Những nhân vật chính vô danh trên màn ảnh
(Dân trí) - Hiện tượng nhân vật chính vô danh không hề hiếm gặp trong điện ảnh. Chi tiết này chỉ được phát hiện sau khi phim đã kết thúc và chắc chắn sẽ để lại một dư vị, thậm chí một sự ám ảnh, đối với người xem.
Có những bộ phim cuốn hút người xem từ đầu đến cuối, khiến họ chỉ kịp nhận ra mình không hề biết tên nhân vật chính sau khi màn ảnh đã khép lại. Hiện tượng những nhân vật chính vô danh không hề hiếm gặp trong điện ảnh. Chi tiết này chỉ được phát hiện sau khi phim đã kết thúc và chắc chắn sẽ để lại một dư vị, thậm chí một sự ám ảnh, đối với người xem.
Việc nhân vật chính không hề được xướng tên lần nào trong phim có rất nhiều dụng ý, chẳng hạn, nhân vật sẽ khoác lên mình một lớp màn bí ẩn, hoặc, nhân vật trở thành đại diện chung cho bao số phận khác trong cuộc đời và không cần “nhớ mặt đặt tên”…
Rebecca (Nàng Rebecca - 1940): Câu chuyện xoay quanh cảm giác vô vọng của người vợ hai khi luôn đem so sánh bản thân với người vợ đầu xinh đẹp và thông minh của chồng - nàng Rebecca. Người vợ hai chỉ được gọi là bà De Winter, theo họ chồng, trong khi tên của người vợ đầu luôn được nhắc đến. “Nàng Rebecca” do đạo diễn bậc thầy về phim tâm lý kinh dị - Alfred Hitchcock - dàn dựng.
12 Angry Men (12 người đàn ông giận dữ - 1957): Một thanh niên bị tình nghi giết cha ruột. 12 thành viên của bồi thẩm đoàn bắt đầu phiên làm việc để đưa ra kết luận bị cáo có tội hay vô tội. Tất cả họ đều muốn kết thúc nhanh vụ án, trừ một người duy nhất. Ông không muốn sinh mạng con người được quyết định trong 10 phút và bắt đầu thuyết phục từng người. 12 bồi thẩm viên trong phim là 12 tính cách và lối tư duy, tất cả họ đều vô danh và được phân biệt bằng… số thứ tự. Phim nằm trong danh sách những tác phẩm điện ảnh hay nhất mọi thời đại.
Bộ ba phim “The Man With No Name” (Người đàn ông không tên): Nhân vật nam chính trong loạt phim do nam diễn viên Clint Eastwood đảm nhận. Đó là người đàn ông trầm lặng, cộc cằn, lập dị, giỏi dùng súng. Dù xuất hiện trong bối cảnh nào, nhân vật “người đàn ông không tên” cũng đang theo đuổi những phi vụ dính đến tiền. Người ta không thể phân định nhân vật này là chính diện hay phản diện. Bộ ba phim “Người đàn ông không tên” nằm trong danh sách những phim làm về miền viễn tây hay nhất mọi thời đại. Trong 3 tập, “A Fistful of Dollars” (Một nắm đô la - 1964), “For a Few Dollars More” (Thêm một vài đồng - 1965) và “The Good, the Bad and the Ugly” (Thiện, ác, tà - 1966), nhân vật “người đàn ông không tên” được gọi bằng những “nickname” như Joe, Manco, Blondie, nhưng đây chỉ là những “tên lóng”. Về bản chất, nhân vật được xây dựng để là một kẻ vô danh.
The Driver (Quái xế - 1978): Một tên cướp bí ẩn ở thành phố Los Angeles, chuyên thực hiện những phi vụ lớn, giỡn mặt mọi nỗ lực giăng bẫy của cảnh sát. Phim là cuộc chiến giữa tên cướp táo tợn - “The Driver” (quái xế) và một cảnh sát “say nghề” tới mức bị ám ảnh và sẵn sàng dùng mọi cách, kể cả thủ đoạn, để tóm được “con cá mập trắng” - “The Detective” (mật vụ).
Stalker (Kẻ rình mò - 1979): Zone là một căn cứ của người hành tinh được canh giữ cẩn mật, nằm gần một thành phố u ám không tên. Nhân vật “The Stalker” (kẻ rình mò) có khả năng xâm nhập vào Zone, để đến Căn Phòng - nơi những ước vọng của con người được trở thành sự thật. “Kẻ rình mò” nhận lời dẫn lối cho một nhà văn và một nhà khoa học vào cấm địa. “Stalker” là một trong những phim hay nhất của điện ảnh Nga, đưa người xem tới với câu hỏi: Làm sao tôi biết mình thực sự muốn gì?
Withnail & I (Withnail và tôi - 1987): Withnail và nhân vật “Tôi” là một đôi bạn thân ao ước trở thành diễn viên nổi tiếng nhưng lại đang thất nghiệp, sống chìm trong rượu và chất cấm. Bộ phim hài vui nhộn kết thúc bằng một cảnh phim bi kịch khi hai người bạn chí cốt chia xa vĩnh viễn, “Tôi” bỏ đi để tìm kiếm tương lai, bỏ lại Withnail phía sau, chắc chắn sẽ tự hủy hoại cuộc đời mình.
El Mariachi (Kẻ liều mạng - 1992): Truyện phim kể về một chàng nhạc công ghita lang thang, bất đắc dĩ trở thành tay súng thiện xạ. Trong phim, nhân vật nam chính chỉ được gọi bằng danh từ “el mariachi” (một nhạc công chơi nhạc truyền thống đến từ Mexico).
Bad Lieutenant (Luật rừng - 1992): Phim kể về sự sa ngã không phanh của một viên cảnh sát. Trong quá trình điều tra một vụ giết người, tay cảnh sát cảm thấy “nhột” và bắt đầu con đường hoàn lương. Trong phim, nhân vật chính không có tên và chỉ được biết tới là “một cảnh sát”.
Reservoir Dogs (Những kẻ phản bội - 1992): Đó là những kẻ xa lạ, cùng hợp lại để thực hiện một phi vụ cướp tiệm kim cương. Kế hoạch hoàn hảo bất ngờ thất bại, những tên tội phạm nhận ra trong nhóm có một cảnh sát chìm, đó là ai? Các nhân vật trong phim được gọi bằng những mật danh như Mr. White, Mr. Orange, Mr. Pink… đều là những danh từ chỉ màu sắc.
Fight Club (Sàn đấu sinh tử - 1999): Nhân vật người kể chuyện vô danh của phim là một người đàn ông thành đạt. Mặc dù giàu có, nhưng anh ta luôn cảm thấy cuộc đời đơn điệu, luôn mong một lần nào đó khi đang đi máy bay, tai nạn sẽ xảy ra để mọi chuyện kết thúc. Anh ta lập nên câu lạc bộ đánh lộn, để những người đàn ông đến đánh nhau, tạm quên cuộc sống nhàm chán, rắc rối, để tìm được cảm giác mình đang thực sự sống.
Versus (Đối đầu - 2000): Phim lấy bối cảnh một khu rừng âm u, hẻo lánh ở Nhật - Rừng Hồi sinh - nơi một tù nhân đào tẩu được biết tới với cái tên “Phạm nhân KSC2-303” và một băng nhóm tội phạm xuyên quốc gia chiến đấu với một bầy xác chết sống dậy, để thực hiện nhiệm vụ mở cánh cửa dẫn sang thế giới đen. Trong phim, tất cả các nhân vật đều không có tên và đều được ám chỉ bằng những danh từ như “phạm nhân”, “thủ lĩnh”, “kẻ ám sát”…
Hero (Anh hùng - 2002): Trung Quốc thời Xuân Thu, Tần Thủy Hoàng chinh phạt 7 nước chư hầu để thống nhất toàn cõi. Tần Vương ngay lập tức trở thành mục tiêu hành thích của 3 hiệp khách giang hồ - Trường Không (Chân Tử Đan), Tàn Kiếm (Lương Triều Vỹ), Phi Tuyết (Trương Mạn Ngọc). Tần Vương treo thưởng ai giết được 3 thích khách này sẽ được phép uống rượu cùng hoàng đế. Lúc này, tráng sĩ Vô Danh (Lý Liên Kiệt) xuất hiện. Phim được đạo diễn bởi Trương Nghệ Mưu.
