“Những người thực hiện chương trình Táo quân từng ôm nhau… khóc”
(Dân trí) - Với chặng đường 10 năm phát sóng, chương trình Táo quân- Gặp nhau cuối năm luôn nhận được tình cảm yêu mến đặc biệt của đông đảo khán giả. Đằng sau những tiếng cười thâm thúy, đằng sau thành công có được, là những câu chuyện dài chưa kể…
Thời điểm cuối năm luôn là quãng thời gian dư luận và truyền thông “đồn thổi” về Táo quân nhiều hơn cả. Nhiều bài báo dự đoán nội dung của Táo quân đăng tải. Nhiều lời “đồn” về Táo quân xuất hiện. Nhiều sự săn đón dồn về phía ê-kíp thực hiện…
Trước thềm một “mùa” Táo quân mới, phóng viên Dân trí có cuộc trao đổi với diễn viên Xuân Bắc- người đã đảm nhận vai Nam Tào suốt 10 năm. Nhưng ngay trước khi cuộc trò chuyện bắt đầu, Xuân Bắc đã dặn kỹ, “Táo quân năm nay chưa có gì để nói cả”.
Với 10 năm đóng vai Nam Tào trong chương trình Táo quân, Xuân Bắc đã có một vị trí đặc biệt, một hình ảnh đặc biệt trong lòng khán giả. Vai Nam Tào cũng trở thành một hình ảnh rất riêng trong nghiệp diễn của anh. Vậy, ý nghĩa của vai diễn này đối với cá nhân anh?
Tôi làm bất kỳ một vai diễn nào cũng luôn cố gắng mang đến một nhận diện khác trong lòng khán giả, bởi vậy, nếu vai Nam Tào mang đến một nhận diện khác biệt cũng là điều dễ hiểu. Nhưng, tôi nghĩ rằng, khán giả ấn tượng với Nam Tào- Xuân Bắc cũng giống như cách họ ấn tượng với Bắc Đẩu- Công Lý, Ngọc Hoàng- Quốc Khánh, Táo Giao thông- Chí Trung…
Với cá nhân tôi, nghĩ đến vai Nam Tào là nghĩ đến sự lao động căng sức. Không ít lần “oải”. Nhẹ nhất là 120 trang kịch bản với lời thoại dài dằng dặc. Trong quá trình ghi hình, Ngọc Hoàng được ngồi, Bắc Đẩu- Công Lý thỉnh thoảng được bế hoặc được treo lên (cười), chỉ có Nam Tào là phải đứng từ đầu đến cuối.
Làm chương trình Táo quân thực sự rất vất vả. Nhưng, Táo quân (là một trong 2 chương trình) tôi từng tâm sự rằng, tôi luôn mong được có mặt trong đội ngũ sáng tác, dù với vai trò gì, tôi cũng sung sướng, hạnh phúc.
Tôi cũng thấy, hình như đóng vai Nam Tào tôi được ông Nam Tào… phù hộ. Nam Tào- vốn là một nhân vật có trong truyền thuyết. Ở trên trời, Nam Tào có quyền sinh, quyền sát trong tay. Ở nhiều nơi, Nam Tào còn trở thành tín ngưỡng trong nhân dân. Tôi tin mình được Nam Tào phù hộ để 10 năm qua cả chương trình và vai diễn của tôi đều suôn sẻ, thông suốt.
Nếu 10 năm trước, giả sử đạo diễn giao vai Nam Tào cho Tự Long, chắc chắn Tự Long đã tạo ra một phiên bản Nam Tào khác có thể hay hơn, thú vị hơn, và khán giả sẽ quen với Nam Tào- Tự Long. Làm nhiều sẽ quen. Quen với người xem và diễn viên.
Hẳn đạo diễn Đỗ Thanh Hải có lý do để chọn Xuân Bắc vào vai Nam Tào. Trong kịch bản Táo quân, Nam Tào là một vai “nặng” với nhiều chiêu trò, tung hứng, khi đưa đẩy, khi “dương Đông kích Tây”, khi lại “đâm bị thóc chọc bị gạo”… Nhưng trên tất cả, đó là một nhân vật đầy tính thông điệp. Anh học được điều gì từ một nhân vật nhiều tính thông điệp, nhiều “chiêu bài” như thế?
Nam Tào có lẽ là một nhân vật không nên học, bởi đó là nhân vật biết quá rõ những cái hay, cái dở, điểm yếu, điểm mạnh của người khác.
Khi đảm nhận vai Nam Tào tôi chỉ tâm niệm, hãy học thuộc lời, hãy diễn đúng ý đồ của đạo diễn, và hãy cùng ê-kíp làm cho thật tốt chương trình. Cũng giống như khi nhận bất kỳ một vai diễn nào khác, tôi chỉ cố gắng làm vai đó cho thật hay, thật tốt.
Nói thật, có những năm làm xong chương trình, chúng tôi đứng ôm nhau khóc. Vì quá mệt và hạnh phúc. Nếu không yêu, sẽ không thể làm được. 2 năm gần đây, tổng kết xong tôi xin về nhà luôn, không đi liên hoan cùng mọi người. Vì quá mệt. Về nhà, ngồi nhìn vợ con ngủ sau cả một quãng thời gian tập đến kiệt sức…
Bù lại sự nỗ lực, cố gắng ấy, các anh được khán giả yêu mến, Táo quân trở thành chương trình được đón đợi. Đó chẳng phải là động lực để các anh cố gắng?
Tại sao mỗi khi nhắc đến Táo quân, nghệ sỹ chúng tôi hay “ôn nghèo kể khố”? Chính vì làm chương trình này thực sự quá vất vả. Chỉ học thoại thôi đã đủ khổ rồi. Khi lên sân khấu, tôi và anh Công Lý phải có “mưu” để nhắc vở cho nhau. Lịch tập lại rơi vào buổi đêm. Mệt mỏi lắm…
Đúng là tình cảm của khán giả đã bù lại cho chúng tôi. Sự chờ đợi của khán giả là động lực để chúng tôi làm việc. Uy tín của chương trình, sự say mê tự thân mỗi nghệ sĩ thúc đẩy chúng tôi làm việc.
Năm trước, khi người viết có ý “chê” vai Táo Điện lực của nghệ sỹ Chí Trung, Chí Trung có nói, khi chương trình kết thúc, Xuân Bắc đã nói một câu khiến Chí Trung xúc động, rằng “Nếu không phải anh Trung đóng vai Táo Điện lực thì vai ấy đã đổ rồi”. Dường như, sau 10 năm cùng nhau làm Táo quân, ê-kíp thực hiện chương trình cũng đã là một gia đình?
Chúng tôi- những người làm chương trình Táo quân yêu nhau và trân trọng tài năng của nhau. Chúng tôi tin tưởng đạo diễn. Chúng tôi trọng tài năng đạo diễn của Đỗ Thanh Hải. Chúng tôi tin tưởng ở những người cộng tác, kể từ những người làm đạo cụ.
Về diễn viên, anh Chí Trung là một trong những thần tượng khi mới vào nghề của tôi. Anh Trung diễn xuất giỏi, đài từ tốt, anh diễn vừa đầy đam mê nhiệt huyết vừa tỉnh táo. Tự Long diễn hay, vai nào khó giao cho Tự Long, cậu ấy là người “tập càng ít diễn càng hay”. Công Lý kỹ thuật diễn quá giỏi, Lý diễn câu trước đã biết phải làm gì với 3 câu sau để cho hay rồi. Quốc Khánh cũng vậy, thoại nhả chữ đúng chỗ, đúng nhịp. Còn Vân Dung, Quang Thắng… Ai có thể thay thế được họ?...
Làm việc với nhau 10 năm, thực sự, chúng tôi yêu nhau và trân trọng tài năng của nhau.
Hiền Hương