Những vòng 3 đẹp nhất trong lịch sử nghệ thuật
(Dân trí) - Những vòng 3 đẹp đẽ đã từng là nét đẹp gợi cảm, phóng khoáng được các họa sĩ, nhà điêu khắc ở thời kỳ Phục hưng chú trọng khắc họa trong các tác phẩm của mình.
Dưới đây là những vòng 3 đẹp nhất được khắc họa trong các tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng:
Bức phác họa “Người đàn ông đứng khỏa thân” của danh họa người Ý Leonardo da Vinci thực hiện vào khoảng năm 1504-1506
Danh họa Leonardo da Vinci có biệt tài đưa yếu tố 3D vào trong các tác phẩm của mình, từ các bức phác họa cho tới các bức tranh, khiến tác phẩm của ông có chiều sâu thị giác và đánh thức xúc cảm trong người xem.
Với bức phác họa tôn vinh vẻ đẹp hình thể con người này, những ai từng có dịp được chiêm ngưỡng tận mắt đều nhận thấy yếu tố 3D khiến vóc dáng nhân vật như nổi lên khỏi mặt giấy vẽ. Thực tế bức phác họa “Người Vitruvian” của Da Vinci nổi tiếng hơn, nhưng bức “Người đàn ông đứng khỏa thân” lại lạ lẫm hơn.
Các bức phác họa này đều nằm trong loạt tác phẩm tôn vinh vẻ đẹp hình thể con người do vị danh họa thực hiện, cho thấy những tỉ lệ hoàn hảo lý tưởng.
Bức phác họa “Người đàn ông đứng khỏa thân” cho thấy một sự chân thực lạ lẫm, phóng khoáng hơn so với những tỉ lệ hoàn hảo vốn thường xuất hiện trong các bức phác họa hình thể người của Da Vinci. Hơn thế, bức phác họa này khắc họa phía sau người đàn ông khiến tâm điểm của bức vẽ chính là vòng 3 của nhân vật.
Bức “Louise O’Murphy” của danh họa người Pháp François Boucher, thực hiện vào năm 1752
Giới hội họa ở Pháp hồi thế kỷ 18 có những cách cảm nhận vui tươi, mới mẻ, phá cách xung quanh yếu tố gợi cảm. Cách khắc họa phóng túng trước vẻ đẹp con người cho thấy lối tư duy cởi mở của nghệ thuật khi ấy.
Bức “Venus và Adonis” của danh họa người Ý Titian, thực hiện vào năm 1554
Bức tranh khắc họa nữ thần Venus cầu xin người tình - nam thần Adonis hãy ở lại với mình. Cái ôm của Venus như muốn níu giữ còn Adonis như đang đẩy nàng ra và đã muốn rời đi. Titian đã khắc họa cả sự tuyệt vọng và sự quyết liệt của nàng trước mong muốn níu giữ người tình.
Trong tranh, gương mặt của Venus gần như bị chìm khuất, chính thân người nàng thể hiện sự dữ dội trong mong muốn níu giữ Adonis ở lại.
Tượng David của nghệ sĩ người Ý Michelangelo, được thực hiện vào năm 1504
Michelangelo sinh thời từng khẳng định rằng bức tượng David là để ngợi ca tuổi trẻ và lòng can đảm. Bức tượng David của Michelangelo vốn dĩ được xem là một trong những tác phẩm điêu khắc đỉnh cao khắc họa vẻ đẹp con người, với những đường nét và tỉ lệ tuyệt đẹp.
Tượng David của nghệ sĩ điêu khắc người Ý Donatello, được thực hiện vào năm 1440
Khi Donatello thực hiện bức tượng David, ông quyết định sẽ thực hiện theo một cách mới mẻ, táo bạo so với những bức tượng khắc họa vẻ đẹp nam giới đầy lý tưởng. Donatello để nhân vật của mình đi ủng và đội mũ dù… khỏa thân.
Tượng “Người đánh xe ngựa của thành Motya” được thực hiện từ thế kỷ thứ 5 trước công nguyên
Bức tượng được thực hiện từ thời Hy Lạp cổ đại khắc họa một người đánh xe ngựa. Nhân vật được khắc họa trong trang phục mỏng manh và ôm sát đến mức người xem chắc chắn không thể bỏ qua những đường nét cơ thể của người đánh xe ngựa khỏe khoắn, trẻ trung.
Dù không còn biết danh tính của tác giả bức tượng nhưng giới nghệ thuật luôn nhìn nhận tác giả của bức tượng này là thiên tài điêu khắc, bởi rõ ràng nhân vật có mặc trang phục nhưng trang phục lại quá mỏng nhẹ và vẫn khoe ra được vẻ đẹp hình thể nhân vật, đặc biệt hơn thế, toàn bộ sự tinh tế này được thực hiện trên chất liệu đá.
Bức “The Rokeby Venus” của họa sĩ người Tây Ban Nha Diego Velázquez thực hiện trong khoảng thời gian từ 1647 đến 1651
Thần Venus trong tranh quay lưng lại người xem tranh và khoe ra những đường cong gợi cảm của mình. Đây là một trong những bức tranh nổi tiếng nhất khắc họa thần Venus.
Bức “Chiếm lấy Ganymede” thực hiện bởi họa sĩ người Ý Damiano Mazza vào khoảng năm 1575
Trong thần thoại Hy Lạp, Ganymede là vị thần tình yêu và ham muốn đồng tính. Ganymede vốn sống ở thành Troy, chàng nổi tiếng với vẻ đẹp mê hoặc và được xem như chàng thanh niên tuấn tú nhất cõi trần.
Thần Zeus thậm chí cũng bị chao đảo trước vẻ đẹp của Ganymede nên đã biến thành đại bàng bắt cóc cậu lên đỉnh Olympia, ban cho cậu sự bất tử để cậu được ở trong diện mạo thanh xuân tuấn tú mãi mãi. Để khẳng định về sức hấp dẫn của Ganymede và việc chàng bị bắt cóc đưa đi, họa sĩ Mazza đã khắc họa nhân vật Ganymede theo cách... gợi cảm nhất.
Bức “Ba nữ thần” của danh họa người Ý Raphael, thực hiện vào khoảng năm 1504-1505
Bức tranh sơn dầu khắc họa ba nữ thần xinh đẹp, gợi cảm. Đây là bức tranh sơn dầu đầu tiên mà trong đó danh họa Raphael khắc họa nhân vật nữ khỏa thân từ cả phía trước và phía sau.
Nhiều chuyên gia hội họa nhận định rằng ba người phụ nữ trong tranh tượng trưng cho những giai đoạn trong cuộc đời của người phụ nữ, nữ thần ngoài cùng bên trái tượng trưng cho vẻ đẹp của trinh nữ, nữ thần đứng ngoài cùng bên phải tượng trưng cho vẻ đẹp của người phụ nữ đã trưởng thành, và nữ thần đứng giữa là người phụ nữ đã thấu hiểu nhiều điều về cuộc đời.