Kill Bill Vol 1 (Cô dâu báo thù 1 - 2003): Truyện phim kể về sự trả thù của một nữ sát thủ bị ông chủ cũng đồng thời là tình nhân sát hại. Cô bị trọng thương nhưng may mắn không chết. Hôn mê 4 năm nằm liệt trong bệnh viện, một ngày, cô bất ngờ tỉnh dậy và quyết tâm trả thù đồng bọn. Trong phim, nhân vật nữ chính được biết tới với cái tên “The Bride” (cô dâu).
Layer Cake (Lát bánh - 2004): Daniel Craig vào vai một trùm buôn ma túy giàu có và muốn “rửa tay gác kiếm”, trong phim, nhân vật của Craig không có tên thật mà chỉ có mật danh XXXX. Khi tưởng rằng mình đang thực hiện một phi vụ cuối cùng trước khi “phục thiện”, XXXX mới hiểu rằng con đường mình đi bấy lâu nay không có đường lui.
Antichrist (Tội lỗi vườn địa đàng - 2009): Là một phim gây tranh cãi của đạo diễn nổi tiếng người Đan Mạch Lars von Trier. Phim bắt đầu bằng cảnh làm tình của một đôi vợ chồng. Họ không hề biết rằng cậu con trai nhỏ, vì lao ra ngoài cửa sổ tầng cao, đã bị chết. Quá đau xót, hai vợ chồng dọn về sống ở một căn nhà nhỏ trong rừng. Từ đây hàng loạt hiện tượng kỳ bí xảy ra. Trong phim, cặp vợ chồng chỉ đơn giản được nhắc tới là “anh ấy” và “cô ấy”.
Dogtooth (Răng nanh - 2009): Bộ phim tâm lý kinh dị của Hy Lạp đã nhận được đề cử tại giải Oscar cho Phim nước ngoài xuất sắc nhất. Truyện phim kể về một gia đình có lối sống lập dị, người cha và người mẹ giữ 3 người con của mình (gồm chị gái, con trai, em gái) ở trong căn nhà biệt lập và dạy những điều điên rồ cho các con.
The Road (Hậu tận thế - 2009): Bộ phim hậu tận thế kể về cuộc đấu tranh sinh tồn của hai cha con vô danh, họ cố gắng tới được bờ Đông nước Mỹ để sinh sống. Với số thực phẩm ít ỏi, họ phải trải qua một hành trình dài đầy nguy hiểm, đối mặt với nhiều toán cướp và những kẻ ăn thịt người. Trong hành trình tìm kiếm nguồn sống, hai cha con phải dựa vào nhau để đương đầu với một thế giới không còn tương lai.
Drive (Tay lái siêu hạng - 2011): Phim xoay quanh một diễn viên đóng thế ở Hollywood. Anh là một kẻ cô độc, ban ngày làm việc cho các đoàn phim, ban đêm làm thuê cho tổ chức tội phạm. Bỗng một ngày, anh trở thành mục tiêu bị truy đuổi. Khi nguy hiểm đã vượt ngoài tầm kiểm soát, cách duy nhất để sống sót là làm việc mà anh giỏi nhất - lái xe chạy trốn. Trong phim, nhân vật nam chính chỉ đơn giản được gọi là “The Driver” (Lái xe).
Under the Skin (Dưới lớp mặt nạ - 2013): Bộ phim khoa học viễn tưởng kinh dị kể về một phụ nữ ngoài hành tinh dùng sắc đẹp và sự gợi cảm của mình để bẫy những người đàn ông rồi sát hại họ. Trong phim, “biểu tượng sex” đương đại Scarlett Johansson hóa thân vào vai người phụ nữ ngoài hành tinh và có những cảnh khỏa thân “choáng ngợp”. Không một nhân vật nào của phim có tên.
Bích Ngọc
Tổng hợp