Những ngày cuối đời trong cảnh tù tội của hoàng hậu xa hoa nhất nước Pháp

Vĩnh Ngọc

(Dân trí) - Marie Antoinette là hoàng hậu nước Pháp. Bà nổi tiếng với cuộc sống xa hoa, sang chảnh bậc nhất nhưng đã có những ngày cuối đời sống trong cảnh tù tội và lên máy chém khi chưa đầy 38 tuổi.

Marie Antoinette sinh năm 1755, mất năm 1793 là nữ hoàng cuối cùng của nước Pháp trước cách mạng Pháp. Bà sinh ra là một nữ công tước nước Áo, là con gái út của hoàng hậu Maria Theresia và hoàng đế Francis I. Marie Antoinette kết hôn với Louis-Auguste, người thừa kế ngai vàng Pháp năm 15 tuổi. Vào ngày 10 tháng 5 năm 1774, chồng bà lên ngôi với tư cách là vua Louis XVI và bà trở thành hoàng hậu.

Marie Antoinette không được lòng dân chúng Pháp vì lối sống xa hoa, phóng túng. Vào ngày 21 tháng 9 năm 1792, chế độ quân chủ bị bãi bỏ và chồng bà, vua Louis XVI bị xử tử vào năm 1793.

Trailer phim về hoàng hậu Marie Antoinette

Khi hoàng hậu của Pháp Marie Antoinette bị truy tố vào tháng 8 năm 1793, vài tháng sau vụ hành quyết chồng bà, bà đã đề nghị rằng đừng để cho bà phải "chịu đựng lâu". Tuy nhiên, bà đã trải qua hơn hai tháng sống trong cảnh tù túng trước khi bị xét xử và cuối cùng bị hành quyết vì tội phản quốc vào ngày 16 tháng 10 năm 1793.

Văn sĩ nổi tiếng nước Mỹ Will Bashor - người chuyên nghiên cứu về lịch sử Pháp đã từng tiết lộ về những sự kiện cuối cùng trong cuộc đời của hoàng hậu Marie Antoinette.

Marie Antoinette được áp giải đến nhà tù Temple ở Paris, Pháp vào lúc 3 giờ sáng. Hoàng hậu được đưa tới một phòng giam ở tận bên dưới sân nhà tù. Nền lát gạch đầy bùn lầy và nước thấm vào tường do gần sông Seine. 

Những ngày cuối đời trong cảnh tù tội của hoàng hậu xa hoa nhất nước Pháp - 1

Tranh minh họa cảnh hoàng hậu Marie Antoinette trong nhà tù.

Khi vào phòng giam, nữ hoàng tìm thấy một chiếc đinh, bà treo đồng hồ lên đó rồi nằm dài trên giường - một chiếc giường gấp tồi tàn. Một người lính canh nhận xét: "Phòng giam bị nhiễm bệnh nặng và rơm được phủ trên giường ngủ".

Tuy nhiên, các quản giáo Toussaint và Marie Anne Richard là những người có lòng trắc ẩn và họ thể hiện sự tôn trọng cũng như sự quan tâm dành cho các tù nhân. Họ đã chấp nhận rủi ro lớn để cung cấp cho hoàng hậu Marie Antoinette những tiện nghi nhỏ ví như: một chiếc gối, một cái bàn nhỏ với hai cái ghế, một hộp bột nhỏ bằng gỗ và một hũ đựng bột. Nữ hoàng và những người quản giáo của bà luôn bị giám sát. Chỉ có một tấm bình phong ngăn cách nữ hoàng khỏi hai lính canh.

Khi nữ hoàng xin bà Richard cung cấp quần áo mới, mệnh lệnh của chính phủ cách mạng nghiêm khắc và nghiêm ngặt đến mức người quản lý sợ hãi không dám chấp nhận đề nghị của bà. Tuy nhiên, khi Richard nhận thấy rằng mũ đội đầu của Marie Antoinette đã rách, người này đã xin mũ mới cho nữ hoàng và các quan chức chính phủ chấp nhận gửi cho Marie Antoinette hai chiếc mũ mới. Được biết, mỗi chiếc mũ có giá bảy livres. Chi phí sinh hoạt của nữ hoàng đã được ghi chép tỉ mỉ trong thời gian bà bị giam giữ.

Một ngày nọ, nữ quản giáo Richard mang theo đứa con út của bà, Fanfan, đến phòng giam của nữ hoàng. Khi nữ hoàng nhìn thấy cậu bé, bà đã run rẩy vì xúc động và ôm lấy cậu bé trong vòng tay của mình. Sau đó, bà bật khóc và kể về đứa con trai trạc tuổi Fanfan. Hoàng hậu nói rằng bà nghĩ về con của mình cả ngày lẫn đêm và bà cảm thấy vô cùng đau khổ. Bà Richard sau đó đã tâm sự với Rosalie, người giúp việc trong nhà tù rằng bà sẽ không bao giờ đưa con trai mình vào nhà tù nữa.

Những ngày cuối đời trong cảnh tù tội của hoàng hậu xa hoa nhất nước Pháp - 2

Marie Antoinette qua đời khi chưa tròn 38 tuổi. 

Sau một vụ việc lùm xùm xảy ra, các quản giáo của Richards được thay thế bằng quản giáo của nhà tù La Force đó là ông Bault và vợ của ông ta. Vợ chồng ông Bault từng mang ơn Marie Antoinette, người đã bảo trợ cho họ khi bà còn là nữ hoàng. Vì thế họ muốn đối xử thật tử tế với bà trong thời gian bà ngồi tù.

Tuy nhiên thời thế đã thay đổi. Kể từ sau sự ra đi của Richards, các quản giáo không còn có thể tự mua sắm thực phẩm cho nữ hoàng. Các nhà cung cấp thực phẩm đã phải đi qua các trạm kiểm soát của nhà tù. Mặc dù lệnh của bà Bault là chỉ cung cấp cho tù nhân bánh mì và nước, nhưng bà đã chuẩn bị cẩn thận thực phẩm cho nữ hoàng - được mua bí mật từ những người bán hàng gần đó. Bà thậm chí mua nước tinh khiết cho hoàng hậu mỗi ngày vì nữ hoàng không thể uống được nước sông.

Thời gian vợ chồng ông Bault ở bên hoàng hậu cũng không kéo dài bao lâu. Phiên tòa xét xử Marie Antoinette bắt đầu từ tháng 10/1793. Bồi thẩm đoàn tuyên án tử hình nữ hoàng bằng máy chém.

Sau khi nghe tuyên án, lính canh đưa Marie Antoinette về phòng giam của mình, nữ hoàng đã đề nghị Warden Bault đưa cho bà một cây bút và giấy. Anh ta làm theo và nữ hoàng đã viết một bức thư cho Elisabeth, em gái của người chồng quá cố. Bức thư có đoạn: "Chị viết thư cho em, em gái chị, lần cuối cùng. Chị sắp đi và đoàn tụ với anh trai của em. Chị hy vọng sẽ thể hiện sự vững vàng như ngài ấy trong những giây phút cuối cùng của mình. Chị rất buồn khi phải bỏ lại những đứa con tội nghiệp của mình".

Khi nữ hoàng viết xong bức thư, bà đã hôn liên tục vào từng trang giấy, gấp nó lại mà không cần niêm phong và đưa cho Warden Bault. Các hiến binh đứng gác bên ngoài phòng giam có thể đã quan sát thấy điều này bởi vì khi Bault rời khỏi nữ hoàng, lính canh đã tịch thu bức thư và nó được đưa đến Fouquier-Tinville. Elisabeth không bao giờ nhận được di chúc cuối cùng của nữ hoàng.

Vào lúc 11 giờ sáng hôm sau, ngày 16 tháng 10 năm 1793, đao phủ Sanson xuất hiện. Bà Bault xác nhận rằng Sanson đã cắt tóc của nữ hoàng và cất những lọn tóc đó vào trong túi của mình.  

Hoàng hậu Marie Antoinette bị chém vào đêm 16 tháng 10 năm 1793. Những lời cuối cùng của bà được ghi lại là: "Xin lỗi, thưa ngài, tôi không cố ý làm điều đó", sau khi bà vô tình giẫm phải giày của đao phủ. Thi thể của bà được chôn trong ngôi mộ không ghi tên trong nghĩa trang Madeleine nằm gần Rue d'Anjou, Paris, Pháp. Nữ hoàng qua đời khi chưa đầy 38 tuổi.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm