Những phim gây tranh cãi về tình dục ở LHP Cannes 2015
(Dân trí) - Những phim về đề tài tình dục luôn đóng một vai trò quan trọng ở các kỳ LHP Cannes.
LHP Cannes vốn không che giấu tham vọng trở thành sự kiện điện ảnh “nóng nhất” thế giới. Không có mùa liên hoan nào ở Cannes không có ít nhất một bộ phim gây tranh cãi.
Năm nay đã là kỳ liên hoan thứ 68 ở Cannes, cũng là 68 bữa tiệc điện ảnh kịch tính, đa màu rực rỡ mà Cannes đã đưa lại cho công chúng.
Những phim về đề tài tình dục vốn đóng một vai trò quan trọng trong khía cạnh gây tranh cãi ở Cannes. Những phim này không chỉ được chiếu ở những hạng mục phụ mà còn “mạnh dạn” tranh giải ở hạng mục chính - Cành Cọ Vàng.
Những bộ phim mang nhiều hàm lượng tình dục khi tranh giải Cành Cọ Vàng ở Cannes luôn trở thành tâm điểm tranh luận, khi đó yếu tố nghệ thuật và gây sốc đã hòa làm một.
Cảnh trong phim “La Dolce Vita”
Bắt đầu từ phim “La Dolce Vita” (Cuộc sống ngọt ngào - 1960) của đạo diễn Federico Fellini - bộ phim từng bị Giáo hội Công giáo Rôma chỉ trích, cho rằng khán giả nào đi xem bộ phim này là đã thực hiện một hành vi tội lỗi, kể từ cú “vượt rào” đầu tiên đó, LHP Cannes đã không còn ngần ngại đón nhận tất cả những phim mang đậm tính dục về cập bến Cannes.
Lịch sử LHP Cannes không thiếu những phim gây tranh cãi, như “Sex, Lies, and Videotape” (Tình dục, dối trá, và băng ghi hình - 1989) của đạo diễn Steven Soderbergh, hay “The Brown Bunny” (Chú thỏ nâu - 2003) của đạo diễn Vincent Gallo. Những cảnh tình tự quá trần trụi trong “The Brown Bunny” từng khiến nhà phê bình phim nổi tiếng người Mỹ Roger Ebert gọi đây là “bộ phim tệ hại nhất trong lịch sử LHP Cannes”.
Cảnh trong phim “Blue Is The Warmest Color”
Những năm trở lại đây, Cannes lại dậy sóng với “Blue Is The Warmest Color” (Màu xanh là màu nóng - 2013) của đạo diễn Abdellatif Kechiche. Bộ phim đã đoạt Cành Cọ Vàng với những cảnh sex kéo dài tới… 10 phút, khiến bản thân diễn viên khi quay xong phim cũng cảm thấy ghê sợ bộ phim và đạo diễn.
Rồi phải kể tới “Nymphomaniac” (Người đàn bà cuồng dâm - 2013) của đạo diễn Lars von Trier - “phim nóng” từng gây sóng gió suốt một thời gian - đã suýt cập bến Cannes nhưng vì không kịp hoàn tất hậu kỳ nên đành lỡ hẹn. Đến năm nay, người ta lại liên tục nhắc tới bộ phim 3D “Love” của đạo diễn Gaspar Noé.
Biểu tượng sex của màn ảnh Pháp một thời - Brigitte Bardot - tắm nắng trên bờ biển ở Cannes năm 1953.
LHP Cannes chẳng ngại tranh cãi, chê bai, bởi càng có nhiều yếu tố này, LHP Cannes lại càng được nhắc đến, được biết đến nhiều hơn. Có lẽ vì vậy mà đã 68 mùa liên hoan trôi qua, LHP Cannes vẫn “nóng” mỗi khi tháng 5 về.
Tuy vậy, Cannes không phải một sân chơi dễ dãi, tất cả những phim gây sốt, gây sốc ở Cannes đều được thực hiện bởi những cái tên có sức nặng trong giới nghệ thuật thứ 7. Hãy cùng điểm qua những phim “nóng nhất” ở Cannes trong tháng 5 này:
Love (Yêu): Năm nay, phim “Love” của đạo diễn người Pháp Gaspar Noé là phim “nóng nhất” liên hoan. Gaspar Noé vốn nổi tiếng với những bộ phim mang đậm màu sắc bạo lực và tình dục, gây nhiều tranh cãi như “Irreversible” (Không thể thay đổi - 2002) hay “Enter the Void” (Bước vào khoảng trống - 2009); cả hai phim này đều từng tranh giải Cành Cọ Vàng.
