Những lời tiên tri bị coi là “điên rồ” trở thành sự thật
(Dân trí) - Hơn 100 năm trước khi con người đặt chân tới mặt trăng, một nhà văn Pháp đã kể về hành trình đầu tiên của loài người đến mặt trăng... Những điều này bị cho là nực cười. Những lời tiên tri chính xác thường bị coi là... "điên rồ" ở thời điểm đưa ra.
Arthur Clarke - một nhà văn Anh chuyên sáng tác ở thể loại khoa học viễn tưởng từng nói: “Nếu bằng một phép màu kỳ diệu nào đó, một nhà tiên tri có thể miêu tả chính xác tương lai thì những lời tiên tri đó thoạt nghe sẽ rất vô lý, vô lý tới mức người ta sẽ cười vào mặt nhà tiên tri”.
Tuy vậy, lịch sử đã chứng minh có không ít lời tiên tri từng bị cho là vô lý, ngớ ngẩn cuối cùng lại trở thành sự thật.
Năm 1660, một triết gia người Ireland có tên Robert Boyle đã đưa ra nhiều lời tiên đoán về tương lai. Những tiên đoán này được ông viết lại một cách cẩn thận, trong đó có những ý tưởng mà thời đó người ta cho là “điên rồ”, chẳng hạn như “con người sẽ có cách chữa trị bệnh tật thật hữu hiệu bằng việc cấy ghép nội tạng”.
Ở thời kỳ tiền Khai sáng khi mà những hủ tục mê tín dị đoan vẫn còn rất phổ biến ở Châu Âu, ý tưởng của Robert Boyle quả là vượt tầm thời đại.
Năm 1865, nhà văn Pháp chuyên về thể loại khoa học viễn tưởng - Jules Verne - đã tiên đoán trước việc tàu Apollo hạ cánh xuống mặt trăng, tức là hơn 100 năm trước khi sự kiện này trở thành sự thật.
Khi đó, ông viết một truyện ngắn có tên “From the Earth to the Moon” (Từ trái đất tới mặt trăng) kể về chuyến hành trình đầu tiên của loài người lên mặt trăng. Trong truyện, Verne vạch ra nhiều chi tiết mà sau này thật kỳ lạ đã trở thành sự thật.
Có thể kể tới những chi tiết như tên lửa sẽ phóng từ bang Florida (Mỹ), tàu không gian sẽ mang tên Apollo, số hiệu của các phi hành gia, trạng thái không trọng lượng… Ở năm 1865, Verne tuyệt nhiên không thể tìm được bất cứ tài liệu nào cho ông biết trước về những điều này.
Năm 1898, một cuốn tiểu thuyết có tên “Futility, Or The Wreck of the Titan” (Sự phù phiếm, hay vụ đắm tàu Titan) đã dự đoán trước được bi kịch của con tàu Titanic. Tác giả của cuốn tiểu thuyết là nhà văn Mỹ Morgan Robertson.
Trong cuốn tiểu thuyết của mình, Robertson kể về việc một con tàu lớn, lớn nhất từ trước đến nay, được sản xuất ra sao và ngay trong chuyến hải trình đầu tiên, nó đã đâm phải một tảng băng trôi như thế nào. Kết cục là con tàu Titan chìm xuống đáy đại dương. 14 năm sau, con tàu Titanic đã lặp lại bi kịch y như con tàu Titan trong cuốn tiểu thuyết của Robertson.
Năm 1914, nhà văn Anh chuyên về thể loại khoa học viễn tưởng H.G. Wells đã dự đoán trước được sự ra đời của bom nguyên tử. Khi đó, Wells cho ra mắt cuốn tiểu thuyết “The World Set Free” (Thế giới tự do).
Trong truyện có cảnh miêu tả cả một thành phố bị hủy diệt bởi một trái bom nguyên tử. Thực tế, phải tới năm 1942, dự án chế tạo bom nguyên tử đầu tiên mới được tiến hành tại Mỹ. Tuy vậy, ngay từ năm 1914, chỉ dựa vào kiến thức ít ỏi về những nguyên tố phóng xạ, Wells đã hình dung ra một loại bom có sức hủy diệt kinh hoàng.
Năm 1988, khi khái niệm về Internet còn chưa phổ biến rộng rãi như bây giờ, nhà văn Mỹ chuyên về thể loại khoa học giả tưởng Isaac Asimov đã tiên đoán trước được rằng Internet sẽ làm thay đổi nền giáo dục.