Những sự kiện văn hoá nổi bật năm 2015

(Dân trí) - Đây là những sự kiện vực văn hoá diễn ra trong năm 2015 có sức ảnh hưởng lớn đến đời sống văn hoá – tinh thần của người dân Việt Nam. Những sự kiện này đồng thời cũng đánh dấu những bước tiến mới của lĩnh vực văn hoá, góp phần nâng vị thế Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế trên tất cả các lĩnh vực.

1. Chương trình Diễu hành Nghệ thuật kỷ niệm 70 Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với chủ đề “Việt Nam - Khát vọng hòa bình” diễn ra tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) vào 2/9/2015.

Chương trình có sự tham dự của các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, bạn bè quốc tế và đông đảo người dân Việt Nam. Chương trình có hơn 3000 người gồm các LLVTND (quân đội, công an, du kích, dân quân, tự vệ) và đại diện các thành phần, lực lượng quần chúng nhân dân trong xã hội: cựu chiến binh, công nhân, nông dân, trí thức, doanh nhân, thanh niên, phụ nữ và các dân tộc Việt Nam.

Chương trình diễu hành nghệ thuật là cuộc tôn vinh, khắc họa những thành tựu văn hóa, mốc son lịch sử đã tô thắm những trang sử vàng truyền thống, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và khát vọng vươn lên của dân tộc Việt Nam. Nội dung diễu hành thể hiện cuộc hành trình văn hóa Việt Nam qua từng giai đoạn lịch sử, tôn vinh những nét văn hóa đặc sắc của một số dân tộc tiêu biểu đại diện cho cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, những di sản văn hóa đã được UNESCO vinh danh. Tham gia diễu hành nghệ thuật có Khối diễu hành bằng xe mô hình và Khối diễu hành đồng diễn nghệ thuật. Sự kiện này đã gây được nhiều ấn tượng sâu đậm trong lòng người dân và bạn bè quốc tế.

Chương trình Diễu hành Nghệ thuật kỷ niệm 70 Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với chủ đề “Việt Nam – Khát vọng hòa bình” diễn ra tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) vào 2/9/2015.
Chương trình Diễu hành Nghệ thuật kỷ niệm 70 Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với chủ đề “Việt Nam – Khát vọng hòa bình” diễn ra tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) vào 2/9/2015.

2. Triển lãm 70 năm thành tựu kinh tế - xã hội với quy mô lớn nhất từ trước đến nay.

Với chủ đề “Đổi mới, hội nhập và phát triển”, Triển lãm 70 năm thành tựu kinh tế - xã hội là sự kiện mang ý nghĩa đặc biệt nhân dịp kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Triển lãm có sự tham gia của 27 bộ, ngành, cơ quan ngang bộ và các tổ chức đoàn thể ở Trung ương, các tỉnh thành và doanh nghiệp với 66 gian trưng bày được chia thành bốn khu vực trưng bày chính là: khu trưng bày khái quát; khu trưng bày của các bộ, ngành trung ương; khu trưng bày của các địa phương và khu trưng bày của các doanh nghiệp… mở cửa từ ngày 28/8/2015 - 3/9/2015 tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Giảng Võ, Hà Nội.

Triển lãm thể hiện sinh động và đậm nét quá trình phát triển và những thành tựu tiêu biểu của các bộ, ngành, địa phương trong 70 năm qua, nhất là trong thời kỳ đổi mới và hội nhập. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một cuộc trưng bày quy mô lớn các thành tựu phát của đất nước trên các lĩnh vực quốc phòng, an ninh chính trị, kinh tế, giáo dục, văn hóa, xã hội… thể hiện đỉnh cao của sự phát triển toàn diện.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước đến dự triển lãm.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước đến dự triển lãm.

3. Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 250 năm ngày sinh của Đại thi hào Nguyễn Du.

