Những người thầy gây xúc động mạnh trên màn ảnh Việt

(Dân trí) - Trong kho tàng điện ảnh Việt Nam có rất nhiều bộ phim nói đến đời sống của những người lặng thầm “chở trò qua sông chữ”. Tuy nhiên, vai người thầy - người cô thực sự gây xúc động hoặc ấn tượng mạnh đang ngày càng khan hiếm dần trong các bộ phim. Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), cùng điểm lại những vai người thầy đã từng được xem như “tượng đài” về người giáo viên nhân dân.

Cảm hoá học trò bằng tình yêu thương

“Quyển vở sang trang” do Nguyễn Ngọc Trung đạo diễn và được Hãng Phim truyện Việt Nam sản xuất và phát hành năm 1976. Phim dài 88 phút nói về cậu bé Vĩnh, một học sinh lười học, bướng bỉnh, cá biệt... không thầy cô giáo nào muốn nhận Vĩnh vào lớp. Tuy nhiên, cô giáo Hồng Vân đã nhận Vĩnh vào 7C do cô làm chủ nhiệm.

Cô giáo Hồng Vân và học trò Vĩnh trong phim Quyển vở sang trang.
Cô giáo Hồng Vân và học trò Vĩnh trong phim "Quyển vở sang trang".

Một lần trong giờ học, bị cô khiển trách, Vĩnh đã bỏ học đi chơi. Gặp Cường, một thanh niên xấu lôi kéo, Vĩnh bỏ nhà đi lang thang. Cô giáo Vân đi tìm đưa Vĩnh về nhà và cảm hoá cậu bằng tình yêu thương để giúp cậu thức tỉnh, tránh xa những bước chân lạc lối. Thông điệp mà bộ phim này mang đến là “Tình yêu thương sẽ cảm hóa được mọi sai lầm. Nhà trường, thầy cô luôn là chỗ dựa vững chãi cho những tâm hồn non dại khi đặt chân vào ngưỡng cửa cuộc đời”.

Người vào vai cô giáo Hồng Vân lúc bấy giờ là nhà văn, hoạ sỹ, nhà biên kịch Đoàn Lê. Đây cũng là vai diễn duy nhất trong cuộc đời của nữ nghệ sỹ này. Vai cô giáo Hồng Vân đã lay động hàng triệu khán giả đương thời. Đi đến đâu người ta cũng nhắc đến hình ảnh cô giáo Hồng Vân với lòng yêu thương và bao dung học trò hiếm có.

Hình ảnh trong phim Cô giáo vùng cao.
Hình ảnh trong phim "Cô giáo vùng cao".

Có cách xây dựng hình tượng người nữ giáo viên giống “Quyền vở sang trang” còn có phim “Cô giáo vùng cao” do Nông Ích Đạt làm đạo diễn. Phim từng đạt giải Bông Sen Vàng tại LHP Việt Nam năm 1970. Trong phim NSƯT Tố Uyên vào vai cô giáo Tô Thị Rinh, một cô giáo tốt bụng, yêu thương và luôn bao dung với học trò nhỏ vùng cao. Người giáo viên hiện lên trên phim không chỉ là người truyền dạy con chữ mà còn là một “bác sỹ” bồi đắp nên nhân cách, tâm hồn cho con trẻ. Đặc biệt, phim còn là bài học quý về chuyện mang yêu thương để cảm hoá những “vầng trăng khuyết”.

Những “vần thơ” đẹp về sự hy sinh của người thầy

“Bao giờ cho đến tháng Mười” thuộc thể loại phim truyện nhựa, được sản xuất năm 1984, do NSND Đặng Nhật Minh làm đạo diễn. Nhân vật thầy giáo Khang (Hữu Mười đóng) đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả với hình ảnh một người thầy giáo hiền lành, ít nói, mộc mạc... nhưng ẩn sâu bên trong là một tâm hồn sâu sắc.

Nghệ sỹ Hữu Mười trong vai thầy giáo Khang của phim Bao giờ cho đến tháng Mười.
Nghệ sỹ Hữu Mười trong vai thầy giáo Khang của phim "Bao giờ cho đến tháng Mười".

Trong phim Khang không chỉ cứu Duyên bị ngã đò xuống sông sau khi vào biên giới Tây Năm thăm chồng và biết chồng chị đã hy sinh; không chỉ yêu thương Duyên bằng một tình yêu đồng cảm và hy sinh mà còn hiện lên với hình ảnh người thầy giáo nhiệt tâm và tốt bụng. Dù là người hơi thầm trầm nhưng Khang luôn mang đến cho học trò những bài học lý thú về tình người và sự bao bọc nhau trong cuộc sống. Đây cũng chính là vai diễn đưa tên tuổi của nghệ sỹ Hữu Mười nhanh chóng vụt sáng thành ngôi sao trong làng nghệ thuật lúc bấy giờ.

“Thung lũng hoang vắng” được sản xuất năm 2001, do Phạm Nhuệ Giang làm đạo diễn. Phim từng đoạt giải Bông Sen Bạc tại LHP Việt Nam lần thứ 13. Bộ phim kể về một ngôi trường miền cao Tả Giàng Phìn (Lào Cai) nơi chỉ có 3 thầy cô sống và làm việc: thầy Tành - Hiệu trưởng (Nguyễn Hậu đóng), cô Giao (Hồng Ánh) và cô Minh (Tuyết Hạnh).

Một cảnh trong phim Thung lũng hoang vắng.
Một cảnh trong phim "Thung lũng hoang vắng".

Phim từng được ví như một bài thơ đầy xúc động về sự hy sinh của những người thầy, cô vùng sơn cước. Phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và gian khổ nhưng các thầy giáo cô giáo vẫn tận tuỵ với nghiệp trồng người. Họ đã cố gắng bám trụ lại vùng thung lũng hoang vắng để gieo con chữ, giúp các trẻ em vùng cao biết đọc, biết viết và có hành trang để bước vào đời. Và sự kỳ diệu đã xảy ra đó là cậu bé dân tộc Thào A Dê, diễn viên nhí được chọn đóng phim này nhờ được êkíp đoàn làm phim gieo vào lòng sự quan trọng của “cái chữ” mà sau này cậu đã quyết tâm thi đỗ bằng được vào khoa Quản lý Giáo dục Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Dê là người đầu tiên cũng là duy nhất của xã Tả Giàng Phìn đỗ đại học.

“Hải âu” là bộ phim đầu tay của đạo diễn Lê Bảo Trung. Phim từng nhận được giải thưởng Cánh Diều Bạc năm 2004. Trong phim, ca sĩ Nguyễn Phi Hùng vào vai diễn thầy giáo Lâm đầy nghị lực. Lâm là một thầy giáo dạy múa. Vì tai nạn bất ngờ mà Lâm bị mất đi một cánh tay và phải từ bỏ sự nghiệp. Lâm tìm đến một làng chài ven biển với mục đích chạy trốn thực tại nhưng rồi chính nhờ những đứa trẻ hồn nhiên ở đây đã giúp anh thấy được vẻ đẹp của cuộc sống. Người thầy đầy nghị lực này lại dạy chữ, dạy múa cho những đứa trẻ nơi làng biển nghèo, tìm lại những niềm vui bình dị mà lớn lao trong đời.

phi-hung-1447982962869

Nguyễn Phi Hùng không hề khó khăn khi hóa thân vào vai diễn một thầy giáo dạy múa bởi anh đã từng có nhiều năm gắn bó với ballet trước khi cầm mic. Dù rẽ ngang sang con đường diễn xuất nhưng anh vẫn nhận được nhiều lời khen tặng cho khả năng biểu đạt chiều sâu cảm xúc không thua kém gì một diễn viên chuyên nghiệp có nhiều kinh nghiệm. Vai diễn thầy giáo Lâm cũng mang đến cho Nguyễn Phi Hùng giải thưởng “Diễn viên triển vọng” của Hội điện ảnh Việt Nam.

"Bi kịch" của thầy giáo thời hiện đại

“Rừng chắn cát” là bộ phim truyền hình dài 28 tập do Triệu Tuấn - Danh Dũng làm đạo diễn. Phim lấy bối cảnh trường THCS Xuân Hải tồi tàn của một miền quê nghèo ven biển – nơi tồn tại hệ thống quản lý lỏng lẻo và độc đoán của thầy hiệu trưởng tên Bảo. Trường học này tồn tại nhiều mặt của nền giáo dục với những con người chạy theo thành tích, đua nhau học tại chức để được nâng lương… Tuy nhiên, bên cạnh những “hạt sạn” làm vấy bẩn môi trường giáo dục, phim hướng khán giả tới cái nhìn lạc quan về những con người tâm huyết, yêu nghề như: Hiền (Hoàng Linh), Xuân (Thùy Trang), Tú (Lan Anh), Nguyên (Quang Sự)... Chính họ đã vượt qua muôn vàn khó khăn vật chất và sự thiếu thốn tinh thần để bám trụ đến cùng, mang con chữ đến cho các em nhỏ. Họ là những giáo viên thực sự có tâm, có tài, tượng trưng cho những loài cây cắm rễ sâu vào lòng đất làm thành rừng chắn cát, chắn sóng bảo vệ khỏi sự xói mòn của lương tri con người, bảo vệ sự tốt đẹp cho cuộc sống.

Cảnh thầy giáo Nguyên mang bảng gỗ đi dạy học cho học trò trên bãi cát trong Rừng chắn cát.
Cảnh thầy giáo Nguyên mang bảng gỗ đi dạy học cho học trò trên bãi cát trong "Rừng chắn cát".

Đạo diễn Triệu Tuấn chia sẻ: “Đây là một câu chuyện rất chân thực về vùng sâu, vùng xa. Bộ phim giản dị nhưng lại toát lên nhiều nội dung về tình người, khát vọng vươn lên của những giáo viên trẻ và của những người tiến bộ. Thông điệp quan trọng nhất mà bộ phim mang lại là: Tất cả vì học sinh thân yêu, tất cả vì tương lai con em chúng ta".

Một bộ phim từng tạo nên “cơn sốt” đối với khán giả truyền hình đó là “12A&4H” do Bùi Thạc Chuyên làm đạo diễn, được phát sóng trong chương trình Văn nghệ Chủ nhật vào năm 1995. Xoay quanh nhóm bạn Hạ, Hằng, Hoa, Hân (4H) của lớp 12A trường Chu Văn An với những niềm vui, nỗi buồn, những rung động đầu đời của tuổi học trò, bộ phim là một ký ức trong trẻo không thể quên của màn ảnh Việt.

Nghệ sỹ Quốc Tuấn trong vai thầy giáo Minh của phim 12A&4H.
Nghệ sỹ Quốc Tuấn trong vai thầy giáo Minh của phim "12A&4H".

Trong phim, diễn viên Quốc Tuấn vào vai thầy giáo Minh, dạy Văn kiêm giáo viên chủ nhiệm lớp 12A. Ở lớp 12A, thầy Minh phải đối mặt với những rắc rối của lứa tuổi học trò mới lớn, lớp thầy chủ nhiệm có rất nhiều cá tính khác nhau, có những học trò hiền lành ngoan ngoãn như nhóm 4H nhưng cũng có học trò mang trong mình tính cách nổi loạn như Ngôn. Thầy giáo Minh đã phải dùng tình yêu thương và sự tân tâm của người người làm nghề giáo để dìu dắt các học trò của mình và nhận được sự yêu quý của học sinh. Tuy nhiên, trên lớp thầy được học trò trân quý bao nhiều thì khi về nhà thầy n lại bị vợ chì chiết vì không kiếm được tiền. Bi kịch của vai diễn và diễn xuất của nghệ sỹ Quốc Tuấn đã khiến bao khán giả phải nhớ tới khi nhắc đến hình ảnh người thầy thời hiện đại.

Hà Tùng Long