Những cuộc “xâm lăng” về văn hóa của Hàn Quốc vẫn chưa dừng lại
(Dân trí) - Nhiều nước Châu Á trong đó có Việt Nam đã từng bị chinh phục bởi hai làn sóng văn hóa Hàn, gồm phim và nhạc Hàn, khi hai làn sóng này dần bão hòa, đã có một làn sóng thứ 3 chuẩn bị “cập bờ” và dự đoán sẽ “gây bão” không kém gì hai làn sóng trước.
Làn sóng văn hóa Hàn Quốc mà người ta vẫn gọi bằng cái tên “hallyu” đã bắt đầu nổi lên rầm rộ từ đầu những năm 2000 khi những bộ phim tình cảm lãng mạn Hàn Quốc, những ban nhạc K-pop bắt đầu quá trình “lũng đoạn” thị trường giải trí của nhiều nước Châu Á, trong đó có Việt Nam.
Theo đánh giá của các chuyên gia nghiên cứu văn hóa tại Hàn Quốc, làn sóng “hallyu” lên tới đỉnh điểm vào năm 2012, khi MV “Gangnam Style” của rapper Psy gây sốt trên quy mô quốc tế và trở thành MV lập kỷ lục về số lượng lượt xem trên YouTube.
Nữ diễn viên Jun Ji-huyn (phải) và nam diễn viên Kim Soo-hyun trong phim “Vì sao đưa anh tới”. Làn sóng hallyu số 1 gắn với những bộ phim truyền hình lãng mạn của Hàn Quốc, có thể kể tới “Bản tình ca mùa đông”, “Nàng Dae Jang Geum”, “Nấc thang lên thiên đường”… đã từng đưa những diễn viên như Choi Ji-woo, Lee Young-ae và Bae Yong-joon… lên hàng sao Châu Á.
Theo Chủ tịch của Quỹ Trao đổi Văn hóa Quốc tế Hàn Quốc, làn sóng “hallyu” số 1 là những bộ phim truyền hình lãng mạn đóng mác Hàn Quốc, những ban nhạc K-pop đình đám với công thức “sản xuất” công nghiệp, bắt mắt, bắt tai là làn sóng “hallyu” số 2. Giờ đây, khi cả hai làn sóng đều đã qua giai đoạn đỉnh cao và bắt đầu có những dấu hiệu bão hòa thì Hàn Quốc đã chuẩn bị “trình làng” một làn sóng thứ 3.
Theo ông Chủ tịch của Quỹ Trao đổi Văn hóa Hàn Quốc - Lee Pal-seung: “Hiện giờ Hàn Quốc đang chuẩn bị cho đợt sóng hallyu số 3, tập trung vào những sản phẩm hữu hình như thời trang, ẩm thực... Chính phủ Hàn Quốc cũng đã hứa hẹn sẽ cùng phối hợp để đảm bảo rằng một “sân băng” lý tưởng sẽ được thiết lập để góp phần thúc đẩy sự bùng nổ của những nền công nghiệp liên quan, như du lịch, quảng cáo. Tuy vậy, để có được một làn sóng hallyu số 3 thành công, vẫn còn có nhiều việc cần phải làm thêm”.
Rapper Psy trình diễn nhạc phẩm “Gangnam Style” trên sân khấu của Thần tượng âm nhạc Mỹ vòng chung kết. Làn sóng hallyu thứ 2 gắn với K-pop, từ đây những thần tượng âm nhạc như nhóm TVXQ, Girls Generation, KARA, EXO… đã từng một thời “làm mưa làm gió”. Psy đã đưa làn sóng hallyu thứ hai lên tới đỉnh điểm khi “Gangnam Style” gây sốt trên toàn thế giới.
Sự thoái trào của hai làn sóng hallyu trước đã dần trở nên rõ nét khi số lượng văn hóa phẩm Hàn Quốc được tiêu thụ tại thị trường nội và ngoại địa đều đang giảm sút. Những bộ phim truyền hình cũng dần sụt giảm về số lượng người xem. Các đài truyền hình nước ngoài cũng chiếu những bộ phim này với tần suất ít hơn trước đây.
Ví dụ như bộ phim “Vì sao đưa anh tới” với diễn xuất của nam diễn viên Jun Ji-hyun và nữ diễn viên Kim Soo-hyun được kỳ vọng sẽ trở thành hiện tượng nhưng thực tế lại gây thất vọng đối với nhà sản xuất Hàn Quốc. Những hiện tượng văn hóa Hàn giờ đây không còn tạo được cơn sốt sâu rộng, dài lâu như trước.
Khi chính phủ Trung Quốc khẳng định rằng họ sẽ quản lý chặt chẽ hơn việc nhập khẩu những chương trình truyền hình nước ngoài, đồng thời siết chặt việc kiểm duyệt nội dung, ngay lập tức ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc hiểu rằng làn sóng hallyu sẽ bị chững lại tại thị trường ngoại địa lớn nhất hiện nay của họ.
Trong làn sóng hallyu thứ 3, thời trang, ẩm thực… Hàn Quốc sẽ trở thành nhân tố chính.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa Hàn Quốc - ông Kim Jong-deok - đã cảnh báo rằng hallyu sẽ mất dần sức hấp dẫn của mình trừ phi tập trung vào việc xuất khẩu văn hóa hữu hình. Theo ông Lee Pal-seung, lý do khiến làn sóng hallyu thoái trào là bởi thiếu sự ủng hộ từ các nghệ sĩ, cùng với đó là sự đầu tư và phát triển không bền vững.
“Làn sóng hallyu từng một thời thành công là bởi nội dung của nó rất đặc biệt và riêng có, nhưng giờ đây khi nội dung na ná nhau, chúng ta cần phải tìm được những điều mới mẻ hơn” - ông Lee Pal-seung khẳng định.
Làn sóng hallyu đã từng một thời tiếp thêm sinh lực cho ngành công nghiệp giải trí, du lịch, quảng cáo và giúp gây dựng hình ảnh đẹp cho đất nước Hàn Quốc. Khi cơn sốt hallyu dần hạ nhiệt ở nhiều nước Châu Á, Hàn Quốc đã nhắm tới những nước Nam Mỹ.
Giờ đây, đối với các nước Châu Á trong khu vực, hai làn sóng hallyu đầu tiên sẽ được Hàn Quốc biến thành chiến lược marketing cho làn sóng thứ ba - làn sóng kinh doanh văn hóa.
Làn sóng hallyu số 3 là thời gian để khán giả tạm “hết ngấy” đối với phim Hàn, nhạc Hàn, nhưng ngay sau đó, sẽ có một làn sóng thứ 4, là thời điểm để hallyu tái xuất trở lại. Hiện những người đứng đầu ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc đang quan tâm tới việc xây dựng một chuyên trang giới thiệu các sản phẩm văn hóa giải trí Hàn, hoạt động tương tự như trang YouTube để giảm việc phải dựa dẫm vào một “sân băng của nước ngoài”.
Chuyên trang giải trí kết hợp với dạng thức của mạng xã hội này sẽ giúp khán giả trên khắp thế giới có thể thưởng thức văn hóa Hàn qua phim và nhạc, đồng thời có thể giao lưu với những thần tượng của họ. Làn sóng hallyu 4 sẽ bao gồm cả những format chương trình truyền hình giải trí hấp dẫn.
Bích Ngọc
Theo Korea Times