Là một sự kiện văn hóa cấp quốc gia, có tầm ảnh hưởng quốc tế. Các hoạt động kỷ niệm nhằm khẳng định công lao, tài năng và tôn vinh những đóng góp đặc biệt xuất sắc của Nguyễn Du đối với nền văn hóa Việt Nam và nhân loại. Đây là dịp để thu thập thêm những hiện vật, tư liệu về cuộc đời, sự nghiệp của Nguyễn Du, các danh nhân dòng họ Nguyễn Tiên Điền, tạo cơ sở khoa học cho việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Các hoạt động kỷ niệm còn góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, quê hương, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ; tích cực bảo tồn và phát huy, khai thác giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội; phát huy vai trò của văn hóa nghệ thuật, trong đó có tinh hoa văn học cổ điển Việt Nam trong việc bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm con người. Đây cũng là dịp để quảng bá rộng rãi hình ảnh quê hương và con người Hà Tĩnh với bạn bè trong nước và thế giới.

Đêm nghệ thuật “Tiếng thơ ai động đất trời” diễn ra vào tối 5/12 tại TP. Hà Tĩnh.
Đêm nghệ thuật “Tiếng thơ ai động đất trời” diễn ra vào tối 5/12 tại TP. Hà Tĩnh.

Trong khuôn khổ của sự kiện này có: Hội thảo chuyên đề về Truyện Kiều và Nguyễn Du; Hội thảo quốc tế về cuộc đời và sự nghiệp của Đại thi hào Nguyễn Du; sưu tầm, giới thiệu xuất bản các tác phẩm của Nguyễn Du; xây dựng phim tư liệu, các tác phẩm sân khấu, âm nhạc, hội họa về thời đại, cuộc đời, sự nghiệp, tác phẩm của dòng họ Nguyễn Tiên Điền. Các cuộc thi tìm hiểu, thi ngâm Kiều, lẩy Kiều, bình Kiều, nói chuyện về tác phẩm của Nguyễn Du cũng sẽ được tổ chức. Điểm nhấn là đêm nghệ thuật “Tiếng thơ ai động đất trời” diễn ra vào tối 5/12 tại TP. Hà Tĩnh với sự tham dự của các vị lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và nhiều bạn bè quốc tế.

4. Các hoạt động Văn hóa - Nghệ thuật chào mừng 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ (12/7/1995-12/7/2015).

Trong khuôn khổ kỷ niệm này, Bộ VH,TT&DL dẫn đầu là Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cùng các đoàn nghệ thuật đã mang đến đất nước và nhân dân Hoa kỳ “Những ngày Văn hóa Việt Nam” vào tháng 8/2015 tại TP. Washington D.C và New York vô cùng ấn tượng. Trong chuỗi sự kiện này có triển lãm “Sắc màu Việt Nam” khai thác văn hóa dân gian theo 3 mạch lớn: âm nhạc, nhạc cụ truyền thống - trang phục dân tộc - búp bê 54 dân tộc. Ngoài ra, từ ngày 7/5 đến hết tháng 7/2015, trên đất nước Mỹ và Việt Nam cũng diễn ra nhiều cuộc triển lãm như: “Ảnh hưởng của Phương Đông” của Doãn Hoàng Lâm và “Những ảnh hưởng của phương Đông” của Đoàn Xuân Tặng tại phòng tranh International Modern Art ở Houston, bang Texas (Mỹ); cuộc thi và triển lãm ảnh “Quan hệ Việt - Mỹ và nước Mỹ qua ống kính của các nhà nhiếp ảnh Việt Nam”; triển lãm ảnh “Việt Nam - Cuộc chiến tranh qua ảnh” do hãng AP của Mỹ tổ chức....

Bên cạnh đó, đoàn múa Battery Dance Company, ban nhạc Thao & Get Down Stay Down của Mỹ đã đến Việt Nam và có nhiều biểu biểu diễn, giao lưu văn hóa ấn tượng.

Điểm nhấn của sự kiện này chính là Liên hoan Âm nhạc Việt - Mỹ 2015 với sự góp mặt của các nghệ sĩ nổi tiếng hàng đầu của âm nhạc cổ điển trong và ngoài nước: Nhạc trưởng HonnaTetsuji; nghệ sĩ sáo dọc nổi tiếng thế giới Paul Leenhouts; nghệ sĩ vĩ cầm Baroque hàng đầu của Mỹ Cynthia Roberts; nghệ sĩ violon tài năng Zhan Shu, nghệ sĩ Ania Bard-Schwarz…; Bùi Công Duy, Nguyễn Trọng Bình, Ngô Hoàng Linh, Nguyễn Công Thắng, Phạm Trường Sơn, Lê Minh Hiền, Đào Mai Anh… diễn từ 19-22/8/2015 tại Phòng hòa nhạc - Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

5. Lần đầu tiên Nhà nước công nhận danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú cho 618 nghệ nhân nhằm vinh danh các báu vật sống trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.

Ngày 18/11/2015 vừa qua, Vụ thi đua khen thưởng, Bộ VH,TT&DL đã nhận quyết định số 2533 của Chủ tịch nước về việc phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú cấp Nhà nước cho 617 cá nhân. Sự kiện này được xem là gây chấn động lớn đối với giới văn hóa nước nhà và nhiều người dân bởi sau 12 loay hoat với các tiêu chí xét tặng nghệ nhân cuối cùng Nhà nước cũng đã có quyết định phong tặng Nghệ nhân Ưu tú cho các “báu vật sống dân gian” đã có nhiều đóng góp đối với công cuộc bảo tồn và phát huy những giá trị di sản trong nhiều lĩnh vực. Việc tôn vinh các nghệ nhân cũng là một yếu tố quan trọng để bảo vệ các di sản văn hóa phi vật thể trước nguy cơ đang bị mai một bởi sự xâm lấn ngày càng mạnh mẽ của văn hóa bên ngoài.

Phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú tại Hà Nội.
Phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú tại Hà Nội.

Trong danh sách 618 nghệ nhân được xét tặng Nghệ nhân ưu tú lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ nhất, tỉnh Kon Tum có 43 nghệ nhân; Hà Nội có 39 nghệ nhân, Nghệ An có 39 nghệ nhân; Vĩnh Long 24 nghệ nhân; Đắk Nông 21 nghệ nhân; Phú Thọ, Quảng Ninh mỗi tỉnh có 19 nghệ nhân; Thanh Hóa, Bình Định mỗi tỉnh 18 nghệ nhân; Bắc Giang: 17 nghệ nhân; TP. Hồ Chí Minh, Hải Dương mỗi tỉnh 16 nghệ nhân; Gia Lai, Hưng Yên mỗi tỉnh có 15 nghệ nhân…

6. Nghi lễ và trò chơi Kéo co được Unesco ghi danh là Di sản đa quốc gia tại Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Vào 12h15 ngày 1/12 theo giờ Namibia (tức 17h15 ngày 2/12 theo giờ Việt Nam), nghi lễ và trò chơi kéo co truyền thống của Campuchia, Philippines, Hàn Quốc và Việt Nam đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đa quốc gia đại diện của nhân loại. Đây là lần đầu tiên Việt Nam tham gia xây dựng thành công hồ sơ di sản đa quốc gia. Điều này thể hiện sự quan tâm và đánh giá cao của thế giới đối với cách tiếp cận mới của các quốc gia về di sản có chung đặc trưng cũng như sự chung tay bảo vệ di sản của các quốc gia thành viên đệ trình hồ sơ đa quốc gia này. Cùng với 9 Di sản văn hóa phi vật thể (7 di sản thuộc danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và 2 di sản thuộc danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp) đến nay Việt Nam đã có 10 Di sản văn hóa thế giới. Đây sẽ là những thế mạnh văn hóa độc đáo của Việt Nam để phát triển du lịch.

