Những tác phẩm văn học thiếu nhi hay nhất mọi thời đại
(Dân trí) - Dưới đây là những tác phẩm văn học thiếu nhi hay nhất mọi thời đại. Khi đọc những tác phẩm này, các độc giả nhí sẽ tìm thấy những giá trị văn chương đích thực, những bài học lớn lao, ý nghĩa được truyền đạt một cách giản đơn, ý vị.
Các biên tập viên Văn hóa của hãng tin BBC đã mở một cuộc bỏ phiếu thu thập ý kiến của hàng chục nhà phê bình văn học cùng các biên tập viên ở dòng sách văn học thiếu nhi để nhận được những đề cử của các chuyên gia về những đầu sách văn học mà trẻ em nên đọc nhất.
Điều thú vị là những đầu sách được họ “đề cử” nhiều nhất lại là những đầu sách khá cổ điển, đã quen thuộc với nhiều thế hệ tuổi thơ trên khắp thế giới. Bất kể hàng chục, thậm chí hàng trăm năm đã trôi qua, những tác phẩm này vẫn còn đọng lại với thời gian, vẫn tiếp tục gắn bó với tuổi thơ trên khắp thế giới.
Loạt tiểu thuyết “Ngôi nhà nhỏ” gồm 9 tập được lấy cảm hứng từ chính tuổi thơ của nữ nhà văn ở thế kỷ 19, trong đó, tập tiểu thuyết “Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên” (1935) được yêu thích nhất và đã được chuyển thể thành bộ phim truyền hình ăn khách (1974-1983).
Tác phẩm kể về cuộc sống của cô bé Laura lớn lên trong một gia đình đi khai hoang ở miền Tây. Qua câu chuyện của nữ nhà văn, người đọc được hình dung một cách chi tiết và chân thực cuộc sống của cô bé giữa vùng đất còn nhiều hoang dã. Hình ảnh đẹp nhất mãi đọng lại chính là một thảo nguyên mênh mông, có một ngôi nhà gỗ nhỏ màu xám mọc lên.
Cuộc sống gia đình được cô bé Laura kể lại thật sinh động và nên thơ. Qua bao thế hệ, câu chuyện truyền cảm hứng về một gia đình đi khai hoang vẫn luôn hấp dẫn độc giả, khơi gợi ham muốn đẹp đẽ về những cuộc hành trình, những vùng đất mới và hơn hết thảy là những giá trị gia đình.
Cha của cô bé Meg Murry là một nhà vật lý học chuyên nghiên cứu về du hành thời gian. Bỗng một ngày ông biến mất bí ẩn không để lại một lời nhắn hay một dấu vết nào. Một đêm, gia đình cô bé Meg bất ngờ nhận được chuyến viếng thăm từ một vị khách bí ẩn, bà đề cập đến một chiều không gian thứ 5 cho phép con người có thể du hành xuyên không gian và thời gian.
Với sự đồng hành của cậu em trai Charles và người bạn học Calvin, cô bé Meg đã quyết định khởi hành xuyên vũ trụ để tìm cha. Ba đứa trẻ đã có cuộc đối đầu cam go với một sinh vật ngoài hành tinh đang nuôi những tham vọng đen tối, hòng phủ bóng đêm lên toàn vũ trụ.
“Nếp gấp thời gian” là một câu chuyện kịch tính, lôi cuốn, ca ngợi trí tuệ, lòng quả cảm và tình yêu thương ở những đứa trẻ. Tác phẩm khơi gợi những tình yêu đầu tiên đối với khoa học ở trẻ thơ và những giấc mơ vươn ra ngoài vũ trụ.
Câu chuyện kể về cậu bé có biệt danh “chim cắt”. Cậu bé giỏi phép thuật ấy đã có công cứu cả ngôi làng khỏi những hiểm nguy bằng một vài năng lực siêu nhiên dù mới chỉ được học qua “võ vẽ”. Cậu bé “chim cắt” sau đó được một thầy phù thủy truyền dạy cho những phép thuật cao siêu. Từ đây, “chim cắt” mong muốn trở thành một phù thủy thực sự tài năng.
Trong cuộc hành trình trở thành một phù thủy thực thụ, “chim cắt” - tên thật là Ged - đã phải trải qua rất nhiều khó khăn. Khó khăn lớn nhất đến từ chính nội tâm của cậu. Khi nắm trong tay những năng lực phi thường, thì những tham vọng không trong sáng sẽ dễ dàng gây nguy hiểm cho bản thân Ged và những người xung quanh.
Những con quỷ đáng sợ nhất mà cậu phải đối mặt nằm trong chính con người cậu. Tác phẩm là cuộc phiêu lưu kỳ thú ca ngợi lòng dũng cảm, tình yêu thương, những quan niệm về tốt - xấu. Sau vấp ngã, dần dần Ged đã hiểu ra rằng sự việc một khi đã xảy ra, không thể nào xóa bỏ được, điều quan trọng là bạn sẽ tiếp tục sống như thế nào với những gì mình đã gây ra.
Đó là một hành trình trưởng thành rất dài và nhiều đau đớn của cậu bé Ged bởi chỉ giỏi giang, tài năng là chưa đủ, một nghệ thuật rất quan trọng nữa, đối với Ged và với tất cả những em bé đang lớn khác, đó là biết cách ứng xử và thấu hiểu chính bản thân mình.
Những cuốn sách dành cho thiếu nhi của Roald Dahl luôn nhận được rất nhiều sự yêu thích của các em nhỏ và sự đánh giá cao từ các nhà phê bình, bởi độc giả sẽ tìm thấy trong đó sự vui vẻ, nghịch ngợm của trẻ thơ, những nỗi buồn, sự sợ hãi, lòng nhân đạo và phép thuật màu nhiệm.
Roald Dahl được coi là một trong những tác giả viết sách dành cho thiếu nhi vĩ đại nhất mọi thời đại. Văn chương của ông khiến độc giả nhí đặc biệt say mê, nuôi dưỡng trí tưởng tượng và để các em hòa mình vào những câu chữ “láu lỉnh”.
Nếu sôcôla là món quà hấp dẫn nhất đối với trẻ thơ thì khi đọc “Charlie và nhà máy sôcôla”, các em sẽ được bước vào một nhà máy sôcôla kỳ diệu, phi thường, chỉ có ở trong mơ.
Nhà văn đã đặt tên cho các nhân vật trong cuốn sách của mình theo tên của con trai ông - Christopher Robin, tên chú gấu bông và những thú nhồi bông khác của cậu bé… Những cuộc dạo chơi lang thang của Christopher và gấu Pooh trong khu rừng Trăm Mẫu gợi nhắc đến khu rừng ở gần ngôi nhà của tác giả.
Những cuộc dạo chơi của Christopher và Pooh cứ thế tiếp tục, mở ra những câu chuyện vui tươi, nhẹ nhàng và nên thơ, những câu chữ được viết nên bằng tình yêu thương và sự âu yếm của người cha khi hình dung về tình bạn của cậu trai nhỏ với những thú bông thân thiết đã được nhân cách hóa thật tuyệt vời.
Truyện mở ra một thế giới riêng kỳ diệu của tuổi thơ. Hình ảnh dễ thương và những câu chuyện về gấu Pooh sẽ còn mãi với tuổi thơ trên khắp thế giới. Ở đó, người ta tìm thấy những bài học, những triết lý giản dị mà sâu sắc, phù hợp để giáo dục trẻ một cách tự nhiên và lý thú nhất.
Câu chuyện ngụ ngôn kể về một phi công biến mất cùng với chiếc máy bay của mình năm 1944 trong sa mạc Sahara. Vụ tai nạn mở ra một cuộc gặp gỡ lạ kỳ để từ đó khái quát lên ý nghĩa của cuộc sống. Người phi công đã gặp “hoàng tử bé” đến từ một hành tinh nhỏ xa xôi.
Câu chuyện này, đối với trẻ thơ, sẽ mở ra một thế giới siêu nhiên thần bí; nhưng đối với người lớn, có thể là bậc cha mẹ đang ngồi đọc cuốn sách cùng với trẻ, bạn sẽ tìm thấy những ẩn dụ sâu sắc đầy chiêm nghiệm về cuộc đời.
“Hoàng tử bé” là một cuốn sách kỳ lạ như chính câu chuyện mà nó chứa đựng, mở ra những tầng ý nghĩa mà bản thân một con người từ bé đến lớn, khi đọc lại, sẽ cảm nhận và thu về những lớp nghĩa khác nhau. “Hoàng tử bé” là cuốn sách được đọc và được dịch nhiều nhất trong kho tàng văn học Pháp, là cuốn sách nổi tiếng dành cho cả thiếu nhi và người lớn.
“Tạm biệt. Và bây giờ, tôi sẽ cho cậu biết bí mật của tôi, một bí mật rất giản đơn: Chỉ có thể bằng trái tim, cậu mới nhìn nhận mọi việc một cách đúng đắn; điều quan trọng nhất luôn không thể nhìn thấy bằng mắt thường”, đó là câu nói tóm tắt cả một triết lý sống mà con cáo đã nói với “hoàng tử bé”.
Câu chuyện kể về bốn chị em nhà March từ khi họ còn bé thơ cho tới lúc trở thành những cô thiếu nữ. “Những cô gái nhỏ” đã được đọc từ thế hệ này sang thế hệ khác nhưng vẫn chưa bao giờ đánh mất sự hấp dẫn của mình đối với độc giả.
Cuốn tiểu thuyết thu hút bởi lời văn chân thực, nhân vật điển hình và những góc nhìn thú vị vào đời sống gia đình với những biến chuyển lôi cuốn trong từng nhân vật. Meg, cô chị cả xinh đẹp, có tham vọng trở thành một quý bà.
Jo, 15, lóng ngóng và không thích bị gò bó bởi các phép tắc, mơ ước trở thành văn sĩ. Beth mảnh khản, 13, thích âm nhạc. Amy, cô em út tóc vàng xinh đẹp, 12. Truyện kể về những cuộc phiêu lưu của các cô gái, những cố gắng của 4 chị em để giúp đỡ gia đình, về tình bạn, tình yêu của các cô…
Trong 4 chị em, người ta tìm thấy cả sự đồng điệu và nét đối lập, chính vì vậy, mà độc giả luôn tìm thấy sự thú vị trong mối quan hệ giữa họ cũng như hồi hộp chờ đợi câu chuyện trưởng thành của từng nhân vật.
Truyện kể về cô bé Alice chui qua một hang thỏ rồi lạc vào thế giới thần tiên có những sinh vật lạ kỳ. Câu chuyện được viết nên bằng trí tưởng tượng của nhà văn Lewis Carroll đã ngay lập tức gây sốt với độc giả khi xuất bản cách đây 150 năm.
Cho tới hôm nay, hành trình của Alice vào hang thỏ vẫn tiếp tục chinh phụ những độc giả nhí. Câu chuyện là món quà dành cho những tâm hồn bé thơ yêu văn chương và thích tưởng tượng, ở nhân vật Alice, các em nhỏ tìm thấy chính mình với sự tò mò, hiếu kỳ và dũng cảm.
Truyện kể về cậu bé Max nghịch ngợm, bướng bỉnh, bị mẹ phạt phải đi ngủ sớm mà không được dùng bữa khuya. Ở trong phòng ngủ, cậu “trốn” khỏi hình phạt bằng cách bước vào một thế giới riêng đầy kỳ thú được tạo nên bằng trí tưởng tượng - nơi có những “quỷ sứ giặc non” - cách mà mẹ thường gọi Max.
Ở xứ sở đầy những quái vật bất trị này, Max đã thuần hóa được tất cả và trở thành quốc vương, thoạt tiên cậu cảm thấy vô cùng vui sướng khi được sống ở nơi tưởng như quá đỗi phù hợp với mình. “Ở nơi quỷ sứ giặc non” là một câu chuyện chân thực và đầy xúc cảm về tuổi thơ, ta tìm thấy trong đó sự nghịch ngợm, bướng bỉnh, những xúc cảm bùng phát không thể kiềm chế ở trẻ.
Nhưng dần dần, các em bé sẽ phải học cách quản lý xúc cảm của mình, để trở thành những em bé ngoan, đó là bài học chung, trải nghiệm chung của tất cả trẻ em. Những quái vật mà Max đã thuần hóa kia chính là những xúc cảm bùng phát của em.
Cuốn sách còn đặc biệt hơn nữa nữa bởi ngoài lời văn truyền cảm, giàu ý nghĩa còn có những hình minh họa tuyệt đẹp do chính tác giả thực hiện. Câu chữ và hình ảnh đã cùng kết hợp để kể một câu chuyện vừa đơn giản vừa ý nghĩa.
Câu chuyện phiêu lưu cổ tích của nhà văn CS Lewis kể về cuộc hành trình của bốn đứa trẻ nhà Pevensie, gồm Peter, Susan, Edmund và Lucy. Lucy - cô em út - đã tình cờ tìm ra đường đến vùng đất Narnia kỳ diệu qua một cái tủ áo. “Sư tử, phù thủy và cái tủ áo” là phần đầu tiên của bộ truyện “Biên niên sử Narnia”.
Cuộc hành trình từ chiếc tủ áo thần kỳ đã đưa những đứa trẻ đến một vùng đất thần tiên cổ tích với băng tuyết trắng xóa và những khu rừng rộng lớn. Ở đó có những phép thuật màu nhiệm và những cuộc phiêu lưu thử thách lòng dũng cảm.
Để rồi khi thời gian đã trôi qua rất lâu và tất cả đều đã trưởng thành, các nhân vật vẫn còn mãi lưu luyến với những kỷ niệm từng có ở xứ Narnia và luôn khao khát được quay trở lại.
Lý do khiến tác giả viết một câu chuyện xúc động xoay quanh tình bạn của những vật nuôi trong một nông trại, đó là bởi một ngày khi ông chuẩn bị cho lợn ăn thì bỗng cảm thấy buồn vì biết rằng mình chăm sóc chú lợn chỉ bởi một ngày nào đó, khi chú ta đủ lớn, sẽ “làm thịt”.
Chỉ một ý nghĩ giản đơn như vậy đã làm nảy sinh ý tưởng về một câu chuyện kể về tình bạn, sự khác biệt, sự mất mát, về cái chết và sự chấp nhận. Những điều lớn lao như vậy đã được kể một cách nhẹ nhàng mà thấm thía qua tình bạn giữa chú lợn Wilbur và cô nhện Charlotte.
Trong đó, người ta thấy những bài học lớn lao chứa đựng những giá trị cốt lõi mà ngay cả người lớn khi đọc cũng sẽ cảm động. Những xúc cảm đa dạng mà cuốn sách đem lại gói gọn trong bối cảnh một nông trại nhưng đã phản ánh sâu sắc những ẩn dụ về cuộc sống con người.
Bích Ngọc
Tổng hợp