Những gam màu hy vọng của họa sĩ tật nguyền Lê Minh Châu

(Dân trí) - Giữ gìn phong cách vẽ cổ điển nhưng kết hợp với yếu tố đương đại, và đặc biệt là màu sắc cực kỳ tươi sáng, người xem khó có thể tưởng tượng tác giả của những bức vẽ tuyệt vời là một hoạ sĩ tật nguyền không may bị nhiễm chất độc da cam đến di chuyển cũng cực kỳ khó khăn và không thể cầm cọ bằng tay.

Liên tiếp triển lãm

Sáng hôm nay, ngày 22-10, tại triển lãm 45 Tràng Tiền, Hà Nội vừa khai mạc triển lãm với tên gọi: “Con đường khát vọng” trưng bày các tác phẩm của chàng hoạ sĩ không may nhiễm chất độc màu da cam Lê Minh Châu.

Lê Minh Châu vẽ tranh bằng miệng
Lê Minh Châu vẽ tranh bằng miệng

Nhiều bức được Lê Minh Châu thử nghiệm giữa việc tìm tòi, sáng tạo với phong cách hội hoạ cổ điển trường phái Đông dương thế hệ vàng của mỹ thuật Việt kết hợp lồng ghép các nội dung và cách thể hiện của nghệ thuật đương đại. Bức tranh phong cảnh Hà Nội được Lê Minh Châu thực hiện phần vẽ mái ngói đặc trưng của phố cổ Hà Nội theo phong cách cổ điển nhưng các cành cây ở phía trên được sáng tạo với chất liệu khăn giấy, tạo độ thực cho cành cây, các góc nổi của cành, lá, và ngay cả sự chảy của màu cũng y như sắc màu phản chiếu từ ánh sáng chuyển động qua một cành cây thực. Và điều quan trọng là dù giữ gìn phong cách cổ điển nhưng sự tươi sáng trong các gam màu đã mang lại ấn tượng mạnh mẽ về tính hiện đại và tình yêu cuộc sống toả ra nồng nàn, ấm áp.

Trước khi mang những bức vẽ tươi sáng đến với người xem Hà Nội, Lê Minh Châu cũng đã có một triển lãm cá nhân những bức họa theo phong cách đương đại tại ở TPHCM (từ ngày 5 đến hết ngày 10-10).

Lê Minh Châu và những bức vẽ phong cách hội hoạ đương đại mới hoàn thành
Lê Minh Châu và những bức vẽ phong cách hội hoạ đương đại mới hoàn thành

Sắp tới, Lê Minh Châu dự kiến sẽ còn tổ chức tiếp một triển lãm cá nhân về hội hoạ đương đại kết hợp với trình diễn body painting - nghệ thuật vẽ trên cơ thể người. Thật khó có thể tưởng tượng các bức vẽ đẹp tuyệt vời, tinh tế và tràn đầy sức sống trên cơ thể các người mẫu được thực hiện bởi chàng hoạ sĩ tật nguyền không thể cầm cọ bằng đôi tay. Trong không gian của hội hoạ cổ điển là các bức vẽ, cùng với âm nhạc và ánh sáng, Lê Minh Châu dự kiến sẽ tổ chức “bữa tiệc” nghệ thuật thị giác, trình diễn các tác phẩm “sống” của mình trước sự chứng kiến của người thưởng lãm.

Không bị đánh gục bởi tật nguyền

Chàng hoạ sĩ trẻ không may bị nhiễm chất độc màu da cam, khiến tứ chi bị teo cơ, gần như không thể hoạt động gì được nhưng với nghị lực tuyệt vời, anh vượt lên số phận, mạnh mẽ sống với đam mê vẽ.

Tranh phong cảnh Hà Nội kết hợp giữa ngôn ngữ hội họa cổ điển và đương đại với những cành cây được thực hiện bằng chất liệu khăn giấy.
Tranh phong cảnh Hà Nội kết hợp giữa ngôn ngữ hội họa cổ điển và đương đại với những cành cây được thực hiện bằng chất liệu khăn giấy.

Lê Minh Châu sinh ra ở Đồng Nai, là nạn nhân của chất độc da cam dioxin, trong gia đình, chỉ có Châu là người khuyết tật, còn anh trai và em gái đều bình thường. Từ nhỏ, Châu đã chuyển đến sống trong làng Hòa Bình và được các bác sĩ của bệnh viện Từ Dũ chăm sóc. Do dị tật bẩm sinh, Châu phải tập đi bằng đầu gối. Càng ngày, các cơ càng teo hơn, chàng trai chỉ còn lại da bọc xương, bằng sức vóc của một cậu bé. Hai mươi sáu tuổi nhưng chỉ nặng có 35kg, thân hình gầy nhom chỉ còn da bọc xương, nhìn Châu ai cũng thương cảm, áy náy, nhất là những lúc Châu phải di chuyển lên xuống cầu thang bộ, nhưng ai chứng kiến cuộc sống của cậu cũng phải bất ngờ trước tốc độ mà Châu có thể đạt được dù phải di chuyển bằng hai gối. Hai đầu gối anh chàng bị tróc hết da, chai sạn, đen sì.

Việc đi lại quá khó khăn, sau những biến chứng, đôi bàn tay của Châu co quắp, không thể cầm nắm bất cứ thứ gì. Mọi hoạt động hầu như Châu đều dùng miệng. Nhìn anh chàng ấy, ai mà nghĩ anh có thể đeo đuổi ước mơ, khát vọng? Thế nhưng, thật kỳ lạ, không chịu khuất phục trước sự an bài trớ trêu của tạo hoá, ngay từ bé Châu đã mê vẽ, và khi được tham gia một lớp học dù là không chuyên, tại một trung tâm đào tạo nghề, chàng trai đã lao mình theo đam mê, sử dụng chính cái miệng của mình để cầm cọ. Lê Minh Châu là hoạ sĩ tật nguyền đầu tiên bán được tranh để sống.

