văn học, rằng Alexievich là “một tượng đài của sự đau khổ và lòng quả cảm trong thời đại của chúng ta”, là bởi những mâu thuẫn trong quan điểm chính trị giữa nhà văn và nhà cầm quyền đã khiến bà có những giai đoạn phải sống ở nước ngoài.

Nhà văn Alexievich từng giành được nhiều giải thưởng văn học, đáng kể có giải Hòa bình - một giải thưởng quốc tế uy tín được trao thường niên tại Hội chợ sách Frankfurt (Đức) kể từ năm 1950; giải Prix Médicis của Pháp - một giải thưởng thường niên trao cho những tác giả mà “danh tiếng chưa xứng tầm tài năng”, giải này được trao từ năm 1958.

Nobel Văn học trao cho nữ văn sĩ “danh tiếng không xứng tầm tài năng” - 3

Những tác phẩm của bà Alexievich được giới văn chương coi như biên niên sử bằng văn học về đất nước - con người Xô Viết và hậu Xô Viết. Những đề tài mà bà Alexievich thường phản ánh trong các tác phẩm của mình là chiến tranh và thảm họa (như “Những tiếng nói từ Chernobyl” - “Voices from Chernobyl”).

Cuốn sách đầu tay của bà - “Gương mặt không kiều mị của chiến tranh” (1985) - đã được tái bản nhiều lần và bán được hơn 2 triệu bản. Đây là một tác phẩm rất đáng chú ý của Alexievich bởi nó mở đầu cho một chặng đường sáng tác văn học đã được vạch rõ hướng đi của tác giả.

Tác phẩm là những lời tự bạch của những phụ nữ từng trải qua Thế chiến II, họ nói về những khía cạnh khác nhau của cuộc chiến theo một cách mà người đọc hiếm khi được thấy trước đó.

Về sau, Alexievich còn thực hiện cuốn “Những nhân chứng cuối cùng: Cuốn sách của những câu chuyện không trẻ con” (2004) kể lại những trải nghiệm của những đứa trẻ thời chiến. Cuộc chiến được nhìn qua đôi mắt của phụ nữ và trẻ em đã đưa lại những cảm nhận hoàn toàn mới về chiến tranh, thông qua ngòi bút của Alexievich.

Nobel Văn học trao cho nữ văn sĩ “danh tiếng không xứng tầm tài năng” - 4

Năm ngoái, giải thưởng Nobel Văn học đã được trao cho tiểu thuyết gia người Pháp Patrick Modiano. Điều đáng chú ý tại giải Nobel Văn học là chỉ trao cho những nhà văn còn sống. Giải tôn vinh cả sự nghiệp sáng tác của tác giả chứ không tôn vinh riêng một tác phẩm cụ thể nào.

Phần thưởng dành cho mỗi nhà văn nhận được giải Nobel Văn học là một chiếc huy chương mạ vàng, tấm bằng chứng nhận được thiết kế dành cho riêng người nhận và khoản tiền mặt từ 8 triệu - 10 triệu cua-ron Thụy Điển (tương đương 23 - 29 tỉ đồng).

Bích Ngọc
Theo Nobel Prize

Nobel Văn học trao cho nữ văn sĩ “danh tiếng không xứng tầm tài năng” - 5

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm