Những cơn “sóng ngầm” của phim Việt đương đại

(Dân trí) - Phải lâu lắm rồi, nền điện ảnh Việt Nam mới có được những cơn “sóng ngầm” đầy giá trị tự hào, đó là “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng”, “Lửa thiện nhân”, “Người trở về”… Những bộ phim đầy tính nghệ thuật, được thực hiện và công chiếu trong âm thầm nhưng vẫn khiến người xem phải xếp hàng mua vé.

Niềm tự hào đã được hồi sinh

Năm 1987, những người làm điện ảnh Việt Nam đương thời và khán giả Việt đã chứng kiến một “hiện tượng” đáng kinh ngạc về sức hút của hai bộ phim tài liệu “Hà Nội trong mắt ai” và “Chuyện tử tế” của đạo diễn Trần Văn Thuỳ. Đây được xem là hai bộ phim tài liệu đầu tiên của nền điện ảnh Việt Nam ngay khi công chiếu đã khiến khán giả phải xếp hàng chờ được xem.

Quang cảnh khán giả đứng kín cầu thang của Trung tâm Văn hóa Pháp LEspace vào tháng 12/2014 để chờ được xem “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng”.
Quang cảnh khán giả đứng kín cầu thang của Trung tâm Văn hóa Pháp L'Espace vào tháng 12/2014 để chờ được xem “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng”.

Cuối năm 2014 vừa qua, bộ phim “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” do Nguyễn Thị Thắm đạo diễn đã tiếp tục khơi lại niềm tự hào bị lãng quên ấy. “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” thuộc thể loại phim tài liệu trực tiếp kể về hành trình của những người chuyển giới trong gánh hát nghèo, đặc biệt là trưởng đoàn Bích Phụng, một người chuyển giới từ nam sang nữ ở độ tuổi trung niên. Bộ phim chỉ gói gọn trong 86 phút nhưng đã giúp khán giả len lỏi vào cuộc đời của những con người mang số phận đặc biệt, luôn khát khao được sống đúng với chính mình và được xã hội công nhận.

Ngay khi vừa hoàn tất, phim đã được chọn giới thiệu tại Liên hoan Điện ảnh Hiện thực Paris, Liên hoan Điện ảnh Margret Mead tại Newyork, Liên hoan Điện ảnh Chopshots tại Indonesia. Chia sẻ về sự đón nhận của khán giả đối với bộ phim của mình tại các kỳ liên hoan phim ở nước ngoài, đạo diễn Nguyễn Thị Thắm nói: “Lần đầu tiên tôi được đến một liên hoan lớn như thế này, khán giả đến rất đông và họ thích thú với tất cả các phim được chiếu ở đây. Tôi rất bất ngờ khi nhìn thấy đoàn người lần lượt xếp hàng vào rạp. Được khán giả đến như vậy là một hình thức người ta công nhận, trân trọng mình, mình cảm thấy vô cùng phấn khích và có thêm động lực để làm nghề”.

Ở Việt Nam, do nắm chắc thói quen của khán giả không mấy mặn mà với phim tài liệu nên lúc đầu phim được chiếu theo dạng thăm dò tại một số rạp của BHD. Tuy nhiên, “điều kỳ diệu” đã xảy ra khi ngay sau đó hiệu ứng về tính nghệ thuật và tính nhân văn của bộ phim đã được lan truyền một cách mạnh mẽ trên các mạng xã hội. Tại TP. Hồ Chí Minh, phim buộc phải tăng từ 16 suốt chiếu ban đầu lên 30 suất để đáp ứng nhu cầu của khán giả. Và chỉ sau 11 ngày công chiếu đã tiêu thụ được 10.00 vé.

Tại Hà Nội, hàng trăm người đã đứng ngồi khi yên khi xếp thành hàng dài chờ đợi tại Trung tâm Văn hóa Pháp L'Espace để được xem phim trong ba suất chiếu đầu tiên. Và trong 18 suất chiếu tại Hà Nội đã bán được 1500 vé. “Chuyến đi cuối cùng của chị phụng” đã không chỉ gây tiếng vang mà còn phá đổ mọi kỷ lục về phát hành phim tài liệu ở Việt Nam.

Khán giả chen nhau mua vé xem phim “Lửa Thiện Nhân” hôm 16/10
Khán giả chen nhau mua vé xem phim “Lửa Thiện Nhân” hôm 16/10

Mới đây, bộ phim “Lửa Thiện Nhân” của đạo diễn Đặng Hồng Giang cũng đã lặp lại điều tương tự. Bộ phim dài 77 phút, kể về hành trình vượt qua số phận của “chú lính chì” dũng cảm Thiện Nhân. Phim chỉ được chiếu duy nhất tại Ngọc Khánh (Hà Nội) và cụm rạp Tân Sơn Nhất (TP.HCM). Trước đó phim đã được chọn chiếu khai mạc LHP Độc lập New York 2014 và dự LHP Quốc tế Hà Nội 2014 với tên phim “Thiện Nhân”. Đạo diễn Đặng Hồng Giang cho biết, phim được chia làm 6 suất vào ngày thường và 7 suất vào 2 ngày cuối tuần nhưng luôn trong tình trạng kín chỗ. Và anh rất vui vì phim đã ít nhiều tạo nên được “cơn sốt” trong lòng khán giả, tất nhiên “sốt” ở đây là “sốt về mặt cảm xúc chứ không phải “sốt” về doanh thu.

