Những bìa sách “té giếng”: Phải đọc tác phẩm thì vẽ bìa mới đúng
Đã vẽ hàng ngàn bìa sách, báo nhưng “rất may” chưa có bìa nào do họa sĩ Trung Dũng thực hiện bị mang tiếng xấu. Sự may mắn này đến từ sự cẩn trọng, vì trước khi vẽ bìa anh đều đọc lướt qua nội dung tác phẩm.
Họa sĩ Trung Dũng
Họa sĩ Trung Dũng có cuộc trao đổi với TT&VH Cuối tuần về chuyện làm nghề và cả những chuyện “khó tin” nằm trên các bìa sách.
Vụ bìa sách “Công Lý” vừa rồi, anh nhìn nhận như thế nào dưới góc độ một người làm nghề?
Những cuốn sách về luật lâu nay thường được trình bày bìa rất khô cứng (luật thì phải nghiêm mà). Trong trường hợp này, tôi nghĩ có lẽ: NXB và những người biên tập cuốn sách này muốn “em nó” có cái bìa vui vẻ, “bắt mắt” gây ấn tượng khác với bạn đọc nên họ gợi ý cho người thiết kế một “cái gì đấy” theo ý như vậy.
Trong quá trình tìm tư liệu, chắc là họ gõ vào Google mấy chữ “công lý vui vẻ” hay “công lý hài”… Màn hình sẽ hiện ra cơ man nào là hình nữ thần công lý kèm hình ảnh diễn viên hài Công Lý. Thế là bèn photoshop “phối kết hợp” một số bộ phận của các hình ảnh mang biểu tượng và ý nghĩa trái ngược này vào với nhau thành ra hình ảnh “công lý mặc quần nhỏ mang bộ mặt tức cười” mà dư luận đang rùm beng.
Thế nhưng về hình thức, bìa sách này phải nói là xấu, người làm bìa này không phải là họa sĩ, anh/chị ấy chắc chỉ là một thiết kế viên chưa thạo nghề cho lắm. Nói chung trong chuyện này, những người làm sách đã đùa hơi quá tay, quá trán…
Khi làm việc với những nhà làm sách, anh thấy họa sĩ thiết kế bìa có được họ coi trọng, đánh giá đúng tầm?
“Trọng” hay “khinh” mình không biết, chỉ biết là với một số NXB và một số ít nhà sách thì sau thời gian “mình làm bìa cho họ, họ làm bạn với mình” và trở thành anh em thân thiết… Còn “đúng tầm” hay không mình cũng không biết vì mình không quan tâm lắm, cứ anh em đặt hàng, rảnh rỗi thì làm, làm xong, sách phát hành, họ gửi nhuận bút: có NXB trả 600.000đ đến 1.000.000 đ/bìa, có NXB trả từ 1.500.000đ đến 2.500.000 đ/bìa, tôi đều nhận vui vẻ, chưa bao giờ thắc mắc, so bì.
Riêng tôi, những cái bìa mình vẽ thấy “có tầm” nhất là những bìa mình làm “miễn phí” cho các tác giả là bạn bè thân thiết. Khi làm bìa không bị áp lực của sự “đặt hàng” thì mình có nhiều cơ hội để sáng tạo theo ý mình hơn.
Hình như các họa sĩ làm bìa sách ít khi đọc nội dung mà chỉ đọc cái tựa sách rồi cứ thế mà phăng ra, với anh có như thế không?
Với người khác mình không biết, riêng tôi, khi được đặt hàng vẽ bìa, minh họa… tôi đều yêu cầu biên tập sách cung cấp bản thảo và đọc sơ, nắm ý rồi mới vẽ. Chưa bao giờ tôi làm bìa theo kiểu căn cứ trên cái tựa và tên tác giả.
Việc làm bìa, minh họa theo “tựa” đã có nhiều chuyện cười ra nước mắt. Cách đây vài chục năm, một người được đặt hàng vẽ minh họa cho truyện ngắn Con cong (do gõ không có dấu). Người ấy liếc qua cái tựa, vừa uống rượu vừa vẽ minh họa, sau khi phát hành, mọi người cười ngất vì truyện ngắn này có tên đầy đủ là Con còng, nhưng hình minh họa là một con công rất duyên dáng, xinh đẹp.
Để có một bìa sách đẹp, phản ánh đúng nội dung cuốn sách, thì họa sĩ phải…?
Đẹp, xấu thì khó nói vì còn rất nhiều yếu tố nhưng muốn có cái bìa ấn tượng, phản ánh đúng nội dung tác phẩm thì người vẽ bìa phải đọc nội dung trước khi vẽ cái đã.
Về bìa đẹp hay không còn tùy vào sự hào hứng với tác phẩm, ý tưởng thể hiện, nguồn tư liệu, tay nghề và gu thẩm mỹ… Chưa kể, một ngày xấu trời, họa sĩ gặp người đặt hàng là một biên tập hay một tác giả bảo thủ, cầu toàn… họ chỉ muốn bạn làm theo ý họ, họ quy định màu nền, hình minh họa, font chữ… và thế là “hên xui” theo ý họ thôi. Gặp những trường hợp như vậy, bìa sách không còn là sáng tạo nữa mà nó là tác phẩm của tác giả hay của biên tập viên.
Trong giới họa sĩ chuyên thiết kế bìa sách hiện nay, anh đánh giá những họa sĩ nào là “có nghề”, vì sao? Và với số lượng đầu sách in rất nhiều hiện nay, số lượng họa sĩ chuyên nghiệp như thế có đủ để đáp ứng hay chỉ cần những người giỏi kỹ thuật dàn bìa là đủ?
Họa sĩ giỏi chưa chắc đã làm bìa đẹp, người giỏi đồ họa cũng thế. Và đôi khi một họa sĩ vẽ giỏi, thành thạo các phần mềm đồ họa cũng chưa chắc làm ra bìa đẹp vì đơn giản, vẽ bìa sách là một công việc khác hẳn vẽ tranh hoặc làm các sản phẩm đồ họa cho báo chí hay quảng cáo. Một bìa sách đẹp, theo tôi, nó phải là chiếc áo vừa vặn, sang trọng, trở thành bộ mặt tự tin của tác phẩm.
Hiện tại, nhiều họa sĩ và designer làm bìa rất đẹp tôi không thể biết hết được nhưng vào các nhà sách thì thấy “bộ mặt” sách thời nay rất phong phú. Tôi chỉ nhớ và thích một số họa sĩ vẽ bìa rất chuyên nghiệp như: Đỗ Duy Ngọc, Trần Đại Thắng, Điêu Quốc Việt, Mai Quế Vũ, Bùi Nam, Trí Đức…
Theo Hoàng Nhân
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần