Những đứa trẻ thời @ và giấc mơ “nổi tiếng”
(Dân trí) - Giấc mơ trở thành “người nổi tiếng” (như MC nổi tiếng, ca sĩ nổi tiếng…) đã được gieo mầm và nuôi lớn trong những em bé thời @ hôm nay từ rất sớm.
Như một câu chuyện đùa, thế hệ 6X, 7X, 8X vẫn thường ngồi kể chuyện tuổi thơ cho nhau nghe, trong ấy chỉ “đầy ắp” những câu chuyện về sự nghèo khổ, thiếu thốn, về những ngày bố mẹ tảo tần làm việc mà vẫn không đủ ăn hay những ngày cả làng kéo nhau đến xem TV ở một gia đình khá giả… Những ngày thơ ấu ấy, 6X-7X và 8X vui vẻ với những trò chơi “thuần trẻ con”, “thuần giải trí” như đánh bi, đánh đáo, nhảy dây, gấp thuyền giấy, ô ăn quan, trốn tìm… Và giấc mơ của những đứa trẻ thời 6X, 7X, 8X cũng là những giấc mơ “thuần trẻ con” là lớn lên sẽ là cô giáo, là bác sĩ, là kỹ sư…
Những đứa trẻ thời 6X, 7X, 8X còn tiếc nuối khi những trò chơi “thuần trẻ con” ngày xưa đang dần mất đi. Chẳng còn em bé nào của thời @ muốn chơi ô ăn quan, nhảy dây, trốn tìm, rồng rắn lên mây… Cuộc sống của thời hiện đại đã đầy ắp TV, điện thoại di động, Ipad và những đồ chơi đắt tiền, hiện đại.
Sự khác biệt giữa các thế hệ là không thể lấp đầy, không thể so sánh.
Bước ra từ cuộc thi "Giọng hát Việt nhí", "chị Bảy" Phương Mỹ Chi bỗng chốc đã trở thành người nổi tiếng. Đi cùng với sự nổi tiếng, Phương Mỹ Chi đã không ít lần phải đối diện với sức ép dư luận, những thị phi đi kèm, từ chuyện "hét" cát-sê cao, đến chuyện mặc chiếc quần quá ngắn...Giấc mơ của trẻ em thời @ bây giờ cũng đã khác. Từ bao giờ, giấc mơ trở thành “người nổi tiếng” (như MC nổi tiếng, ca sĩ, diễn viên nổi tiếng) đã được gieo mầm và nuôi lớn trong những em bé khi tuổi còn rất nhỏ?
Người ta không thấy lạ khi hàng loạt chương trình truyền hình thực tế “nóng” nhất đều có phiên bản “nhí”. Giọng hát Việt “nhí”, Bước nhảy hoàn vũ “nhí”, Gương mặt thân quen “nhí”… ồ ạt được sản xuất. Bên cạnh đó, nhiều cuộc thi khác cũng “nhập cuộc” lên sóng rầm rộ như: Đồ rê mí, Việt Nam Got Talent… Được gọi là những “sân chơi” dành cho lứa tuổi thiếu nhi, nhưng ai cũng có thể nhận thấy, những “sân chơi” này không hề “thuần giải trí” mà là một cuộc đua thắng-thua thực sự.
Còn nhớ, mỗi mùa Giọng hát Việt phiên bản “nhí” lên sóng, những câu chuyện hậu trường luôn được kể “đính kèm” để thêm phần hấp dẫn chính là… sức khỏe của các thí sinh “nhí”. Đó luôn là chuyện những em bé nhỏ tuổi trước sức ép và lịch tập kéo dài của cuộc thi đã sốt, đã ốm, đã đổ bệnh nhưng vẫn miệt mài tập luyện và “vững vàng” trên sân khấu đến hết phần thi của mình.
Bước vào những cuộc thi truyền hình, nhiều em bé đã phải chịu nhiều sức ép về tinh thần, về mặt sức khỏe... và cả những hệ lụy đằng sau sự nổi tiếng- khi chương trình đã khép màn.Qua từng vòng thi của những “sân chơi” như Giọng hát Việt “nhí”, Bước nhảy hoàn vũ “nhí”, Gương mặt thân quen “nhí”, Đồ rê mí, hay tham gia tranh tài với những thí sinh lớn tuổi trong Việt Nam Got Talent… Mỗi thí sinh “nhí” đều phải “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” với sự thắng-thua quyết liệt.
