Những tình tiết xúc động nhất trong "Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên"
(Dân trí) - Hãy cùng nhớ lại những tình tiết xúc động nhất trong "Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên"...
"Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên" là một trong những bộ phim truyền hình hay nhất làm về đề tài gia đình. Cho tới hôm nay, dù đã hơn 45 năm trôi qua kể từ ngày tập phim đầu tiên được chiếu trên màn ảnh nhỏ của Mỹ hồi năm 1974, bộ phim vẫn được nhớ đến, được công chúng tìm xem lại.
Bộ phim truyền hình lên sóng lần đầu tại Mỹ từ năm 1974 tới năm 1983, phim được chuyển thể dựa trên loạt tiểu thuyết dành cho thiếu nhi có tên "Little House" (Ngôi nhà nhỏ) của nữ nhà văn người Mỹ Laura Ingalls Wilder (1867 - 1957).
Bộ phim vốn được biết tới bởi những câu chuyện xúc động về tình cảm gia đình, về tình người ấm áp. Những khán giả từng theo dõi bộ phim này hẳn đã không ít lần xúc động trước những tình tiết trong phim.
Hãy cùng nhớ lại những tình tiết xúc động nhất trong "Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên"...
Tập phim "The Raccoon" (Chú gấu mèo)
Người cha - ông Charles Ingalls đã chiều theo ý muốn của cô con gái Laura, cho phép cô bé được giữ chú gấu mèo mồ côi lại để nuôi, Laura đặt tên cho gấu mèo là Jasper. Con vật này đã gây ra nhiều rắc rối. Jasper gây chiến với chú chó trung thành của gia đình - chú cún Jack và trong lúc gây chiến, nó còn quay ra cắn cả cô chủ Laura.
Con vật bỏ đi nhưng nó bất ngờ quay trở lại sau vài ngày, khi ấy, ông Charles đã phải bắn chết con vật vì nó bắt đầu có ý định tấn công những người mà nó bắt gặp. Sau đó, họ phát hiện ra con gấu mèo này bị bệnh dại, điều này đồng nghĩa với việc cả cô bé Laura và chú cún Jack đều có thể mắc căn bệnh chết người này.
Cả gia đình sống trong thấp thỏm, lo âu. Một tuần sau, khi ông Charles đang làm việc trên nông trại thì nghe thấy tiếng chú chó Jack sủa vang lạ lùng, Charles sợ rằng Jack đã lên cơn dại, nên mang theo súng để đi tìm chú chó.
Khi đến nơi, Charles thấy Jack đang sủa vang bên cạnh gấu mèo Jasper, hóa ra con gấu mèo bị bệnh dại đã chết trước đó không phải Jasper, mọi người trong gia đình mừng vui đến bật khóc vì như thế là cô bé Laura và chú cún Jack đã an toàn, họ ôm nhau, vừa khóc, vừa cười.
Tập phim "Country Girls" (Những cô gái nông thôn)
Cô bé Laura rất lo lắng về bài văn mà cô sắp phải đọc trước lớp với chủ đề viết về cha mẹ. Người mẹ - bà Caroline Ingalls đã khuyến khích con làm tốt nhất những gì có thể, và bà trấn an con rằng không ai đặt yêu cầu bài văn của Laura phải sâu sắc như bài của cô chị gái Mary.
Laura đã nộp một bài văn được viết rất hay về một người mẹ kỳ diệu, nhưng đó thực ra không phải nói về... bà Caroline mà lấy cảm hứng từ một câu chuyện Laura từng đọc, trong bài văn chỉ có một vài câu thực sự nói về mẹ của Laura.
Sau khi biết điều này, bà Caroline khuyên con hãy nộp cho cô giáo bài văn thực sự do mình viết ra. Cô giáo khi nhận được bài văn viết về mẹ thực sự do cô bé Laura thực hiện, đã mỉm cười và đánh giá cao bài viết chân thực, cô giáo khuyến khích cô học trò Laura hãy tiếp tục nỗ lực bởi bài văn thực sự rất tốt, sự động viên của cô giáo đã khiến Laura sung sướng vô cùng.
Tập phim "Christmas At Plum Creek" (Giáng sinh bên bờ sông Plum Creek)
Khi mọi người đều phấn khích vì Giáng sinh sắp đến, riêng mình cô bé Laura cảm thấy buồn bởi cô không có tiền mua tặng quà Giáng sinh tặng mẹ. Cô bé sau đó đã thu xếp được một "kèo" với người chủ cửa hàng tạp hóa tốt bụng trong thị trấn - ông Oleson.
Vào buổi sáng ngày Giáng sinh, bà Caroline rất ngỡ ngàng khi nhận được một chiếc bếp mới do con gái Laura tặng, cô bé thú nhận rằng đã đem bán chú ngựa con của mình cho ông Oleson để có được chiếc bếp.
Mọi chuyện càng trở nên khổ tâm đối với Laura khi cô mở món quà mà cha dành tặng cho mình, đó là... một chiếc yên ngựa mà ông đã thực hiện để chuẩn bị lắp cho chú ngựa con Bunny. Dù cảm thấy bùi ngùi xót xa cho Laura, nhưng ông Charles và bà Caroline đều sung sướng cảm động trước sự hy sinh vì tình yêu thương gia đình của cô bé Laura. Về sau, Laura vẫn có dịp đoàn tụ lại với Bunny.
Tập phim "Journey In The Spring" (Chuyến đi trong mùa xuân)
Tập phim này có nhiều tình tiết tạo nên những xúc cảm mạnh. Ông Charles đã rất đau buồn khi biết tin mẹ mình vừa qua đời. Ông nhanh chóng di chuyển qua hàng trăm dặm đường để tới thăm người cha vừa rơi vào cảnh góa bụa, tại đây, Charles đã phải liều mình cứu cha ra khỏi một vụ hỏa hoạn sau khi ông cụ định... tự tử, bởi ông không thể sống thiếu người vợ yêu thương.
Charles sau cùng cũng thuyết phục được cha tới sống với gia đình mình. Mọi chuyện diễn ra ổn thỏa cho tới khi Charles buộc phải bắn chết chú ngựa Bunny của Laura sau khi chú ngựa con này chạy vào một hàng rào dây kẽm gai và bị thương nặng. Laura trách ông nội vì đã không can thiệp giúp để cha cứu chú ngựa Bunny.
Ông nội rất buồn bã và định rời đi. Sau cùng, khi bình tĩnh lại, Laura hiểu rằng cha làm vậy là để ngựa Bunny khỏi phải chịu đựng sự đau đớn kéo dài quá sức chịu đựng của nó, khi ấy, cô đến xin lỗi ông nội và thuyết phục ông ở lại với gia đình lâu hơn.
Tập phim "The Lord Is My Shepherd" (Người chỉ đường)
Laura ghét người em mới sinh của mình bởi cha mẹ dành nhiều thời gian và sự quan tâm cho cậu em non nớt. Cảm thấy bị "bỏ rơi", cô bé mong rằng đứa trẻ này chưa từng được sinh ra. Đáng buồn là đứa bé sớm qua đời vì bệnh tật một thời gian ngắn sau đó. Cảm thấy tội lỗi, Laura bỏ đi, cô bé leo lên một đỉnh núi và cầu xin Chúa hãy đưa mình đi thay vì cậu em bé nhỏ.
Laura gặp một khách bộ hành bí ẩn tốt bụng. Người này đã giúp Laura bình tĩnh lại và giúp cô hiểu rằng cô cần trở về nhà với cha mẹ. Laura sau khi được giảng giải đã quay trở về trong vòng tay của gia đình.
Tập phim "Fagin" (Chú bê Fagin)
Cô bé Laura cảm thấy ghen tị với người anh trai vừa được gia đình nhận nuôi - một cậu bé mồ côi có tên Albert. Ông Charles dành nhiều thời gian ở bên Albert, khiến Laura cảm thấy mình bị "ra rìa". Sau khi Albert được tặng một chú bê con để chăm sóc và cậu đặt tên cho nó là Fagin, Laura càng "cáu điên" và chuyển sang thái độ thù địch đối với Albert.
Laura ước gì Albert chưa từng xuất hiện trong cuộc sống gia đình mình. Cảm thấy có lỗi vì khiến mối quan hệ giữa ông Charles và cô con gái Laura trở nên căng thẳng, Albert bỏ đi. Ông Charles đi tìm nhưng không thể tìm thấy Albert. Laura và cha sau đó đưa chú bê Fagin đi tới một hội chợ nông nghiệp, để chú bê tham gia vào một cuộc thi, và Fagin đã giành chiến thắng.
Khi lên nhận giải, Laura nói trước đám đông rằng giải thưởng này thực sự thuộc về Albert, rằng cô coi Albert là anh trai và mong anh trở về với gia đình. Thật bất ngờ, Albert vốn bí mật theo dõi cuộc thi của chú bê Fagin từ đầu, đã quyết định lộ diện sau khi nghe bài phát biểu cảm động của Laura. Họ ôm lấy nhau và ba cha con cùng trở về nhà.
Tập phim "I'll Be Waving As You Drive Away" (Cha sẽ vẫy chào khi con đi)
Một trong những tập phim xúc động nhất của "Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên" chính là tập nói về việc cô con gái cả Mary dần mất đi thị lực. Vốn ước mơ trở thành giáo viên, nhưng việc thị lực dần suy giảm và có nguy cơ bị khiếm thị, khiến cuộc sống của cô đảo lộn.
Điều mà gia đình Ingalls lo lắng nhất đã xảy ra khi có một sáng, Mary thức dậy và không còn nhìn thấy gì nữa, cô đã thực sự mất đi thị lực. Gia đình Ingalls gửi Mary tới ngôi trường dành cho học sinh khiếm thị, tại đây, cô dần dần làm quen với tình trạng của mình. Cô gặp được người giáo viên trẻ tận tâm - anh Adam Kendall, về sau, Adam trở thành chồng của cô.
Mary quay trở về nhà để chia tay mọi người, bởi cô sẽ cùng Adam tới Winoka, South Dakota, và tham gia giảng dạy tại ngôi trường dành cho học sinh khiếm thị mà anh mở ra.
Tập phim "As Long As We're Together" (Chỉ cần chúng ta bên nhau)
Những khó khăn liên tục ập đến với gia đình Ingalls, họ quyết định chuyển tới sống ở Winoka, nơi Mary và chồng cô vừa mở một ngôi trường dành cho học sinh khiếm thị. Ông Charles và bà Caroline tìm được việc làm trong một khách sạn, nhưng cuộc sống mới ở thành phố cũng khiến họ phải vất vả học cách làm quen.
Ông Charles đã phải đem bán cây vĩ cầm quý giá của mình để mua cho Mary một món quà sinh nhật, khi gia đình Ingalls và tất cả bạn bè cùng tập trung ở khách sạn để mừng sinh nhật Mary, ông Charles rất sửng sốt khi biết Mary dành tặng mình... cây vĩ cầm mà ông vừa đem bán. Thực ra, Mary đã biết cha đem bán cây đàn và liền mua nó lại.
Cô khẳng định với cha rằng món quà tuyệt vời nhất chính là khi cô được nghe cha chơi đàn. Sau đó, Mary cũng không có nguyện ước gì trong ngày sinh nhật đó, bởi cô đã có mọi thứ mình mong muốn, đó chính là được ở bên những người mà cô yêu thương nhất. Những cái ôm thắm thiết được trao đi và cảnh phim khép lại bằng hình ảnh ông Charles chơi đàn tặng mọi người.
Tập phim "May We Make Them Proud" (Mong rằng chúng ta sẽ khiến họ tự hào)
Một trong những tập phim đau buồn nhất chính là khi xảy ra vụ hỏa hoạn trong ngôi trường dành cho học sinh khiếm thị do Mary và chồng của cô gây dựng. Vụ việc đã cướp đi hai sinh mạng, trong đó có cậu bé con trai của Mary và Adam.
Sau vụ hỏa hoạn, cậu con trai nuôi Albert của gia đình Ingalls đã bỏ đi, sau đó, mọi người phát hiện ra rằng chính Albert đã vô tình gây nên vụ hỏa hoạn bởi cậu đã hút tẩu dưới tầng hầm. Charles cùng với chồng của người phụ nữ thiệt mạng trong vụ hỏa hoạn đã cùng đi tìm Albert.
Khi tìm thấy Albert, người đàn ông vừa rơi vào cảnh góa vợ tuyên bố tha thứ cho Albert, điều này giúp cậu bé thoát khỏi gánh nặng tội lỗi quá đỗi nặng nề, sau đó, họ cùng quay trở về nhà và tự nhủ sẽ phải sống thật tốt để an ủi vong linh những người quá cố.