Nô nức đi thuyền rồng trảy hội Điện Hòn Chén

(Dân trí) - Trong 3 ngày từ 24 đến 26 tháng 8 (nhằm ngày 8-10 tháng 7 Âm lịch), hàng ngàn người dân, du khách thập phương đi trên thuyền rồng đã đổ về điện Hòn Chén để dự lễ hội dân gian đã có từ hơn 500 năm nay.

Lễ hội nằm trong khuôn khổ Năm Du lịch quốc gia khu vực Duyên hải Bắc Trung Bộ - Huế 2012 do Sở VH,TT&DL tỉnh TT-Huế tổ chức tại xã Hương Thọ, Thị xã Hương Trà. Hàng trăm thuyền rồng kết đôi (còn gọi là “bằng”) giăng cờ kết hoa với nhiều hương án đầy màu sắc hành hương về điện Hòn Chén nơi thờ Thánh Mẫu. Trong lễ hội có các phần như: lễ tế làng Hải Cát, lễ cung nghinh Thánh Mẫu hồi loan từ làng Hải Cát về điện Hòn Chén, lễ phóng sanh, phóng đăng...

Thuyền rồng đi từ hạ nguồn sông Hương lên điện Hòn Chén
Thuyền rồng đi từ hạ nguồn sông Hương lên điện Hòn Chén

Đẹp nhất vẫn là đám rước Thánh Mẫu được cử hành trên những chiếc “bằng”. Trên mỗi bằng có bàn thờ Thánh Mẫu cùng với long kiệu. Trên long kiệu có hòm sắc của vua ban Thánh Mẫu, liền kế đó là một bằng khác có bàn thờ, kiệu và hòm sắc của nhị vị Thượng Ngàn và Thuỷ Cung Thánh Mẫu. Sau đó là những chiếc bằng chở các tự khí, tàn tán cờ quạt.

Long kiệu của Thánh Mẫu là kiệu thêu, do các trinh nữ ăn mặc sặc sỡ khiêng, còn các bà, người mang bình hương, ống trầu, bình trà, hòm đựng đồ trang sức, kẻ mang cờ, biển, tàn, lọng, gối, quạt... Các thanh niên thì vác các đồ lễ bộ, bát bửu và các tự khí khác. Ðám rước đầy màu sắc rực rỡ, không khí trang nghiêm. Khi đoàn ghé bến, đám rước chuyển từ sông lên bộ, đi cho đến đình làng Hải Cát, có phường bát âm đi sau kiệu.

Trải qua những thăng trầm lịch sử, những năm gần đây lễ hội này đã được phục hồi theo các tập tục truyền thống mang đậm màu sắc văn hóa dân gian địa phương. Lễ hội điện Hòn Chén còn được gọi là Lễ Vía Mẹ, không chỉ là của những tín đồ Thiên Tiên Thanh Giáo, mà còn là của những người theo đạo thờ Mẹ, đạo hiếu, đạo làm người. Theo ý nghĩa đó, việc phục hồi lễ hội điện Hòn Chén là phục hồi một giá trị văn hóa truyền thống.

Thuyền rồng đậu dày đặc trước điện Hòn Chén
Thuyền rồng đậu dày đặc trước điện Hòn Chén

Đây không chỉ dừng lại là một lễ hội văn hóa dân gian mà nó còn thu hút một lớn số lượng du khách trong nước lẫn nước ngoài. Lễ hội pha trộn nhiều màu sắc tín ngưỡng nhằm đưa mọi người đến gần nhau hơn .

Điện Hòn Chén nằm ở núi Ngọc Trản xưa có tên là Hương Uyển Sơn, sau mới đổi tên là Ngọc Trản (có nghĩa là chén ngọc). Dân gian vẫn quen gọi là Hòn Chén vì nó ngay ngắn tròn trĩnh như hình chén úp. Cũng vì vậy, người ta quen gọi ngôi điện thờ Thánh mẫu tọa lạc giữa lưng chừng núi là điện Hòn Chén.

Điện nguyên là ngôi đền thờ nữ thần Po Nagar (Nữ Thần Mẹ xứ sở) của người Chăm. Theo truyền thuyết dân gian Chăm, nữ thần Po Nagar là con của Ngọc hoàng Thượng đế được sai xuống trần gian, bà có công lao tạo ra trái đất và các loại gỗ trầm, lúa gạo. Hương mộc và kỳ nam là thứ gỗ tượng trưng cho sự linh hiển của Nữ thần. Bà còn làm tỏa hương gạo ngọt ngào, cổ vũ dân trồng cây bồ đề.

Tiếp nhận từ người Chăm một di tích tôn giáo độc đáo như điện Hòn Chén, người Việt dễ dàng dung hợp được cả một tín ngưỡng thần linh mang sắc thái riêng của người Chăm. Có lẽ vị Nữ thần của dân tộc Chăm xét trên bình diện tâm linh có nét tương đồng với các Nữ thần của người Việt. Để ký âm cho danh từ Po Nagar bằng Hán văn, các Nho sĩ ngày xưa đã phải tạo ra một âm hưởng hao hao và mang một ý nghĩa tương đương nhất định bằng bốn chữ Hán: Thiên Y A Na.

Du khách chen chân trong sân điện Hòn Chén
Du khách chen chân trong sân điện Hòn Chén

Trong quần thể di tích cố đô Huế, có lẽ điện Hòn Chén gắn với nhiều giai thoại nhất. Dân gian còn lưu truyền rằng điện Hòn Chén xưa có tên là Hoàn Chén với ý nghĩa “trả lại chén ngọc”, vì vua Minh Mạng trong một lần lên đây đã đánh rơi một chén ngọc xuống dòng Hương, tưởng không cách gì lấy lại được thì bỗng nhiên một con rùa to bằng chiếc chiếu nổi lên ngậm chén ngọc trả lại cho nhà vua! Song, trong các văn bằng sắc phong chính thức của các vua Nguyễn, thì ngôi điện vẫn xuất hiện với tên chính thức “Ngọc Trản Sơn Từ” (đền thờ ở núi Ngọc Trản). Đến thời Đồng Khánh (1886-1888), ngôi điện mới được đổi tên là Huệ Nam Điện (ý là mang lại ân huệ cho vua nước Nam) và cũng gắn với nhiều giai thoại khác nữa.

Chính trong giai đoạn từ năm 1883 đến năm 1885, vì gặp một giai đoạn éo le của lịch sử triều Nguyễn, vua Ðồng Khánh chờ đợi mãi vẫn chưa được lên nối ngôi cha nuôi là vua Tự Ðức. Ông nhờ mẹ là bà Kiên Thái Vương lên đền Ngọc Trản cầu đảo và hỏi Thánh Mẫu Thiên Y A Na xem mình có làm vua được không. Mẫu cho biết ông sẽ toại nguyện.

Bởi vậy, sau khi tức vị, năm 1886, vua Ðồng Khánh liền cho xây lại đền này một cách khang trang, làm thêm nhiều đồ tự khí để thờ, và đổi tên ngôi đền là Huệ Nam Ðiện để tỏ lòng biết ơn Thánh Mẫu. Huệ Nam nghĩa là ban ân huệ cho nước Nam, vua Nam. Có một điều kỳ lạ, chính vua Ðồng Khánh đưa cuộc lễ hằng năm tại đây vào hàng quốc lễ và tự nhận mình là đồ đệ của Thánh Mẫu, mặc dù nhà vua chỉ gọi thánh mẫu bằng "Chị". Theo nguyên tắc xưa, ông vua nào cũng đứng trên các thánh thần trong cả nước, nhưng ở đây vua Ðồng Khánh lại hạ mình xuống làm "em" của Mẫu. Hiện nay trong đền vẫn còn thờ vài bức tranh ảnh của chính nhà vua được treo ở đây .

Du khách chen chân trong sân điện Hòn Chén
Hoạt động nằm trong Năm Du lịch quốc gia khu vực Duyên hải Bắc Trung bộ đã thu hút một số lượng lớn người dân, du khách trong và ngoài nước đến tham dự

Hiện điện Hòn Chén là một cụm di tích gồm khoảng 10 công trình kiến trúc to nhỏ khác nhau đều nằm lưng chừng sườn núi Ngọc Trản, hướng mặt ra sông Hương, ẩn mình dưới những tàng cây cao bóng cả. Mặt bằng của toàn bộ cụm di tích này không lớn lắm, công trình kiến trúc chính là Minh Kính Đài tọa lạc ở giữa; bên phải là nhà Quan Cư, Trinh Cát Viện, Chùa Thánh; bên trái là dinh Ngũ Hành, bàn thờ các quan, động thờ ông Hổ, am Ngoại Cảnh. Sát mép bờ sông còn có am Thủy Phủ. Ngoài ra, trong phạm vi ấy còn có nhiều bệ thờ, nhiều am nhỏ nằm rải rác đó đây.

Đẹp nhất trong cụm di tích này là Minh Kính Đài. Đây là một công trình kiến trúc tiêu biểu lấy hình ảnh con phụng để trang trí. Trên các nóc nhà, hình phụng được thể hiện bằng nghệ thuật khảm sành sứ tinh xảo, khiến du khách có cảm tưởng những con chim phụng như từ núi rừng tụ hội về đây, báo hiệu những điềm lành cho mảnh đất thiêng liêng này.

Minh Kính Đài chính là nơi tổ chức tế lễ ở điện Hòn Chén, ngày xưa được triều đình quy định mỗi năm tổ chức hai lần vào thượng tuần tháng 3 và tháng 7 Âm lịch, có cả quan chức được cử về làm chủ tế. Minh Kính Đài chia làm 3 cung, theo thứ tự từ cao xuống thấp là: Đệ nhất cung (còn gọi là Thượng cung), nơi thờ Nữ thần Thiên Y A Na, Thánh mẫu Vân Hương, ảnh vua Đồng Khánh và một số vị thần khác; Đệ nhị cung thờ hàng chục tượng thần thánh khác nhau, là nơi bày biện các đồ thờ cúng để rước sắc trong những dịp lễ lớn; Đệ tam cung thiết hương án, hai bên đặt trống, chuông, là chỗ cử hành lễ, cũng là nơi khách thập phương dâng hương cúng bái.

Điện Hòn Chén không chỉ là một di tích lịch sử và tôn giáo mà còn là một thắng cảnh, một điểm tham quan văn hóa độc đáo thu hút hàng ngàn khách tham quan, nhất là vào dịp lễ hội tháng 3 và tháng 7 Âm lịch hàng năm.

Dưới đây là chùm ảnh do PV ghi nhận lại tại lễ hội điện Hòn Chén năm nay:

Đò chở hết công suất nhưng vẫn không đủ vì khách quá đông

Đò chở hết công suất nhưng vẫn không đủ vì khách quá đông
Du khách đi lễ vật

Du khách đi lễ vật
Cầu nguyện trước khi qua sông làm lễ

Cầu nguyện trước khi qua sông làm lễ
1 chiếc bằng sặc sỡ cờ hoa

1 chiếc "bằng" sặc sỡ cờ hoa
Các bằng rất chắc chắn và đẹp không khác gì ngôi nhà nổi trên sông

Các bằng rất chắc chắn và đẹp không khác gì ngôi nhà nổi trên sông
Đông nghịt người ở bến dẫn lên điện
Đông nghịt người ở bến dẫn lên điện
Người chen chân từ trong ra ngoài Minh Kính Đài - ngôi điện chính trong điện Hòn Chén

Người chen chân từ trong ra ngoài Minh Kính Đài - ngôi điện chính trong điện Hòn Chén
Thắp hương các thần hộ pháp

Thắp hương các thần hộ pháp
Và xin xăm may mắn

Và xin xăm may mắn
Thắp hương ở miếu thượng ngàn cho thần hổ

Thắp hương ở miếu thượng ngàn cho thần hổ
Du khách nhảy múa trên các bằng trong suốt 3 ngày liền

Du khách nhảy múa trên các bằng trong suốt 3 ngày liền
Nhiều gỗ trầm được bán cho du khách mua thắp lễ

Nhiều gỗ trầm được bán cho du khách mua thắp lễ
Và có nhiều cá, chim phóng sanh

Và có nhiều cá, chim phóng sanh
Hóa vàng mã trên sông
Hóa vàng mã trên sông

 
Đại Dương