Những con đường đáng sợ nhất thế giới
(Dân trí) - Những con đường nhỏ hẹp cheo leo trên sườn núi với nhiều điểm cua và dốc thẳng đứng, thậm chí còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ như lở đất đá luôn là thử thách lớn cho các tài xế, thậm chí cả những tay lái lụa nhất.
Người ta gọi những con đường ấy là đường “tử thần”, đường của những hiểm nguy mà đôi khi sự an toàn không phải phụ thuộc vào tay lái mà là may mắn. Có con đường, nguy hiểm không phải ở địa hình mà là nạn cướp hay khủng bố.
Dưới đây là hình ảnh của những con đường nguy hiểm nhất trên thế giới:
Zoji được xem là một trong những con đường đèo quan trọng nhất Ấn Độ vì nó là tuyến chính kết nối tới khu vực vùng sâu và vùng đồi núi của đất nước này. Đường đèo Zoji rất hẹp và nguy hiểm mà mức độ thách thức đối các tài xế còn phụ thuộc vào diễn biến thời tiết. Có thể người qua đường sẽ phải đối mặt với những trận tuyết rơi hay gió cực mạnh. Không những thế dọc đường Zoji, dài 8.96km và cách 3.5km so với mực nước biển, có tới trên 60 điểm thường xảy ra sạt lở đất.
Old Yungas được gọi là con đường “tử thần” tại Bolivia có chiều dài khoảng hơn 60km, nối thủ đô La Paz và thị trấn Coroico trong khu vực rừng Yungas. Hàng năm có tới hơn 100 người đã bỏ mạng tại con đường này vì vậy hai bên đường đầy rẫy những bia mộ. Vô cùng ngoằn ngoèo với nhiều điểm cua, đặc biệt là thường xuyên bị sương mù bao phủ, vì thế khi lái xe ở đây người ta tin vào số phận chứ không phải là kỹ năng lái xe.
Từ những năm 1990, Old Yungas đã trở thành điểm đến hấp dẫn những du khách ưa mạo hiểm. Từ năm 1998 đến nay, cung đường này đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 18 vận động viên đua xe đạp.
Con đường ngoằn ngoèo như một con rắn trườn dọc sườn núi Stigrøra có 11 điểm cua và cách mực nước biển khoảng 853m. Mặt đường rất nhỏ và có rất ít chỗ đủ rộng để 2 ô tô tránh nhau. Đi trên con đường, bạn sẽ bị hút hồn bởi thác nước Stigfossen cao 320m ngày đêm tung bọt trắng xóa, quanh cảnh hai bên đường hết sức hùng vĩ và ngoạn mục.
Những phương tiện vận chuyển dài hơn 12,4 mét đều bị cấm lưu thông trên đường. Cũng vì quá nguy hiểm nên Trollstigen bị đóng cửa vào những tháng mùa thu và đông và chỉ mở cửa trở lại vào cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5 hàng năm.
Đường hầm quanh co này có chiều dài 1.2km, cao 5m và rộng 4m, nối ngôi làng Guoliang (nơi nổi tiếng với những ngôi nhà đá, tường đá, bảng đá, ghế đá, nằm sâu bên trong dãy núi Đại Hàng, phía Tây Nam Bắc Kinh) với thế giới bên ngoài. Với 30 “cửa sổ” đủ mọi hình dáng khác nhau, đường hầm nguy hiểm không chỉ bởi thung lũng sâu hun hút bên dưới mà còn bởi đất đá rơi liên tục từ những vách đá chìa ra ở trên.
Hệ thống đường cao tốc Liên bang Nga trải dài hàng nghìn dặm qua những khu rừng phía Bắc Siberia và những vùng đất đóng băng, nối liền thủ đô Moscow tới thành phố, Yakutsk, một trong những nơi lạnh nhất trên thế giới. Trong suốt mùa đông kéo dài tới 10 tháng, những con đường cao tốc này thường gây nhiều trở ngại cho người đi đường với những đống tuyết lớn, khiến người ta luôn cảm thấy lạnh thấu xương, và đặc biệt sẽ khó tránh khỏi tình trạng xe cộ bị chết máy. Vào tháng 7 và tháng 8 tình hình cũng không khả quan hơn, khi con đường Lena dài 700 dặm tới thành phố Yakutsk bị bao phủ bởi một lớp dày bùn đất.
Con đường dài 288km chạy từ khu bơi lặn Biển Đỏ thuộc thành phố Hurghada đến thành phố Luxor bên bờ sông Nile. Về mặt địa hình, không ai bảo đây là con đường nguy hiểm vì nó khá rộng và bằng phẳng; tuy nhiên, khi đêm về, nơi đây là tụ điểm của các băng cướp và khủng bố, mối đe doạ cho những tài xế không có sự phòng thủ kỹ lưỡng. Các tay lái thường không bật đèn pha vào buổi tối để tránh bị cướp và bị khủng bố tấn công, nhưng điều này lại gây ra nhiều vụ tai nạn do va chạm giữa các xe với nhau.
Đường cao tốc Karakoram nối Trung Quốc với Pakistan dài hơn 1.200km chạy qua Đèo Khunjerab cao 4.62km, ngoằn ngoèo, uốn khúc qua những hẻm núi, tạo nên phong cảnh hùng vĩ dọc theo Con đường Tơ lụa.
Tuyến đường cao tốc Karakoram là tuyến đường trải nhựa quốc tế cao nhất trên thế giới rất hiểm trở và chênh vênh, đặc biệt là dễ bị ảnh hưởng bởi lũ quét. Chính lũ quét gây ra sạt lở đất đã cướp đi sinh mạng của khoảng 1,000 công nhân tham gia xây dựng tuyến đường này.
Nằm tại khu vực phía bắc của Ý gần biên giới Thụy Sĩ, đường đèo Stelvio là một trong những cung đường nguy hiểm nhưng được du khách ghé thăm nhiều nhất thế giới. Công trình được xây dựng vào những năm 1820 và là đường đèo cao nhất tại khu vực phía đông của dãy núi Apls. Con đường có độ cao 2.7km so với mực nước biển và có khoảng 70 điểm cua đã trở thành một điểm hấp dẫn cho các cuộc đua xe máy và xe đạp.
Nối liền thành phố Jalalabad với thủ đô Kabul ở đất nước đầy bất ổn Afghanistan, con đường dài 64km bụi mù này ngày đêm chứng kiến cảnh đá sỏi tung tóe trên đường hay những ôtô thi nhau chạy ngược chiều. Đáng sợ nhất là những tài xế say thuốc phiện liều lĩnh bắn tốc độ vượt qua những chiếc xe tải chở hàng cồng kềnh.
Đây là đường cao tốc cao nhất Philippines. Dài 150 dặm, đường Halsema nối các tỉnh Baguio và Benguet với phía bắc đảo Luzon, đảo lớn nhất Philippines. Các hiện tượng như lở đất, bị trượt do bùn lầy hay đá rơi khá phổ biến trên đường Halsema. Trong khi đó, các tay lái xe buýt thường phóng ở tốc độ cao, rất nguy hiểm cho các phương tiện giao thông khác trên cung đường này.