Những chuyện khó tin về “hậu trường” sát hạch ông đồ ở Văn Miếu

(Dân trí) - Năm nay, các ông đồ bước vào kỳ sát hạch để được chọn viết chữ tại hồ Văn thuộc di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giảm trong tình trạng đã được biết trước đề nhưng nhiều người vẫn trượt hoặc bỏ về khi vừa đọc xong đề thi.

Treo chữ là bản sắc của mỗi gia đình

Đối với người Việt Nam từ bao đời nay, cứ vào đêm giao thừa hoặc mồng một Tết là đi lễ chùa để cầu bình an, mồng hai là đi xin chữ. Nhưng những năm gần đây, việc đi xin chữ thường không cố định vào mồng hai mà có thể kéo dài từ đêm giao thừa cho đến ngoài rằm Nguyên Tiêu. Theo nhiều chuyên gia, từ xưa, việc xin chữ treo trong nhà đầu năm mới là một việc làm quan trọng với mỗi gia đình. Treo chữ gì trong nhà thể hiện bản sắc của mỗi gia đình, cũng là thể hiện những mong ước trong năm mới.

Nhà văn Phan Ngọc từng viết rằng: “…Khi bước vào một căn nhà Việt Nam cái đập vào mắt ta là câu đối, trướng, hoành phi, nhắc chúng ta nhớ đến văn hóa tổ tiên. Tại sao cái tiêu biểu cho văn hóa Việt Nam không phải là những kiến trúc nguy nga của vua chúa mà là chữ? Chữ ghi lại trong các câu đối, hoành phi, trong các gia phả, trong trí nhớ mọi người...”.

Nhiều người quan niệm, chữ viết là tri thức. Trọng chữ là trọng tri thức và niềm tin.
Nhiều người quan niệm, chữ viết là tri thức. Trọng chữ là trọng tri thức và niềm tin.

Trong quan niệm của nhiều người, việc xin chữ không chỉ thể hiện niềm tin, sự quý trọng tri thức mà còn là sự thưởng thức tài năng của người có chữ. Vì thế, nhiều người xem đây là một mỹ tục giàu ý nghĩa xã hội không thể thiếu trong những dịp xuân về Tết đến.

Đó là lý do hai năm nay, Hội chữ Xuân do Trung tâm Hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám phối hợp với các Câu lạc bộ Thư pháp tại Hà Nội được tổ chức ở hồ Văn thuộc khu di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám, biểu tượng của nền khoa bảng Việt Nam. Và hoạt động này đã thu hút hàng trăm nghìn lượt khách đến tham gia tạo nên một nét đẹp rất riêng của Hà Nội.

Trong bài phát biểu khai mạc Hội chữ Xuân Bính Thân 2016 sáng 2/2, ông Trương Minh Tiến - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội nhấn mạnh, Hội chữ Xuân Bính Thân được tổ chức với mong muốn gìn giữ một nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc và phục vụ tốt hơn nhu cầu xin chữ của nhân dân Thủ đô và cả nước.

Trong khuôn khổ Hội chữ Xuân Bính thân, bên cạnh việc cho chữ còn có triển lãm Uống nước nhớ nguồn.
Trong khuôn khổ Hội chữ Xuân Bính thân, bên cạnh việc cho chữ còn có triển lãm "Uống nước nhớ nguồn".

Năm nay, bên cạnh hoạt động cho chữ là triển lãm thư pháp với chủ đề “Uống nước nhớ nguồn”. Triển lãm thư pháp giới thiệu gần 100 tác phẩm của nhiều tác giả tự do và thành viên các Câu lạc bộ Thư pháp tại Hà Nội. Các bức thư pháp được thể hiện trên các chất liệu theo nhiều phong cách khác nhau, ghi lại những lời danh ngôn, giáo huấn, thơ văn… trong dân gian và của các bậc tiền nhân. Đây chính là sự tri ân của thế hệ hôm nay với những người đi trước và đó cũng là giá trị nhân văn, đạo đức truyền thống cao đẹp của dân tộc, luôn và mãi mãi cần được các thế hệ người Việt bảo tồn và phát huy giá trị.

Biết trước đề thi vẫn trượt

Để việc cho chữ vẹn nguyên giá trị thuần Việt, Ban tổ chức (BTC) của Hội chữ Xuân đã tổ chức sát hạch vô cùng kỹ càng. Theo ông Trương Minh Tiến, năm nay, các nhà thư pháp muốn viết chữ trong hồ Văn phải trải qua cuộc thi sát hạch dưới sự kiểm duyệt, đánh giá của CLB Thư pháp UNESCO và các nhà thư pháp nổi tiếng. Ban giám khảo gồm 9 người là những người có trình độ học vấn, có thủ pháp trong giới thư pháp Hà Nội và được giới thứ pháp Hà Nội vinh danh.

Năm nay, cuộc sát hạch ông đồ diễn ra từ hồi tháng 10. 44 ông đồ tham gia nhưng chỉ 15 ông đỗ.
Năm nay, cuộc sát hạch ông đồ diễn ra từ hồi tháng 10. 44 ông đồ tham gia nhưng chỉ 15 ông đỗ.

Về hình thức khảo tuyển (sát hạch), nếu năm 2015, phải khi các ông đồ bước vào thi mới biết đề thì năm nay BTC cho các ông đồ biết đề trước hoặc được phép tra từ điển nhưng với yêu cầu gắt gao hơn. Tuy vậy, năm nay vẫn còn tình trạng vừa đọc đề xong đã vội bỏ thi hoặc có rất nhiều ông đồ bị trượt. Có một ông đồ ở Hải Phòng khi bị trượt đã nhờ BTC tư vấn “lò luyện” và cách học để năm sau tiếp tục ứng thí.

Theo đó, trong cuộc khảo tuyển các tác phẩm thư pháp và sát hạch ông đồ diễn ra ngày 9 và 10/1, BTC đã chọn ra 44 người tham dự trong đó có 15 người đủ tiêu chuẩn, 8 người được cấp thẻ viết chữ trong 3 năm 2016 - 2018 và 7 người được cấp thẻ trong năm 2016. TS Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cho biết, trong số 15 ông đồ trải qua kỳ khảo hạch nói trên, cũng có những người ở diện đỗ “vớt”.

Những người được cấp “thẻ hành nghề” 3 năm là những người đỗ chính thức, còn những thí sinh đỗ vớt chỉ được hoạt động trong năm 2016, năm sau sẽ phải sát hạch lại. Những người đỗ năm ngoái năm nay cũng không phải thi lại. Điều này nhằm góp phần phân loại, không để “vàng thau lẫn lộn” như trước, nhiều người cho chữ sai, chữ xấu vẫn chễm chệ ngồi phố ông đồ trong khi người đi xin chữ không phải ai cũng hiểu được chữ Hán - Nôm, cũng như không “thẩm” hết được cái đẹp của thư pháp Việt.

Ông đồ trẻ múa bút trong ngày khai mạc Hội chữ Xuân Bính Thân
Ông đồ trẻ múa bút trong ngày khai mạc Hội chữ Xuân Bính Thân

Ông Trương Quốc Chí, Phó Chủ nhiệm CLB Thư pháp UNESCO chia sẻ, yêu cầu của các bài thi năm nay là phải có chương pháp hoặc bố cục rõ ràng, chữ đẹp, thẩm mỹ, trình bày đúng chỗ... chỉ cần sai vị trí là không đạt.

“Trình độ viết một bức thư pháp là phải biết thâu tóm mọi yêu cầu. Viết câu đối, hoành phi không cao hoặc thấp quá. Viết xong phải trình bày được ý tưởng thể hiện. Chúng tôi đi vào mặt chữ để loại những người không biết chữ. Không thể để tình trạng người dân đến xin chữ A mà về thành chữ B được”, ông Chí nói.

Tiến sĩ Lê Xuân Kiêu cho biết thêm, đây là năm thứ 2, những người cho chữ phải trải qua quá trình khảo hạch nghiêm túc, để mỗi gia đình khi treo một chữ trong nhà mình thì chữ đó phải đẹp, phải chuẩn, nó có tác dụng không chỉ như một bức tranh trang trí trong nhà mà còn khuyến khích, nhắc nhở mọi người khi nhìn thấy bức tranh đó thì cảm thấy trong lòng mình hướng tới nội dung của chữ.

Hội chữ Xuân Bính Thân không chỉ có các thư pháp gia lão làng như: Đại lão Thư pháp gia Cung Khắc Lược, Nguyễn Thế Anh, Nguyễn Thế Lục, Nguyễn Như Phách, Nguyễn Minh Châu…, mà còn có sự tham gia của các ông đồ trẻ thế hệ 8x, 9x. Theo ông Trương Minh Tiến, số lượng nhà thư pháp trẻ tăng lên là một điều đáng mừng, là dấu hiệu tốt trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể”.

Không chỉ viết chữ đẹp, trình bày đúng bố cục mà ông đồ còn phải biết đóng lạc khoản đúng vị trí.
Không chỉ viết chữ đẹp, trình bày đúng bố cục mà ông đồ còn phải biết đóng lạc khoản đúng vị trí.

Cùng với số lượng ông đồ đã vượt qua cuộc sát hạch năm ngoái, theo BTC năm nay có 138 người viết chữ, được bố trí ngồi trong 100 lều bạt xung quanh hồ Văn, không để tái diễn “phố ông đồ” trên vỉa hè. Ông đồ nào lách luật, sẽ bị xử lý nghiêm, năm sau sẽ không được tham gia viết chữ tại Văn Miếu nữa.

Ngay trong buổi sáng khai mạc, Hội chữ Xuân Bính Thân đã thu hút đông đảo người dân thủ đô và du khách đến tham quan, xin chữ. Hội chữ Xuân Bính Thân diễn ra từ nay đến ngày 15/2/2016 (mùng 8 tháng Giêng năm Bính Thân) trong khuôn viên hồ Văn thuộc Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội.

Hà Tùng Long

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm