1. Dòng sự kiện:
  2. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

Những câu chuyện xúc động về lòng trung thành của loài Ngựa

(Dân trí) - Ngựa sắt của Thánh Gióng, ngựa Ô Truy của Hạng Vương…là những con ngựa đã đi vào huyền thoại bởi lòng trung thành, sự dũng mãnh và cả những câu chuyện nhiều hư thực.

Ngựa sắt (Thiết Mã) của Thánh Gióng

Lịch sử Việt nhắc đến ngựa sắt của Thánh Gióng là con ngựa sắt thần kỳ, cao lớn, phi nhanh, có khả năng phun lửa và bay lên trời.
 
Ngựa sắt của Phù Đổng Thiên Vương (Thánh Gióng) có khả năng phun lửa
Ngựa sắt của Phù Đổng Thiên Vương (Thánh Gióng) có khả năng phun lửa

Theo huyền sử thì vào đời Hùng Vương thứ sáu, có quân đội nhà Ân tràn vào xâm lược nước Văn Lang, gây nhiều tội ác. Hùng Vương rất lo và cho sứ giả đi tìm khắp nơi để tìm người tài ra cứu nước. Ở làng Gióng, có cậu bé lên ba tuổi mà không biết nói, biết cười.

Nghe sứ giả của nhà vua đi kén người ra giúp nước, thì cậu nói được và bảo: "Ngài về tâu với đức vua đúc cho con ngựa sắt, roi sắt, áo giáp sắt và chiếc nón sắt mang đến cho ta để ta đi đánh giặc Ân". Sau hôm đó, Gióng lớn nhanh như thổi. Khi ngựa sắt, nón sắt và giáp sắt được mang đến, Gióng vươn vai biến thành tráng sĩ. Tráng sĩ nhảy lên lưng ngựa, ngựa phun lửa, lao vút ra trận.

Sau khi đánh tan giặc Ân, Gióng phi ngựa đến chân núi Sóc Sơn cởi giáp sắt bỏ lại,cả người lẫn ngựa bay về trời… Hùng Vương nhớ ơn Dòng bèn cho lập đền thờ ở Kẻ Dỏng và phong Gióng là Phù Đổng Thiên Vương.

Ngựa Xích Thố của Quan Vân Trường

Ngựa Xích Thố với sắc lông màu đỏ, dài một trượng, cao tám thước, ngày đi vạn dặm được xem như những thần mã của lịch sử Trung Quốc.
 
Hình ảnh Bạch Long Mã được tái hiện trong bộ phim dài kỳ nổi tiếng cùng tên Tây Du Ký
Ngựa Xích Thố dũng mãnh cùng Quan Vân Trường xông pha trận mạc được tái hiện qua nhiều bộ phim, tranh ảnh

Tiểu thuyết Tam Quốc Chí của La Quán Trung có đề cập đến lòng trung thành của con ngựa Xích Thố mà Quan Vũ thường cưỡi xông pha trận mạc. Con ngựa ban đầu là của Đổng Trác sau đó Đổng Trác dùng Xích Thố để thu phục Lã Bố và cùng ông này lập nhiều công lao. Sau đó Xích Thố bị Tào Tháo chiếm đoạt rồi đem biếu cho Quan Vũ hay còn gọi là Quan Vân Trường.

Sau này, Quan Vân Trường thọ nạn, thua trận, bị chém đầu;  Xích Thố lại rơi vào tay một viên tướng nhà Thục Hán khác là Mã Trung. Nhưng lần này nó không còn ngoan ngoãn đi theo chủ nhân mới như trước, mà tuyệt thực đến chết.

Ngựa Ô (Ô Truy) của Hạng Vũ

Ngựa Ô Truy của Tây Sở Bá vương Hạng Vũ được miêu tả là con chiến mã lông đen tuyền, to lớn và vô cùng khỏe mạnh.
 
Hình ảnh Hạng Vũ và ngựa Ô Truy bên bờ song Ô Giang đã trở thành truyền thuyết
Hình ảnh Hạng Vũ và ngựa Ô Truy bên bờ song Ô Giang đã trở thành truyền thuyết

Cùng với Hạng Vũ, ngựa Ô Truy xông vào trận địa cùng 28 kỵ binh khác phá vòng vây của quân Hán Vương Lưu Bang. Sau khi bại trận dưới tay Hán Vương Lưu Bang, Hạng Vũ đã dùng kiếm tự sát bên bờ Ô Giang.

Khi thấy chủ nhân tự sát, ngựa Ô Truy đã nhảy xuống sông Ô Giang chết theo. Cũng có nguồn cho rằng, sau khi thất trận, Hạng Vũ đâm cổ tự sát, con ngựa quanh quẩn bên ông chảy nước mắt, bỏ ăn mà chết…

Với những hành động trên, con ngựa của Hạng Vũ được coi là một chiến mã trung nghĩa sắt son, hết lòng vì chủ…

Ngựa Bucephalas của vua Alexandros đại đế

Là một trong những con ngựa vang danh thế giới và là con ngựa nổi danh thời Hi Lạp Cổ đại phải kể đến con ngựa Bucephalas của vua Alexandros đại đế.
 
Con hắc mã của vua Alexandros đại đế lung danh lịch sử (Ảnh minh họa)

Con hắc mã của vua Alexandros đại đế lung danh lịch sử (Ảnh minh họa)

Chuyện kể rằng, một người lái buôn Ba Tư dắt con hắc mã đến bán cho vua Philippos II của Macedonia nhưng tất cả các tay kỵ mã tài giỏi nhất đều không thể nào điều khiểu nổi con ngựa bất kham này. Hoàng tử Alexandros lúc đó hãy còn là cậu bé, đi chậm rãi đến bên con ngựa, dịu dàng đưa tay vỗ nhẹ vào cổ nó và khẽ lái con thần mã hướng về phía mặt trời để không còn sợ bóng của nó và cuối cùng đã thuần hóa được con vật dữ tợn.

Sau đó vị vua trẻ và con chiến mã đã cùng nhau tung hoành chiến địa, chinh phục cả quốc Ba Tư rộng lớn và dựng lên một đế quốc mới bao la ở Châu Á. Khi con Bucephalas qua đời tại Ấn Độ, Alexandris buồn bã trước cái chết của người bạn thân yêu đã cho lập thành phố Bucephalia để tưởng nhớ nó…

Ngựa Hãn Huyết Mã của Trung uý Pháo binh Bảo Gia Lợi (Bulgaria)

Thời đệ nhất thế chiến Trung uý Pháo binh Bảo Gia Lợi  cùng đồng đội di tản chiến thuật phải vượt biển. Khi đó, luật biển không cho phép thú vật lên tàu.
 
Ngựa Hãn Huyết Mã được ngợi ca vì long trung thành với chủ (Ảnh minh họa)

Ngựa Hãn Huyết Mã được ngợi ca vì long trung thành với chủ (Ảnh minh họa)

Không thể lên tàu cùng chủ, con ngựa Hãn Huyết Mã đã lao xuống biển bơi cùng tàu để theo chủ. Trung úy Pháo binh cảm nghĩa chung tình của ngựa, lấy súng bắn ngựa chết rồi tự bắn mình và nhảy xuống biển ôm ngựa. Cả hai chìm vào lòng đại dương…

Nguyễn Hằng
(tổng hợp)