Những cuộc gọi “làm nên lịch sử” trong âm nhạc
(Dân trí) - Những cuộc gọi dường như là một cái cớ rất phù hợp để mở đầu cho những tâm sự bằng âm nhạc.
Nhiều nhạc phẩm pop nổi tiếng thế giới có chủ đề xoay quanh… chiếc điện thoại và những cuộc gọi. Một đề tài tưởng như không mấy hấp dẫn nhưng đã làm nên “những cuộc gọi lịch sử” trong âm nhạc.
Mối liên hệ giữa âm nhạc và chiếc điện thoại không phải mới mẻ, mà đã có từ khá lâu, dù công nghệ đã thay đổi rất nhiều, nhưng những cuộc gọi vẫn luôn là cái cớ hợp lý để dẫn nhập vào bài hát, giúp chuyển tải những thông điệp bằng âm nhạc.
Dưới đây là những nhạc phẩm pop nổi tiếng xoay quanh… chiếc điện thoại, để thấy rằng dù thời gian và công nghệ có đổi thay thế nào, những cuộc gọi vẫn nắm giữ một vị trí quan trọng trong đời sống tình cảm và vẫn tiếp tục xuất hiện trong những nhạc phẩm pop đình đám.
“Hello” - Adele (2015)
Nhạc phẩm mới nhất của nữ danh ca Adele - “Hello” - hiện đang là một trong những nhạc phẩm đình đám nhất trên thị trường âm nhạc ở thời điểm hiện tại, đánh dấu sự trở lại của diva đẳng cấp quốc tế. “Hello” của Adele xoay quanh cuộc chuyện trò giả tưởng của một cô gái gọi tới cho người yêu cũ với những day dứt, hối hận vì những sai lầm không còn có thể hàn gắn.
Trong MV “Hello” có thể nhận thấy bên cạnh sự hiện diện của chiếc điện thoại nắp gập là bốt điện thoại công cộng. Đây là những nét hoài cổ của “Hello”, tách xa khỏi thời đại của những điện thoại thông minh “lướt, trượt”.
Toàn bộ MV dài 6 phút được ghi hình với màu phim đen trắng đậm chất hoài niệm, cho thấy cô gái trở về ngôi nhà cũ - nơi chất chứa bao kỷ niệm của cuộc tình cũ. Cuộc điện thoại của cô gọi tới cho người xưa gợi nhớ một thời tuổi trẻ nông nổi và những sai lầm không bao giờ còn có thể sửa chữa.
“Hello” đã đứng đầu bảng xếp hạng âm nhạc tại 26 quốc gia, trong đó có Anh và Mỹ. Ngay khi ra mắt, “Hello” đã phá vỡ nhiều kỷ lục từng được xác lập bởi những MV đình đám của những nữ danh ca nổi tiếng như “Bad Blood” của Taylor Swift hay “Wrecking Ball” của Miley Cyrus.
Adele - Hello
“Payphone” - Maroon 5 (2012)
Nếu “Hello” của Adele khiến người xem MV phải tự đặt ra câu hỏi tại sao giữa thế kỷ 21, Adele - một nữ diva giàu có - lại dùng điện thoại nắp gập và điện thoại bàn, thì Adam Levin - trưởng nhóm Maroon 5 - cũng từng gây băn khoăn không kém khi trong MV “Payphone”, nam ca sĩ đình đám đã lựa chọn gọi về cho người yêu từ… bốt điện thoại công cộng.
Dường như các ca sĩ đang có xu hướng hoài cổ với những thiết bị liên lạc vốn chỉ phổ biến ở những thập niên trước. Đó tựa như một cái nền hợp lý để gọi về quá khứ với những ký ức tươi đẹp một thời. “Payphone” cũng là một cuộc gọi đầy hoài niệm về một cuộc tình kết thúc đột ngột, còn để lại biết bao nuối tiếc.
Trong MV, Adam Levine vào vai một nhân viên ngân hàng cố gắng trốn thoát khỏi hiện trường một vụ cướp ngân hàng, trên tay cầm khẩu súng lấy từ một tên cướp, anh liền bị cảnh sát nhầm tưởng là một trong những kẻ cướp đang tẩu thoát. Từ sự nhầm lẫn này, nhân vật của Adam Levine liền thực hiện tiếp một cuộc đào thoát khỏi vòng vây cảnh sát.
MV “Payphone” được thực hiện như một bộ phim hành động “mini”. Bên cạnh những thành công trên bảng xếp hạng âm nhạc, “Payphone” còn là một trong 5 đĩa đơn bán chạy nhất thế giới trong năm 2012.
“Payphone” - Maroon 5
“Call Me Maybe” - Carly Rae Jepsen (2011)
Nhạc phẩm vui nhộn “Call Me Maybe” xoay quanh những xúc cảm “khốn khổ” của cô gái khi cô bất ngờ có một tình yêu sét đánh và mệt mỏi chờ đợi cuộc gọi từ người mà cô đang “mê mệt”. Câu chuyện được kể trong MV khá hài hước, xoay quanh “tai nạn” dở khóc dở cười của cô sau khi chủ động đưa số điện thoại cho chàng trai để làm quen.
Là một nhạc phẩm thành công trên thị trường âm nhạc quốc tế năm 2011, “Call Me Maybe” đã xác lập nhiều kỷ lục về mặt doanh thu và được xem là một trong những ca khúc đình đám nhất năm của nhạc pop thế giới.
Carly Rae Jepsen - Call Me Maybe
“Telephone” - Lady Gaga & Beyoncé (2009)
“Telephone” lấy cảm hứng từ nỗi sợ của Lady Gaga. Lời bài hát rằng cô thích bung tỏa trên sàn nhảy hơn là nghe điện thoại của người yêu, thực tế là một hình ảnh mang ý nghĩa ẩn dụ. Cuộc gọi ở đây đối với Lady Gaga tượng trưng cho nỗi sợ rằng cô đã không làm việc chăm chỉ, không cố gắng hết sức để đạt được thành công.
Lady Gaga thoạt tiên viết bài hát này cho Britney Spears. Britney cũng đã thử ghi âm một bản demo, tuy vậy, vì lý do nào đó, Britney quyết định không thể hiện ca khúc này nữa, Lady Gaga liền mời Beyoncé xuất hiện trong MV của mình và “Telephone” đã đạt được thành công lớn.
Về phần câu chuyện được kể trong MV, đây được xem là một sự tiếp nối cho MV “Paparazzi” (2009) và cũng được quay như một bộ phim ngắn. Trong MV này, sau khi Gaga được Beyoncé bảo lãnh, họ tiếp tục những kế hoạch “điên rồ”.
Cách thực hiện MV này gợi nhắc tới bộ phim “Kill Bill: Vol.1” (Cô dâu báo thù - 2003) và “Pulp Fiction” (Chuyện tào lao - 1994) của đạo diễn Quentin Tarantino. Chiếc xe hơi màu vàng được sử dụng trong MV cũng chính là xe hơi đã xuất hiện trong “Kill Bill: Vol.1”, Gaga đã mượn chiếc xe này từ đạo diễn Tarantino để ghi hình.
Lady Gaga - Telephone ft. Beyoncé
“Hello” - Lionel Richie (1984)
“Hello” là một nhạc phẩm đình đám trong sự nghiệp ca hát của Lionel Richie với câu hỏi được nhiều người yêu nhạc thuộc lòng, đó là “Hello, is it me you're looking for?” (Xin chào, có phải tôi là người em đang tìm kiếm?).
Tình cờ một lần nhạc sĩ James Anthony Carmichael đến tìm gặp ca sĩ Lionel Richie, khi Lionel bước vào phòng và chào người bạn nhạc sĩ, anh đã hỏi câu: “Hello, is it me you're looking for?” (Xin chào, có phải tôi là người anh đang tìm kiếm?). Carmichael đã đáp lại rằng: “Hãy hoàn thành bài hát này đi”.
Lời bài hát “Hello” của Lionel Richie xoay quanh tâm sự của một chàng trai đem lòng yêu thầm một cô gái và đang “loay hoay” tìm cách bày tỏ. Trong MV, có đoạn nam ca sĩ đã gọi điện “nặc danh” tới cho cô gái để hỏi “Hello, is it me you're looking for?”…
Hello - Lionel Richie
Bích Ngọc
Theo Vulture