Giống như tất cả những “người lớn” khi tham gia một cuộc tranh tài, những em bé ấy cũng phải chịu sức ép dư luận, sức ép thắng thua, theo đuổi lịch tập mệt nhoài, chưa kể còn là nước mắt, sự đau buồn khi bị loại, và cả hệ lụy của sự nổi tiếng khi cuộc thi khép màn.
Dưới góc nhìn tâm lý học, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm- Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội phân tích: “Khơi dậy ước mơ, hoài bão trong trẻ thơ, kể cả ước mơ trở thành người nổi tiếng đều tốt cả. Tuy nhiên, những hoài bão ấy phải được khơi dậy dựa trên các yếu tố như: sự phù hợp về năng lực sở trường cá nhân của đứa trẻ, sự phù hợp về sức khỏe, tâm sinh lý của lứa tuổi trẻ em, và sự phù hợp với cá nhân của từng trẻ, không đua theo phong trào, không a-dua, “chạy đua” cho bằng bè bằng bạn…”.
Angela Phương Trinh tuy không bước ra từ các cuộc thi tài năng, nhưng sớm nổi tiếng nhờ những vai diễn trên các phim truyền hình. Với loạt scandal liên quan đến đời tư, Angela Phương Trình từng được xem là một ví dụ điển hình cho bi kịch "nổi tiếng quá sớm".Theo Tiến sĩ (TS) Nguyễn Tùng Lâm, về khả năng-năng lực của từng em bé nên được phát triển một cách tự nhiên, không nên bị “chín ép”. Guồng quay với cường độ nhanh, cật lực của một cuộc thi sẽ tạo ra rất nhiều sức ép với độ tuổi, sức khỏe của một đứa trẻ. “Người lớn, các bậc phụ huynh phải rất cẩn thận với điều kiện sức khỏe, và sự phát triển tâm sinh lý của đứa trẻ khi ươm mầm những giấc mơ, hoài bão cho nó. Nhất là trong một cuộc thi trên truyền hình”.
TS. Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, “Mặt trái của sự nổi tiếng có rất nhiều hệ lụy. Đó là sức ép từ dư luận. Là sự kỳ vọng từ phía công chúng rằng, đứa trẻ ấy đã là thần đồng, lớn lên nhất định sẽ thành ngôi sao lớn. Sự kỳ vọng từ công chúng còn dễ tạo ra sự ảo tưởng, sự nhầm lẫn, sự “tự cao, tự đại” về giá trị bản thân trong đứa trẻ. Bên cạnh đó, sự soi mói, săm soi, mổ xẻ từ phía truyền thông, dư luận cũng là một sức ép không nhỏ với sự phát triển tâm sinh lý của trẻ… Khi ảo tưởng bị đổ vỡ, khi hoài bão không thành, đứa trẻ có thể bị mất tự tin, bị mất phương hướng và dẫn đến trầm cảm”.
Trở thành người nổi tiếng- là một giấc mơ đẹp, nhưng, hành trình đi đến giấc mơ ấy cũng giống như giấc mơ trở thành giáo viên, bác sĩ… Đó sẽ phải là một hành trình dài với rất nhiều quyết tâm, cố gắng, nỗ lực.
“Ước mơ nào khi trở thành hiện thực cũng phải là kết quả của một hành trình dài phấn đấu, nỗ lực của con người. Hãy để năng lực của trẻ được phát triển một cách tự nhiên nhất. Không gò ép. Không tạo ra sức ép xung quanh. Hãy nhớ, không có thành công nào đến trong “ngày một, ngày hai”. Không thể biến giấc mơ trở thành hiện thực chỉ sau một cuộc thi. Phụ huynh và những người lớn hãy giúp trẻ hiểu được điều đó để “bình tĩnh” trước mọi cám dỗ đến từ giấc mơ nổi tiếng”- TS. Nguyễn Tùng Lâm gửi gắm.
H.H
Mọi thông tin, ý kiến đóng góp cho chuyên mục Văn hóa, quý độc giả có thể gửi đến ban Văn hóa báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email vanhoa@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn! |