Những quyết tâm của tân Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL trong lễ nhậm chức

(Dân trí) - Sáng nay (14/4) tại văn phòng Bộ VH,TT&DL, ông Mai Văn Chính - Phó Ban Tổ chức Trung ương công bố quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Ngọc Thiện chính thức giữ chức Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL nhiệm kỳ 2016 – 2020.

17/53 di sản được UNESSCO vinh danh

Tại sự kiện này, sau khi hoàn tất các thủ tục bàn giao theo đúng quy định, ông Hoàng Tuấn Anh - Nguyên Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL chia sẻ rằng, căn cứ nghị quyết bổ nhiệm cán bộ của Quốc hội, từ ngày 9/4, ông Nguyễn Ngọc Thiện thay ông giữ chức Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL. Theo ông Hoàng Tuấn Anh, đây là một nhiệm vụ hết sức nặng nề vì phải lãnh đạo ngành Văn hoá -Thể thao và Du lịch phát triển theo chỉ đạo của Đảng và Nhà nước.

Trong giây phút xúc động, Nguyên Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Hoàng Tuấn Anh nói: “Tôi xin cảm ơn sự ủng hộ của tập thể ban cán sự, lãnh đạo Bộ, các đồng chí lãnh đạo các cục vụ viện, cùng toàn thể các cán bộ trong 2 nhiệm kì vừa qua cùng tôi chung sức chung lòng, nỗ lực phấn đấu đưa sự nghiệp Văn hoá - Thể thao và Du lịch có được những thành tựu như ngày hôm nay”.

Nguyên Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh và tân Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện tại lễ bàn giao công việc diễn ra sáng nay (14/4) tại Bộ VH,TT&DL. Ảnh: Song Nguyên.
Nguyên Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh và tân Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện tại lễ bàn giao công việc diễn ra sáng nay (14/4) tại Bộ VH,TT&DL. Ảnh: Song Nguyên.

Phát biểu thêm về những thành tựu và thách thức trong hai nhiệm kỳ làm Bộ trưởng của mình, Nguyên Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Thủ tướng Chính phủ, sự ủng hộ của các ban ngành, tổ chức đoàn thể và nhân dân cả nước, vừa qua ngành Văn hoá - Thể thao và Du lịch đạt được nhiều kết quả quan trọng. Công tác xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực quan trọng của ngành rất được chú trọng, không ngừng được hoàn thiện và đến nay hầu hết các lĩnh vực phổ biến nhà nước công vụ đã được điều chỉnh và các văn bản quy phạm pháp luật về bảo hộ quyền tác giả và các quyền liên quan có những tiến bộ.

Công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ công chức viên chức, tinh giảm biên chế, xác định vị trí việc làm được triển khai trong bộ và các cán bộ công chức viên chức chúng ta ngày càng trưởng thành, từng bước nâng cao năng lực đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của phát triển mới. Tác phong cán bộ viên chức có đổi mới rõ rệt, có nguyên tắc. Các hoạt động văn hoá nghệ thuật trong cả nước được nâng cao về năng lực nghệ thuật, tổ chức, kết hợp với quảng bá du lịch có hiệu quả cho sự phát triển cả nước.

Các nhiệm vụ chính trị, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa nhân dân, các hoạt động nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh được chấn chỉnh, đưa vào nề nếp. Đề xuất nhiều chính sách, chế độ với các nghệ sĩ, diễn viên.

Công tác bảo tồn các di sản văn hóa đạt nhiều thành tích quan trọng. Cả nước có 40.000 di tích trong có có 72 Di tích quốc gia đặc biệt, 3.008 Di tích quốc gia và hơn 7.500 di tích cấp tỉnh. 17/53 di sản được UNESSCO vinh danh từ 2007 đến nay trong đó Vịnh Hạ Long được công nhận là Kì quan thiên nhiên thế giới. Mới đây, Tràng An lại được vinh danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Cả nước hiện có 160 Di sản văn hóa phi vật thể ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa vật thể và phi vật thể quốc gia, 104 hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia.

Nhiều di tích trở thành di sản văn hóa hấp dẫn, thúc đẩy phát triển du lịch, tạo việc làm cho cộng đồng dân cư, nơi có di sản, từng bước thay đổi cơ cấu kinh tế địa phương và đề xuất ban hành chế độ đãi ngộ với các nghệ nhân.

Công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, nếp sống văn minh trong tiệc cưới, tang ma, lễ hội… tạo bước đột phá mới. Ý thức, nếp sống văn minh khi tham gia lễ hội có chuyển biến tích cực, kịp thời chấn chỉnh những hành vi phản cảm. Phong trào toàn dân xây dựng nếp sống văn hóa tiếp tục được đẩy mạnh nâng cao chất lượng, gắn với xây dựng nông thôn mới.

Nhiều giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của dân tộc thiểu số được bảo tồn, phát huy và phát triển. Công tác phòng chống bạo lực gia đình đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ, bền vững, số vụ bạo lực gia đình có chiều hướng giảm dần. Hội nhập quốc tế Văn hoá – Thể thao và Du lịch được đẩy mạnh, có 145 hiệp ước quốc tế, giáo dục quốc tế cam kết hợp tác và triển khai thực hiện nhiều hoạt động giao lưu, văn hóa và tổ chức thành công tại nhiều nơi trên thế giới, tạo tiếng vang.

Hoàn thành công tác cổ phần hóa 15/15 doanh nghiệp tạo được bước đột phá trong cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ. 4 đơn vị trực thuộc 100%, 11 đơn vị trực thuộc 30%.

Phong trào thể dục thể thao quần chúng phát triển rộng rãi, tất cả nội dung, chỉ tiêu phát triển vượt mức đề ra. Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân được phát động từ năm 2014 đã thu hút đông đảo nhân dân cả nước hưởng ứng tham gia và theo số liệu thống kê, ngày chạy Olympic vừa qua, nhân kỉ niệm 70 năm ngành Thể thao Việt Nam đã đạt được 5,5 triệu lượt người tham gia.

Phong trào thể thao Olympic, thể thao thành tích cao phát triển mạnh mẽ, tham dự các giải Olympic, Asiad và liên tục xếp hạng trong 3 quốc gia dẫn đầu trong các kì SeaGame.

Công tác tìm kiếm và đào tạo các vận động viên năng khiếu, vận động viên trẻ có nhiều đổi mới, trong đó các môn thể thao Olympic chú trọng đầu tư. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách thúc đẩy du lịch, trở thành ngành kinh tế vững mạnh vào năm 2020 chúng ta đã duy trì và tăng trưởng số lượng khách quốc tế và trong nước.

Năm 2007 khách du lịch quốc tế đến Việt Nam là 4,2 triệu lượt thì năm 2015 chúng ta đạt gần 8 triệu lượt khách quốc tế. Khách du lịch nội địa 2007 đạt 19,2 triệu thì 2015 đạt 57 triệu, doanh thu 2007 đạt 56 nghìn tỉ, năm 2015 đạt gần 337 nghìn tỉ tương đương 15 tỉ đô.

Năm 2007 cả nước có gần 9000 cơ sở lưu trú du lịch với gần 180.000 buồng phòng thì năm 2015 cả nước có 18.800 cơ sở lưu trú du lịch với gần 335.000 buồng phòng. Đặc biệt, thu hút được nhiều tập đoàn lớn đầu tư phát triển du lịch, đã tạo ra được 2 triệu công ăn việc làm cho các lao động. Làng Văn hóa du lịch các Dân tộc Việt Nam đã được khai trương vào ngày 19/09/2010 hàng năm có nhiều hoạt động thu hút khách và nhiều đồng bào của 54 dân tộc đã trở thành ngôi nhà chung của các dân tộc Việt Nam.

Bên cạnh những thành tựu đạt được chúng ta còn thấy những yếu kém. Trong báo cáo tổng kết 5 năm, chúng ta đã nêu rất đầy đủ hạn chế nguyên nhân và giải pháp. Trong 2 năm nhiệm kì qua, các hoạt động của ngành đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đã có được vai trò, vị trí, tính ưu việt của quản lí ngành, đặt nền tảng vững chắc cho các hoạt động của ngành trong những năm tới.

“Trong thời gian tới, với số lượng công việc còn nhiều, nhiệm vụ nặng nề của Đảng, Nhân dân giao phó, tôi mong rằng đồng chí Nguyễn Ngọc Thiện sẽ tiếp tục giữ vững nề nếp, kỉ cương, thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ và có được sự nhất trí cao trong ban cán sự Đảng, tập thể lãnh đạo Bộ để chỉ đạo, lãnh đạo quyết liệt toàn diện các hoạt động của ngành nhằm thực hiện các chỉ đạo của Đảng, Chính phủ trong việc thực hiện các chiến lược, đề án trên các lĩnh vực hoạt động của ngành đã được phê duyệt. Đưa sự nghiệp Văn hoá - Thể thao - Du lịch và gia đình phát triển mạnh mẽ, đạt các mốc quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa cả nước”, Nguyên Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh mong mỏi.

Tập trung xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện

Phát biểu tại sự kiện này, tân Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng chia sẻ, ngành Văn hoá - Thể thao và Du lịch vẫn còn nhiều tồn tại cần khắc phục và sẽ có nhiều vấn đề mới nảy sinh cần phải giải quyết. Do đó, trong thời gian tới một mặt ngành phải xử lý để giải quyết tốt tất cả những vấn đề về quản lý nhà nước của ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch theo quy định của pháp luật. Mặt khác, cần tập trung chỉ đạo có trọng tâm trọng điểm để giải quyết xử lý những vấn đề cấp bách, bức xúc và quan trọng do thực tiễn đặt ra.

Cụ thể, về lĩnh vực văn hoá sẽ tập trung chăm lo xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân thiện mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, dân chủ, nhân văn và khoa học. Trọng tâm là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách tốt đẹp. Phải tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật, có giải pháp cụ thể, thiết thực để ngăn chặn và đẩy lùi sự xuống cấp về đạo đức xã hội, khắc phục những hạn chế của con người Việt Nam.

Tân Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện phát biểu khai mạc VITM Hà Nội 2016. Ảnh: Hữu Thắng.
Tân Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện phát biểu khai mạc VITM Hà Nội 2016. Ảnh: Hữu Thắng.

Đúc kết, xây dựng và từng bước hình thành những giá trị chuẩn của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hoá - hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. Xây dựng và phát huy lối sống mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người, hình thành lối sống có ý thức tự trọng, tự chủ, sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật.

Xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế thị trường XHCN và hội nhập quốc tế, xây dựng văn hoá trong hệ thống chính trị, trong từng cộng đồng, làng bản, khu phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và mỗi gia đình.

Đẩy mạnh phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hoá” đi vào chiều sâu, hiệu quả, thiết thực và có bổ sung những tiêu chí mới. Xây dựng thị trường văn hoá lành mạnh, đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hoá, chủ động hội nhập quốc tế về văn hoá, tăng cường các thiết chế về văn hoá.

Về lĩnh vực gia đình, thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển gia đình Việt Nam, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, là tổ ấm hình thành, nuôi dưỡng nhân cách con người; đề cao và phát huy vai trò gia đình. Trong giáo dục đạo đức con người phải gắn kết chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội.

Về lĩnh vực thể dục thể thao, mở rộng và nâng cao chất lượng phong trào thể dục thể thao quần chúng, đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện theo gương Bác Hồ vĩ đại” đi vào chiều sâu, có hiệu quả thiết thực, gắn với triển khai phong trào xây dựng gia đình văn hoá, phong trào xây dựng nông thôn mới, nâng cao thể lực, tầm vóc con người Việt Nam; gắn giáo dục thể chất với giáo dục tri thức, đạo đức, kỹ năng sống, phấn đấu đến năm 2020 số người luyện tập thể dục thể thao thường xuyên đạt 33%, gia đình tập luyện thể thao đạt 23%; từng bước phát triển thể thao thành tích cao theo hướng chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo vận động viên, phấn đấu là một trong ba nước có thành tích cao dẫn đầu ở các kỳ SEA Games, từng bước tiếp cận thành tích của châu Á và Thế giới ở một số nội dung Olympic, Asiad mà nước có thế mạnh.

Về lĩnh vực du lịch, tập trung khắc phục những hạn chế tồn tại trong ngành du lịch. Trước hết là chất lượng dịch vụ, tính chuyên nghiệp của nguồn nhân lực du lịch, cải thiện môi trường du lịch, an ninh, an toàn văn minh trong du lịch về cơ sở hạ tầng, về công tác xúc tiến quảng bá, xây dựng thương hiệu, nâng cao nhận thức và tăng cường công tác quản lý nhà nước.

Tập trung phát triển du lịch theo chiều sâu, được đo bằng chất lượng, tính chuyên nghiệp, hiệu quả bền vững thương hiệu và sự cạnh tranh; cải thiện và xây dựng hình ảnh du lịch Việt Nam chất lượng, an toàn, thân thiện với những điểm đến danh tiếng và những thương hiệu du lịch nổi bật, đẳng cấp cao, rút ngắn khoảng cách với các nước trong khu vực; phấn đấu đến năm 2020, du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 11-12% và đến năm 2020 đạt 12-13 triệu lượt khách quốc tế, 48-50 triệu lượt khách nội địa…

Hà Tùng Long

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm