Những phim “tệ nhất” từng giành giải Oscar cho… Phim hay nhất

(Dân trí) - Giải Oscar cho Phim hay nhất được coi là giải thưởng danh giá nhất hành tinh dành cho một bộ phim điện ảnh. Tuy vậy, trong lịch sử 87 lần trao giải, người ta đã từng chứng kiến những lựa chọn sai lầm khi phim “tệ nhất” lại giành giải Oscar cho… phim hay nhất.

Giải Oscar cho Phim hay nhất luôn thu hút những dự đoán trước khi trao giải và những tranh luận sau khi công bố. Có một thực tế là dù phim nào giành giải thì vẫn luôn có những người tin rằng có phim khác xứng đáng hơn. Tuy vậy, đã có những lần mà hầu như tất cả mọi người đều cảm thấy bị sốc khi giải thưởng cao quý này được trao cho một bộ phim không xứng đáng.

Dưới đây là danh sách một số phim… “tệ nhất” từng giành giải Oscar cho… Phim hay nhất trong vòng 30 năm qua:

Out Of Africa (Xa mãi Phi Châu - 1985)

18-1440845952188

Không ai phủ nhận rằng “Out Of Africa” là một bộ phim hay, một câu chuyện tình xúc động được thể hiện bởi hai diễn viên tên tuổi - Robert Redford và Meryl Streep. Với góc quay đẹp và diễn xuất ấn tượng, “Out Of Africa” là một phim phải xem của điện ảnh năm 1985. Điểm yếu của phim nằm ở diễn tiến chậm chạp và thiếu màu sắc văn hóa.

Những ai từng xem phim sẽ chỉ nhớ về câu chuyện tình của hai nhân vật chính và… chỉ có vậy. Để biết một phim có tầm vóc như thế nào, người ta cần nhiều năm sau nhìn lại và giờ ngay cả giới phê bình cũng không nhắc tới phim này nữa.

18a-1440845952144

Trong số những phim hay của năm 1985, xứng đáng giành giải Oscar cho Phim hay nhất phải là “The Colour Purple” (Màu tím). Cho đến giờ phim này vẫn được xem là một tác phẩm điện ảnh hay vào hàng bậc nhất xoay quanh những chủ đề khá cứng như chủng tộc, bình đẳng giới.

“Driving Miss Daisy” (Lái xe cho cô Daisy - 1990)

18b-1440845952159

“Driving Miss Daisy” là một ví dụ điển hình cho sự lựa chọn an toàn của các giám khảo tại giải Oscar. Phim đủ thú vị để người ta ngồi xem từ đầu đến cuối nhưng không ai có thể ngờ rằng một bộ phim vui vẻ, dễ xem, với diễn xuất tạm ổn của Morgan Freeman lại có thể giành giải thưởng cao quý đến vậy.

Bản thân chuyện phim rất đơn giản: Morgan Freeman vào vai lái xe cho một người phụ nữ da trắng giàu có, ban đầu, họ không thân thiện với nhau, tuy vậy, sau khi tìm thấy sự hài hước ở nhau, họ đã trở thành bạn thân lâu năm. Phim kể về một tình bạn mang màu sắc chủng tộc, có lồng ghép những tình huống xúc động, nhưng không đủ để là một Phim hay nhất của giải Oscar.

18c-1440845952174

Nhiều người thường nói đùa rằng sự lựa chọn này là một cách “đền bù” cho phim “The Colour Purple” từng bị trượt giải vì hai phim cùng đề cập tới đề tài chủng tộc. Cùng trong năm 1990, “Dead Poets Society” (Hội cố thi nhân) được đánh giá là một phim có nhiều hàm lượng trí tuệ và cảm xúc, cho tới giờ, đây vẫn là một phim đáng xem.

Dances With Wolves (Khiêu vũ với bầy sói - 1991)

19-1440845952253

“Dances With Wolves” dài 3 tiếng do Kevin Costner vừa đạo diễn, sản xuất và diễn xuất chính. Phim được đánh giá là ấn tượng ở thời điểm bấy giờ khi đề cập đến mối quan hệ với những người thổ dân Bắc Mỹ, đồng thời làm sống dậy dòng phim về miền viễn Tây.

Tuy vậy, ngày nay, sẽ không còn nhiều người muốn xem lại phim này vì quá dài và không thú vị. Diễn tiến phim quá chậm, lại không chứa đựng nhiều yếu tố lịch sử khiến phim yếu thế hơn nhiều phim khác của năm 1991, đặc biệt là phim “Goodfellas” (Chiến hữu).

20a-1440845952236

“Goodfellas” không chỉ thể hiện đậm đặc màu sắc văn hóa Mỹ đương thời mà còn thể hiện những quan niệm về thẩm mỹ điện ảnh vẫn còn tồn tại cho tới hôm nay. Phong cách làm phim của “Goodfellas” về sau còn gây ảnh hưởng lên những phim khác, như “The Departed” (Điệp vụ Boston - 2006).

The English Patient (Bệnh nhân người Anh - 1996)

20-1440845952220

Không có gì nhiều để nói về bộ phim tình cảm lãng mạn “The English Patient”. Đây là một phim hay và được nhiều nhà phê bình khen ngợi. Tuy vậy, người ta đều phải công nhận rằng phim khá tẻ nhạt so với thời lượng hơn 2 tiếng. Thời gian đã khiến phim chìm dần vào quên lãng, không còn là một bộ phim có tầm ảnh hưởng đối với điện ảnh đương đại.

19a-1-1440845952205

Trụ vững trước thời gian hơn “The English Patient” là “Fargo” (Đi quá xa) - một phim hài đen làm về đề tài tội phạm của anh em nhà Coen. “Fargo” có những thay đổi về tốc độ và kịch tính, đưa lại hứng thú mới cho người xem ở thể loại phim “noir”, khiến anh em nhà Coen trở thành những nhà làm phim đi tiên phong trong thế kỷ 21.

“Shakespeare In Love” (Shakespeare đang yêu - 1998)

21-1440845952266

Nhiều người cho rằng danh hiệu “Phim hay nhất” dành cho “Shakespeare In Love” chỉ đơn giản là kết quả của một chiến dịch PR hoành tráng. Phim kể về cuộc tình của đại văn hào William Shakespeare và nàng Viola de Lesseps - một chuyện tình hư cấu.

Sau khi ra mắt, phim đã phải đối diện với nhiều lùm xùm kiện cáo về chuyện ăn cắp ý tưởng. Tuy vậy, phim đạt doanh thu khá tốt ngoài rạp và tại thời điểm đó được khen ngợi là phim gây xúc động, khá hấp dẫn. Tuy vậy điện ảnh cũng có tính thời điểm, khi năm tháng trôi đi, phim không còn được nhìn nhận tích cực như trước nữa.

21a-1-1440845952362

Nhìn lại, người ta nhận thấy rằng “Saving Private Ryan” (Giải cứu binh nhì Ryan) - một trong những phim hay nhất làm về đề tài chiến tranh - là lựa chọn xứng đáng nhất cho danh hiệu “Phim hay nhất” tại giải Oscar năm đó.

Dù đạo diễn Steven Spielberg đã nhận được tượng vàng cho Đạo diễn xuất sắc nhất nhưng bản thân bộ phim cũng xứng đáng nhận được nhiều hơn thế, đặc biệt khi phim vẫn còn giữ nguyên giá trị đối với giới phê bình và người xem điện ảnh sau gần 2 thập kỷ.

Gladiator (Võ sĩ giác đấu - 2000)

22-1440845952280

1999-2000 là thời điểm đáng nhớ của điện ảnh với “The Matrix” (Ma trận), “Fight Club” (Sàn đấu sinh tử) và cả “Gladiator” (Võ sĩ giác đấu), nhưng trong khi hai phim đầu không được đề cử tại giải Oscar thì “Gladiator” lại đại thắng cả phòng vé và giải thưởng.

“Gladiator” là một phim hay và xứng đáng được khán giả lựa chọn khi họ muốn xem một bộ phim hành động mang màu sắc lịch sử. Tuy vậy, những bộ phim hành động của Hollywood thường phải chịu một lời nguyền, đó là không đủ “chất”.

“Gladiator” không quá tẻ nhạt nhưng nó thiếu khả năng “bắt cóc” người xem vào thế giới của phim, cũng không tạo ra được những nhân vật hấp dẫn, gây xúc động.

22a-1440845952293

Ra mắt cùng năm với “Gladiator” phải kể tới “Erin Brockovich” - bộ phim được đánh giá là một trong những đỉnh cao diễn xuất của Julia Roberts và còn đề cập tới một đề tài mang tính thời sự cho tới tận hôm nay - cuộc chiến bảo vệ môi trường và sức khỏe con người.

“Erin Brockovich” không chỉ là một phim chạm tới trái tim và lương tri người xem mà còn chứa đựng sự tinh tế, quyến rũ trong những thước phim. Phim có đủ sự hài hước, mê hoặc để xứng đáng được lựa chọn.

“Chicago” (2002)

23-1440845952309

Những phim nhạc kịch vui vẻ như “Chicago” là lựa chọn phù hợp để giải trí cuối tuần, nhưng đồng thời phim nhạc kịch cũng thường dễ đoán trước. “Chicago” là một phim nhạc kịch hay nhưng không đem lại điều gì mới mẻ. Trong khi đó năm 2002 không phải không có phim hay hơn “Chicago”.

23a-1440845952398

Như “The Pianist” (Nghệ sĩ dương cầm) với diễn xuất xúc động của nam chính Adrien Brody đã xử lý “gọn ghẽ” một mảng đề tài còn chưa được khai thác nhiều của Thế chiến II - về số phận những người Do Thái. Câu chuyện được kể trong “The Pianist” là câu chuyện xúc động của một cá nhân nhưng sẽ khiến tất cả người xem cùng rung động.

Bên cạnh “The Pianist” rất xuất sắc còn có những phim hay khác của năm thậm chí còn không được đề cử, như “City of God” (Thành phố của Chúa) và “Catch Me If You Can” (Hãy bắt tôi nếu có thể).

Crash (Đổ vỡ - 2005)

24-1440845952326

Phim “Crash” của đạo diễn Paul Haggis phân người xem thành hai nhóm, hoặc rất khen phim hoặc rất chê phim. Đó cũng là điều thường thấy với một tác phẩm điện ảnh. Bản thân đạo diễn cũng từng thú nhận rằng ông cảm thấy khó có thể ngồi xem bộ phim từ đầu đến cuối.

“Crash” là một trong những phim đầu tiên của Hollywood sử dụng cách kể chuyện lồng chuyện cho phép đạo diễn được kể nhiều câu chuyện trong một bộ phim. Với cách làm phim mới mẻ này, “Crash” xứng đáng được đề cao, tuy vậy, tầm ảnh hưởng của phim không bền lâu và nhanh chóng chìm vào quên lãng.

24a-1440845952342

Cùng ra mắt trong năm đó phải kể tới “Brokeback Mountain” (Chuyện tình sau núi) của đạo diễn Lý An. Phim đề cập tới chuyện tình đồng tính một cách lãng mạn, chân thực và xúc động, trong khi ở thời điểm đó, đề tài đồng tính vẫn còn chưa được đón nhận cởi mở.

Đạo diễn Lý An đã dám đề cập một cách trực diện đề tài này nhưng vẫn đảm bảo tính nghệ thuật và xúc cảm cho phim. Bộ phim là sự bênh vực đầy thuyết phục cho tình yêu đồng giới.

The Hurt Locker (Chiến dịch Sói sa mạc - 2009)

25-1440845952420

Ủy ban xét giải Oscar thường mềm lòng với phim chiến tranh khi “Argo” (2012), “Zero Dark Thirty” (Truy lùng khủng bố - 2012), “Lone Survivor” (Sống sót - 2013), và “American Sniper” (Lính bắn tỉa Mỹ - 2014) đều nhận được đánh giá cao “ngất ngưởng” với nhiều đề cử.

Điều này có thể phần nào lý giải tại sao “The Hurt Locker” lại rinh về tượng vàng Oscar cho Phim hay nhất. Phim nhận được nhiều lời khen ngợi và cả chỉ trích khi không ít người cho rằng đây là một phim được… thổi phồng quá nhiều.

“The Hurt Locker” là một phim hành động thất bại trên bình diện xây dựng nhân vật và tâm lý chiến tranh. Trong khi phim khá dễ xem với số đông khán giả, thì với những người khó tính, phim thiếu đi sự nhạy cảm và chiều sâu cần thiết để từ một phim hành động dễ xem trở thành một phim chiến tranh giàu tính nghệ thuật.

25a-1440845952441

Ra mắt cùng năm với “The Hurt Locker” là “Avatar” của đạo diễn James Cameron. Cameron đã không chỉ làm một bộ phim mà còn xây dựng cả một thế giới với những giống loài, ngôn ngữ, tập tục… khác xa với những gì người ta từng được xem trên màn ảnh.

Không chỉ vậy, phim còn là một tác phẩm điện ảnh kinh điển của sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa công nghệ và nghệ thuật, khiến người xem đắm chìm trong từng khuôn hình. Có ít phim người ta có thể coi là một kỳ quan điện ảnh nhưng “Avatar” sẽ luôn nằm trong số đó.

The King’s Speech (Nhà vua nói lắp - 2010)

26-1440845952460

“The King’s Speech” là một phim hay dù tiết tấu hơi chậm, kể về việc vượt lên chứng nói lắp của nhà vua Anh, diễn xuất ấn tượng, kịch bản kỳ công, lời thoại vừa mang đặc trưng phong cách Hoàng gia vừa đủ hấp dẫn người xem.

Không thể nói rằng “The King’s Speech” không xứng đáng giành giải Oscar cho Phim hay nhất, nhưng cùng góp mặt với phim trong danh sách đề cử còn có những phim xứng đáng hơn như “Black Swan” (Thiên nga đen) hay “Inception” (Kẻ cắp giấc mơ). Cả hai phim này đều chứa đựng sự kịch tính và những góc nhìn độc đáo mới lạ về đời sống hiện đại.

26a-1440845952377

“Black Swan” khai thác sự ám ảnh tâm thần theo một cách đầy nghệ thuật và mê hoặc. Trong khi đó, “Inception” - một phim khoa học viễn tưởng - kể về thế giới thực và ảo có thể bị xóa nhòa như thế nào trong sự phát triển công nghệ.

Cả hai phim này đều thể hiện tình yêu điện ảnh, thực sự là những tác phẩm nghệ thuật để chiêm bái, khiến người xem suy nghĩ về xã hội đương đại và tương lai của loài người. Xét tới những điều này, “The King’s Speech” bị “nông” hơn hẳn.

 

Bích Ngọc
Tổng hợp

vanhoa-4fc8b