Những nghệ sĩ là Đại tá, Trung tá Công an chuyên vai "đi tù" trên màn ảnh

Hương Hồ

(Dân trí) - NSND Trần Nhượng, NSND Nguyễn Hải, NSƯT Hồ Phong là những nghệ sĩ mang quân hàm Đại tá, Trung tá Công an nhân dân nhưng lại được khán giả nhớ đến với những vai tù tội, phản diện trên màn ảnh.

NSND Trần Nhượng

NSND Trần Nhượng là một trong những đạo diễn, diễn viên gạo cội của sân khấu và phim ảnh miền Bắc.

Trong suốt sự nghiệp đóng phim của mình, ông được nhiều đạo diễn tin tưởng giao cho những vai diễn có nội tâm nham hiểm, mưu mô, ham mê sắc đẹp trong các bộ phim truyền hình VTV: Khi đàn chim trở về, Bản di chúc bí ẩn, Chủ tịch tỉnh, Người phán xử, Những cô gái trong thành phố…

Diễn xuất của Trần Nhượng thành công đến nỗi, khán giả thấy ông xuất hiện trên phim sẽ nghĩ ngay tới một nhân vật phản diện, một lãnh đạo biến chất hay đểu giả, suy đồi đạo đức…

Những nghệ sĩ là Đại tá, Trung tá Công an chuyên vai đi tù trên màn ảnh - 1

NSND Trần Nhượng trong cuộc trò chuyện với phóng viên Dân trí (Ảnh: Toàn Vũ).

NSND Trần Nhượng chia sẻ, cuộc sống của ông cũng ảnh hưởng khá nhiều khi vào vai phản diện. Ông kể, ông rất ngượng trong một lần cùng vợ cũ về Thái Nguyên. Vừa ngồi xuống quán nước, có mấy người phụ nữ xông ra, chỉ thẳng vào mặt nam nghệ sĩ: "Trông thế này mà toàn đóng vai đểu". Ông ngượng với vợ, nhưng dần bà cũng hiểu.

Rồi mỗi khi vợ ông đi chợ, những người bán hàng đều lôi kéo vào và phán xét: "Ông ấy suốt ngày gái gú vậy". May mắn, nghệ sĩ được vợ lên tiếng phân bua: "Không, đấy là phim thôi" nhưng cũng bị gạt đi: "Ôi giời, phim mà thế thì ngoài đời cũng vậy thôi".

Tuy nhiên, khác với hình ảnh đểu cáng trên phim, ngoài đời, NSND Trần Nhượng là một Đại tá Công an nhân dân hiền lành, nhân ái và thật thà.

Ông chia sẻ với phóng viên Dân trí: "Tôi dễ tin người lắm. Cả tin nên hay bị lừa, có khi mất tiền trăm triệu. Dù về đây sống gần chục năm, nhưng mọi người trong xóm đều biết, tôi chưa từng nói to tiếng, quát tháo ai, tôi thân thiện và gần gũi với tất cả mọi người. Trong khi trên phim thì làm trùm nọ, trùm kia.

Ra ngoài đường, tôi hay được khán giả từ người lớn đến trẻ nhỏ xin chụp ảnh cùng".

Những nghệ sĩ là Đại tá, Trung tá Công an chuyên vai đi tù trên màn ảnh - 2

Là Đại tá Công an nhân dân về hưu nhưng NSND Trần Nhượng được khán giả nhớ đến với phần lớn vai phản diện trên màn ảnh (Ảnh: Toàn Vũ).

Vốn quen mặt với khán giả bởi những vai phản diện, nên khi trở lại màn ảnh với vai Thiếu tướng, Giám đốc Công an tỉnh chính diện, tử tế, vừa thẳng thắn, cương trực nhưng cũng rất tình cảm trong phim Bão ngầm, NSND Trần Nhượng đã gặp không ít áp lực. Ông đã cố gắng để tạo dấu ấn riêng, khiến khán giả quên đi những vai diễn đểu cáng trước đó. 

NSND Trần Nhượng đã nghỉ hưu được 5 năm. Ở tuổi ngoài 70, ông vẫn miệt mài đi diễn, đóng phim… Không giống với người khác thường có tâm lý nghỉ hưu là nghỉ ngơi, an nhàn, ông lại làm việc gấp 10 lần so với trước.

Ông cho biết, mình là kiểu người không thể không làm việc và cứ lủi thủi một mình. "Công việc giúp tôi vơi bớt nỗi cô đơn và tinh thần trở nên vui vẻ, thoải mái hơn. Còn sức là tôi còn diễn, còn làm", NSND Trần Nhượng nói.

Trải qua 3 lần đổ vỡ hôn nhân, NSND Trần Nhượng hiện sống một mình. Ngoài thời gian cho công việc, khi trở về cuộc sống đời thường, ông thích chăm sóc vườn tược, cây cối. Ông từng nuôi 5-6 con gà, rồi chim chóc nhưng thấy vất vả nên giờ chỉ trồng cây. Nam nghệ sĩ gạo cội cũng có một mảnh đất nhỏ ở Yên Bái. Khi rảnh rỗi, ông sẽ lên trồng cây, nuôi cá Koi.

NSND Nguyễn Hải

NSND Nguyễn Hải sinh năm 1958, anh là Đại tá Công an nhân dân Việt Nam, nguyên Phó Trưởng Đoàn Kịch nói Công an nhân dân. Trong hơn 30 năm đóng phim truyền hình, anh đều để lại dấu ấn với những vai lưu manh, tội phạm.

Một số vai diễn phản diện ấn tượng của NSND Nguyễn Hải có thể kể đến vai "kẻ giết người" Trịnh Khả trong Chuyện làng Nhô, Tổng giám đốc Lê Thanh trong phim Chạy án. Sau đó là lão Cấn - trùm mại dâm trong phim Quỳnh búp bê hay "Thượng tá biến chất" Trần Như Tuất của Bão ngầm…

Những nghệ sĩ là Đại tá, Trung tá Công an chuyên vai đi tù trên màn ảnh - 3

NSND Nguyễn Hải (Ảnh: Toàn Vũ).

Với gương mặt "không cần diễn đã toát ra chất đểu" cùng lối diễn xuất tự nhiên như hơi thở, NSND Nguyễn Hải đã khắc họa thành công hình tượng "trùm phản diện" trên màn ảnh khiến khán giả sợ hãi và ghét cay, ghét đắng.

NSND Nguyễn Hải từng tâm sự, không biết có ai thông cảm cho khuôn mặt của anh không bởi "góc với cạnh nó cứ lẫn lộn". Vì vậy, rất khó để các đạo diễn giao cho anh vai chính diện. Mặc dù từng nhận những vai công an tử tế, nhưng về sau, vai diễn của nam nghệ sĩ cũng biến chất.

"Nhiều người nói, cứ nhìn thấy mặt tôi là người ta nghĩ đến vai phản diện, cướp, giết, lừa đảo, tham nhũng… NSND Trần Nhượng - thủ trưởng cũ của tôi nói: "Mặt chú có phải diễn đâu", NSND Nguyễn Hải chia sẻ với phóng viên Dân trí.

Nhắc đến những vai ác của NSND Nguyễn Hải thì Trịnh Khả trong Chuyện làng nhô (lên sóng năm 1997) chắc hẳn là nhân vật ám ảnh và ghi dấu ấn trong lòng khán giả. Chính Nguyễn Hải cũng thừa nhận, đây là nhân vật anh ấn tượng nhất trong gia tài phim ảnh của mình.

Nói là ám ảnh bởi Trịnh Khả quá ác, thủ đoạn và tàn nhẫn. Ác đến mức, Trịnh Khả cho thanh niên hư hỏng trong làng giết cả hai thanh niên cùng huyện đến làng mua cá giống rồi mang ra sân đình.

Trịnh Khả là kẻ lưu manh trí thức máu lạnh - một giáo sư đại học, sau khi vướng một số chuyện đời thường thì bị kỷ luật và về quê. Nhân vật này khiến an ninh vùng quê bị đảo lộn, vi phạm pháp luật và bị lĩnh án tử hình.

NSND Nguyễn Hải cho hay: "Vai Trịnh Khả ngày đó được NSND Trọng Khôi, Tổng thư ký Hội Sân khấu Việt Nam nói một câu: "Riêng vai này thôi đã xứng đáng được công nhận là nghệ sĩ có tiếng tăm và ghi nhận tên em trong làng nghệ thuật".

Và thầy của tôi, Nhà giáo Ưu tú Hoàng Sự - Phó Hiệu trưởng trường Sân khấu Điện ảnh cũng nói một câu mà giờ tôi vẫn nhớ: "Hải ạ! Có lẽ còn lâu em mới vượt qua được cái bóng của Trịnh Khả trong phim Chuyện làng Nhô".

Những nghệ sĩ là Đại tá, Trung tá Công an chuyên vai đi tù trên màn ảnh - 4

Tạo hình nhân vật Trịnh Khả của NSND Nguyễn Hải trong phim "Chuyện làng Nhô" (Ảnh: VFC).

Thành công với loạt vai phản diện, nhưng chính điều này cũng đem đến cho NSND Nguyễn Hải nhiều phiền toái hay những chuyện "dở khóc dở cười" trong cuộc sống.

Anh kể, mình từng khiến các con chịu nhiều thiệt thòi, đi học bị bạn bè trêu chọc là "con của tội phạm", không cho ngồi chung bàn, nhất là khi bộ phim Chuyện làng Nhô lên sóng.

"Con gái tôi ngày bé xem bố đóng phim mà cứ nhìn thấy bố là nấp sau bộ salon. Khi ăn, con ngồi cạnh bố, tôi bảo gì là nghe đấy, không nói năng câu nào. Tôi biết con sợ mình nên sau này gần gũi, dành nhiều thời gian để con hiểu hơn… Sau này, khi lớn hơn, các con dần hiểu ra và yêu bố", Nguyễn Hải nói.

Thể hiện vai Trịnh Khả, bố anh ở quê xem phim, thấy con đóng vai nông dân thành lưu manh trí thức cũng rất tức giận, nhờ người ở quê lên Hà Nội nhắn rằng: "Bao nhiêu vai tử tế thì không đóng, lại làm cái thằng… mất dạy, bảo nó đừng vác mặt về quê nữa". Vì thế, phải đến gần một năm sau khi phim phát sóng, anh mới dám trở về nhà.

Hơn 30 năm làm nghề, đảm nhận gần 20 vai diễn phản diện, Nguyễn Hải đã quen với những lời dèm pha của khán giả.

Nói về nỗi khổ bị ghét khi đóng vai phản diện, anh kể, khi đóng phim Cái chết của Thiên Nga, có lần, anh cùng vợ đi chợ Hôm. Một chị nhìn thấy anh, bất giác giữ luôn cái túi quay người giấu vào trong.

"Tôi nhìn vợ. Nói thật, tôi xấu hổ với vợ thì ít mà xấu hổ với mọi người xung quanh thì nhiều. Ai cũng nhìn tôi dè chừng như nhìn thằng tội phạm", anh chia sẻ.

Hay sau này, khi phim Quỳnh búp bê lên sóng, có lần, một khán giả nhí gọi anh: "Cấn, Cấn ơi... Em là fan của anh đây". Vừa khó hiểu, vừa buồn cười, lại rất đáng yêu.

"Dần dần tôi mới ngẫm ra, việc mình "kích động", làm khán giả ghét cay ghét đắng cũng là thành công. Vậy thì mọi người gọi mình là "thằng" cũng được", nam nghệ sĩ bộc bạch.

Trích đoạn ông Cấn (áo vest) do NSND Nguyễn Hải thủ vai trong "Quỳnh búp bê" (Video: VFC).

Thường vào những vai vào tù, ra tội nhưng ngoài đời, NSND Nguyễn Hải được anh em, bạn bè, đồng nghiệp nhận xét là người chính trực, hiền lành, trái ngược hẳn với những gì thể hiện trên màn ảnh.

NSND Nguyễn Hải đã nghỉ hưu, nhưng anh không cho mình một giây phút nào để nghỉ ngơi. Hiện tại, anh là luật sư của Đoàn Luật sư Hà Nội, tư vấn pháp lý miễn phí, theo đuổi công việc diễn xuất, thoải mái vào Nam, ra Bắc đóng phim.

Nam nghệ sĩ nói, anh sẽ làm việc đến khi nào "liệt não" mới dừng lại. "Còn sống ngày nào tôi sẽ tận hiến, "nhận và cho cũng chẳng riêng mình" để sau này lìa xa cõi tạm không phải ân hận vì bất kì điều gì", Nguyễn Hải nói với phóng viên Dân trí

Trước câu hỏi: "Không phải Trịnh Khả, lão Cấn, Trần Như Tuất, nếu để anh tự họa về Đại tá - NSND Nguyễn Hải, đó sẽ là bức chân dung như thế nào?". Nam nghệ sĩ trả lời: "Tôi xin phép hãy để công chúng cảm nhận.

Riêng có điểm này, tôi thừa nhận, bản thân không đẹp trai mà chỉ là một nghệ sĩ lãng tử. Tôi không bao giờ thích khoe mình nhưng luôn tự hào là Đại tá Công an nhân dân, và vợ tôi ủng hộ điều đó".

NSƯT Hồ Phong

Cùng với NSND Trần Nhượng, NSND Nguyễn Hải, NSƯT Hồ Phong (hiện đang công tác tại Nhà hát Kịch nói Công an nhân dân) mang quân hàm Trung tá là cái tên không thể bỏ qua khi nhắc đến những vai phản diện hay "gã đểu" của màn ảnh Việt.

NSƯT Hồ Phong sinh ra và lớn lên tại Hải Phòng, trong một gia đình giàu truyền thống nghệ thuật. Bố anh là NSƯT Hồ Tháp - cựu trưởng Đoàn Kịch nói Quảng Ninh, em trai út là NSƯT Hồ Phi Điệp.

Những nghệ sĩ là Đại tá, Trung tá Công an chuyên vai đi tù trên màn ảnh - 5

Hình ảnh NSƯT Hồ Phong ngoài đời (Ảnh: Toàn Vũ).

Anh gây ấn tượng đặc biệt bởi vẻ ngoài gai góc, xù xì, ánh mắt sắc lẹm, giọng nói khàn đặc trưng, phù hợp với những vai ác, du côn trong các phim truyền hình VTV như: Đất và người, Khi đàn chim trở về, Những ngọn nến trong đêm, Bí mật tam giác vàng, Hương vị tình thân, Đấu trí...

Chính nam diễn viên cũng thừa nhận với phóng viên Dân trí rằng, gương mặt, biểu cảm của mình hợp với những dạng nhân vật như vậy. Và đạo diễn sẽ mời những diễn viên có khả năng đáp ứng được vai diễn đó một cách nhanh và tốt nhất.

Nam diễn viên từng chia sẻ: "Tôi thích những dạng vai phản diện. Tôi là công an, là diễn viên công an, được đào tạo, học tập nhiều về nghiệp vụ công an nên nhìn thấy nhiều mặt trái của xã hội.

Tư duy của tội phạm là giấu hết cái xấu, đưa ra cái tốt để đánh lừa người khác. Người gian bao giờ nhìn cũng rất giống người tử tế để thực hiện hành vi của mình".

Cũng như những nam nghệ sĩ khác, Hồ Phong đã gặp không ít tình huống trớ trêu ngoài đời liên quan đến những vai diễn phản diện của mình trên phim.

Những nghệ sĩ là Đại tá, Trung tá Công an chuyên vai đi tù trên màn ảnh - 6

NSƯT Hồ Phong trong vai Tấn phim "Hương vị tình thân" (Ảnh: Chụp màn hình).

Kể lại kỷ niệm khi đóng phim Hương vị tình thân, Hồ Phong nói, bạn của anh ở quê gọi điện lên rằng: "Tao đi từ đầu làng đến cuối làng, mọi người đều chửi lão Tấn. Ai cũng chửi".

Thậm chí, anh còn nhận được những tin nhắn như: "Thằng này ở ngoài chắc nó cũng phải như thế nên lên phim mới ác kinh khủng như vậy được".

Nghe và đọc được những lời chửi đó, nam nghệ sĩ vừa vui vừa buồn. Anh vui vì diễn xuất của mình để lại ấn tượng, nhưng nhiều người chửi quá sẽ ảnh hưởng đến bố mẹ, con cái anh.

"Các bạn cứ chửi vai ông Tấn thoải mái nhưng đừng lôi Hồ Phong ra để chửi. Bởi vai Tấn là hư cấu còn Hồ Phong là có thật", nam diễn viên khẳng định.

Khác với hình ảnh thường thấy trên phim, ngoài đời, Hồ Phong là người rất cởi mở và hài hước.

Anh nhớ lại một lần đi ăn cỗ, có bác lớn tuổi chạy lại vừa đánh tới tấp, vừa nói: "Tiên sư thằng này! Sao trên phim mày đóng thằng Tấn ghét thế mà ngoài đời lại hiền lành, chất phác như vậy".

Những lần anh đi diễn cùng đơn vị, có những lãnh đạo hỏi rằng: "Được thuê về đúng không?". Anh nói, khán giả không tin và không nghĩ mình là Trung tá Công an nhân dân ngoài đời.

Hồ Phong cũng nhận mình là người đàn ông của gia đình. Nam diễn viên bộc bạch: "Ngoài đời, tôi tự nhận thấy mình khác xa trên phim. Tôi rất lành và ngoan, không cờ bạc hay rượu chè và đặc biệt chung tình, yêu thương vợ con".