Những giải Nobel văn học gây tranh cãi dữ dội
(Dân trí)- Kể từ khi giải Nobel văn học được trao lần đầu tiên vào năm 1901, cho đến nay đã có rất nhiều nhà văn lớn được vinh danh. Tuy nhiên không phải tất cả đều nhận được sự ủng hộ, đã có những giải Nobel Văn học gây tranh cãi dữ dội.
Giải Nobel văn học năm 1970
Chân dung nhà văn Alekxandr Solzhenisyn
Giải Nobel văn học năm 1974
Chân dung hai nhà văn Eyvind Johnson và Harry Martinson.
Năm 1974, ba tác giả nổi tiếng thế giới là Graham Greene, Vladimir Nabokov và Saul Bellow đều được đề cử, nhưng giải thưởng lại lọt vào tay các tác giả người Thụy Điển ít tên tuổi hơn là Eyvind Johnson (1900-1976) và Harry Martinson (1904-1978), vốn cũng nằm trong ủy ban xét tặng giải thưởng này. Dư luận cho rằng hẳn đã có sự thiên vị ở đây và ba tác giả được đề cử đều là những tên tuổi lớn. Tuy vậy, Viện hàn lâm Thụy Điển vẫn tôn vinh Eyvind và Harry như "là đại diện của các nhà văn xuất thân từ công nhân đi vào văn học và làm giàu cho văn học bằng những số phận phức tạp của mình". Thậm chí tác phẩm “Trường ca Aniana” của Harry còn được đánh giá là "một trong những sử thi vĩ đại nhất của thời hiện đại", là lịch sử tượng trưng của loài người đã đánh mất những giá trị tinh thần, và ông được gọi là nhà thơ đầu tiên của thời đại vũ trụ.
Giải Nobel văn học năm 1997
Chân dung nhà văn Dario Fo.
Nhà văn người Ý Dario Fo (sinh năm 1926) đã là người dành được giải Nobel văn học năm 1997 với tác phẩm Cái chết bất bất ngờ của một người vô chính phủ (sáng tác năm 1970). Điều này gây nên nhiều tranh cãi trong dư luận bởi ban đầu ông chỉ được một số nhà phê bình coi là ứng cử viên nhẹ ký. Tác giả này vốn chỉ biết tới như một diễn viên hơn là một nhà văn và thậm chí Giáo hội Công giáo Roma cũng đã từng chỉ trích tác phẩm của Fo.
Theo nhà xuất bản của Dario Fo ở Luân Đôn thì Salman Rushdie và Arthur Miller mới là những người được dự đoán sẽ giành giải, tuy nhiên những nhà tổ chức đã tuyên bố rằng hai nhà văn này là "quá dễ dự đoán và quá phổ biến". Nhà văn Dario Fo đã được trao giải Nobel vì những tác phẩm và hoạt động sân khấu của ông đã góp phần "phê phán quyền lực và uy tín, bảo vệ nhân phẩm của những người bị áp bức".
Giải Nobel văn học năm 2004
Chân dung nữ nhà văn Elfriede Jelinek
Lựa chọn của Viện Hàn lâm Thụy Điển cho giải thưởng năm 2004, nữ nhà văn Áo Elfriede Jelinek (sinh năm 1946), đã bị chỉ trích từ ngay trong thành phần viện sĩ của Viện. Khi trao giải Viện đánh giá cao việc bà là người đã tạo ra những tác phẩm khắc họa một thế giới tàn nhẫn của bạo lực và quy phục, của kẻ đi săn và con mồi. Những tiểu thuyết và kịch của bà mang dòng chảy âm thanh và phản âm thanh đầy nhạc tính, với năng lực tu từ ngoại hạng đã phát lộ cái bất hợp lí của những khuôn mẫu sáo mòn cùng quyền uy chinh phục của chúng trong xã hội. Tuy nhiên, thành viên của Viện Hàn Lâm, ông Knut Ahnlund (người đã không còn thực sự hoạt động ở Viện Hàn lâm từ năm 1996) đã từ chức và nói rằng việc lựa chọn Jelinek đã gây ra những thiệt hại không thể bù đắp được cho danh tiếng của giải.
Tại Việt Nam, đã có 2 tác phẩm của bà được xuất bản bao gồm “Cô gái chơi dương cầm” và “Tình ơi là tình”.
Giải Nobel văn học năm 2009
Chân dung nữ nhà văn Herta Muller
Năm 2009 mặc dù không xảy ra biến cố nào trong tiến trình chọn lựa, từ giới phê bình của nhà xuất bản, hầu hết đều đồng ý về quyết định chọn Herta Muller (sinh năm 1953) làm người đoạt giải cho tập truyện ngắn “Niederungen" xuất bản vào năm 1982. Tuy nhiên khi giải thưởng Nobel văn học rơi vào tay Herta Miller đã làm giới phê bình Mỹ bất bình. Họ cho rằng kết quả này là hoàn toàn bất ngờ bởi sách của Herta không hề nằm trong danh sách bán chạy nhất và thậm chí họ còn chẳng biết bà là ai. Herta Muller sinh ra ở Rumani nhưng lại được biết đến là nữ văn sĩ sáng tác bằng tiếng Đức đầy tài năng. Trong bài nói chuyện khi nhận giải Nobel ở Stockholm bà bày tỏ mong muốn được mang toàn bộ sự thẳng thắn và cô đọng vào tác phẩm của mình và lên án chế độ độc tài đã cướp đi nhân phẩm của con người.
Giải Nobel 2012
Chân dung đời thường của nhà văn Mạc Ngôn
Giải Nobel văn chương năm 2012 được trao cho Mạc Ngôn (sinh năm 1955), nhà văn Trung Quốc. Có thể nói tranh cãi ngay sau khi giải thưởng được công bố là chuyện đã trở nên quen thuộc. Tuy nhiên, lần này, những tranh cãi không tập trung vào chất lượng nghệ thuật mà chủ yếu vào thái độ chính trị của người được giải. Hơn nữa, những tranh cãi ấy chủ yếu là giữa những người Trung Quốc với nhau. Nhiều ý kiến cho rằng Mạc Ngôn không phải là một cái tên xứng đáng để nhận giải thậm chí một số nhà văn trẻ còn tỏ thái độ gay gắt. Bản thân Mạc Ngôn trong bản diễn từ tại lễ trao giải, có nói : “Giải Nobel của tôi gây tranh cãi. Tôi là một người kể chuyện. Kể chuyện đã giúp tôi có được giải Nobel văn học. Nhiều điều thú vị đã đến với tôi sau khi đuợc giải thưởng này, và chúng thuyết phục tôi rằng sự thật cũng như công lý vẫn tồn tại, vững vàng.”
Ở Việt Nam, Mạc Ngôn đã từng làm nên cơn sốt sách. Cách đây chừng 10 năm,độc giả Việt "săn lùng" Mạc Ngôn, sưu tầm Mạc Ngôn với những cuốn sách gây ám ảnh như Đàn hương hình, Cây tỏi nổi giận, Rừng xanh lá đỏ, Báu vật của đời, Cao lương đỏ...