Những phim tệ nhất từng đoạt Oscar
(Dân trí)- Không phải bộ phim nào đoạt Oscar ở hạng mục “Phim xuất sắc nhất” cũng vượt qua được thử thách của thời gian. Nhiều năm trôi qua, khi xem lại những bộ phim này, khán giả đã đặt câu hỏi, tại sao nó lại có thể là phim xuất sắc nhất?!
Ngoài danh hiệu “Phim xuất sắc nhất”, “Lái xe cho cô Daisy” còn mang về cho nữ diễn viên Jessica Tandy giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất. Truyện phim xoay quanh vấn đề phân biệt chủng tộc diễn ra tại Mỹ. Theo đó, cô Daisy - một goá phụ người Do Thái và lái xe của cô – ông Hoke (Morgan Freeman) - một người đàn ông da màu đã dần nhìn thấy những thay đổi tích cực trong xã hội Mỹ trước vấn nạn kỳ thị chủng tộc. Phim chỉ đơn thuần là một sự lựa chọn an toàn trong bối cảnh nước Mỹ lúc bấy giờ. Nó hợp với vai trò của một bộ phim tuyên truyền hơn là một bộ phim nghệ thuật.
Oliver! (1968)
Những bộ phim nhạc kịch vốn luôn được người dân Mỹ ưa chuộng và dường như hội đồng trao giải Oscar đã cố rút ngắn khoảng cách giữa tính nghệ thuật và tính đại chúng trong lựa chọn của mình. Năm 1968, bộ phim nhạc kịch “Oliver!” được trao giải “Phim xuất sắc nhất” nhưng nó không bao giờ là một bộ phim nhạc kịch thành công trong lòng khán giả. Khi đặt phim bên cạnh tác phẩm nổi tiếng “Oliver Twist” của nhà văn Charles Dickens, “Oliver!” bỗng trở nên… ngớ ngẩn. Cho tới nay, đây là bộ phim nhạc kịch được đầu tư mạnh tay nhất trong những bộ phim từng được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên. Phim kéo dài 153 phút với những màn diễn xuất nhàm nhạt bị coi như một cực hình đối với cả những khán giả kiên nhẫn nhất.
Shakespeare đang yêu
(Shakespeare in Love - 1998)
Thường thể loại phim hài kịch không được hội đồng trao giải Oscar ưa chuộng, việc “Shakespeare đang yêu” giành giải “Phim xuất sắc nhất” đã làm nổ ra một cuộc tranh cãi rầm rộ mới không phải chỉ bởi hội đồng trao giải bất ngờ thay đổi khẩu vị mà còn vì nội dung nhạt nhẽo của phim lại có thể đánh bại những tên tuổi lớn như “Life Is Beautiful” (Cuộc sống tươi đẹp) của đạo diễn nổi tiếng người Ý Roberto Benigni hay “Saving Private Ryan” (Giải cứu binh nhì Ryan) của đạo diễn Steven Spielberg. Điều đáng khâm phục duy nhất đối với bộ phim này là nhà phân phối Miramax đã mạnh tay chi ra hàng triệu đô la quảng cáo cho phim.
Chicago (2002)
Đây là bộ phim nhạc kịch thứ hai giành giải Oscar ở hạng mục “Phim xuất sắc nhất” sau “Oliver!” nhưng thậm chí phim này còn bị “ném đá” nhiều hơn phim trước vì nó chỉ đơn thuần là một bộ phim giải trí với những cảnh nhảy múa sexy của những người đẹp nổi tiếng Hollywood như Catherine Zeta-Jones hay Renée Zellweger. Nội dung phim nghèo nàn và điểm mạnh của “Chicago” chỉ dừng lại ở vẻ hào nhoáng, hấp dẫn của các diễn viên. Trước “Chicago” đã từng có những bộ phim nhạc kịch Broadway được chuyển thể thành công lên màn ảnh và có nội dung sâu sắc hơn thế nhiều.
Đôi khi hội đồng trao giải cũng bị ảnh hưởng bởi doanh thu và dư luận. Tại giải Oscar năm 1941, “How Green Was My Valley” nhận được 10 đề cử và giành được 5 giải bao gồm cả hạng mục quan trọng như “Phim xuất sắc nhất”. Vậy mà giờ đây, hầu như người ta không còn nhắc tới bộ phim từng một thời đình đám này nữa. Thay vào đó, bộ phim bị coi là thảm hoạ của năm 1941 – “Citizen Kane” (Công dân Kane) lại được tôn vinh “ngất trời”. Bộ phim này khi ra đời bị coi là một thất bại thảm hại về doanh thu và đương nhiên nó không có đất để “đấu” với “How Green Was My Valley”. Vậy mà giờ đây, “Citizen Kane” ngày càng được đánh giá cao và luôn đứng ở nhóm đầu trong các cuộc bình chọn dành những bộ phim xuất sắc nhất trong lịch sử điện ảnh.