"Những kẻ giời hành" - câu chuyện ám ảnh về thân phận con người

(Dân trí) - Tác phẩm lấy bối cảnh cuộc sống xung quanh một nghĩa trang, thời điểm những năm 80 và 90 của thế kỷ trước, với những nhân vật “thường dân” dưới đáy một xã hội thu nhỏ, tệ nạn xã hội và tội phạm trong cuộc đấu tranh giữa thật và giả, thiện và ác.


Cuốn sách “Những kẻ giời hành” của Đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng vừa được ra mắt vào ngày 17/6 tại Hà Nội.

Những kẻ giời hành là cuốn sách có nội dung hư cấu, thuộc thể loại tiểu thuyết của Đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng. Tác phẩm lấy bối cảnh cuộc sống xung quanh một nghĩa trang, thời điểm những năm 80 và 90 của thế kỷ trước, với những nhân vật “thường dân” dưới đáy một xã hội thu nhỏ, tệ nạn xã hội và tội phạm trong cuộc đấu tranh giữa thật và giả, thiện và ác. Đó là một ông Sầm  - người vệ quốc quân giản dị, chất phác nhưng lại mang một hình hài “không bình thường”. Ông sống nội và khép kín đến khó hiểu.

Một chị Xuyến đảm đang, chất phác là cán bộ đoàn thể những ngày kháng chiến, có chồng bị nghi là kẻ chiêu hồi. Áp lực tinh thần đè nặng, chị cố gắng gồng lên chống chọi với sự đòi hỏi của người phụ nữ xa chồng nhưng bất lực. Chị trở thành một kẻ mông du. Trái ngược với ông Sầm và chị Xuyến là bi kịch của những người tốt. Hữu Hoạt là bi kịch của người xấu. Ông Hoạt phất lên từ cách sống gian dối, thủ đoạn bất chấp lương tâm và liêm sỉ. Cậy mình lắm tiền, ông ta chuyên lừa tình nhiều cô gái trẻ. Nhưng oái oăm là sau khi Hữu Hoạt chiếm đoạt Thủy, một sinh viên vừa mới ra trường thì Hữu Mạnh – con trai ông ta cũng đem lòng yêu cô say đắm. Giời hành khiến cha con họ trở thành những kẻ sống lừa đảo và giả tạo.

Sầm, Xuyến, Hoạt, Thủy… là những tính cách khác nhau nhưng họ lại giống nhau vì đều là những kẻ giời hành. Một câu chuyện hấp dẫn, xuyên suốt những số phận trớ trêu. Cuốn sách với đề tài hiện đại, giống như một tiếng kêu cay đắng, ngậm ngùi và chia sẻ.

Bìa sách Những kẻ giời hành
Bìa sách "Những kẻ giời hành"

Đánh giá về tiểu thuyết Những kẻ giời hành, nhà phê bình Bùi Việt Thắng nhận xét: “Người đọc bị ám ảnh bởi câu chuyện về những thân phận người trong một cuộc bể dâu rất nhiều “Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”. Ngay nhan đề tiểu thuyết đã ám gợi độc giả, khiến họ ngay lập tức phải đặt câu hỏi: Vì sao con người lại bị biến thành “Những kẻ giời hành”? Cái nhan đề này là một sự khái quát hóa bằng nghệ thuật ngôn từ về thân phận con người, về những kiếp người ở cõi trần gian, mà do vô số những nguyên nhân khác nhau, đã trở thành nạn nhân của những hoàn cảnh đầy rẫy sự trớ trêu và phi lí”.

Trong khi đó, nhà phê bình Chu Thị Thơm lại cho rằng: Những kẻ giời hành là những phiên bản chồng và ghép của cuộc sống. Trong đó, con người với những số phận đã không hẹn mà gặp cùng nhau hội ngộ bởi những nguyên cớ hiện tại khởi nguồn từ quá khứ. Sự tham lam, bảo thủ, cơ hội, lừa lọc, phản trắc... cùng lòng tốt và sự tha thứ, hy sinh, những giá trị nhân văn cùng đan chen và thể hiện như hai mặt không thể tách rời. Ảo và thực, cũ và mới, quá khứ và hiện tại, thiện và ác… với những nhân vật điển hình, sinh động, hiện lên rõ nét trong tác phẩm qua thủ pháp đồng hiện của nhà văn. Câu chuyện bắt đầu xuất phát ở nơi gặp gỡ và chia biệt của kẻ sống, người chết, khiến ta có thể soi mình vào quá khứ để nhận ra rằng: Triết lý “nhân quả” linh nghiệm đến nỗi, không phải chờ đến kiếp sau.

Chia sẻ trong lễ ra mắt sách, đại tá nhà văn Đăng Vương Hưng cho biết: Những kẻ giời hành được ông thai nghen và viết trong vòng ba năm. Những nhân vật trong tác phẩm được ông lấy cảm hứng từ chính những trải nghiệm khi làm báo. Chính vì thế, tiểu thuyết mang đậm hơi thở của cuộc sống khiến cho bất cứ ai cũng có cảm giác tìm được sự đồng cảm và gặp mình trong đó. Cuốn tiểu thuyết cũng lọt vào top 15 tác phẩm xuất sắc nhất tham dự cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam đồng tổ chức trong 3 năm (2012-2015).

Đại tá, nhà văn Đăng Vương Hưng sinh năm 1958 tại Hưng Yên. Ông đã có nhiều năm phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân, là tác giả của rất nhiều cuốn sách với nhiều thể loại: thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, tự truyện… Đặc biệt, tác giả Đặng Vương Hưng còn được nhiều người biết đến với tư cách là tác giả ý tưởng, người khởi xướng và tổ chức nhiều công trình tác phẩm nổi tiếng, trong đó đáng chú ý là bộ sách Những lá thư và nhật ký thời chiến Việt Nam.

Hà Trang