Tranh phong cách hội hoạ đương đại rực rỡ sắc màu của Lê Minh Châu
Tranh phong cách hội hoạ đương đại rực rỡ sắc màu của Lê Minh Châu

Qua tuổi mười tám, Châu quyết định đơn độc tự lập nghiệp ở Sài Gòn. Một thân một mình, thuê nhà, chuyển hết nơi này đến nơi khác, mà đến đâu cũng phải thuê phòng rộng để còn làm xưởng vẽ. Hỏi Châu sao không chọn phòng tầng trệt hoặc ở lầu thấp để đỡ phải di chuyển, Châu bảo ở trên cao thoáng hơn, yên tĩnh hơn, tầm nhìn rộng mở mới vẽ được.

Vẽ bằng miệng vô cùng cực nhọc, mỏi mệt, không thở được, không có tầm nhìn để quan sát tổng thể tác phẩm, có khi bị rách cả quai hàm vì cọ gãy, có lần đổ màu, uống phải màu vẽ... Vậy mà hàng xóm xung quanh ai cũng biết Châu thường xuyên thức đêm ròng rã để vẽ. Và những tác phẩm nghệ thuật đầy tìm tòi, đầy đam mê lần lượt ra đời.

Lê Minh Châu đang dần dần khẳng định được tài năng sáng tạo bẩm sinh với những tác phẩm đương đại rực rỡ, ấn tượng. Sau mấy năm liên tục triển lãm, nhiều người đã tìm tới mua tranh của Lê Minh Châu vì yêu thích chứ không phải mua để ủng hộ.

Sắc màu hy vọng

Rất nhiều tranh phong cảnh vẽ những cánh đồng miền Tây quê Châu, vẽ hoa lá cỏ cây thiên nhiên tươi rói và tranh theo phong cách trừu tượng được khách nước ngoài ưa chuộng, tranh chân dung được yêu thích đặt hàng... Lê Minh Châu tự sự, anh đã quên những gam màu u tối.

Những gam màu hy vọng của họa sĩ tật nguyền Lê Minh Châu - 5

Lê Minh Châu lên kế hoạch rất khoa học cho việc rèn luyện ngoại ngữ. Trong những lần gặp gỡ và sau thì trở thành tri kỷ với đạo diễn người Mỹ Courtney N Marsh khiến chị xúc động và đã làm bộ phim tài liệu về nhân vật đặc biệt chính là chàng hoạ sĩ tật nguyền vượt qua hoàn cảnh trớ trêu của di chứng do chất động da cam. Bộ phim “Chau, beyond the lines” được đề cử nằm trong top 5 “Giải Oscar cho phim tài liệu ngắn hay
nhất” năm 2016. Từ đó, cái tên Lê Minh Châu đã được biết đến nhiều hơn.

Mới đây, Lê Minh Châu là người khuyết tật đầu tiên của Việt Nam được mời tham gia kỳ họp thứ 9 “Công ước về quyền của người khuyết tật” tại Liên Hiệp Quốc diễn ra ở New York hồi cuối tháng 6-2016. Trong hội nghị có trình chiếu bộ phim “Chau, beyond the lines” khiến khán giả sững sờ xúc động về cuộc đời chàng trai tật nguyền vượt lên số phận. Cũng tại kỳ hội nghị này, Lê Minh Châu có buổi triển lãm cá nhân, bán đấu giá thành công toàn bộ 11 bức tranh mà anh mang tới New York.

Những gam màu hy vọng của họa sĩ tật nguyền Lê Minh Châu - 6

Lê Minh Châu từng tham gia nhiều cuộc thi vẽ tranh và cũng giành nhiều giải thưởng, top 3 tại cuộc thi của Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Nét vẽ xanh… Châu cho biết lần tham gia để lại nhiều cảm xúc nhất với anh là cuộc thi với chủ đề “Chiến thắng nỗi đau”. Lê Minh Châu đã vẽ như thể hiện chính nỗi đau anh đã vật lộn trải qua, trải lên những bức vẽ hy vọng, niềm tin và tình yêu cuộc sống.

Ngắm những tác phẩm hội họa đương đại rực rỡ sắc màu của hoạ sĩ trẻ Lê Minh Châu, không ai biết tác giả của nó là một hoạ sĩ tật nguyền với thân hình bé nhỏ và tứ chi biến dạng bởi ảnh hưởng của chất độc da cam. Bằng một nghị lực phi thường, sự khổ công tìm tòi về nghệ thuật hội hoạ và năng khiếu trời phú, Lê Minh Châu - một họa sĩ đặc biệt phải vẽ tranh bằng miệng đã gặt hái được thành công trên con đường chinh phục nghệ thuật hội họa của mình.

Cú nhảy của niềm tin

“Hai năm nữa, tôi sẽ rời Việt Nam đi du học. Tôi mới được nhận học bổng 5 năm ngành mỹ thuật của một trường đại học ở New York, đó là một kế hoạch dài hạn và bây giờ là thời gian ôn thi ngoại ngữ. Qua đó, tôi sẽ vừa học, vừa làm, vừa sáng tác tranh kiếm tiền” - Lê Minh Châu tự hào chia sẻ. Đối với chàng hoạ sĩ đặc biệt này, việc đi du học chính là một bước nhảy để vượt qua chính mình, cả về bút pháp hội họa lẫn việc trải nghiệm hành trình sống và chạm tới khao khát, đam mê.

Hòa Bình

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm