Những biểu tượng về sự phi thường của phụ nữ
(Dân trí)- Lịch sử thế giới đã chứng minh, lòng gan dạ và sự quả cảm có thể làm nên những phụ nữ phi thường.
Dưới đây là những câu chuyện đằng sau những biểu tượng về những phụ nữ phi thường như thế.
Người phụ nữ chống lại nạn phân biệt chủng tộc
Vào năm 1963, tại vùng Cambridge, Maryland (một tiểu bang thuộc Trung Đại Tây Dương) có một sự chia rẽ sắc tộc diễn ra rất mạnh mẽ. Thậm chí nơi đây còn có một con phố mang tên Race Street để ngăn cách 2 nửa thành phố, những người da đen sống ở một bên và người da trắng ở phần còn lại. Dù được cho là nơi “chia rẽ nhưng công bằng”, những người Mỹ gốc Phi không hề được hưởng dịch vụ chăm sóc y tế cũng như có việc làm hay được tham gia vào trong đội ngũ chính quyền. Trước tình cảnh đó, một người phụ nữ da màu tên là Gloria Richardson (sinh năm 1922) đã mở một cuộc biểu tình với mong muốn thay đổi được thực trạng này. Vào thời điểm đó, có rất nhiều cuộc biểu tình và tuần hành diễn ra trên khắp nước Mỹ. Tuy nhiên điểm khiến Richardson khác biệt là cách bà phản ứng lại với chính quyền. Khi chính quyền da trắng đề nghị đưa ra một khu vực chung ở giữa phần đất của người da đen và da trắng, bà đã từ chối và vẫn tiếp tục cuộc biểu tình. Ngay cả khi Bộ trưởng tư pháp Hoa Kỳ, ông Robert Kennedy mời bà tới Nhà trắng để giảng hòa với chính quyền, bà cũng từ chối bỏ phiếu cho dự thảo họ đưa ra. Theo bà, các quyền cơ bản không phải để bỏ phiếu. Theo đó: "Một công dân hạng nhất không cần phải cầu xin chính quyền da trắng về những thứ mà người da trắng không có quyền tước đoạt hoặc cho đi. Quyền con người là quyền con người, không phải quyền của người da trắng".
Ảnh chụp bà Gloria Richardson và những người biểu tình đối mặt với quân đội quốc gia Hoa Kỳ.
Cuộc biểu tình tiếp tục kéo dài và lực lượng Vệ binh quốc gia được triển khai tới Cambridge. Chính tại thời điểm đó, các nhiếp ảnh gia đã ghi lại được hình ảnh cương nghị đầy dũng cảm của bà Richardson dù bị giải đi với súng và lưỡi lê kề bên cạnh.
Người phụ nữ bị cạo đầu
Đối với bất cứ người phụ nữ nào, mái tóc chính là linh hồn họ, biểu tượng của sự nữ tính. Vậy mà vào những năm 1940, sau thế chiến thứ 2, đã có rất nhiều người phụ nữ bị chịu hình phạt cạo đầu. Họ là những người phụ nữ Pháp trong các trại tập trung và có quan hệ tình cảm với lính Đức. Ở thời điểm đó, việc có bất kỳ mối quan hệ tình cảm nào với lính Đức là điều không được xã hội chấp nhận, họ bị cạo đầu, dẫn giải quanh thành phố để bêu riếu. Đã có khoảng 20 nghìn người bị trừng phạt theo cách này. Bị tổn thương tinh thần nặng nề, đã có không ít hình ảnh được ghi lại bởi nhiếp ảnh gia Robert Capa, với những người phụ nữ khóc nức nở cúi đầu chấp nhận số phận khi bị cạo đầu, nhưng bên cạnh đó vẫn có những người thể hiện được tình thần cứng rắn, kiên cường trước hình phạt hà khắc. Nhiếp ảnh gia hoàn toàn bất ngờ khi ghi lại được những ánh nhìn trực diện vào ống kính như một sự phản kháng đối đầu lại việc trừng phạt trên.
Những hình ảnh ghi lại việc rất nhiều phụ nữ Pháp bị cạo đầu bêu riếu sau CTTG 2 vì đã có quan hệ tình cảm với lính Đức.
Người phụ nữ mang thời trang tới vùng chiến sự
Meliha Varesanovic là một người phụ nữ vô cùng đặc biệt. Bà làm việc tại Sarajevo vào năm 1995, trong thời gian diễn ra cuộc bao vây thủ đô được cho là lâu nhất trong lịch sử hiện đại. Trong hơn 4 năm, người Bosnia đã bị bao vây bởi lực lượng của hơn 13 nghìn lính Serbia. Quân Serbia tìm cách tiêu diệt dần dân số Sarajevo bằng cách nã pháo vào các khu vực đông người và dùng lính bắn tỉa để nhắm vào cư dân thành phố. Trong nhiều năm, người Bosnia phải đối mặt với việc di chuyển hết từ tòa nhà này sang toà nhà khác với nỗi lo về việc mình trở thành mục tiêu của các tay bắn tỉa.
Trong hoàn cảnh như vậy, để đối mặt với bom đạn, sự tra tấn về tinh thần cũng như thể xác, bà Meliha đã chọn cách ăn mặc thật đẹp và hợp mốt. Bà luôn ngẩng cao đầu và tới nơi làm việc như thể quân đội Serbia không hề tồn tại. Bà nhìn qua những người lính đang bao vây thành phố như thể họ không có mặt ở đó. Bức ảnh nổi tiếng của nhiếp ảnh gia người Anh, Tom Stodart chụp Verasanovic trên đường tới nơi làm việc đã cho thấy rõ sự đối lập giữa thời trang và sự khắc nghiệt của chiến tranh.
Meliha Varesanovic chọn cách ăn mặc thật đẹp và thời trang để đồi mặt với nỗi sợ hãi vì chiến tranh.
Bằng cách đó bà đã truyền đi thông điệp của mình với quân đội Serbia rằng : "Các người sẽ không bao giờ đánh bại được chúng tôi". 20 năm sau, vị nhiếp ảnh gia quay lại Sarajevo và lại tìm thấy Varesanovic. Bà vẫn sang trọng như ngày nào, vô cùng thời trang và tự tin bước trên đường phố.
20 năm sau bà Meliha vẫn giữ được cho mình vẻ ngoài thời trang cùng phong thái tự tin bước trên đường phố.
Người phụ nữ không để cái chết chia cắt mình với tình yêu
Ở Hà Lan, có một nơi mà dân cư bị chia cắt hoàn toàn bởi tôn giáo. Người theo đạo Tin Lành và người theo đạo Thiên Chúa có trường học, báo chí, ngân hàng, bệnh viện của riêng mình và họ không bao giờ ngồi chung với nhau trừ khi ở cơ quan chính quyền. Có thể nói, quan hệ giữa 2 phe như nước với dầu, không bao giờ có thể trộn lẫn với nhau. Do đó, khi một nữ quí tộc Thiên Chúa giáo có tên là J.C.P.H. van Aefferden cưới một thường dân theo đạo Tin lành có tên J.W.C. van Gorkum vào năm 1842, họ đã vấp phải rất nhiều sự phản đối từ cả 2 cộng đồng với cuộc hôn nhân này. Vượt qua dư luận, cặp vợ chồng van Gorkum đã sống hạnh phúc cùng nhau trong suốt 40 năm cho tới khi người chồng qua đời năm 1880. Là một người theo đạo Tin lành, người chồng được chôn ở khu vực riêng có tường bao ở nghĩa trang, tách biệt với khu vực cho người Thiên chúa. Và như vậy, nếu bà Van Gorkum qua đời, bà sẽ được chôn trong một lăng mộ lớn cùng gia đình ở khu vực tách biệt với nơi chồng bà an nghỉ. Tuy nhiên, bà Van Gorkum đã không để điều đó xảy ra, bà lên một kế hoạch và 8 năm sau khi qua đời, bằng cách nào đó thay vì được chôn ở khu lăng mộ của gia đình, bà đã chọn an nghỉ ở ngày phía tường đối diện với ngôi mộ của chồng bà. Hai ngôi mộ nằm sát cạnh nhau qua một bức tường và nối với nhau bởi đôi bàn tay đang năm chặt.
Dù thuộc hai tôn giáo khác nhau, hai vợ chồng bà Van Gorkum đã không để bị chia lìa, kể cả khi họ đã qua đời.
Người phụ nữ nhảy lên mui xe tổng thống Iran
Vào tháng 4/2012, tổng thống Iran tới thăm thành phố cảng Bandar Abbas. Khi đó, ông bị một đám đông bao vây và dừng cả đoàn xe trên đường. Các vệ sĩ không thể ngăn được việc người dân chuyển tới tổng thống hàng loạt lá đơn kêu cứu. Giữa sự hỗn loạn đó, một người phụ nữ đã tìm được đường tới trước xe tổng thống và leo lên mui xe. Mặc cho việc các vệ sĩ kéo chân mình cũng như đám đông hò hét ra hiệu, hay chính tổng thống Ahmadinejad đang nhìn chằm chằm vào mình, người phụ nữ tiếp tục leo lên nóc xe. Trước khi bày tỏ quan điểm với tổng thống, người này còn quay lại yêu cầu đám đông im lặng.
Người phụ nữ Iran gan dạ đã bất chấp đám đông leo lên trước mui xe của tổng thống.
Phan Hạnh
Tổng hợp