Những câu chyện ấm tình người giữa tâm dịch Sài Gòn được vẽ thành tranh
(Dân trí) - Bộ tranh vẽ phong cảnh Sài Gòn và những câu chuyện thấm đẫm tình người, những câu chuyện về sự chia ly, sự hy sinh của mỗi con người trong tâm dịch được họa sĩ Lê Sa Long vẽ khiến người xem xúc động.
Họa sĩ Lê Sa Long cho biết, đầu tháng 5, anh dẫn đoàn sinh viên đi ký họa về cuộc sống của Sài Gòn, sau đó tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn. Ở nhà thực hiện giãn cách, anh tìm đến những trang báo, lựa chọn những câu chuyện cảm động để vẽ, tạo thành bộ tranh ký họa "Sài Gòn trong những ngày giãn cách" chan chứa yêu thương.
Việc làm này của anh góp phần lan tỏa yêu thương đến mọi người để cùng nhau vượt qua đại dịch. Đó cũng là cách anh thể hiện tình yêu với Sài Gòn theo cách riêng của mình.
Hiện anh đã sáng tác được gần 40 bức tranh và vẫn tiếp tục sáng tác, những câu chuyện thấm đẫm tình người, những câu chuyện về sự chia ly, về sự hy sinh của mỗi con người anh đều truyền tải đầy chân thực qua tranh. Họa sĩ chọn hình thức ký họa bằng phấn tiên (pastel), than trên nền giấy Canson, một số bức dùng màu nước.
Mỗi bức tranh họa sĩ Lê Sa Long vẽ đều chứa đựng một câu chuyện cảm động:
Họa sĩ Lê Sa Long vẽ bức tranh này vào tối 24/6, khi anh xem video do nhân viên điều dưỡng huyện Bình Chánh ghi lại, cảnh một bệnh nhi Covid-19 mới 5 tuổi được đưa đi điều trị. Trước đó, bố bé bị nhiễm và được đưa đi chữa, mẹ bé là F1 và được cách ly tập trung. Bé sống với bà ngoại và dì, người bà sau đó cũng mắc Covid-19, bé phải tự lên xe y tế để đến Bệnh viện Trưng Vương điều trị.
Khi tới trước cửa xe, bé xoay người một vòng nhìn vào trong nhà và nhân viên y tế. Sau đó, bé tự giác bước lên xe theo sự hướng dẫn của một nhân viên y tế. Xem đoạn video trên, nhiều người không khỏi xúc động.
Câu chuyện của nữ bác sĩ Phạm Thị Thanh Thúy (30 tuổi, quê ở tỉnh Lâm Đồng) đang làm việc tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện Trưng Vương TPHCM hàng ngày vắt sữa nuôi bé gái 7 tháng tuổi khiến nhiều người cảm động.
Bé cùng bố và anh trai 25 tháng tuổi cùng mắc Covid-19 đang được chữa bệnh tại đây, còn mẹ suy hô hấp nặng, điều trị ở bệnh viện Phạm Ngọc Thạch. Có con trạc tuổi bé gái, chị Thúy nhận nhiệm vụ vắt sữa nuôi bé. Khoảnh khắc chị cho bé uống sữa trong bộ đồ bảo hộ được đồng nghiệp ghi lại và lan truyền trên mạng xã hội.
Tác giả cho biết, đầu tháng 6, anh gặp người phụ nữ lượm ve chai ngồi buồn, nói: "Quán xá không bán, làm gì có phế liệu hay đồ dư mà lượm chú ơi! Dịch giã như thế này thì lấy tiền đâu mà sống!" Nghe mà nhói trong lòng. Chỉ có chú cún nhỏ mà bà nuôi được 5 tháng vẫn hồn nhiên quấn quýt bên bà…
"Hồ con rùa - nơi gần 30 năm trước, khi từ tỉnh nhỏ vào Sài Gòn hoa lệ học - tôi được cô bạn xinh xinh rủ ra ngồi ăn bò bía, đó là lần đầu tiên tôi nếm món ngon học trò Sài Gòn. Sáng 20/6/2021, thấy khu vực bị giăng dây, cô quạnh, thật buồn! Tưởng chừng như trái tim mình cũng đang hắt hiu…", tác giả viết.
Ngày của Cha qua đã lâu, nhưng mỗi khi nhớ đến hoàn cảnh của ông Trần Văn Hưng (58 tuổi) cùng cậu con trai Trần Hiệp Tài (34 tuổi, bại não bẩm sinh) vẫn thấy xúc động. Bao lần ông tuyệt vọng khi nhìn đứa con khờ khạo vốn chỉ biết cười. Nay con đang khóc vì cơn sốt mà mình không một xu dính túi. Rồi họ đã dìu nhau bước qua sự cùng cực ấy, bằng tình thương của một người cha...
Họa sĩ Lê Sa Long chia sẻ: "Tôi vẽ ông Hưng với hình ảnh đôi tay ôm hai vai Tài như muốn che chở con, còn Tài thì cười và chỉ vào ba như muốn nói: "Người cha vĩ đại của tui đó!".
Họa sĩ Lê Sa Long cũng lên kế hoạch sẽ gom toàn bộ các bức ký họa này để tổ chức một cuộc triển lãm mang chủ đề "Sài Gòn trong những ngày giãn cách"
Anh cũng cho biết thêm, hiện đã có rất nhiều người muốn mua những bức họa này. Sau triển lãm, số tiền bán tranh anh sẽ trích ra một phần để ủng hộ quỹ phòng chống dịch Covid-19.
Trước đó, vào tháng 10/2020, họa sĩ Lê Sa Long tổ chức triển lãm bộ tranh Khẩu trang và người nổi tiếng và tập sách ảnh cùng tên. Sau đợt triển lãm này, anh bán được 12 bức tranh và trích ra gần 80 triệu đóng góp cho quỹ người nghèo, quỹ phòng chống Covid-19.
Họa sĩ Lê Sa Long (sinh năm 1968), anh từng đỗ thủ khoa Đại học Mỹ thuật TPHCM năm 1994. Anh hiện là giảng viên Đồ họa Trường Đại học Mở TPHCM, hội viên Hội Mỹ thuật TPHCM.
Họa sĩ Lê Sa Long từng đoạt giải nhất "Chân dung ký họa màu nước" do Hội Mỹ thuật TPHCM tổ chức (năm 1999), giải nhì cuộc thi "Vẽ về Đất nước con người Rumani" nhân kỷ niệm 100 năm Quốc khánh Rumani (1/12/1918 - 1/12/2018) do Lãnh sự quán Rumani tại TPHCM tổ chức (1/2019) cùng nhiều giải thưởng khác.