7. Monsoon Music Festival 2015 (Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió Mùa)

Là lễ hội âm nhạc mang tầm vóc quốc tế được tổ chức lần thứ 2 tại Việt Nam. Ở lần đầu tiên, lễ hội này đã được công chúng, truyền thông và giới chuyên môn đánh giá cao về mọi mặt, được Bộ VH,TT&DL ghi nhận là sự kiên văn hóa tiêu biểu của năm 2014. Monsoon Music Festival 2015 tiếp tục giữ phong độ khi quy tụ 200 nghệ sỹ Việt Nam và nghệ sỹ đến từ 10 nước trên thế giới tham gia trình diễn với 20 suất diễn trong 4 đêm 8, 9, 10, 11/11/2015 tại Hoàng Thành Thăng Long. Lễ hội này đã thu hút hàng triệu khán giả thuộc nhiều đối tượng tham gia và là sự kiện âm nhạc lớn nhất trong năm.

Monsoon Music Festival 2015 được giới chuyên môn đánh giá là Lễ hội âm nhạc quốc tế đẳng cấp khu vực và quốc tế, xây dựng một sản phẩm văn hóa cộng đồng của thủ đô Hà Nội… góp phần thúc đẩy sự phát triển đời sống âm nhạc Việt Nam và quảng bá hình ảnh Hà Nội – Việt Nam đến bạn bè quốc tế.

Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió Mùa thu hút nhiều khán giả trẻ.
Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió Mùa thu hút nhiều khán giả trẻ.

8. Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc diễn ra từ 9 đến 23/12/2015 tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam.

Triển lãm do Bộ VH,TT&DL tổ chức với sự quy tụ của 421 tác giả trên mọi miền đất nước. Đây được xem là hoạt động hướng tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 12 của Đảng, các ngày kỷ niệm trọng đại của đất nước, là dịp để giới thiệu những tác phẩm tiêu biểu của các họa sĩ, nhà điêu khắc trên toàn quốc, đồng thời tổng kết, đánh giá 5 năm sáng tạo nghệ thuật và phát triển của ngành Mỹ thuật Việt Nam theo đường lối văn hoá, văn nghệ của Đảng.

Triển lãm đã trao Huy chương Vàng cho tác giả Nguyễn Khắc Hân với tác phẩm “A Di Đà Phật” (khắc gỗ) và tác giả Đinh Gia Thắng với tác phẩm “Tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng” (tượng đài) cùng 4 Huy chương Bạc được trao cho các tác giả: Phạm Thái Bình (tác phẩm “Phiên chợ chiều” - tượng tròn, đồng mạ), Trần Huy Oánh (tác phẩm “Chiều biên giới” - sơn dầu), Trần Quốc Giang (tác phẩm “Lên đồng” - sơn mài), Vũ Quang Sáng (tác phẩm “Rùa biển” - tượng tròn, sắt hàn), 12 Huy chương Đồng và 20 giải Khuyến khích cho các tác phẩm.

9. Nhiều nhạc sỹ, nghệ sỹ và nhà văn qua đời

Năm 2015, bên cạnh những các sự kiện văn hóa – nghệ thuật gắn liền với những sự kiện trọng đại thì lĩnh vực văn hóa cũng phải chứng kiến nhiều sự ra đi các nhạc sỹ, nghệ sỹ và nhà văn như: Nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu, nhạc sỹ Phan Nhân, nhạc sỹ Hàn Ngọc Bích, GS Trần Văn Khê, nhạc sỹ An Thuyên, nhạc sỹ - nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Thiện Đạo, nhà văn Trang Thế Hy, họa sỹ Huỳnh Phương Đông, NSƯT Thúy Lan, NSƯT Anh Dũng... Những tên tuổi trên là những “cây đại thụ” đã có nhiều đóng góp và cống cho nền nghệ thuật nước nhà. Sự ra đi của họ đã khiến giới chuyên môn lẫn công chúng hết sức tiếc nuối.

Hà Tùng Long

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm