Nobel Văn học gọi tên nam ca sĩ biểu tượng của Mỹ - Bob Dylan
(Dân trí) - Vào 1h chiều ngày 13/10 (theo giờ Thụy Điển, tức 6 giờ tối cùng ngày tại Việt Nam), giải thưởng danh giá Nobel Văn học đã được trao cho ca sĩ - nhạc sĩ - nhà văn người Mỹ - Bob Dylan (75 tuổi).
Bob Dylan là một nhân vật nhận được nhiều sự ngưỡng mộ trong văn hóa đại chúng Mỹ trong suốt nhiều thập kỷ qua, và từ lâu, ông cũng đã được người yêu văn hóa - nghệ thuật trên khắp thế giới biết đến bởi những nhạc phẩm có lời ca với ý tứ sâu sắc.
Nhắc đến Bob Dylan, người ta sẽ nhớ ngay tới sự nghiệp âm nhạc gây tiếng vang, được cả giới phê bình và công chúng ngưỡng mộ, vì vậy, trong một dòng tóm tắt ngắn gọn về nhân vật được nhận giải Nobel Văn học 2016, Viện Hàn lâm Thụy Điển đã ca ngợi Bob Dylan là người “đã sáng tạo nên những cấu tứ đầy chất thơ cho những nhạc phẩm tuyệt vời của âm nhạc Mỹ”.
Bob Dylan sinh ngày 24/5/1941 tại thành phố Duluth, bang Minnesota, Mỹ. Ông lớn lên trong cộng đồng người Do Thái ở thành phố Hibbing. Gia đình Bob Dylan thuộc tầng lớp trung lưu trong xã hội. Từ khi còn ở tuổi thiếu niên, Bob Dylan đã sớm thể hiện thiên hướng âm nhạc và đã chơi trong nhiều ban nhạc.
Bob Dylan cũng bị ảnh hưởng bởi những nhà văn, nhà thơ thuộc thế hệ “Beat”
Cùng với thời gian, niềm đam mê âm nhạc của Bob Dylan càng trở nên sâu sắc, cậu thanh niên đặc biệt hứng thú với dòng nhạc đồng quê và nhạc blues. Một trong những thần tượng đầu đời của Bob Dylan là nam ca sĩ của dòng nhạc đồng quê Woody Guthrie.
Ngoài ra, Bob Dylan cũng bị ảnh hưởng bởi những nhà văn, nhà thơ thuộc thế hệ “Beat” (Beat Generation) - một thuật ngữ trong đời sống xã hội Mỹ dành để chỉ những cây bút sáng tác ở thời kỳ hậu Thế chiến II, đặc trưng phong cách của họ là tôn thờ sự tự do, phá cách, ưa khám phá, thích mạo hiểm.
Bob Dylan bắt đầu chuyển tới sống ở New York hồi năm 1961 và khởi nghiệp biểu diễn trong các hộp đêm và quán cà phê. Tại đây, cậu thanh niên đã may mắn gặp được nhà sản xuất âm nhạc John Hammond - người đã quyết định ký hợp đồng thu âm đầu tiên với Bob Dylan và giúp nam ca sĩ trẻ cho ra mắt album đầu tay mang tên “Bob Dylan” (1962).
Trong những năm tháng sau đó, Bob Dylan bắt đầu cho ra mắt nhiều album có tầm ảnh hưởng lớn đối với đời sống âm nhạc Mỹ, như “Bringing It All Back Home” (1965), “Highway 61 Revisited” (1965), “Blonde on Blonde” (1966), “Blood On The Tracks” (1975).
Sức sáng tạo trong âm nhạc của Bob Dylan vẫn tiếp tục thăng hoa trong những thập kỷ sau đó, giúp ông cho ra những album siêu phẩm như “Oh Mercy” (1989), “Time Out Of Mind” (1997), “Modern Times” (2006).
Những tour lưu diễn của Bob Dylan hồi năm 1965-1966 từng là tâm điểm nóng hổi của đời sống văn hóa đại chúng Mỹ. Chính trong thời kỳ đỉnh cao sung lực này, Bob Dylan - một biểu tượng văn hóa của công chúng Mỹ - đã luôn đồng hành cùng nhà làm phim D. A. Pennebaker, để ghi lại cuộc sống của Bob Dylan từ trên sân khấu cho tới trong hậu trường.
Những thước phim này sau đó đã được cô đọng lại trong bộ phim tài liệu “Dont Look Back” (Đừng nhìn lại - 1967). Trong sự nghiệp âm nhạc dài rộng của mình, Bob Dylan đã thực hiện hàng chục album xoay quanh nhiều đề tài, về xã hội, con người, tôn giáo, chính trị, tình yêu…
Với công chúng Mỹ ngày nay, Bob Dylan vẫn được xem như một biểu tượng tầm vóc
Những lời bài hát do Bob Dylan sáng tác thậm chí còn được tập hợp lại để xuất bản thành sách bởi ý tứ trong ca từ quá giàu chất thi ca, nghệ thuật, sâu sắc, ý nghĩa, chứa đựng nhiều triết lý nhân sinh. Bob Dylan được đánh giá là một nghệ sĩ đặc biệt đa tài, không chỉ là một ca sĩ - nhạc sĩ thành công, ông còn là một họa sĩ, một diễn viên, biên kịch…
Bên cạnh một nội lực dồi dào giúp ông sản xuất được hàng chục album, Bob Dylan còn từng cho ra mắt những tác phẩm văn chương mang tính thể nghiệm như tập thơ “Tarantula” (1971) hay cuốn tự truyện “Chronicles” (Biên niên ký - 2004) xoay quanh những hồi ức của ông trong những năm tháng đầu lập nghiệp ở New York, khi còn biểu diễn trong hộp đêm, quán cà phê…
Bob Dylan có tầm ảnh hưởng lớn đối với đời sống âm nhạc Mỹ đương đại.
Trong văn hóa đại chúng Mỹ hôm nay, Bob Dylan được xem như một biểu tượng tầm vóc. Ông có tầm ảnh hưởng lớn đối với đời sống âm nhạc Mỹ đương đại.
Năm ngoái, giải thưởng Nobel Văn học đã được trao cho nữ nhà văn người Belarus - bà Svetlana Alexandrovna Alexievich (68 tuổi). Điều đáng chú ý tại giải Nobel Văn học là chỉ trao cho những nhà văn còn sống. Giải tôn vinh cả sự nghiệp sáng tác của tác giả chứ không tôn vinh riêng một tác phẩm cụ thể nào.
Phần thưởng dành cho mỗi nhà văn nhận được giải Nobel Văn học là một chiếc huy chương mạ vàng, tấm bằng chứng nhận được thiết kế dành cho riêng người nhận và khoản tiền mặt từ 8 triệu - 10 triệu cua-ron Thụy Điển (tương đương 20 - 25 tỷ đồng).
Bích Ngọc
Theo Nobel Prize