Đặt trong bối cảnh các phim tài liệu vốn chủ yếu được chiếu trong các kỳ liên hoan phim, phát sóng trên tivi hoặc tặng vé miễn phí mà người xem cũng không mấy mặn thì đây không chỉ là một tín hiệu vui mà còn là một niềm tự hào đối với niền điện ảnh nước nhà. Điều này minh chứng cho một sự thật, không phải cứ quảng bá rầm rộ, không phải cứ “sốc – sex – sến”, không phải cứ ngôi sao… thì phim mới hút khách mà những phim nghệ thuật chân chính vẫn luôn có chỗ đứng trong lòng khán giả.

Những “kỳ tích”, “kỳ công”

Nhiều người cho rằng, có lẽ phim tài liệu về những điều tử tế đang trở thành “món ăn tinh thần” lạ miệng của nhiều khán giả Việt. Tuy nhiên, thực tế là không chỉ có “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” và “Lửa thiện nhân” mới “âm thầm” khéo khách đến rạp mà ngay cả một bộ phim truyện nhựa về đề tài chiến tranh “Người trở về” cũng đã làm được điều đó.

“Người trở về” do Điện ảnh Quân đội đầu tư sản xuất để kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Bộ phim được đạo diễn 8x Đặng Thái Huyền nói vui là “bộ phim truyện nhựa cuối cùng của thời kỳ sản xuất phim bằng kỹ thuật số” nhưng thành công lại không thua kém gì các bộ phim điện ảnh được gọi là  “bom tấn”, “phim triệu đô”. Rõ ràng, đề tài của phim không mới. Những bộ phim tâm lý hậu chiến nói về thân phận hay bi kịch của những người trở về từ cuộc chiến, đặc biệt là phụ nữ không thiếu trong kho phim Việt. Điều khiến bộ phim này thành công đó là biết khơi đúng thời điểm và đúng chỗ “ngọn lửa nhân văn” trong mỗi người. Rất nhiều khán giả, nhất là những người phụ nữ từng trở về từ cuộc chiến đã không cầm được nước mắt trong suốt buổi chiếu.

Cảnh Lã Thanh Huyền phải đi mượn ghế nhựa để kê thêm vào rạp cho khán giả được ngồi xem.
Cảnh Lã Thanh Huyền phải đi mượn ghế nhựa để kê thêm vào rạp cho khán giả được ngồi xem.

Và bộ phim đã nhanh chóng lập nên kỳ tích mới đó là “không đắp chiếu” chung với những bộ phim tuyên truyền khác. Thay vào đó là những “cơn sốt” âm thầm. Cứ hễ phim có suất chiếu là khán giả lại kín rạp. 8 suất chiếu, nhân dịp kỷ niệm ngày lễ tại rạp Kim Đồng đã không còn một chỗ trống buộc lòng phải tiếp tục tăng thêm 2 suất chiếu vào 2 ngày cuối tuần. Đã không ít lần Đặng Thái Huyền và Lã Thanh Huyền (diễn viên chính của phim) phải đích thân liên hệ với ban quản lý rạp Kim Đồng mượn ghế nhựa kê thêm để khán giả có chỗ ngồi xem phim. Ngày 17 đến 19/10 vừa qua, phim lại tiếp tục được công chiếu tại cụm rạp CGV ở TP. Hồ Chí Min và cũng luôn trong tình trạng không dư ghế.

NSND, đạo diễn Đặng Nhật Minh cho rằng đây là những “kỳ tích”, “kỳ công”.

“Đây là tín hiệu đáng mừng. Trước nay người ta thường hay quan tâm nhiều đến phim truyện vậy mà phim tài liệu lại làm được hơn phim tài liệu thì cái niềm vui này phải nhân lên gấp bội. Điều này cũng cho thấy, bất kỳ thể loại phim nào muốn đến gần với người xem đều phải xuất phát từ nhu cầu của thực tế”, NSND Đặng Nhật Minh nói.

Một điểm dễ nhận thấy đó là trong 3 bộ phim kể tên trên đều có một điểm chung đó là đề cao những giá trị nhân văn. Cả ba bộ phim đều khiến người xem cảm động và gieo vào lòng họ những trăn trở về thân phận người. Xã hội dù có tiên tiến đến đâu, máy móc có hiện đại đến đâu, đời sống vật chất có nâng cao đến đấu… thì con người cũng vẫn luôn hướng đến những điều tử tế, những giá trị nhân văn.

Hy vọng đây cũng sẽ là tấm gương phản chiếu để giới nghiên cứu và phê bình điện ảnh cũng như các nhà làm phim nhìn nhận đúng hơn những giá trị của phim ảnh.

Hoàng Khánh Đăng

Những cơn “sóng ngầm” của phim Việt đương đại - 4