Với “Love”, Gaspar Noé khai thác cuộc tình tay ba giữa một cậu thanh niên và hai cô gái trẻ. Noé gọi phim là một “cuộc truy hoan của dục vọng”. Ngay khi phim bắt đầu tung poster, người ta đã phần nào dự đoán được phim lần này của Noé sẽ “nóng” tới mức nào. Tất cả những tấm poster đều trần trụi đến mức ngay cả báo chí phương Tây cũng không dám đăng tải mà không cảnh báo trước cho người xem.
Tuy thu hút sự chú ý lớn, nhưng “Love” không có mặt trong danh sách 19 phim tranh giải Cành Cọ Vàng, thay vào đó, phim được chiếu giới thiệu ở hạng mục “Xuất chiếu lúc nửa đêm”.
Carol: Chuyện phim kể về mối tình đồng tính giữa một cô gái trẻ và một phụ nữ trung niên đã lập gia đình. Chuyện tình của họ diễn ra hồi thập niên 1950 ở New York, Mỹ; tại thời điểm này, quan hệ đồng tính vẫn là một đề tài cấm kỵ trong xã hội và người đồng tính phải đối diện với rất nhiều thiệt thòi khi đứng trước pháp luật.
Nữ diễn viên từng giành tượng vàng Oscar - Cate Blanchett đảm nhận vai nữ chính Carol. Phim hiện đang tranh giải Cành Cọ Vàng và được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết văn học Mỹ “The Price of Salt” (Giá muối - 1952). Trong phim, Cate Blanchett vào vai một người mẹ mất quyền nuôi con sau khi bị chồng phát hiện có quan hệ đồng tính.
The Lobster (Tôm hùm): Chuyện phim mang nhiều yếu tố giả tưởng và có lẽ là một trong những phim khác thường nhất tranh giải Cành Cọ Vàng ở Cannes lần này. Phim đặt bối cảnh ở Thành phố (the City), khi những con người độc thân đến một kỳ hạn nhất định sẽ bị buộc phải tìm được một bạn tình ở Khách sạn (the Hotel). Nhiệm vụ này phải được hoàn thành trong vòng 45 ngày.
Hết thời hạn mà không tìm được “đối tác”, những người cô độc còn lại sẽ bị biến thành con thú mà họ mong muốn rồi bị đem thả vào Rừng (the Wood). Trong nhóm những người độc thân bị đưa tới Khách sạn, có một người đàn ông tuyệt vọng quyết tìm được tình yêu đích thực hoặc thà bị biến thành thú vật.
The Tale of Tales (Cổ tích về cổ tích): Đây hiện là một trong 19 phim tranh giải Cành Cọ Vàng. “Cổ tích về cổ tích” gồm 3 câu chuyện mang đậm màu sắc… cổ tích, những câu chuyện lồng vào nhau, rùng rợn như nhau và cùng đưa tới những cái kết không có hậu.
Câu chuyện thứ nhất kể về một cặp vợ chồng vua và hoàng hậu mãi mà không có con. Hoàng hậu đã được một thầy đồng mách rằng nếu hoàng hậu ăn sống trái tim của một con thủy quái, ngay lập tức bà sẽ có được một cậu con trai. Hoàng hậu làm theo và những tưởng được toại nguyện khi hạ sinh hai hoàng tử, nhưng đây hoàn toàn là mưu kế quỷ quyệt của lão thầy đồng.
Câu chuyện thứ hai kể về một vị vua điên rồ, nuôi thú cưng là… một con bọ chét. Nhà vua đã dùng chính máu mình để nuôi nó lớn, sau này con bọ chét lại được nuôi bằng thịt bò hảo hạng, to bằng một một con hà mã. Nhà vua hết lòng yêu thương, chăm sóc cho con bọ chét và bỏ mặc con gái mình bị gả cho một con quỷ đội lốt người. Câu chuyện thứ ba kể về một hoàng tử… “nghiện sex”, bị một mụ phù thủy xấu xí “lừa vào tròng”.
Bích Ngọc
Tổng hợp