Những cuộc phục chế nghệ thuật quá đỗi hài hước đến mức gây sốt mạng
(Dân trí) - Dưới đây là những lần tác phẩm nghệ thuật trở nên nổi tiếng trên mặt báo quốc tế vì những lý do rất đỗi hài hước.
Bức họa “Immaculate Conception of Los Venerables”
Bức họa “Immaculate Conception of Los Venerables” (tạm dịch: Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội) phiên bản tranh chép, được thực hiện bởi chính tác giả của bức tranh nguyên bản - họa sĩ Bartolomé Esteban Murillo, đã vừa trải qua một cuộc phục chế thất bại thảm hại.
Một nhà sưu tập tư nhân sống ở Valencia (Tây Ban Nha) đã chi ra 1.200 euro để mời một nhà phục chế tới chăm sóc cho bức tranh, nhưng kỳ thực người này chỉ chuyên sửa chữa đồ nội thất cổ. Sau hai lần phục chế thất bại, tác phẩm đã bị biến đổi nặng nề khiến người ta không còn nhận ra khắc họa chân dung Đức Mẹ.
Sự việc đã khiến các chuyên gia mỹ thuật tại Tây Ban Nha vô cùng tiếc nuối một tác phẩm ấn tượng và kêu gọi phải có luật bảo vệ di sản, để tránh những trường hợp tương tự xảy ra, khi một người không có chuyên môn cũng có thể được đảm nhận việc phục chế tác phẩm nghệ thuật quý giá.
Bức bích họa “Ecce Homo”
Hồi năm 2012, một nữ họa sĩ có tên Cecilia Giménez đã đề xuất thiện ý giúp nhà thờ nằm ở đô thị Borja (Tây Ban Nha) phục chế lại bức bích họa được thực hiện từ năm 1930, bởi họa sĩ Elías García Martínez. Dù có thiện ý là vậy, nhưng bà Cecilia đã thành ra làm hỏng cả tác phẩm.
Bức bích họa “Ecce Homo” đã hoàn toàn đổi khác sau lần phục chế ấy. Khi ấy, báo chí đã đưa tin rầm rộ về cuộc phục chế hỏng không tin nổi này.
Còn giờ đây, tác phẩm lỗi ấy lại khiến nhà thờ bỗng trở nên... hút khách tham quan, giúp nhà chức trách địa phương gây quỹ được hàng chục ngàn euro để phục vụ cho việc bảo tồn nhà thờ và thực hiện những mục đích từ thiện khác. Đời sống kinh tế ở địa phương cũng khởi sắc hơn và tranh của nữ họa sĩ Cecilia - người phục chế hỏng bức bích họa - cũng bán được nhiều hơn.
Tượng Thánh George
Bức tượng gỗ 500 năm tuổi khắc họa Thánh George nằm trong một nhà thờ ở thị trấn Estella, Tây Ban Nha. Việc phục chế tượng cũng từng gây xôn xao tranh luận bởi sau khi sơn sửa lại tượng, Thánh George trông như thể bước ra từ… một bộ phim hoạt hình.
Sau đó, nhà chức trách địa phương đã phải can thiệp và chi ra 34.000 euro để mời những chuyên gia phục chế về địa phương sửa sang lại tượng. Những người tham gia quá trình phục chế trước đó dù không bị nêu danh tính, nhưng nhà chức trách cho biết những người này đã bị phạt 6.000 euro.
Bức tượng “The Virgin and Child with St Anne”
Bức tượng gỗ “Đức Mẹ, Chúa hài đồng và Thánh Anne” được thực hiện từ thế kỷ 15. Tượng vốn được đặt trong nhà nguyện ở làng El Rañadoiro, Asturias, Tây Ban Nha. Cho rằng bức tượng này trông quá tẻ nhạt, một người phụ nữ tại địa phương - bà María Luisa Menéndez - đã đề xuất để mình được phục chế lại tượng. Bà liền… sơn màu cho tượng.
Sau khi việc phục chế này được đề cập trên khắp các mặt báo, bà Menéndez liền giải thích: “Tôi không phải là một họa sĩ chuyên nghiệp, nhưng tôi luôn yêu thích hội họa, bức tượng này thực sự cần được sơn lại. Tôi đã sơn tượng theo cách tốt nhất mà tôi có thể, với những gam màu mà tôi cho là phù hợp, và những người dân sống tại địa phương đều cảm thấy ấn tượng”.
Bức tượng “Virgin Mary and Baby Jesus”
Bức tượng “Đức Mẹ và Chúa hài đồng” được đặt bên ngoài nhà thờ Sainte Anne des Pins, nằm ở tỉnh Ontario, Canada. Phần đầu của bức tượng khắc họa Chúa hài đồng đã bị những kẻ phá hoại đánh cắp mang đi hồi năm 2015. Một nghệ sĩ tại địa phương có tên Heather Wise đã đề nghị để bà sửa lại tượng.
Bà Wise cho biết bà chưa từng thực hiện tượng bằng đá trước đây, nhưng đã từng học về điêu khắc tại trường Đại học. Bà phấn khởi khi được giao nhiệm vụ sửa lại tượng, nhưng khi kết quả hoàn thành thì quả thực... không ngờ nổi, phần đầu tượng được bà Wise làm bằng… đất nung và qua thời gian, mưa nắng, phần đầu tượng này cũng trở nên... biến dạng.
Sau khi bức tượng được “sửa sang” lại một cách… thất bại, những kẻ trộm đã đem trả lại phần đầu nguyên bản của tượng. Vì vậy, phần đầu tượng bằng đất nung được tháo ra và trả lại cho bà Wise theo đúng yêu cầu của bà, để người ta lắp lại đầu tượng cũ cho… đồng bộ.
Tác phẩm sắp đặt “Painting-by-Numbers”
Năm 2001, nghệ sĩ nổi tiếng người Anh Damien Hirst mở một triển lãm ở London (Anh), đặt tên là “Painting-by-Numbers”. Trong số các tác phẩm, có một tác phẩm “sắp đặt nghệ thuật” bao gồm những thứ như lon bia uống dở, tách cà phê uống dở, gạt tàn đầy đầu lọc, những tờ báo cũ... chúng được sắp đặt lộn xộn bên cạnh nhau và còn bày vương vãi ra khắp không gian triển lãm.
Ngay trong buổi sáng đầu tiên sau ngày mở cửa triển lãm, một nhân viên dọn dẹp vệ sinh có tên Emmanuel Asare đã có mặt từ sớm, anh nghĩ đây là những gì còn vương vãi lại từ buổi tiệc khai mạc triển lãm hôm trước, nên đã dọn sạch tất cả và đem vứt những món đồ “sắp đặt nghệ thuật” vào... thùng rác.
Anh Emmanuel Asare chia sẻ: “Ngay khi tôi nhìn thấy những món đồ bày vương vãi trong triển lãm, tôi đã thở dài bởi nghĩ tại sao lại có nhiều rác như vậy. Tôi không hề nghĩ rằng đó là tác phẩm nghệ thuật, bởi trông nó không giống với nghệ thuật theo hình dung của tôi, nên tôi đã cho tất cả vào trong túi đựng rác và đem đi vứt”.
Nhân viên triển lãm sau khi phát hiện ra sự việc đã phải tìm lại túi rác mà anh Emmanuel đã vứt để lấy lại được những món đồ “sắp đặt nghệ thuật” và “phục chế” lại tác phẩm, sắp đặt gần giống như nguyên bản, dựa trên những bức ảnh đã lưu lại trước đó.
Về phần nghệ sĩ Damien Hirst, ông nhận thấy cả sự việc là một câu chuyện hài hước và không hề có phản ứng tiêu cực nào khi nhận được thông tin, vì vậy, anh nhân viên dọn dẹp vệ sinh cũng không gặp vấn đề gì sau đó.
Những tác phẩm sắp đặt nghệ thuật dạng này vốn vẫn luôn gây tranh cãi về tính nghệ thuật đích thực.
Khi ấy, trước sự việc hài hước xảy ra, biên tập viên của một tờ tạp chí nghệ thuật có tên The Jackdaw đã nhận định: “Nếu một tác phẩm trông không ra dáng một tác phẩm nghệ thuật, bạn không thể đổ lỗi cho người đem vứt bỏ nó. Thực sự không khó để thay thế tác phẩm ấy bằng một sắp đặt khác. Những thứ có giá trị bền lâu và nghiêm túc sẽ không thể nào thay thế được”.
Dù vậy, tác phẩm sắp đặt ấy của Damien Hirst vẫn bán được với giá cao, lên tới hàng trăm ngàn bảng.
Tượng danh thủ Cristiano Ronaldo
Khi sân bay trên đảo Madeira (Bồ Đào Nha), hòn đảo quê nhà của danh thủ Cristiano Ronaldo, quyết định đổi tên và đặt theo tên của danh thủ nổi tiếng thế giới, ban quản lý sân bay cũng đồng thời đặt làm một bức tượng khắc họa chân dung Cristiano Ronaldo.
Người được giao thực hiện bức tượng là Emanuel Santo. Khi tác phẩm ra mắt công chúng hồi năm 2017, ngay lập tức nó đã trở thành đề tài... gây cười, bởi bức tượng không giống với cầu thủ Cristiano Ronaldo tí nào.
Chính Ronaldo cũng đã có mặt trong buổi khánh thành bức tượng, anh cảm thấy rất thích thú, không phàn nàn gì ngoại trừ việc yêu cầu loại bỏ bớt nếp nhăn quanh mắt tượng.
Mặc dù vậy, tác phẩm vẫn trở thành đề tài hài hước được đề cập trên mặt báo suốt một thời gian. Đáp lại những lời nhận xét, nghệ sĩ điêu khắc thực hiện tác phẩm chia sẻ cứng rắn: “Không thể nào làm hài lòng tất cả mọi người được”.
Nhưng một năm sau, Santo vẫn quyết định chấp nhận lời thách thức được đưa ra bởi một trang tin bóng đá, Santo liền thực hiện một bức tượng thứ hai khắc họa chân dung danh thủ Cristiano Ronaldo.
Nhưng lúc này, mọi người đã chuyển sang yêu thích bức tượng hài hước đặt ở sân bay, còn bức tượng thứ hai dù được thực hiện đẹp hơn, có vẻ giống nguyên mẫu hơn, lại không khuấy động được xúc cảm trong công chúng như bức tượng đầu.
Thực tế, cả hai bức tượng đều không được đánh giá cao nếu đem so sánh với dung mạo của “nguyên mẫu” Cristiano Ronaldo, nhưng bức tượng đầu còn khiến người xem cảm thấy hài hước, trong khi bức thứ hai lại khá… nhạt nhẽo.
Bích Ngọc
Theo The Guardian