Những mẩu chuyện bi hài xung quanh ngày Valentine
(Dân trí) - Xung quanh ngày Valentine, có khá nhiều mẩu chuyện bi hài, độc, lạ xảy ra ở tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Áp lực của nam giới Nhật Bản trong ngày Valentine
Tại Nhật Bản, ngày 14/2 là dịp để nữ giới bày tỏ "thiện cảm" dành cho nam giới. Vì vậy, vào ngày này, rất nhiều nam giới tại Nhật Bản cảm thấy áp lực trong tâm lý, không biết liệu mình có được phụ nữ nào bày tỏ "thiện cảm" hay không.
Nếu các bạn bè, đồng nghiệp nam khác đều có quà, còn bản thân mình thì ra về tay không trong ngày này, không ít nam giới Nhật Bản cảm thấy "mất mặt".
Vì vậy, hồi năm 2013, một công ty tại Nhật Bản đã đưa ra một gói dịch vụ đặc biệt dành cho những nam giới muốn đảm bảo chắc chắn rằng họ không bị rơi vào tình thế bẽ bàng, ngại ngùng với các nam giới khác.
Để sử dụng dịch vụ này, người dùng chỉ cần vào website cung cấp dịch vụ để đăng ký thông tin, rồi chi trả phí dịch vụ 500 yên (tương đương 110.000 đồng), sau đó, quà sẽ được gửi tới đúng địa chỉ đã đăng ký trong ngày Valentine 14/2, bao gồm sôcôla và một tấm thiệp viết tay.
Khởi nghiệp bằng cách đặt cược vào chuyện kết hôn và ly hôn
Nhân dịp Valentine năm 2016, một công ty có tên SwanLuv nằm ở Seattle, Mỹ, đã gây chú ý với ý tưởng khởi nghiệp lạ lùng, khi họ đặt cược vào hôn nhân của các cặp đôi, theo đó, công ty này sẽ đưa cho các cặp đôi 10.000 USD (tương đương 230 triệu đồng) để họ tổ chức hôn lễ và gây dựng cuộc sống ban đầu.
Nhưng nếu các cặp đôi này ly hôn, họ sẽ phải trả lại số tiền 10.000 USD này kèm theo tiền lãi ở mức quy ước trong hợp đồng bảo hiểm.
Ý tưởng khởi nghiệp này xoay quanh một thực tế rằng có khoảng 40-50% cặp đôi kết hôn ở Mỹ kết thúc bằng... ly hôn. Vì vậy, công ty SwanLuv đã nảy ra ý tưởng khởi nghiệp táo bạo và lạ lùng.
Các khách hàng tiềm năng của SwanLuv sẽ phải cung cấp hồ sơ để họ sử dụng thuật toán, đánh giá về mối quan hệ tình cảm của cặp đôi và quyết định xem cặp đôi này có đáp ứng được những tiêu chí để tham gia vào cuộc chơi này hay không.
Nếu một cặp đôi được xác nhận là phù hợp để tham gia "bảo hiểm hôn nhân", họ sẽ được nhận 10.000 USD để tổ chức hôn lễ và gây dựng cuộc sống ban đầu, chừng nào còn ở bên nhau, họ không cần lo nghĩ về món tiền này.
Nhưng ngay khi họ quyết định ly hôn, họ sẽ phải chi trả toàn bộ số tiền kèm theo tiền lãi. Một mối quan hệ càng bền chặt, mức lãi phải trả khi... ly hôn sẽ càng cao, cụ thể là một cặp đôi càng sống lâu năm với nhau, họ sẽ càng phải đối diện với mức lãi suất cao nếu... ly hôn.
Loại kem cay xé lưỡi dành cho những cặp đôi thích... "nóng bỏng"
Đây được xem là loại kem "nguy hiểm" nhất thế giới bởi nó được làm với nguyên liệu là các loại ớt cay xé lưỡi. Loại kem này được một cửa tiệm ở Glasgow, Scotland, thực hiện hồi năm 2018 và tung ra vào đúng dịp Valentine.
Món kem này được đặt tên là "Hơi thở của... quỷ" bởi vị cay được tạo nên từ những loại ớt cay nhất trên thế giới, trên thang đo độ cay Scoville, món kem này đạt 1,5 triệu điểm, khiến "Hơi thở của... quỷ" có thể xem là món kem cay nhất, "nguy hiểm" nhất trên thế giới.
Món kem "Respiro del Diavolo" (Hơi thở của quỷ) được nhà hàng Aldwych Cafe and Ice Cream Parlour ở Glasgow, Scotland, đưa vào thực đơn và thu hút sự quan tâm của rất nhiều khách hàng.
Để được phục vụ món kem này, khách hàng phải chứng minh được họ đã đủ 18 tuổi, đồng thời ký vào một bản cam kết về việc tự mình sẽ tự chịu trách nhiệm với tình trạng sức khỏe bản thân khi thử món kem này.
Dịch vụ "người yêu ảo" giúp giải quyết nỗi cô đơn... trên mạng
Dịp Valentine năm 2015, có một ứng dụng "người yêu ảo" mang tên "Invisible Boyfriend/Girlfriend" (Bạn trai/Bạn gái vô hình) đã được ra mắt để hỗ trợ khách hàng có "giao diện" trên mạng như thể đang trong một mối quan hệ tình cảm thực sự.
Ứng dụng này sẽ giúp khách hàng có tất cả những gì thường xuất hiện trên mạng ở những cặp đôi đang yêu nhau, như ảnh, tin nhắn văn bản, tin nhắn thoại, cuộc gọi video... Dù tất cả những điều này đều là giả, nhưng lại được tạo ra rất chân thực, nhằm phục vụ nhiều mục đích.
Thực tế, có nhiều người tìm tới sử dụng dịch vụ này, chẳng hạn một người cô đơn muốn tìm chút cảm giác ấm áp, hay một người muốn độc thân "yên bình", không phải nhận những lời tán tỉnh không mong muốn, hoặc một người cần dùng "kế hoãn binh" để tránh khỏi những hỏi han ráo riết từ người thân... Ngoài ra, người dùng còn ứng dụng rất "linh hoạt" vào trong nhiều hoàn cảnh khác nhau.
Những người sáng tạo ra ứng dụng này - anh Matthew Homann và Kyle Tabor cho biết rằng có một khách hàng nam của họ đăng ký sử dụng dịch vụ này và tỏ ra như thể mình đang được một cô gái rất quan tâm săn đón, sự việc dàn dựng này đã khiến cô gái kiêu kỳ mà anh đang theo đuổi nhanh chóng đi đến quyết định đồng ý gắn bó nghiêm túc.
Một khách hàng nữ khác lại chia sẻ rằng cô sử dụng dịch vụ nhắn tin với "bạn trai ảo" để tập dượt trước những điều mà mình sẽ nói với người đàn ông mà cô đang trong hẹn hò, tìm hiểu. Việc tập dượt này giúp cô thêm tự tin.
Đằng sau ứng dụng này là những con người thật ngồi nhắn tin tới từng số điện thoại hay tài khoản mạng xã hội của khách hàng, những tin nhắn được tạo ra bởi những con người có thật, không phải nhờ robot hay tin nhắn tự động.
Dịch vụ này từng được tiến hành tại Mỹ với mức chi phí 25 USD (tương đương 575.000 đồng), bao gồm 100 tin nhắn văn bản, 10 tin nhắn thoại, một bưu thiếp viết tay... Trong quá trình sử dụng dịch vụ, tùy thuộc vào nhu cầu phát sinh của người dùng, họ sẽ phải trả thêm chi phí.